TT Zelenskiy: Putin muốn biến Ukraine thành nô lệ thầm lặng. Bài phỏng vấn ĐTC Phanxicô

Tin thế giới

Tin thế giới

Mọi quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên quan tâm đến việc Liên Hiệp Quốc sẽ lựa chọn hành động như thế nào để đáp lại các hành động của Nga ở Ukraine.
1. Tổng thống Zelenskiy: Nga muốn biến Ukraine thành 'nô lệ thầm lặng'

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenksiy, đã có bài phát biểu trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc tại New York. Dưới đây là một số thông tin tóm tắt từ bài diễn văn của ông:



Trước hết, Ông Zelenksiy cáo buộc Nga “ủng hộ sự thù hận ở cấp độ nhà nước” và xuất khẩu nó sang các nước khác “thông qua hệ thống tuyên truyền và tham nhũng chính trị của họ”.

Họ đã kích động một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu có thể dẫn đến nạn đói ở Phi Châu, Á Châu và các nước khác. Chắc chắn, và trên quy mô lớn, người Nga đã mưu tìm hỗn loạn chính trị ở nhiều quốc gia và phá hủy an ninh nội địa của nhiều nước.

Mọi quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên quan tâm đến việc Liên Hiệp Quốc sẽ lựa chọn hành động như thế nào để đáp lại các hành động của Nga ở Ukraine.

Ông nói, giới lãnh đạo của Nga lặp lại các hành động của “những người thực dân trong thời cổ đại”, bắt đầu bằng việc cướp bóc thực phẩm và những “đôi bông tai bằng vàng của các phụ nữ bị giựt ra dính đầy máu”.

Họ cần sự giàu có của chúng tôi, con người của chúng tôi.

Nga đã bắt cóc hàng trăm nghìn công dân của chúng tôi về đất nước của họ. Họ đã bắt cóc hơn 2,000 trẻ em. Không chỉ bắt cóc những đứa trẻ đó, họ vẫn đang tiếp tục làm như vậy. Nga muốn biến Ukraine thành những nô lệ thầm lặng.

Quân đội Nga đang công khai cướp phá các thành phố và làng mạc mà họ đã chiếm được. Họ đang ăn cắp mọi thứ, bắt đầu từ thức ăn và những đông bông tai.


Source:The Guardian

2. Dòng Malta huy động 69,000 tình nguyện viên để giúp đỡ người Ukraine

Cuộc xâm lược của quân đội Nga bước sang tuần thứ năm, 12 triệu người ở Ukraine đang rơi vào tình trạng rất mong manh. 3,8 triệu người đã chạy trốn khỏi cuộc chiến sang một quốc gia láng giềng và 4 triệu người khác đang lên kế hoạch tham gia cùng họ. Đối mặt với thách thức nhân đạo chưa từng có, Dòng Malta đang thực hiện nhiều hành động trên thực địa ở Ukraine. Những trợ giúp này bao gồm việc phân phát các bữa ăn tại sáu trung tâm tiếp tân ở Lviv, nơi một trung tâm y tế tập trung đã được thành lập; chỗ ở cho những người tị nạn đến Lviv và Ivano-Frankivsk; hỗ trợ tâm lý; và việc chuyển giao y tế cho những người tị nạn bị thương hoặc bị bệnh đến biên giới.

Cho đến nay, Dòng Malta đã cung cấp cho 275,000 người Ukraine dịch vụ chăm sóc y tế, hỗ trợ hậu cần hoặc phân phối lương thực tại các biên giới của đất nước. Ngoài ra, 47 xe tải chở đầy thiết bị y tế, thực phẩm, thuốc men và bộ dụng cụ sinh tồn đã được thuê. Các đoàn xe bổ sung đang được chuẩn bị. 69,000 tình nguyện viên sống ở Đông Âu cam kết hỗ trợ nỗ lực nhân đạo.

