Phát hiện mới tại Ý về virus Tầu. Những tấn kích dồn dập nhắm vào Thẩm Phán Công Giáo Amy Barret

Tin thế giới

Tin thế giới

Barrett hiện là thẩm phán tại Tòa phúc thẩm số bảy và trước đây là giáo sư tại Khoa Luật Đại học Notre Dame. Là một bà mẹ 7 con, cô là thành viên của People of Praise, một nhóm đặc sủng đại kết được thành lập vào những năm 1970 trong đó khích lệ các tín hữu tìm kiếm các ơn Chúa Thánh Thần để thực hành đức tin của họ trong cộng đồng

1. Khoa học gia Ý chứng minh coronavirus là nhân tạo, do Trung Quốc chế ra

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết theo Giáo sư Joseph Tritto, coronavirus là nhân tạo, do Trung Quốc gây ra.


Giáo sư Joseph Tritto là tác giả cuốn “Cina Covid 19. La Chimera che ha cambiato il Mondo”, nghiã là “Covid 19 của Tầu. Quái thú thay đổi Thế Giới”, vừa được nhà xuất bản Edizioni Cantagalli phát hành trong tháng 9 vừa qua.

Trong cuốn sách này, tác giả đưa ra nhiều luận cứ khoa học dẫn đến kết luận virus này không có trong tự nhiên mà được tạo ra trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, nói chính xác là thuộc phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4 của Trung Quốc.

Ngoài những trách nhiệm đạo đức về những gì đã xảy ra, đại dịch Trung Quốc này đang phá vỡ cuộc sống và nền kinh tế của toàn thế giới, khi hướng đến tương lai.

Theo quan điểm của ông, có một nhu cầu cấp bách cần phải có các quy tắc an toàn trên toàn thế giới nhằm điều chỉnh các nghiên cứu liên quan đến cách tạo ra virus trong các phòng thí nghiệm, về cách các phòng thí nghiệm P4 (an toàn sinh học cấp độ 4) có thể hoạt động, về mối quan hệ giữa các phòng thí nghiệm quân sự và dân sự, và buộc Trung Quốc và các nước khác phải ký công ước về vũ khí sinh học và độc tố.
 


Source:Asia News


2. Trong buổi đọc kinh Mân Côi trực tuyến, các giám mục Hoa Kỳ xin Mẹ Maria cầu bầu cho Hoa Kỳ

Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã chủ sự buổi lần chuỗi Mân Côi vào hôm Thứ Tư cùng với một số giám mục khác, để xin Đức Mẹ cầu bầu cho Hoa Kỳ.

Mười hai giám mục Hoa Kỳ đã cầu nguyện các mầu nhiệm Năm Sự Sáng vào ngày 7 tháng 10, lễ Đức Mẹ Mân Côi, trực tiếp trên các trang Facebook và YouTube của USCCB.

Các giám mục đã xin Mẹ Maria cầu bầu cho đất nước, đặc biệt khi Hoa Kỳ đang đối mặt với những sự kiện quan trọng bao gồm đại dịch COVID-19, bạo loạn và bất ổn, và cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Trong video, Đức Cha Gregory Mansour, Giám Mục Brooklyn đưa ra một số ý cầu nguyện của các giám mục và kết thúc chuỗi Mân Côi với một bài thánh ca về Đức Mẹ.

“Chúng ta hãy cầu nguyện, Lạy Chúa xin gìn giữ trái đất và chúng con khỏi sự tàn phá của những cơn thịnh nộ, những nguy hiểm, chia rẽ, chiến tranh, nạn đói và dịch bệnh. Xin hãy thương xót chúng con, xin chữa lành người bệnh, giúp đỡ người nghèo, cứu những người bị áp bức, xin ban ơn yên nghỉ cho các tín hữu là những người đã từ giã chúng con để đến với Chúa,” ngài nói.

Phát biểu từ Nhà thờ Đức Mẹ là Nữ Vương Các Thiên thần ở Los Angeles, Đức Tổng Giám Mục Gomez bắt đầu buổi lần hạt bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cùng nhau cầu nguyện. Ngài bày tỏ hy vọng rằng Đức Mẹ sẽ giúp nước Mỹ hoàn thành sứ mệnh mang lại “bình đẳng, tự do và công lý cho tất cả mọi người”.

“Chào mừng anh chị em,” ngài nói. “Đây thực sự là một khoảnh khắc lịch sử. Hôm nay, chúng ta tập hợp lại với nhau như những người có đức tin để cầu nguyện cho quốc gia của chúng ta”.

