Phép lạ ngoạn mục từ vị Giáo Hoàng 33 ngày, Y khoa không thể giải thích. Bác bỏ tin ngài bị ám sát

Tin thế giới

Tin thế giới

Buổi tiếp kiến riêng của Đức Giáo Hoàng tại Vatican là cuộc gặp gỡ lần thứ ba của Murad với Đức Giáo Hoàng. Cô đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 12 năm 2018 ngay sau khi nhận giải Nobel vì “nỗ lực chấm dứt việc sử dụng bạo lực tình dục như một vũ khí chiến tranh và xung đột vũ trang”.
1. Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ Nadia Murad, người đoạt giải Nobel Hòa bình, ủng hộ phụ nữ Afghanistan

Hôm thứ Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ người đoạt giải Nobel Hòa bình Nadia Murad, một nhà vận động nhân quyền, người đã thay mặt cho phụ nữ và trẻ em gái ở Iraq và Afghanistan lên tiếng.



Cuộc gặp gỡ của Murad với Đức Giáo Hoàng vào ngày 26 tháng 8 diễn ra trong bối cảnh những người sống sót sau cuộc nô dịch của IS đã bày tỏ mối quan ngại đối với tương lai của phụ nữ Afghanistan dưới sự cai trị của Taliban.

“Tôi biết điều gì sẽ xảy ra khi thế giới không còn chú ý đến hình ảnh các phụ nữ và trẻ em gái trong các cuộc khủng hoảng. Khi người ta nhìn đi hướng khác, chiến tranh đang diễn ra trên cơ thể phụ nữ. Điều này chắc chắn sẽ xảy ra ở Afghanistan. Cộng đồng quốc tế phải hành động để Taliban không tiếp tục cướp quyền và tự do của phụ nữ”, Murad viết trên Twitter vào ngày 16/8, một ngày sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát Kabul.

Buổi tiếp kiến riêng của Đức Giáo Hoàng tại Vatican là cuộc gặp gỡ lần thứ ba của Murad với Đức Giáo Hoàng. Cô đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 12 năm 2018 ngay sau khi nhận giải Nobel vì “nỗ lực chấm dứt việc sử dụng bạo lực tình dục như một vũ khí chiến tranh và xung đột vũ trang”.

Murad nói rằng cô ấy đã có một “cuộc thảo luận sâu sắc về trải nghiệm của cộng đồng Yazidi về nạn diệt chủng” trong cuộc họp cuối cùng với Đức Thánh Cha.

Vào tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các nhà báo rằng ngài được truyền cảm hứng đến Iraq một phần từ cuốn hồi ký của Murad, có nhan đề “Cô gái cuối cùng”.

“Nadia Murad kể lại những điều đáng sợ. Tôi khuyên bạn nên đọc nó. Ở một số nơi, nó có vẻ nặng nề, nhưng đối với tôi, đây là lý do cơ bản cho quyết định của mình”, Đức Giáo Hoàng nói trên chuyến bay trở về từ Baghdad vào ngày 8/3.

Cuộc đời bi thảm của Nadia Murad,

Các chiến binh Nhà nước Hồi giáo đã bắt giữ Murad cách đây 6 năm sau khi giết chết 6 người anh em của cô, mẹ cô và hơn 600 người Yazidis tại ngôi làng Iraq của cô. Cô bị bắt làm nô lệ, cùng với hầu hết phụ nữ trẻ trong cộng đồng của cô, và bị các chiến binh ISIS hãm hiếp nhiều lần.

Sau nhiều lần bị bán làm nô lệ và bị lạm dụng tình dục lẫn thể xác, Murad đã thoát khỏi ISIS ở tuổi 23 sau ba tháng bị giam cầm. Sau khi chuyển đến Đức, cô đã sử dụng quyền tự do của mình để trở thành người bênh vực cho những phụ nữ Yazidi vẫn bị ISIS giam giữ.

Cô đang đảm nhận vai trò Đại sứ thiện chí của Liên hợp quốc về phẩm giá của những người sống sót sau nạn buôn người và thành lập Nadia's Initiative, một tổ chức giúp đỡ các nạn nhân nữ bị bạo lực.

