Quá dã man: Chỉ vì đóng tiền xây nhà thờ, Kitô hữu bị khủng bố Hồi Giáo bắt cóc và xử tử

Tin thế giới

Tin thế giới

Trong video, một trong những đao phủ thuộc chi bộ IS địa phương cáo buộc rõ ràng người đàn ông này đã đóng góp về tài chính vào việc xây dựng nhà thờ ngay trước khi bóp cò và hành quyết anh ta. Nhóm thánh chiến cũng cáo buộc Giáo hội “hợp tác” với quân đội, cảnh sát và cơ quan mật vụ Ai Cập.

1. Bọn khủng bố Hồi Giáo IS hành quyết một Kitô hữu Coptic ở Bắc Sinai vì anh ta đã tài trợ cho việc xây dựng một nhà thờ

Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã hành quyết một Kitô hữu Coptic Chính thống Ai Cập, giết anh ta bằng một viên đạn vào đầu trong một vụ hành quyết được quay và đăng trực tuyến hôm Chúa Nhật trên các kênh xã hội của nhóm thánh chiến này và được nhiều người dùng chia sẻ.


Nạn nhân, đã được Chính thống giáo Ai Cập coi là “vị thánh tử đạo mới”, là một trí thức và doanh nhân đáng kính: Nabil Habashi Khadim, 62 tuổi, người đã bị bắt cóc vào ngày 8 tháng 11 tại thành phố Bir Al-Abd, phía bắc Sinai. Trong video, người ta thấy anh ta bị bắn vào đầu bằng khẩu AK47 khi đang quỳ trên mặt đất.

Các nguồn tin địa phương cho biết người đàn ông này đã đóng góp vào việc xây dựng nơi thờ phượng Kitô Giáo duy nhất trong thành phố, nhà thờ Madonna dell'Anba Karras, nghĩa là nhà thờ Đức Mẹ thị trấn Anba Karras. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhóm biệt kích thánh chiến bắt cóc anh.

Trong video, một trong những đao phủ thuộc chi bộ IS địa phương cáo buộc rõ ràng người đàn ông này đã đóng góp về tài chính vào việc xây dựng nhà thờ ngay trước khi bóp cò và hành quyết anh ta. Nhóm thánh chiến cũng cáo buộc Giáo hội “hợp tác” với quân đội, cảnh sát và cơ quan mật vụ Ai Cập.

Người ta âu lo sẽ có các cuộc hành quyết khác vào ngày lễ Phục sinh sắp tới, là ngày 2 tháng 5.


Source:Asia News

2. Ai Cập: 3 tay súng liên quan đến vụ giết Kitô hữu bị bắt

Bộ Nội vụ cho biết hôm thứ Hai, cảnh sát Ai Cập đã bắn chết 3 tay súng bị tình nghi có liên quan đến vụ giết hại anh Nabil Habashi Khadim bị bắt cóc tại một khu vực của Bán đảo Sinai.

Các lực lượng an ninh đã giao tranh với các tay súng của bọn khủng bố Hồi Giáo IS trong khi truy đuổi chúng ở khu vực Abtal, ở Bắc Sinai. Ba trong số các chiến binh đã bị giết và cảnh sát đang truy đuổi ba người khác. Tuyên bố không cho biết họ giao tranh diễn ra khi nào.

Bộ Nội vụ cho biết một đai chất nổ đã phát nổ trong vụ xả súng. Không có thương vong nào được báo cáo về phía các lực lượng an ninh.

Các chiến binh đã bắt cóc Habashi, chủ một cửa hàng bán đồ trang sức, vào tháng 11 từ Bir al-Abd, và yêu cầu khoản tiền chuộc là 2 triệu bảng Ai Cập, tức là 127,550 triệu USD.

Chi nhánh địa phương của IS ở bán đảo Sinai đã công bố đoạn video dài 13 phút cho thấy cảnh Habashi quỳ gối, với ba người đàn ông mặc đồ đen đứng phía sau. Một trong những người đàn ông xuất hiện để bắn Habashi vào sau đầu của anh ta. Không rõ Habashi bị giết khi nào.

