Phản ứng của Bộ Ngoại Giao TQ trước nhận xét của ĐTC Phanxicô. Căng thẳng trong tang lễ Nữ Hoàng Anh

Tin thế giới

Tin thế giới

Đã có những căng thẳng ngoại giao chung quanh tang lễ của Nữ Hoàng Anh. Điện Cẩm Linh nói rằng quyết định cấm Vladimir Putin tham dự lễ tang của Nữ hoàng là 'vô cùng trái đạo đức'.
1. Tuyên bố của Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh

Hôm 16 tháng 9, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Cha Paul R. Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các Quốc gia và Tổ chức Quốc tế, sẽ đại diện cho Đức Thánh Cha Phanxicô tại Lễ tang Nữ hoàng Elizabeth II tại Tu viện Westminster vào Thứ Hai ngày 19 tháng 9 năm 2022.

Tưởng cũng nên biết, Đức Cha Paul Gallagher là người Anh. Do đó, đây cũng là điều phù hợp và là một dịp thích hợp để ngài về thăm quê hương.

Đã có những căng thẳng ngoại giao chung quanh tang lễ của Nữ Hoàng Anh. Điện Cẩm Linh nói rằng quyết định cấm Vladimir Putin tham dự lễ tang của Nữ hoàng là 'vô cùng trái đạo đức'.

Các quan chức Điện Cẩm Linh cho biết, Anh quốc đã đưa ra quyết định không mời bất kỳ quan chức Nga nào tới dự lễ tang của Nữ hoàng Elizabeth và coi đó là một quyết định 'vô đạo đức sâu sắc'.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Điện Cẩm Linh Maria Zakharova cho biết Nga vẫn đưa ra lời chia buồn tới người dân Anh về cái chết của bà bất chấp biến cố không được mời này.

Trong một tuyên bố gửi đến hãng thông tấn Tass, bà Zakharova cho biết: 'Bộ Ngoại giao Anh đã thông báo cho Đại sứ quán Nga tại London về quyết định không mời Nga tham dự lễ tang sau cái chết của Nữ hoàng Elizabeth II. Quyết định này bao gồm cả các quan chức cấp cao của Đại sứ quán Nga đang có mặt tại London.”

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Điện Cẩm Linh nói tiếp: “Chúng tôi tin rằng việc Vương quốc Anh cố gắng lợi dụng một thảm kịch quốc gia đã chạm đến trái tim của hàng triệu người trên thế giới để dàn xếp tỷ số với chúng tôi trong những ngày tang tóc này là vô cùng trái đạo đức.”

Phu nhân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy được tường trình sẽ có mặt tại tang lễ của Nữ Hoàng.
Source:Holy See Press Office

2. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng trước nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong cuộc họp báo hôm 14 tháng 9, phóng viên của thông tấn xã AFP hỏi phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc (Mao Ning, 毛宁)rằng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô của Giáo Hội Công Giáo Rôma hôm qua cho biết trên đường đến Kazakhstan rằng ngài sẵn sàng đến Trung Quốc bất cứ lúc nào. Trung Quốc có cân nhắc đàm phán với Đức Giáo Hoàng không?

Mao Ninh trả lời rằng: Tôi cũng đã ghi nhận các báo cáo liên quan và đánh giá cao tình hữu nghị và thiện chí mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã truyền đạt. Trung Quốc và Vatican duy trì liên lạc tốt. Chúng tôi cũng sẵn sàng tiếp tục duy trì đối thoại và hợp tác với Vatican và tích cực thúc đẩy quá trình cải thiện quan hệ.

Tưởng cũng nên nhắc lại, sáng sớm hôm 13 tháng Chín năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên đường thực hiện chuyến tông du lần thứ 38 trong triều đại Giáo hoàng của ngài, tại Nur-Sultan, thủ đô Cộng hòa Kazakhstan, cho đến chiều ngày 15 tháng Chín, với mục đích tham dự Hội nghị Lần thứ 7 các vị lãnh đạo Thế giới và các truyền thống tôn giáo, và viếng thăm cộng đoàn Giáo Hội Công Giáo địa phương.

