Phép lạ ở Indonesia — Ông từ nhà thờ ngăn chặn được những kẻ đánh bom tự sát tại nhà thờ chính tòa

Tin thế giới

Tin thế giới

Thông thường, có những người từ các nguồn gốc tôn giáo khác nhau, bao gồm cả người Hồi giáo. Họ giúp bảo vệ thánh đường trong các cử hành Tuần Thánh. Nhưng điều khiến tôi tò mò là người phụ nữ đeo mạng che mặt. Tất cả những gì tôi phải làm là ngăn không cho cặp này vào khuôn viên nhà thờ.

1. Một linh mục bị giết và một người khác bị bắt cóc ở miền bắc Nigeria

Một linh mục bị giết và một người khác bị bắt cóc. Đây là tổn thất từ vụ tấn công do những kẻ vũ trang không rõ danh tính gây ra nhắm vào giáo xứ Thánh Vincent Ferrer ở Malunfashi, thuộc Bang Katsina, phía bắc Nigeria.


Linh mục bị sát hại là Cha Alphonsus Bello, trong khi người bị bắt cóc là Cha Joe Keke. Nhóm người có vũ trang, xông vào giáo xứ vào đêm 20 tháng 5, đã bắn một số phát súng và làm bị thương một số người. Cha Mike Umoh, Giám đốc Truyền thông Xã hội Quốc gia của Hội Đồng Giám Mục Nigeria, xác nhận tin này với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc và nói rằng bọn tội phạm đã đặt thi thể của Cha Alphonsus Bello trên mảnh đất nông trại phía sau trường đào tạo giáo lý viên, trong khi số phận của Cha Joe Keke vẫn còn là một ẩn số.

Cha Umoh cho biết: “Đêm 20 tháng 5, một trong những giáo xứ ở giáo phận Sokoto – là nhà thờ Công Giáo Thánh Vincent Ferrer ở Malunfashi, thuộc bang Katsina - đã bị tấn công bởi các tay súng không xác định. Hai linh mục bị bắt cóc, Cha Joe Keke và Alphonsus Bello. Cha Keke, cựu chánh xứ, khoảng 70 tuổi trong khi cha Bello, linh mục chánh xứ hiện nay bị sát hại chỉ ở tuổi ba mươi. Sáng 21 tháng 5, thi hài của Cha Alphonsus Bello đã được tìm thấy chết trên khu đất nông nghiệp phía sau Trường Huấn luyện Giáo lý viên. Chúng tôi không biết cha Joe Keke ở đâu. Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa liên lạc được với những kẻ bắt cóc”. Trong khi đó, một nguồn tin đáng tin cậy từ giáo phận Công Giáo Sokoto cho biết vị linh mục quá cố thuộc về Tổng giáo phận Kaduna, nhưng đã di chuyển đến giáo phận Sokoto và sống tại giáo xứ Malumfashi ở Katsina.


Source:Fides

2. Phép lạ ở Indonesia — Ông từ nhà thờ ngăn chặn được những kẻ đánh bom tự sát tại nhà thờ chính tòa

Trong bài ‘Miracle’ in Indonesia—sacristan prevents suicide bombers from entering cathedral, nghĩa là ‘Phép lạ’ tại Nam Dương – Ông từ ngăn chặn được những kẻ đánh bom tự sát nhào vào nhà thờ chính tòa, tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cho biết như sau:

Cosmas Balalembang là một giáo dân Công Giáo 53 tuổi phục vụ như một ông từ tại Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu ở Makassar, thủ phủ của tỉnh Nam Sulawesi của Indonesia. Vào sáng Chủ nhật Lễ Lá, ngày 28 tháng 4 năm 2021, anh ta đã ngăn không cho hai kẻ đánh bom liều chết — là một cặp vợ chồng mới cưới có liên hệ với mạng lưới Jamaah Ansharut Daulah, liên kết với bọn khủng bố Hồi Giáo IS — xâm nhập vào khuôn viên nhà thờ. Những kẻ tấn công đã tự nổ tung, khiến 20 người bị thương. Cosmos đã nói chuyện với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN như sau

“Tôi đang giúp một đội trông giữ xe hơi và xe gắn máy thì xảy ra vụ việc. Tôi cảm thấy có điều gì đó không ổn. Tôi thấy hai người — một nam một nữ đội khăn che mặt — đi xe máy qua lại trước nhà thờ. Người phụ nữ đang mang một chiếc ba lô. Sau đó họ nhanh chóng tiếp cận thánh đường. Tôi đã ngăn họ lại khi họ cố gắng vào cổng chính của nhà thờ. Tôi đứng trước họ, chỉ cách đó ba bước chân. Đột nhiên, có một tiếng nổ.”

“Trước khi họ đi xe máy về phía khuôn viên nhà thờ, tôi đã thấy họ ngồi trên vỉa hè trước nhà thờ. Tôi chỉ nghĩ rằng họ đang nghỉ ngơi. Họ bỏ đi không lâu sau khi Thánh lễ thứ hai ngày Chúa nhật Lễ Lá kết thúc. Tôi không biết họ đã đi đâu.”