Dòng Hiệp sĩ Malta là một dòng tu Công Giáo Rôma được tổ chức như một lực lượng quân sự. Họ là các hiệp sĩ Âu Châu lâu đời nhất trên thế giới. Sau khi chinh phục được Giêrusalem vào năm 1099 trong cuộc Thập tự chinh thứ nhất, họ đã trở thành một dòng tu quân sự có điều lệ riêng với nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ Đất Thánh. Sau khi các vùng lãnh thổ ở Thánh Địa rơi vào tay người Hồi giáo thì dòng này rút quân về hoạt động ở đảo Rhodes (1310-1523), và sau đó là đảo Malta (1530-1798). Năm 1798, Napoléon Bonaparte chiếm được Malta thì dòng này rút về Roma nhưng vẫn được nhìn nhận tư cách một quốc gia có chủ quyền. Dù không thực sự có một vùng lãnh thổ xác định nhưng họ được cấp tư cách quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc, được phát hành tem bưu chính, có hộ chiếu đi quốc tế, có quốc kỳ và quốc huy như một nhà nước.

Dòng hiện có khoảng 13,000 thành viên, 80,000 tình nguyện viên thường trực và 20,000 nhân viên y tế (bao gồm bác sĩ, y tá, trợ tá) hiện diện tại hơn 120 quốc gia.
Source:Aleteia

3. Cuộc phỏng vấn Đức Giáo Hoàng Phanxicô trên chuyến bay từ Malta trở lại Vatican

Hãng tin CNA vừa cho phổ biến toàn văn cuộc phỏng vấn Đức Giáo Hoàng Phanxicô trên chuyến bay từ Malta trở lại Vatican ngày 3 tháng 4, 2020. Cuộc phỏng vấn này bị giới hạn thời gian vì thời gian bay từ Malta trở lại Vatican không lâu. Chúng tôi xin chuyển dịch các câu hỏi chính:

Andrea Rossitto, Đài truyền hình Malta nói Cảm ơn Đức Thánh Cha đã có mặt tại Malta. Câu hỏi của con là về sự ngạc nhiên sáng nay, trong nhà nguyện nơi Thánh George Preca được chôn cất: động lực nào khiến Đức Thánh Cha tạo ra bất ngờ này cho người Malta. Đức Thánh Cha sẽ nhớ gì về chuyến thăm Malta này? Rồi, sức khỏe của Đức Thánh Cha. Nó đang diễn tiến ra sao? Chúng con thấy rằng chuyến đi rất căng thẳng này đã diễn ra tốt đẹp. Cảm ơn Đức Thánh Cha nhiều.

Đáp lại, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết: Sức khỏe của tôi hơi thay đổi, tôi có vấn đề về đầu gối khiến việc đi lại trở nên khó khăn. Cũng hơi khó chịu nhưng cũng đỡ hơn, ít ra thì tôi cũng đi lại được, một tuần trước tôi còn không đi lại được. Mọi sự xem ra chậm chạp vào mùa đông này... ở độ tuổi của tôi, bạn không biết trận đấu sẽ kết thúc như thế nào. Chúng ta hãy hy vọng nó diễn ra tốt đẹp.

Về Malta, tôi rất vui với chuyến thăm. Tôi đã nhìn thấy thực tế của Malta, sự nhiệt tình tuyệt vời của người dân cả ở Gozo lẫn ở Malta. Một sự nhiệt tình tuyệt vời trên đường phố. Tôi đã rất ngạc nhiên. [Chuyến đi] hơi ngắn. Tôi đã thấy vấn đề, một trong những vấn đề đối với các bạn. Vấn đề người di cư rất nghiêm trọng, bởi vì Hy Lạp, Síp, Malta, Tây Ban Nha, Ý là những quốc gia gần châu Phi và Trung Đông nhất, những người di cư đến đây luôn được chào đón. Vấn đề là mỗi chính phủ nên nói rõ thông thường họ có thể tiếp nhận bao nhiêu người di cư để sống xứng đáng, điều này đòi hỏi phải thông cảm với các quốc gia Âu Châu, và ít chính phủ sẵn sàng chấp nhận người di cư. Chúng ta đừng quên rằng Âu Châu được tạo ra bởi những người di cư, nhưng ít nhất đừng để trọn gánh nặng cho các quốc gia láng giềng này. Điều quan trọng là không để các quốc gia này một mình.