Murad là người Iraq đầu tiên được trao giải Nobel Hòa bình. Cuối cùng, cô đã có thể chôn cất hài cốt của hai người anh trai ở quê nhà ở Kocho vào tháng 2 năm 2021.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố vào năm 2016 rằng Yazidis, cùng với các nhóm tôn giáo thiểu số trong đó có các tín hữu Kitô và những người Hồi Giáo Shiite, là nạn nhân của một cuộc diệt chủng do quân khủng bố Hồi Giáo IS gây ra.

Murad đã nói rằng chuyến đi của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Iraq vào tháng 3 năm ngoái là “một dấu hiệu hy vọng cho tất cả các nhóm thiểu số”.

Murad nói với Vatican News vào tháng 3 rằng “Chuyến thăm không chỉ mang tính lịch sử của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Iraq mà còn xảy ra vào một thời điểm lịch sử đối với người dân Iraq, khi họ xây dựng lại sau nạn diệt chủng, đàn áp tôn giáo và nhiều thập kỷ xung đột”.

“Chuyến thăm của Đức Thánh Cha soi sáng tiềm năng cho hòa bình và tự do tôn giáo. Nó cho thấy rằng tất cả người dân Iraq - bất kể tín ngưỡng của họ - đều xứng đáng có nhân phẩm và quyền con người như nhau.”


Source:Catholic News Agency

2. Án tuyên Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô I, vị Giáo Hoàng 33 ngày

Gerard O’Connell, ký giả thường trú tại Rôma, chuyên về Vatican của tờ Crux cho biết David Yallop đã viết một cuốn sách có nhan đề “Nhân danh Chúa: Cuộc điều tra về vụ sát hại Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Một”. Cuốn sách bán rất chạy vì phù hợp với thị hiếu thích chuyện giật gân của công chúng. Tuy nhiên, những tin đồn do David Yallop tung ra đã bị ký giả Stefania Falasca bác bỏ từng điểm một. Theo O’Connell, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Một có lẽ sẽ được tuyên Chân Phước vào năm tới sau khi một phép lạ vừa được Hội Đồng Y Khoa của Tòa Thánh công nhận.

Có nhiều khả năng Đức Gioan Phaolô I, người được bầu làm giáo hoàng cách đây 43 năm, vào ngày 26 tháng 8 năm 1978, nhưng qua đời vì một cơn đau tim 33 ngày sau đó, sẽ được phong chân phước vào năm tới 2022.

Theo Stefania Falasca, một nhà báo người Ý và là người viết tiểu sử của ngài, án tuyên Chân Phước cho ngài hiện đã đi đến giai đoạn cuối cùng. Bà đã công bố điều này trong một bài báo trên ấn bản hôm 26 tháng 8 của tờ Avvenire, nghĩa là Tương lai, tờ báo hàng ngày của hội đồng giám mục Ý.

Đức Gioan Phaolô I, thường được người Ý gọi là Vị Giáo Hoàng của những nụ cười, tên khai sinh là Albino Luciani. Ngài sinh năm 1912 và được thụ phong linh mục năm 1935. Thánh Giáo Hoàng Gioan 23 đã bổ nhiệm ngài làm giám mục Vittorio Veneto, bên Ý, vào năm 1958, và Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục bổ nhiệm ngài làm Thượng phụ Venice năm 1969.

Cái chết của ngài vào ngày 28 tháng 9 năm 1978, chỉ 33 ngày sau khi đắc cử, đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn. Những suy đoán xung quanh nguyên nhân cái chết của Đức Gioan Phaolô I được thúc đẩy bởi cuốn sách do David Yallop viết có nhan đề “Nhân danh Chúa: Cuộc điều tra về vụ sát hại Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I”. Cuốn sách bán rất chạy vì phù hợp với thị hiếu thích chuyện giật gân của công chúng. Những tin đồn đó đã được cô Falasca bóc trần trong bài tường thuật đầy đủ về cái chết của Đức Giáo Hoàng có nhan đề “Papa Luciani: Cronaca di una morte”, nghĩa là “Đức Giáo Hoàng Luciani: Biên niên sử của một cái chết”, xuất bản năm 2017.

Án tuyên thánh cho Đức Gioan Phaolô I đã được mở ra tại giáo phận Belluno, miền bắc nước Ý, quê hương của ngài vào tháng 11 năm 2003 và dựa trên lời khai của 188 nhân chứng, trong đó có cả Đức Bênêđíctô XVI. Sau tiến trình cân nhắc tại Bộ Phong thánh của Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành một sắc lệnh vào ngày 8 tháng 11 năm 2017, công nhận rằng Đức Gioan-Phaolô Một đã sống cách anh hùng các nhân đức, đức tin, đức cậy và đức mến và tuyên bố ngài là “Bậc đáng kính”.