“Một số giáo dân ra vào thánh đường trước khi vụ nổ xảy ra. Những người được cho là sẽ tham dự Thánh lễ thứ ba đứng cách cổng chính của nhà thờ 6 bước chân để tuân thủ các quy định về sức khỏe.”

Cosmas Balalembang cho biết thêm:

“Thông thường, có những người từ các nguồn gốc tôn giáo khác nhau, bao gồm cả người Hồi giáo. Họ giúp bảo vệ thánh đường trong các cử hành Tuần Thánh. Nhưng điều khiến tôi tò mò là người phụ nữ đeo mạng che mặt. Tất cả những gì tôi phải làm là ngăn không cho cặp này vào khuôn viên nhà thờ.”

“Tôi bị bỏng ở mặt, ngực, tay và chân vì vụ nổ mạnh. Tôi không biết điều gì đã ập đến với tôi. Tôi chỉ cảm thấy một cái gì đó đang cháy. Trơi rất nóng. Và máu đổ ra từ vết thương của tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn có thể đứng vững. Trái tim tôi nói: ‘Chúa ơi, xin hãy giúp con. Con đang bị bỏng. Cháu trai tôi nhanh chóng đưa tôi đến nhà xứ. Tại đó, nó đã dùng bột cà phê đắp lên vết bỏng của tôi và cầm máu.”

“Sau đó tôi được cảnh sát đưa đến bệnh viện Stella Maris, nằm gần nhà thờ lớn. Sau khi được làm sạch, các bác sĩ đã tiến hành chụp X-quang. Cảm ơn Chúa, không có vấn đề nội bộ. Chỉ có một số vết sưng tấy bên trong, không quá nghiêm trọng.”

“Vào buổi chiều, tôi được đưa vào bệnh viện Bhayangkara để điều trị thêm. Tôi đã có một cuộc phẫu thuật nhỏ để chữa lành vết bỏng của mình. Tôi đã được điều trị ở đó trong 19 ngày. Tuy nhiên, tôi vẫn cần phải kiểm tra sức khỏe ít nhất một lần một tuần. Tôi hy vọng rằng Chúa sẽ sớm chữa lành cho tôi để tôi có thể bắt đầu trở lại phục vụ với tư cách là một ông từ”.

“Tôi tin rằng đây là một phép lạ. Tôi có thể đã bị sát hại vì vụ nổ mạnh. Tôi cảm ơn Chúa vì ân sủng của ngài. Sự việc, trên thực tế, đã làm tăng thêm niềm tin của tôi vào Chúa”.
Source:Aid To The Church In Need

3. Tổng thống Malta: Tôi thà từ chức còn hơn ký dự luật phá thai

Tổng thống Malta tuần này cho biết ông thà từ chức còn hơn ký dự luật cấm phá thai.

George Vella, một bác sĩ y khoa đã giữ chức tổng thống của đất nước từ năm 2019, đã đưa ra bình luận trên với NETnews vào ngày 17 tháng 5.

Theo Times of Malta, tổng thống Vella nói: “Tôi sẽ không bao giờ ký một dự luật liên quan đến việc cho phép giết người”.

“Tôi không thể ngăn hành pháp quyết định, điều đó phụ thuộc vào quốc hội. Nhưng tôi có quyền tự do, nếu tôi không đồng ý với một dự luật, tôi từ chức và về nhà, tôi không có vấn đề gì khi phải làm như thế”.

Tổng thống Vella đã phát biểu như trên sau khi nghị sĩ độc lập Marlene Farrugia đưa ra một dự luật tại quốc hội vào ngày 12 tháng 5 nhằm tìm cách hợp phá hóa việc phá thai, đây là dự luật đầu tiên thuộc loại này ở quốc gia Địa Trung Hải.

Dự luật đề xuất loại bỏ ba điều khoản khỏi bộ luật hình sự của Malta, theo đó bất kỳ ai tìm kiếm hoặc giúp đỡ phá thai có thể bị kết án lên đến ba năm tù, mặc dù các vụ truy tố như thế không phổ biến.

Khi được hỏi liệu ông có nghĩ rằng có những trường hợp nên được cho phép phá thai hay không, vị tổng thống 79 tuổi nói: “Bạn chỉ có thể hoặc là giết hoặc là không giết, không thể có việc giết một nửa. Tôi rất rõ ràng, không có nhưng nhị gì ở đây cả”.

Hai đảng chính ở Malta, một quần đảo ở trung tâm Địa Trung Hải với dân số nửa triệu người, đã phát đi tín hiệu phản đối dự luật của nghị sĩ độc lập Marlene Farrugia.

Đảng Lao động cho biết họ sẵn sàng thảo luận về việc không hình sự hóa việc phá thai nhưng không muốn đưa vấn đề này ra một cuộc bỏ phiếu của quốc hội.

Đảng Quốc dân cho biết họ sẽ không bao giờ ủng hộ việc hợp pháp hóa phá thai bởi vì họ đề cao quyền sống từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên.