“Chúng ta là những nhà truyền giáo vào thời gian này và tại địa điểm này. Chúng ta được kêu gọi để mang Tin Mừng đến cho người dân của đất nước chúng ta ngày nay. Vì vậy, chúng ta hãy dâng chuỗi Mân Côi này cho Hoa Kỳ. Chúng ta cầu xin Mẹ Maria nhìn đến đất nước chúng ta với ánh mắt từ ái của Mẹ. Chúng ta cầu khẩn Mẹ cầu bầu cho quốc gia vĩ đại này,” ngài nói.

“Chúng ta cầu nguyện để nước Mỹ có thể hoàn thành tầm nhìn đẹp đẽ của những nhà truyền giáo và những người sáng lập đất nước chúng ta, như một vùng đất nơi tất cả những người nam nữ được đối xử như con cái của Chúa trong bình đẳng, tự do và công lý cho tất cả mọi người”.

Lời cầu nguyện mở đầu những chục kinh của chuỗi Mân Côi đã được cất lên bởi Đức Giám Mục Michael Burbidge của Arlington, Đức Cha William Joensen Giám mục Des Moines, và Đức Cha Thomas Daly Giám mục Spokane.

Các vị Giám mục Alfred Schlert của Allentown, Shelton Fabre của Houma-Thibodaux, Daniel Flores của Brownsville, Felipe de Jesús Estévez của Thánh Augustine, và Đức Cha phụ tá Robert Reed của Boston đã đọc các kinh Kính Mừng. Riêng mầu nhiệm thứ ba được nguyện bằng tiếng Tây Ban Nha.


Source:Catholic News Agency

3. Đức Tổng Giám Mục Miami chỉ trích những người chống Thẩm Phán Amy Coney Barrett vì niềm tin của cô

Chủ tịch ủy ban tự do tôn giáo của các giám mục Hoa Kỳ đã trả lời hôm thứ Năm trước sự tấn công liên tục nhắm vào Thẩm Phán Amy Coney Barrett, ứng viên Tòa án Tối cao, vì niềm tin Công Giáo của cô

“Hiến pháp nói cụ thể rằng không được kỳ thị người có niềm tin tôn giáo trong khi xác nhận vào một chức vụ công quyền.” Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski Miami nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, hôm thứ Năm 8 tháng 10. Điều trần xác nhận Thẩm Phán Barrett vào Tòa án Tối cao bắt đầu vào ngày 12 tháng 10 trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện.

Đức Tổng Giám Mục nói, những người đang “nêu vấn đề” về niềm tin tôn giáo của Barrett trong quá trình xem xét đề cử của cô vào Tòa án Tối cao, “ không tôn trọng các nguyên tắc của Hiến pháp của chúng ta và do đó họ góp phần phá hoại nhà nước pháp quyền của chúng ta”.

Barrett, một thẩm phán của tòa phúc thẩm thứ 7 và là một bà mẹ Công Giáo có 7 đứa con, cũng là một cựu giáo sư luật tại Đại Học Notre Dame và thành viên của nhóm đại kết People of Praise.

Niềm tin Công Giáo của cô đã bị báo chí và các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ tấn công ráo riết. Vấn đề là nếu cô lọt vào Tối Cao Pháp Viện, tỷ số các Thẩm Phán phò sinh sẽ lên đến 6 trên tổng số 9 vị Thẩm Phán. Trong trường hợp này, đảng Dân Chủ lo ngại rằng cô cùng với 5 vị kia sẽ lật lại phán quyết Roe chống Wade, là phán quyết đã hợp pháp hóa phá thai tại Mỹ.

Tuần này, Tờ The Guardian và Washington Post đưa tin rằng Barrett, khi còn là sinh viên luật, cư trú tại nhà của người đồng sáng lập nhóm People of Praise, một nhóm đại kết có sức lôi cuốn được thành lập vào năm 1971 tại South Bend, Indiana.

People of Praise là nhóm cổ vũ canh tân trong Thánh Linh được các Giám Mục Hoa Kỳ hỗ trợ nhưng Tờ The Guardian vu cáo nhóm này là một “hội kín” và cho biết nhóm “đã bị chỉ trích vì đã chi phối cuộc sống của các thành viên và khuất phục phụ nữ”.

Hôm thứ Ba, tờ Washington Post đi xa đến mức cho rằng Barrett giữ vị trí “nữ tỳ” trong People of Praise. Ý muốn nói là người phải phục tùng mù quáng các chỉ đạo của nhóm mà không được có ý kiến.