Như thói quen, Đức Thánh Cha đã chào thăm các ký giả cùng đi và cám ơn họ vì sự kiên nhẫn và trợ giúp trong chuyến đi này. Trong cuộc trò chuyện với các phóng viên trên chuyến bay, Đức Giáo Hoàng nói: “Tôi luôn sẵn sàng đến Trung Quốc”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Kazakhstan vào ngày 14 tháng 9, giữa chuyến công du ba ngày của Đức Thánh Cha Phanxicô tới quốc gia Trung Á. Reuters đưa tin rằng Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài không “có bất kỳ tin tức nào” về suy đoán rằng ngài có thể gặp ông Tập trong chuyến đi. Đây không phải là lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô và Tập Cận Bình cùng có mặt tại một thành phố. Lần thứ nhất xảy ra là khi Đức Thánh Cha Phanxicô tông du Hoa Kỳ từ 22 đến 27 tháng 9 năm 2015.

Chuyến thăm trùng hợp của Đức Phanxicô và ông Tập diễn ra khi Tòa thánh và Trung Quốc xác định việc gia hạn thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục ở Trung Quốc và một Hồng Y Công Giáo đang chuẩn bị hầu tòa ở Hương Cảng vì vai trò của ngài trong một quỹ pháp lý ủng hộ dân chủ.

Một nguồn tin trong Quốc hội Kazakhstan nói với CNA vào tuần trước rằng “về mặt lý thuyết là có thể” là Đức Giáo Hoàng và ông Tập có thể gặp nhau trong chuyến đi. Nhưng một cuộc gặp gỡ như vậy sẽ là chưa từng có.
Source:fmprc.gov.cn

3. Cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha trên chuyến bay trở về từ Kazakhstan. Cung cấp vũ khí cho Ukraine

Rudiger Kronthaler, ARD: “Thưa Đức Thánh Cha, xin cảm ơn Đức Thánh Cha vì thông điệp hòa bình của ngài, con là người Đức, như Đức Thánh Cha có thể nghe thấy từ giọng nói của con. Người dân của con phải chịu trách nhiệm cho hàng triệu cái chết cách đây tám mươi năm. Con muốn hỏi một câu hỏi về hòa bình, vì dân tộc của con có trách nhiệm đối với hàng triệu người chết, chúng con học ở trường rằng bạn không bao giờ được sử dụng vũ khí, không bao giờ được dùng bạo lực: ngoại lệ duy nhất là quyền tự vệ. Theo Đức Thánh Cha, Ukraine có nên được cung cấp vũ khí vào lúc này không? “

Đây là một quyết định chính trị, có thể là đạo đức - có thể chấp nhận được về mặt đạo đức - nếu nó được thực hiện theo các điều kiện của đạo đức, vốn đa dạng, và sau đó chúng ta có thể nói về nó. Nhưng nó có thể là trái đạo đức nếu nó được thực hiện với ý định kích động thêm chiến tranh hoặc bán vũ khí hoặc loại bỏ những vũ khí không còn cần thiết. Động cơ là điều phần lớn xác định ra tính đạo đức của hành vi này. Tự vệ không những hợp pháp mà còn là biểu thức nói lên tình yêu quê hương đất nước. Những người không bảo vệ chính mình, những người không bảo vệ một điều gì đó, thì không yêu thương nó, trái lại, những người bảo vệ nó, chắc chắn yêu thương nó.

