Putin tỉnh táo hay tâm thần? ĐHY Bo lo ngại thảm họa hạt nhân toàn cầu do bất cẩn hay điên loạn

Tin thế giới

Tin thế giới

Vương cung thánh đường thánh Sofia ở đường Boccea được coi là điểm hội tụ của cộng đoàn người Ukraine, nơi mà nhiều người dân nước này đến gặp gỡ nhau và tham gia các việc phụng tự.
1. Đức Thánh Cha giúp người tị nạn Ukraine

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi các vật dụng y tế và thực phẩm, cũng như các phẩm vật cứu trợ khác, giúp người tị nạn Ukraine, qua trung gian Sở từ thiện của ngài.



Các đồ cứu trợ trên đây được chuyển tới Vương cung thánh đường Santa Sofia của cộng đoàn Công Giáo Ukraine ở Roma. Các thùng đồ cứu trợ gồm đồ hộp, quần áo, đồ chơi cho trẻ em, và các phẩm vật khác, biểu lộ sự gần gũi bộc phát, sau khi chiến tranh bùng nổ giữa Nga và Ukraine.

Vương cung thánh đường thánh Sofia ở đường Boccea được coi là điểm hội tụ của cộng đoàn người Ukraine, nơi mà nhiều người dân nước này đến gặp gỡ nhau và tham gia các việc phụng tự.

Sáng ngày 02 tháng Ba vừa qua, Đức Hồng Y Konrad Krajewski, người Ba Lan, quan phát chẩn của Đức Thánh Cha, đã đích thân thu xếp để chở các đồ cứu trợ đến khuôn viên thánh đường nói trên. Trong các thùng đồ, cũng có các dụng cụ y tế. Kế tiếp đây, các thuốc men cũng sẽ được gửi đến rồi sẽ được chuyển sang thành phố Lvov, là nơi rất gần biên giới Ba Lan.

Trong khi đó, nhiều người Ukraine lái xe tải đã sẵn sàng dùng các xe này để chuyên chở các phẩm vật cứu trợ người đồng hương đang đau khổ. Tòa Thánh cũng gửi các ngân khoản đến các vị Sứ thần Tòa Thánh ở những vùng khó khăn để giúp đỡ dân chúng. Ví dụ, một ngân khoản được chuyển tới Đức Sứ thần Tòa Thánh ở Rumani, để hỗ trợ những người tị nạn Ukraine chạy tới nước này và đang tá túc trong nhiều cơ sở của Giáo Hội Công Giáo địa phương.

2. Đức Tổng Giám Mục Gądecki yêu cầu Thượng phụ Kirill kêu gọi Putin dừng ngay lại

Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Gądecki đã yêu cầu Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngừng chiến tranh ở Ukraine.

“Chiến tranh luôn là một thất bại đối với nhân loại,” Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan viết trong bức thư ngày 2 tháng 3 năm 2022. “Tôi yêu cầu ngài, Đức Thượng Phụ, hãy kêu gọi Vladimir Putin dừng ngay cuộc chiến vô nghĩa chống lại người dân Ukraine, trong đó những người vô tội đang bị giết; và đau khổ đang ảnh hưởng không chỉ đến binh lính mà còn cả dân thường - đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.”

“Tôi yêu cầu ngài một cách khiêm tốn nhất hãy kêu gọi rút quân Nga khỏi quốc gia có chủ quyền là Ukraine,” Đức Tổng Giám Mục viết. Ngài nói thêm rằng “không có lý do, chẳng có lý do nào có thể biện minh cho quyết định tiến hành một cuộc xâm lược quân sự vào một quốc gia độc lập, ném bom các khu dân cư, trường học hoặc nhà trẻ.”

Đức Tổng Giám Mục, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, nhấn mạnh rằng chiến tranh luôn là sự thất bại đối với nhân loại. “Cuộc chiến này - như tôi đã viết trong bức thư trước - thậm chí còn vô nghĩa hơn vì sự gần gũi của hai quốc gia và nguồn gốc Kitô của họ. Có được phép phá hủy cái nôi của Kitô Giáo trên đất Slav, nơi mà người Nga đã được rửa tội không?”

Đức Tổng Giám Mục Gądecki cũng yêu cầu Thượng Phụ Kirill kêu gọi những người lính Nga “đừng tham gia vào cuộc chiến phi nghĩa này, từ chối thực hiện những mệnh lệnh mà như chúng ta đã thấy, dẫn đến nhiều tội ác chiến tranh”. Ngài lưu ý trong lá thư “Từ chối tuân theo mệnh lệnh trong tình huống như vậy là một nghĩa vụ đạo đức”. Đồng thời, ngài cũng viết thư yêu cầu Thượng Phụ Kirill kêu gọi tất cả các anh em Chính thống giáo ở Nga ăn chay và cầu nguyện cho “việc thiết lập một nền hòa bình công chính ở Ukraine.”