Đức Tổng Giám Mục Wenski đã lên tiếng phản đối việc giải thích sai trái từ ngữ “nữ tỳ”.

“Từ ‘Handmaiden’ (“nữ tỳ”) tiếng Latinh là ‘ancilla’ - có nguồn gốc sâu xa trong Kinh thánh và trong Tân Ước đặc biệt khi đề cập đến Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu. Mẹ luôn tuyên bố mình là ‘nữ tỳ của Chúa’”, Đức Tổng Giám Mục Wenski nói.


Source:Catholic News Agency

4. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell: Tấn công đức tin của Thẩm Phán Barrett là tấn công đức tin của hàng triệu người Công Giáo Mỹ

Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đã lên tiếng chỉ trích các cuộc tấn công nhắm vào ứng viên Công Giáo Amy Coney Barrett, là người đang được đề cử của Tòa án Tối cao.

“Thật là một sự phân biệt đối xử thẳng thừng khi khẳng định rằng đức tin của Thẩm Phán Barrett là điều duy nhất khiến cô ấy không đủ tiêu chuẩn cho sự đề cử này,” Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell tuyên bố hôm thứ Tư. “Mọi Thẩm phán Tòa án Tối cao trong lịch sử đều có quan điểm cá nhân về niềm tin”.

Đáp lại những lời chỉ trích của giới truyền thông và chính trị rằng đức tin Công Giáo của Barrett khiến cô không có khả năng phục vụ công lý, Thượng nghị sĩ McConnell đã lên án những gợi ý “rằng Thẩm phán Barrett quá Kitô, hoặc là một người theo một loại Kitô Giáo sai lầm, không thể trở thành một thẩm phán tốt”.

Nhận xét của Thượng nghị sĩ McConnell được đưa ra sau khi nhiều báo cáo hôm thứ Ba tập trung vào tư cách thành viên của Barrett trong nhóm People of Praise, và gợi ý rằng tư cách thành viên của cô trong nhóm có nghĩa là cô ấy tin rằng phụ nữ nên phục tùng nam giới.

Barrett hiện là thẩm phán tại Tòa phúc thẩm số bảy và trước đây là giáo sư tại Khoa Luật Đại học Notre Dame. Là một bà mẹ 7 con, cô là thành viên của People of Praise, một nhóm đặc sủng đại kết được thành lập vào những năm 1970 trong đó khích lệ các tín hữu tìm kiếm các ơn Chúa Thánh Thần để thực hành đức tin của họ trong cộng đồng.

Nhóm này trước đây đã bị chỉ trích là một “giáo phái” trong đó người chồng là “đầu” và người vợ là “nữ tỳ”. Đó là một diễn giải sai lầm bóp méo Kinh Thánh của các phương tiện truyền thông đang muốn quyết liệt chống lại đề cử này của Tổng thống Trump.

Đức Tổng Giám Mục Wenski đã lên tiếng phản đối việc giải thích sai trái các từ ngữ “đầu” và “nữ tỳ”.

Trong các thư gửi cho tín hữu Côlôsê và Êphêsô, thánh Phaolô khai triển mối tương quan giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Đây là đề tài độc đáo và rất phong phú của thánh Phaolô mà chúng ta không tìm thấy trong các sách Tân ước khác. Chính trong những thư này chúng ta mới thấy xuất hiện những từ như Chúa Kitô là đầu thân thể, là đầu Giáo Hội. Theo triết học Hylạp, đầu (képhalé) mang giá trị nguyên tắc sống, dưỡng nuôi các chi thể.

“Từ ‘Handmaiden’ (“nữ tỳ”) tiếng Latinh là ‘ancilla’ - có nguồn gốc sâu xa trong Kinh thánh và trong Tân Ước đặc biệt khi đề cập đến Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu. Mẹ luôn tuyên bố mình là ‘nữ tỳ của Chúa’”, Đức Tổng Giám Mục Wenski nói.

Tóm lại, “đầu” và “nữ tỳ” không hàm ý người nam “thống trị” và người nữ “phục tùng” như những tuyên bố sai lạc của hai tờ báo trên.

Ngay trước khi Barrett được Trump đề cử phục vụ tại Tòa án Tối cao vào ngày 26 tháng 9, People of Praise đã bị tấn công và danh sách các thành viên bị truy cập.