Ở đây bạn đề cập đến một điều khác mà tôi đã nói trong một bài phát biểu của mình, đó là người ta nên suy nghĩ nhiều hơn về khái niệm chiến tranh chính nghĩa. Bởi vì ngày nay mọi người đều nói về hòa bình: trong rất nhiều năm, trong bảy mươi năm, Liên Hiệp Quốc đã nói về hòa bình; họ đã có rất nhiều bài phát biểu về hòa bình. Nhưng hiện tại có bao nhiêu cuộc chiến đang diễn ra? Cuộc chiến bạn đề cập, Ukraine-Nga, bây giờ là Azerbaijan và Armenia đã ngừng một thời gian nhờ Nga đóng vai trò người bảo đảm: người bảo đảm hòa bình ở đây và gây chiến ở kia... Sau đó là Syria, mười năm chiến tranh, điều gì tiếp tục ở đó mà vì đó nó không bao giờ dừng lại? Những lợi ích nào đang thúc đẩy những thứ này? Rồi vùng Sừng Phi Châu, rồi phía bắc Mozambique, hay Eritrea và một phần của Ethiopia, rồi đến Myanmar với những con người đau khổ mà tôi vô cùng yêu mến, những người Rohingya cứ đi quanh quẩn như một người gypsy và không tìm thấy bình yên. Nhưng chúng ta đang ở trong một cuộc chiến tranh thế giới, làm ơn...

Tôi nhớ một sự kiện có tính bản thân, khi còn nhỏ; lúc ấy tôi chín tuổi. Tôi nhớ nghe tiếng báo động của tờ báo lớn nhất ở Buenos Aires: đôi khi để ăn mừng và những lúc khác để đưa tin xấu. Họ sẽ nói điều đó - bây giờ họ không còn nói nữa - và điều đó được nghe thấy ở khắp thành phố. Mẹ nói: “Chuyện gì vậy?” Chúng tôi đang ở trong chiến tranh, năm 1945. Một người hàng xóm đến nhà, và nói, “Chuông báo động...” và bà ấy khóc, “Chiến tranh đã kết thúc!” Và tôi vẫn thấy má và người hàng xóm khóc vì sung sướng vì chiến tranh đã kết thúc, ở một đất nước Nam Mỹ, rất xa! Những người phụ nữ này biết rằng hòa bình lớn hơn tất cả các cuộc chiến tranh, và họ đã khóc vì sung sướng khi hòa bình được tạo ra. Tôi không thể quên điều đó.

Tôi tự hỏi, không biết ngày nay trái tim chúng ta có được giáo dục đủ để khóc vì sung sướng khi thấy hòa bình hay không. Mọi thứ đã thay đổi. Nếu bạn không gây chiến, bạn không có ích gì! Rồi kinh doanh vũ khí. Đây là một cửa hàng của các sát thủ. Ai đó hiểu về số liệu thống kê đã nói với tôi rằng nếu bạn ngừng chế tạo vũ khí trong một năm, bạn sẽ giải quyết được tất cả nạn đói trên thế giới - tôi không biết điều đó có đúng hay không. Nhưng nạn đói, nền giáo dục; nó vô dụng, bạn không thể vì bạn phải chế tạo vũ khí.

Ở Genoa vài năm trước đây, ba hoặc bốn năm trước đây, một con tàu chở đầy vũ khí đã đến để chuyển chúng sang một con tàu lớn hơn sắp đi đến Phi Châu, gần Nam Sudan. Các công nhân bến tàu không muốn làm điều đó; họ phải trả giá, nhưng họ nói, “Tôi sẽ không hợp tác.” Đó là một giai thoại nhưng là một giai thoại khiến người ta cảm thấy ý thức về hòa bình.

Bạn nói về quê hương của bạn. Một trong những điều tôi học được từ các bạn là khả năng ăn năn và xin tha thứ cho những sai lầm trong chiến tranh. Và điều nữa, không chỉ xin tha thứ, mà còn đền trả cho những sai lầm trong chiến tranh nữa - điều này nói rất tốt về các bạn. Đó là một tấm gương mà chúng ta nên noi theo. Chiến tranh tự nó là một sai lầm; đó là một sai lầm! Và ngay bây giờ chúng ta đang hít thở bầu không khí này: nếu không có chiến tranh thì dường như không có sự sống. Hơi lộn xộn nhưng tôi đã nói tất cả những gì tôi muốn nói về chiến tranh chính nghĩa. Nhưng quyền tự vệ, thì có, điều đó có, nhưng hãy sử dụng nó khi cần thiết.