Đây là lần thứ hai Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan nói chuyện với Thượng Phụ Kirill. Bức thư trước đó, được gửi vào ngày 14 tháng 2, được gửi tới các giám mục Chính thống giáo và Công Giáo của Nga và Ukraine. Sau đó, Đức Tổng Giám Mục Gądecki đã kêu gọi tham gia “những nỗ lực tinh thần của những người theo Chúa Kitô thuộc nhiều giáo phái khác nhau ở Nga, Ukraine và Ba Lan để ngăn chặn bóng ma của một cuộc chiến khác trong khu vực của chúng ta.”

Sau đây là toàn bộ bức thư do Văn phòng Báo chí của Hội đồng Giám mục Ba Lan công bố:

Warsaw, ngày 2 tháng 3 năm 2022

Thưa Đức Thượng Phụ,

Tôi chân thành cảm ơn ngài vì những lời được truyền đạt trong lá thư của Đức Tổng Giám Mục Hilarion ngày hôm qua. Tôi chia sẻ quan điểm của Đức Thánh Cha Phanxicô rằng sự thù địch đối với bất kỳ quốc gia nào không bao giờ có thể chấp nhận được. Tất cả chúng ta đều là anh em, đó là lý do tại sao chúng tôi coi mọi bất hạnh của người dân Ukraine hoặc người Nga như của chính chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi hết lòng cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine.

Tuy nhiên, để lời cầu nguyện của chúng ta có thể không bị coi là biểu hiện của thói đạo đức giả, nó phải đi kèm với hành động. Tôi tin rằng, thưa Đức Thượng Phụ, ngài là một con người của hòa bình. Chúa chúng ta, Chúa Giêsu Kitô đã dạy: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.” (Mt 5: 9). Vì vậy, tôi yêu cầu ngài, thưa Đức Thượng Phụ, xin hãy kêu gọi Vladimir Putin dừng ngay cuộc chiến vô nghĩa chống lại người dân Ukraine, trong đó những người vô tội đang bị giết; và đau khổ đang ảnh hưởng không chỉ đến binh lính mà còn cả dân thường - đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Một người có thể ngăn chặn sự đau khổ của hàng ngàn người bằng một từ - người đó là Tổng thống Liên bang Nga. Tôi yêu cầu ngài một cách khiêm tốn nhất hãy kêu gọi rút quân Nga khỏi quốc gia có chủ quyền là Ukraine.

Không có lý do, chẳng có lý do nào có thể biện minh cho quyết định tiến hành một cuộc xâm lược quân sự vào một quốc gia độc lập, ném bom các khu dân cư, trường học hoặc nhà trẻ. Chiến tranh luôn là thất bại của nhân loại. Cuộc chiến này - như tôi đã viết trong bức thư trước - thậm chí còn vô nghĩa hơn vì sự gần gũi của hai quốc gia và nguồn gốc Kitô của họ. Có được phép phá hủy cái nôi của Kitô giáo trên đất Slavic, nơi mà người Nga đã được rửa tội không?

Tôi cũng yêu cầu ngài kêu gọi những người lính Nga không tham gia vào cuộc chiến phi nghĩa này, từ chối thực hiện các mệnh lệnh mà như chúng ta đã thấy, dẫn đến nhiều tội ác chiến tranh. Từ chối làm theo mệnh lệnh trong tình huống như vậy là một nghĩa vụ đạo đức. Sẽ đến lúc phải giải quyết những tội ác này, kể cả trước tòa án quốc tế. Tuy nhiên, ngay cả khi ai đó cố gắng tránh được công lý loài người này, thì vẫn có một đại án không thể tránh khỏi. “Vì tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước toà Đức Ki-tô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác” (2 Cr 5:10).

Tôi tin rằng nhiều người Nga bị đẩy vào chiến tranh là những người đàn ông cao quý. “Chúng tôi không biết phải bắn vào ai; Tất cả họ đều giống chúng tôi… một trong những người lính của ngài nói. Vì vậy, tôi yêu cầu ngài kêu gọi họ hãy về nhà càng sớm càng tốt, đừng làm vấy máu bàn tay vô tội của họ”.

Là môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta biết rằng vũ khí tinh thần là công cụ chiến tranh chính của Hội Thánh. Chúng ta đọc được trong Thánh Matthêô (Mt 17:21; Mc 9:29): “Loại ác thần này chỉ được diệt trừ bằng cầu nguyện và kiêng ăn”. Tại Ba Lan, hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, hôm nay chúng tôi đã tuyên bố một ngày cầu nguyện và ăn chay để thiết lập một nền hòa bình công chính ở Ukraine. Tôi yêu cầu ngài, thưa Đức Thượng Phụ, xin hãy kêu gọi tất cả anh chị em Chính thống giáo ở Nga tham gia vào công việc tâm linh tương tự. Tôi tin rằng Chúa là Thiên Chúa sẽ không thờ ơ với những lời cầu nguyện và hy sinh của chúng ta. Tôi tin rằng chay tịnh và cầu nguyện sẽ thay đổi trái tim của con người.