Đức Cha Peter Smith, Giám Mục Phụ Tá của Portland và là thành viên của hiệp hội các linh mục trong nhóm People of Praise, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng các thành viên bắt đầu đến với nhau qua một “giao ước”, “không phải là một lời thề, là cầu nguyện cùng nhau, góp 10% thu nhập vào quỹ bác ái và gặp gỡ thường xuyên để nâng cao đời sống thiêng liêng, nâng đỡ các chương trình bác ái xã hội”. Ngài nói thêm rằng đó không phải là nhóm có khuynh hướng đảng phái. Ngài biết các thành viên của nhóm là đảng viên Đảng Cộng hòa và cũng có các đảng viên Dân chủ.

Hôm thứ Năm, các thượng nghị sĩ và người Công Giáo tố cáo rằng các báo cáo mới trên tờ Guardian và tờ Washington Post ám chỉ rằng đức tin Công Giáo của Barrett là bằng chứng cho thấy cô ấy sẽ bị ảnh hưởng bởi các niềm tin cực đoan và như thế là không thích hợp với tư cách là thẩm phán Tòa Án Tối Cao.

Thượng nghị sĩ Ben Sasse của Đảng Cộng Hòa đơn vị Nebraska nhận xét rằng:

“Người Công Giáo chỉ tin vào những giáo huấn Công Giáo,” ông nhấn mạnh rằng những câu chuyện vào giờ chót này là các “thuyết âm mưu” nhằm cho rằng Barrett đã bị “kiểm soát” bởi một nhóm có “niềm tin mù quáng và phân biệt giới tính”.

Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell gọi “các cuộc tấn công vào đức tin của Barrett” là “một sự ô nhục” và “ xúc phạm hàng triệu tín hữu Công Giáo Hoa Kỳ”.

“Những kẻ tả khuynh cực đoan thế tục nói rằng họ đang hướng đến tiến bộ, nhưng họ vừa lang thang trở lại các diễn từ lúng túng trong thập niên 1960, khi một số lập luận rằng John F. Kennedy sẽ vâng lời Đức Giáo Hoàng hơn là phục vụ lợi ích quốc gia,” ông nói.

Hôm thứ Ba, Tờ The Guardian và Washington Post đưa tin rằng Barrett, khi còn là sinh viên luật, đã cư trú tại nhà của người đồng sáng lập nhóm People of Praise, nhằm nói rằng cô ấy bị chi phối rất mạnh bởi niềm tin của nhóm People of Praise.

Đáp lại, dân biểu Chuck Fleischmann của Đảng Cộng Hòa đơn vị Tennessee, một người Công Giáo, nói rằng ông cũng “cố gắng tiết kiệm tiền nhà khi theo học ở trường luật”, và chế riễu các cuộc tấn công vào đức tin của Thẩm Phán Barrett là những “cuộc tấn công tuyệt vọng.”

Matthew Franck, một giảng viên khoa chính trị tại Đại học Princeton và thành viên cao cấp tại Viện Witherspoon, tweet rằng các cuộc tấn công vào nhóm People of Praise là quá đáng và vô lý vì “nhóm People of Praise bao gồm các thành viên giúp đỡ nhau sống tốt hơn đời sống đạo đức của người Kitô hữu”.

Vấn đề thực sự ở đây là nếu Thẩm Phán Amy Coney Barrett vào được Tối Cao Pháp Viện, nhóm phò sinh sẽ có đến 6 Thẩm Phán trong số 9 Thẩm Phán. Hơn thế nữa, các Thẩm Phán của Tòa Án Tối Cao tại Hoa Kỳ không có nhiệm kỳ. Khi vào được, họ sẽ ở đó cho đến khi họ qua đời hay đến khi họ muốn từ chức. Thẩm Phán Ruth Bader Ginsberg là một ví dụ, bà ở đó cho đến khi qua đời ở tuổi 87.

Vì thế việc đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện sẽ tái định hình một cách mạnh mẽ cơ quan tư pháp liên bang, tạo ra những ảnh hưởng phò sinh kéo dài hàng thế hệ.

Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa cho biết họ sẽ nhanh chóng xác nhận việc bổ nhiệm cô Barrett trước cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11, vì họ nhắm đến việc bảo đảm lợi ích của các chính sách phò sinh trong cơ quan tư pháp liên bang trước khi có khả năng xấu nhất là phải chuyển giao quyền lực cho ông Joe Biden.


Source:Catholic News Agency

4. Tóm lược thông điệp Fratelli Tutti /frấy-té-li -tú-tì/ của Đức Thánh Cha Phanxicô, chương 5

Như chúng tôi đã đưa tin, lúc 4 giờ chiều thứ Bảy, ngày 3 tháng 10, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã ký thông điệp thứ ba của ngài có tựa đề “Fratelli Tutti” /frấy-té-li -tú-tì/, nghĩa là “Tất Cả Là Anh Em” tại Assisi, cạnh mộ ngôi của thánh Phanxicô.