Ai Cập đang chiến đấu với một cuộc nổi dậy do Nhà nước Hồi giáo lãnh đạo ở Bán đảo Sinai gia tăng sau khi quân đội lật đổ một tổng thống Hồi giáo, là ông Mohamed Morsi được bầu vào năm 2013. Quân đội đã can thiệp sau các cuộc biểu tình hàng loạt chống lại tổng thống này, sau một năm ông ta cầm quyền. Quân nổi dậy đã thực hiện nhiều cuộc tấn công, chủ yếu nhắm vào lực lượng an ninh và các tín hữu Kitô thiểu số.
Source:Crux

3. Giáo Hội Công Giáo Nga kỷ niệm 30 năm kể từ khi tái sinh

Với thánh lễ nhận tòa của Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz tại Nhà thờ Thánh Louis của Pháp ở Mạc Tư Khoa ngày 13/4/1991, việc tái thiết lại Giáo Hội Công Giáo ở Nga chính thức được bắt đầu.

Vài tuần sau Đức Cha Joseph Werth ở Novosibirsk đã được bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Tòa miền Phủ Doãn Tông Tòa mới trong khu vực Á Châu của Nga. Trước thềm Năm Thánh 2000, hai giáo phận lớn đã được tách ra thành giáo phận Saratov trên sông Volga và Irkutsk trên Hồ Baikal, và cả bốn miền này đều được nâng lên hàng giáo phận vào năm 2002.

Đánh dấu ngày kỷ niệm, người Công Giáo tổ chức lễ tạ ơn long trọng ở tất cả các giáo xứ. Giáo Hội tại Nga hiện có hơn 300 giáo xứ trên khắp lãnh thổ, chưa kể nhiều nhà nguyện và “cứ điểm mục vụ”, là những nơi tập trung các nhóm nhỏ người Công Giáo rải rác khắp lãnh thổ Á-Âu của Liên bang Nga.

“Ba mươi năm hiệp thông và hiệp nhất - Đức Tổng Giám Mục Paolo Pezzi ở Mạc Tư Khoa nhấn mạnh - tin vào lời Chúa Giêsu Kitô, chúng ta bắt đầu thấy những điều mà những người không có đức tin không thấy... chúng ta thấy phép lạ của sự hiệp nhất giữa chúng ta, món quà quý giá mà chúng ta đã nhận cách đây 30 năm, tạ ơn Chúa vì hôm nay chúng ta có mặt tại đây trong cộng đoàn Hội Thánh”.

Trong dịp kỷ niệm ba mươi năm này, ủy ban công nhận các vị tử đạo Công Giáo Nga trong thế kỷ 20 đã được cải tổ, và giờ đây chính thức theo đuổi vụ án “tuyên phong chân phước hoặc tuyên bố tử đạo cho tôi tớ Chúa Antonij Maletskij, giám mục chính thức của Dionisiana, Giám Quản Tông Tòa của Leningrad và 9 bạn tử đạo, bị giết vì lòng căm thù của đức tin”. Cùng với Đức Cha Maletsky còn có một số linh mục, một nữ tu và một phụ nữ giáo dân.

Cùng với việc tưởng nhớ các vị tử đạo, người Công Giáo địa phương nhớ lại những khó khăn và biến cố trong 30 năm qua, trong đó cộng đồng dần dần thoát ra khỏi thực tế nửa kín đáo, nơi họ đã che giấu nguồn gốc Công Giáo của mình trong những năm Xô Viết.

Người Công Giáo ở Nga phần lớn là hậu duệ của tổ tiên người Ba Lan, Lithuania và Đức, những người thường Nga hóa tên và họ của mình để tránh bị chú ý. Họ được tham gia bởi các tín hữu từ Phi Châu hoặc Mỹ Châu Latinh, cũng như từ miền Caucasus và Á Châu, từ nhiều quốc gia có quan hệ đặc biệt với Liên Sô, nơi họ đến để làm việc hoặc học tập và cũng bị buộc phải gác lại các truyền thống tôn giáo của riêng họ và niềm tin.
Source:Asia News

4. Giám mục Ba Lan: Lễ kỷ niệm cuộc nổi dậy Warsaw là ‘lời kêu gọi yêu thương người lân cận’

Một giám mục Công Giáo Ba Lan cho biết hôm thứ Hai rằng lễ kỷ niệm Cuộc nổi dậy ở khu ổ chuột Warsaw là một lời nhắc nhở về sự cần thiết phải yêu thương người lân cận.