Trong Chúa Cứu Thế,

+ Stanisław Gądecki

Tổng Giám Mục Poznan



Source:exaudi

3. Xung đột Ukraine: Đức Hồng Y Bo lo ngại 'kịch bản ác mộng' về 'thảm họa hạt nhân toàn cầu'

Hôm thứ Sáu Đức Hồng Y Charles Maung Bo cho biết “kịch bản ác mộng” về một vụ thảm sát hạt nhân toàn cầu đang “trở thành một khả năng có thể xảy ra” sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo ở Miến Điện, nơi cũng đang xảy ra xung đột, cho biết trong một thông điệp ngày 4 tháng 3 rằng thế giới đang trên bờ vực của “sự tự hủy diệt”.

“Thế giới đứng ở ngã tư hiện sinh. Kịch bản ác mộng về một vụ thảm sát hạt nhân toàn cầu đang trở thành một khả năng có thể xảy ra một cách đáng sợ”, chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, gọi tắt là FABC, đã đưa ra lập trường trên.

“Các cuộc tấn công lớn vào Ukraine và mối đe dọa sắp xảy ra về việc sử dụng Vũ khí hủy diệt hàng loạt đã đưa thế giới đến ngưỡng cửa tự hủy diệt.”

Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc ngày 3 tháng 3 báo cáo rằng hơn 1,164,000 người đã rời khỏi Ukraine kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tấn công toàn diện vào ngày 24 tháng 2. Hơn 55% trong số họ đã tìm thấy nơi ẩn náu ở Ba Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài 332 dặm với Ukraine.

Giám đốc nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet hôm 3 tháng 3 cho biết văn phòng của bà đã “ghi nhận và xác nhận 752 thương vong dân sự, trong đó có 227 người thiệt mạng – gồm cả 15 trẻ em”.

Công tố viên trưởng của Tòa án Hình sự Quốc tế ở La Hay, Hà Lan, ngày 2 tháng 3 thông báo đang mở cuộc điều tra về cáo buộc tội ác chiến tranh của Nga.

Trước những thất bại của quân đội, sự lên án của quốc tế và các lệnh trừng phạt, ông Putin đã nói với các quan chức quốc phòng vào ngày 27 tháng 2 rằng hãy đặt các lực lượng hạt nhân của Nga vào tình trạng “báo động đặc biệt”.

Đức Hồng Y Bo, tổng giám mục Yangon, thủ đô cũ của Miến Điện, nói rằng cuộc xung đột Ukraine phải kết thúc.

Ngài viết: “Chúng tôi tham gia cùng Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc kêu gọi các nhà cầm quyền của Nga - và tất cả những người khác tin vào sức mạnh của bạo lực – hãy giải quyết các vấn đề thế giới thông qua các biện pháp hòa bình và đối thoại tại Liên Hiệp Quốc.

“Chúng tôi rất vui mừng trước phản ứng thống nhất của cộng đồng thế giới tại Liên Hiệp Quốc, nơi hơn 140 quốc gia đã bỏ phiếu chống lại cuộc chiến tranh tiêu hao có nguy cơ hủy hoại an ninh con người, sự tôn trọng đối với các thể chế toàn cầu”.

Quốc gia của vị Hồng Y 73 tuổi, có tên chính thức là Myanmar, rơi vào tình trạng hỗn loạn khi quân đội tổ chức một cuộc đảo chính vào ngày 1 tháng 2 năm 2021.

Theo nhóm vận động Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, tính đến ngày 3 tháng 3, gần 1,600 người đã thiệt mạng và hơn 12,000 người bị bắt trong chiến dịch trấn áp người biểu tình ở quốc gia Đông Nam Á này.

Đức Hồng Y Bo nói: “Đừng để lịch sử lặp lại trong thế kỷ 21. Thế giới đã phải chịu đựng rất nhiều, phải đối mặt với khủng hoảng đa chiều của một đại dịch giết chết hàng triệu người, giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế, khiến hàng triệu người nghèo khổ. Đây là thời gian để hàn gắn toàn cầu, không phải để gây tổn thương”.

Khi trực tiếp kêu gọi Putin, Đức Hồng Y Bo lưu ý rằng Nga là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có nhiệm vụ “thúc đẩy hòa bình thế giới và bảo đảm quyền của mọi quốc gia”.

Ngài viết: “Chúng tôi kêu gọi Nga ngừng các cuộc tấn công vào Ukraine và quay trở lại Liên Hiệp Quốc để giải quyết mọi vấn đề một cách hòa bình”. “Hòa bình luôn luôn có thể, hòa bình là con đường duy nhất cho tương lai của nhân loại.”
Source:Catholic News Agency