Trong chương trình này, Kim Thúy xin gởi đến quý vị và anh chị em những ý tưởng chính trong chương thứ năm.

Chủ đề của chương thứ năm là “Một loại chính trị tốt hơn”, đó là một đại diện cho một trong những hình thức bác ái có giá trị nhất vì nó được đặt để phục vụ lợi ích chung và thừa nhận tầm quan trọng của con người, được hiểu như một phạm trù mở, sẵn sàng để thảo luận và đối thoại. Theo một nghĩa nào đó, đây là một loại chủ nghĩa dân túy do Đức Phanxicô đề xuất, ngược với thứ “chủ nghĩa dân túy” chuyên làm ngơ tính hợp pháp của khái niệm “nhân dân”, bằng cách thu hút sự đồng thuận nhằm bóc lột họ để phục vụ cho chính mình và nuôi dưỡng tính ích kỷ nhằm gia tăng sự nổi tiếng của riêng mình. Một nền chính trị tốt hơn cũng là một nền chính trị biết bảo vệ việc làm, một “chiều kích thiết yếu của đời sống xã hội”, và tìm cách bảo đảm để mọi người có cơ hội phát triển các khả năng của mình. Đức Thánh Cha giải thích, sự giúp đỡ tốt nhất cho một người nghèo không chỉ là tiền, đó chẳng qua chỉ là một phương thuốc tạm thời. Vấn đề mấu chốt phải là giúp họ có một cuộc sống xứng đáng nhờ việc làm. Chiến lược chống nghèo đói thực sự không chỉ nhằm mục đích kiềm chế hoặc làm cho người nghèo không mếch lòng, mà còn cổ vũ nơi họ viễn tượng liên đới và phụ đới. Hơn nữa, nhiệm vụ của chính trị là tìm ra giải pháp cho tất cả những gì đang tấn công các nhân quyền căn bản, chẳng hạn như loại trừ xã hội; buôn bán nội tạng, các tế bào, các loại vũ khí và ma túy; bóc lột tình dục; lao động nô lệ; khủng bố và tội ác có tổ chức. Đức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi thống thiết phải dứt khoát loại bỏ nạn buôn người, một “nguồn xấu hổ cho nhân loại”, và nạn đói, vốn là “tội ác” vì lương thực là “một quyền bất khả chuyển nhượng”.

Thị trường, tự nó, không thể giải quyết mọi vấn đề. Nó đòi một cuộc cải tổ Liên Hiệp Quốc

Đức Phanxicô cũng nhấn mạnh nền chính trị mà chúng ta cần là nền chính trị biết nói “không” với tham nhũng, với sự thiếu hiệu năng, với việc sử dụng quyền lực một cách ác ý, với việc thiếu tôn trọng pháp luật. Đó là một nền chính trị tập trung vào phẩm giá con người và không chịu lệ thuộc tài chính vì “thị trường, tự nó, không thể giải quyết mọi vấn đề”: “sự tàn phá” của đầu cơ tài chính đã chứng minh điều này. Do đó, các phong trào bình dân đã nhận được một tính liên quan đặc biệt: như những “nhà thơ xã hội” tuôn chẩy “luồng năng lượng đạo đức” ấy, phải để họ dấn thân vào các hoạt động xã hội, chính trị và kinh tế, tuy nhiên, dưới sự phối hợp lớn lao hơn. Đức Thánh Cha tuyên bố rằng, bằng cách này, người ta sẽ có khả năng vượt quá chính sách “với” và “của” người nghèo. Một niềm hy vọng khác trình bầy trong Thông điệp liên quan đến việc cải tổ Liên Hiệp Quốc: trước ưu thế của chiều kích kinh tế đang vô hiệu hóa quyền lực của các quốc gia cá thể, trên thực tế, nhiệm vụ của Liên hợp quốc sẽ là cung cấp thực chất cho khái niệm “gia đình các quốc gia” hoạt động vì lợi ích chung, xóa bỏ nghèo đói và bảo vệ nhân quyền. Văn kiện của Đức Thánh Cha quả quyết, không mệt mỏi sử dụng “đàm phán, hòa giải và trọng tài”, Liên Hiệp Quốc phải cổ vũ sức mạnh của luật pháp hơn là luật của sức mạnh, bằng cách tạo điều kiện cho các hiệp định đa phương có khả năng bảo vệ tốt hơn ngay cả những quốc gia yếu nhất.

Source:Vatican News