Vào cuối tháng 11 cùng năm đó, một cuộc điều tra đã được tiến hành tại Tổng giáo phận Buenos Aires về việc chữa khỏi bệnh được cho là không thể giải thích được của một cô gái người Á Căn Đình mắc một dạng bệnh não cấp tính, một bệnh não nghiêm trọng. Sau đó, tài liệu về sự lành bệnh lạ lùng đã được gửi đến Rôma để kiểm tra bởi hội đồng y khoa của Bộ Phong thánh. Cuộc kiểm tra đó diễn ra vào ngày 31 tháng 10 năm 2019 và các bác sĩ nhất trí rằng sự lành bệnh lạ lùng này không thể giải thích một cách khoa học. Sau đó, vụ việc được chuyển đến ủy ban các nhà thần học của hội thánh, những người cũng đã đưa ra phán quyết tích cực vào ngày 6 tháng 5 năm 2021.

Cuộc tham vấn cuối cùng tại Bộ Tuyên Thánh sẽ diễn ra vào tháng 10 khi các Hồng Y và giám mục của Bộ Tuyên Thánh sẽ họp cùng nhau và đưa ra phán quyết của bằng lá phiếu. Cuộc tham vấn đó chắc chắn sẽ có một kết quả khả quan. Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, sau đó sẽ trình kết luận lên Đức Giáo Hoàng, và Đức Phanxicô hầu chắc sẽ công nhận phép lạ này. Sự công nhận này sẽ mở ra cánh cửa cho việc phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô I và quyết định ngày tuyên Chân Phước, có thể là vào năm 2022.
Source:American Magazine

3. Đại học Vương quốc Anh từ chối công nhận linh mục Công Giáo là tuyên úy sau các bài đăng trên mạng xã hội của ngài

Một trường đại học ở Anh đã từ chối công nhận một linh mục Công Giáo là tuyên úy vì những bình luận mà ngài đăng trên mạng xã hội.

Đại học Nottingham, miền trung nước Anh, xác nhận vào ngày 25 tháng 8 rằng họ đã từ chối công nhận chính thức Cha David Palmer là tuyên uý. Cha David là một linh mục của Giáo Hạt Tòng Nhân Đức Mẹ Walsingham.

“Mối quan tâm của chúng tôi không liên quan đến chính các quan điểm của Cha David, nhưng là cách mà những quan điểm này được thể hiện trong bối cảnh cộng đồng đa dạng của chúng tôi gồm những người thuộc nhiều tín ngưỡng”, một phát ngôn viên của trường đại học nói với CNA.

Cha Palmer đang phục vụ tại Giáo phận Nottingham, đã được Đức Cha Patrick McKinney, Giám Mục bản quyền, bổ nhiệm làm tuyên úy cho cộng đồng Công Giáo tại Đại học Nottingham.

Đức Cha cũng yêu cầu ngài làm tuyên úy Công Giáo cho Đại học Nottingham Trent.

Trong khi Đại học Nottingham Trent chấp nhận bổ nhiệm này, Đại học Nottingham đã mời Cha Palmer đến phỏng vấn vào ngày 17 tháng 6.

Sau cuộc phỏng vấn, trường đại học đã viết thư cho Đức Cha McKinney bày tỏ quan ngại về việc bổ nhiệm Cha David.

Tại một cuộc họp sâu hơn vào ngày 1 tháng 7, trường đại học chỉ rõ rằng những lo ngại của họ liên quan đến các bài của Cha Palmer đăng trên mạng xã hội, nhấn mạnh một số vấn đề về trợ tử và một vấn đề khác về phá thai.

Vị linh mục đã viết trên Twitter vào ngày 24 tháng 8 rằng trường đại học cũng phản đối một bài thứ hai trong đó ngài mô tả phá thai là “tàn sát trẻ sơ sinh”, và khẳng định rằng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden không nên được cho rước lễ vì ông ta ủng hộ việc phá thai hợp pháp..

Cha Palmer nói rằng ngài bị từ chối vì niềm tin Công Giáo truyền thống của mình.
Source:Catholic News Agency