Năm 1990, Quốc vương Baudouin, nguyên thủ quốc gia của Bỉ, tuyên bố rằng ông sẽ không ký dự luật tự do hóa phá thai. Vào ngày 4 tháng 4 năm đó, ông từ chức trong khi các thành viên của chính phủ ký dự luật thành luật, ông lại đảm nhiệm chức vụ của mình 36 giờ sau đó.

Hơn 90% dân số Malta là người Công Giáo đã rửa tội.

Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna của Malta ngày 13 tháng 5 nói rằng việc hợp pháp hóa phá thai sẽ là một bước lùi.

Theo Times of Malta, ngài nói:

“Cung lòng của người mẹ là một cái gì đó thân thương và thánh thiện, chính ở đó mà sự sống của con người mới có thể phát triển được. Chúng ta hãy cầu nguyện rằng cung lòng vẫn là một nơi sống chứ không phải nơi giết chóc diễn ra”.
Source:Catholic News Agency

4. Phương pháp điều trị ngăn ngừa tự tử của một giáo sư Đại học Công Giáo được coi là một 'hỗ trợ tốt' cho những ai chán sống

Catholic University of America, tức là Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, đã thông báo trong tuần này rằng một biện pháp can thiệp để ngăn chặn tự tử được phát triển bởi một trong những giáo sư tâm lý của trường đã hoạt động tốt trong một phân tích tổng hợp gần đây.

Giáo sư David Jobes thuộc khoa tâm lý học của trường đã tạo ra chương trình “Đánh giá hợp tác và Quản lý tình trạng tự tử”, gọi tắt là CAMS, đó là “một khung trị liệu” để điều trị bệnh chán sống, trường đại học cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 17 tháng 5.

Một phân tích tổng hợp gần đây về các thử nghiệm lâm sàng đã xác định rằng chương trình của Jobes “hỗ trợ tốt trong việc giảm ý định tự tử theo các tiêu chí của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh”. Khung trị liệu này hoạt động tốt hơn các biện pháp can thiệp khác trong các thử nghiệm.

Jobes cho biết trong một tuyên bố vào thứ Hai, “Chúng tôi rất vui mừng với những phát hiện của phân tích tổng hợp này”.

Trường đại học cho biết phương pháp CAMS “nhanh chóng làm giảm ý nghĩ tự tử và giảm các triệu chứng chung của đau khổ, trầm cảm và tuyệt vọng”. Nhà trường nói thêm rằng CAMS nhấn mạnh sự hợp tác với bệnh nhân, thu hút họ như một “đồng tác giả” trong kế hoạch điều trị của riêng họ.

Jobes cho biết gần 20,000 bác sĩ lâm sàng đã được đào tạo về CAMS cho đến nay và nói thêm rằng ông hy vọng “sẽ đào tạo thêm nhiều người nữa để chúng tôi có thể giúp giảm đau khổ và tử vong liên quan đến tự tử trên khắp thế giới”.

Điều oái oăm là trong khi tại Hoa Kỳ phương pháp cứu mạng của Giáo sư David Jobes có thể mang đến cho ông những danh tiếng thì ở một số quốc gia khác liệu pháp ngăn chặn tự tử của ông có thể khiến ông phải vào tù ra khám.

Thực thế, các nhà hoạt động LGBT ở Ái Nhĩ Lan và Bắc Ái Nhĩ Lan đã đưa ra một dự luật chống lại “liệu pháp chuyển đổi” phỏng theo một dự luật đã được thông qua và ký thành luật tại tiểu bang Victoria của Úc Đại Lợi.

Liệu pháp chuyển đổi được định nghĩa là “một thực hành hoặc hành vi hướng tới một người, cho dù có hoặc không có sự đồng ý của người đó trên cơ sở khuynh hướng tình dục hoặc bản sắc giới tính của người đó; và nhằm mục đích thay đổi hoặc ngăn chặn xu hướng tình dục hoặc bản sắc giới tính của người đó; hoặc khiến người đó thay đổi hoặc ngăn chặn xu hướng tình dục hoặc bản sắc giới tính của họ.”

Tất cả các “liệu pháp chuyển đổi” đều bị cấm. Nếu ai đó yêu cầu mục sư, linh mục hoặc một người bạn Kitô hữu cầu nguyện cho họ để ham muốn tình dục hoặc chứng rối loạn giới tính của họ có thể được thay đổi, thì mục sư, linh mục hoặc bạn bè đó có nguy cơ phạm tội. Điều này cũng áp dụng cho các bậc cha mẹ đang cầu nguyện cho con cái của họ — hoặc thậm chí đang dạy con cái họ rằng những biểu hiện ham muốn tình dục vô luân là không phù hợp.

Trong nền văn hóa sự chết, liệu pháp ngăn chặn tự tử của Giáo sư David Jobes cũng có thể bị diễn dịch là thay đổi hoặc ngăn chặn xu hướng muốn chết của người khác.
Source:Catholic News Agency