Trong một thông điệp, Đức Cha Rafał Markowski đã bày tỏ lòng kính trọng tới khoảng 13,000 người Do Thái đã chết sau khi cuộc nổi dậy bắt đầu ở thủ đô Ba Lan vào ngày 19 tháng 4 năm 1943.

“Lễ kỷ niệm Cuộc nổi dậy ở khu ổ chuột Warsaw là một lời mời gọi yêu thương người lân cận, tôn trọng và công nhận phẩm giá của mỗi con người,” Đức Cha Markowski, Giám Mục Phụ Tá của Warsaw và Chủ tịch Ủy ban các giám mục Ba Lan đối thoại với Do Thái giáo nói.

“Cần phải nhắc lại một cách dứt khoát rằng, dưới ánh sáng của Phúc âm, bất kỳ biểu hiện nào của sự thù hận và gây hấn, kể cả chủ nghĩa bài Do Thái, đều là tội lỗi”.

Cuộc nổi dậy duy nhất và lớn nhất của người Do Thái trong Thế chiến thứ hai đã được phát động cách đây 78 năm khi Đức Quốc xã cố gắng vận chuyển dân cư của Khu Do Thái ở Warsaw đến các trại tử thần Majdanek và Treblinka.

Mặc dù bị tấn công ồ ạt và bị áp đảo về quân số, các du kích quân vẫn tiếp tục chiến đấu với Đức Quốc xã trong gần một tháng, cho đến ngày 16 tháng 5 năm 1943. Tướng Jürgen Stroop, người giám sát việc đàn áp cuộc nổi dậy, đã gửi một báo cáo chiến thắng cho thủ lĩnh SS Heinrich Himmler với tựa đề “Khu phố Do Thái của Warsaw không còn nữa!”

Vị giám mục 63 tuổi mô tả cuộc nổi dậy là một nỗ lực anh hùng để ngăn cản “kế hoạch tiêu diệt toàn bộ dân tộc Do Thái của ma quỷ”.

“Những kẻ chiếm đóng Đức đã bắt đầu sát hại cư dân của Khu Do Thái Warsaw hai ngày trước ngày lễ quan trọng nhất của người Do Thái, là Lễ Vượt Qua, và sự kết thúc của việc tiêu diệt người Do Thái ở thủ đô được tượng trưng bằng việc phá hủy Giáo đường Do Thái Lớn trên phố Tłomackie”, ngài lưu ý.

Trước khi phát xít Đức xâm lược Ba Lan năm 1939, Warsaw có cộng đồng Do Thái lớn nhất ở Âu Châu.

Khi chiếm được Warsaw, Đức Quốc Xã ra lệnh cho dân chúng Do Thái của thành phố di chuyển đến một vùng ổ chuột gọi là khu ổ chuột Warsaw.

Vào tháng 7 năm 1942, Đức Quốc xã phát động chiến dịch “Grossaktion Warschau”, trong đó hơn một phần tư triệu người Do Thái bị trục xuất khỏi khu ổ chuột và bị sát hại tại Treblinka.

Cuộc nổi dậy bắt đầu một năm sau đó khi những người dân còn lại từ chối đầu hàng Stroop, là người ra lệnh san bằng khu ổ chuột.

Nhiều người tham gia phong trào kháng chiến của người Do Thái còn trẻ. Mordechai Anielewicz, lãnh đạo của Tổ chức Chiến đấu Do Thái, tổ chức có công trong cuộc nổi dậy, mới 24 tuổi khi anh qua đời vào ngày 8 tháng 5 năm 1943.
Source:Catholic News Agency