Hôm nay tôi đã có mặt tại trung tâm tiếp nhận người di cư. Những điều tôi nghe thấy ở đó, chúng thật khủng khiếp, sự đau khổ của những người đến đó, và sau đó là các trại di cư, có những trại di cư trên bờ biển Libya, “Con đường Thập giá” của những người này dường như đầy tính tội phạm. Tôi đã nghe các chứng từ đầy đau khổ. Đây là một vấn đề đụng đến tất cả chúng ta. Cách mà Âu Châu đang dành chỗ, một cách hào phóng, cho người Ukraine, mở cửa cho người Ukraine, họ cũng nên làm cho cả những người đến từ Địa Trung Hải. Đây là một điểm khiến tôi rất xúc động lúc kết thúc chuyến viếng thăm. Tôi đã cảm nhận được nỗi đau khổ của họ, nỗi đau khổ ít nhiều tôi đã nói với các bạn trong cuốn sách nhỏ xuất bản, “Hermanito,” bằng tiếng Tây Ban Nha, “em trai tôi”, nỗi đau khổ của những người này. Một người lên tiếng hôm nay phải trả gấp bốn lần. Tôi yêu cầu các bạn suy nghĩ về điều này.

Jordi Barcelò của Đài phát thanh Nacional de España đặt câu hỏi: Chào Đức Thánh Cha buổi tối. Con sẽ đọc câu hỏi vì tiếng Ý của con vẫn chưa tốt lắm. Trên chuyến bay đưa chúng ta đến Malta, Đức Thánh Cha đã nói rằng một chuyến thăm Kyiv đã được dự kiến. Và một lần nữa ở Malta, Đức Thánh Cha đã nhiều lần nhắc đến sự gần gũi của Đức Thánh Cha với người dân Ukraine. Vào ngày thứ Sáu tại Rome, tổng thống Ba Lan đã để ngỏ cho chuyến thăm biên giới Ba Lan. Hôm nay, chúng ta bị xúc động rất nhiều bởi những hình ảnh đến từ Bucha, một thị trấn gần Kyiv, được quân đội Nga bỏ đi, nơi người Ukraine tìm thấy hàng chục tử thi vứt trên mặt đất, một số nắm tay nhau, như thể họ bị hành quyết. Có vẻ như ngày nay, sự hiện diện của Đức Thánh Cha trong khu vực đó luôn cần thiết hơn. Đức Thánh Cha có nghĩ rằng một chuyến đi như thế là khả thi và đâu là những điều kiện cần có để Đức Thánh Cha đến đó? Cảm ơn Đức Thánh Cha.

Đức Phanxicô trả lời: Cảm ơn bạn đã cho tôi biết tin tức này từ hôm nay mà tôi không biết. Chiến tranh luôn là một sự tàn ác, một điều phi nhân tính đi ngược lại tinh thần nhân bản - tôi không nói Kitô giáo, mà là nhân bản. Đó là tinh thần của Cain được cho là đã đi đến đó. Tôi sẵn sàng làm tất cả những gì có thể làm được, và Tòa Thánh, đặc biệt là phần ngoại giao - Đức Hồng Y Parolin, Đức Tổng Giám Mục Gallagher - đang làm mọi sự, mọi sự. Bạn không thể công bố mọi điều các ngài đang làm, vì thận trọng, vượt ra ngoài bí mật, nhưng chúng tôi đang ở giới hạn cuối cùng của công việc. Một chuyến đi là một trong những khả thể. Có thể có hai chuyến thăm: một chuyến như tổng thống Ba Lan yêu cầu, cử Hồng Y Krajewski đến thăm những người Ukraine được tiếp nhận ở Ba Lan. Ngài đã đi hai lần để mang theo hai chiếc xe cấp cứu, và ngài vẫn đang ở đó với họ, nhưng ngài sẽ làm điều đó một lần nữa, ngài sẵn sàng làm điều đó. Chuyến đi khác mà có người hỏi tôi, nhiều hơn một người, tôi nói thật lòng, liệu tôi có dự định đến đó hay không, thì tôi xin nói rằng việc luôn sẵn sàng có đó, không có, “không”, trước tiên, tôi sẵn sàng...Và tôi nghĩ gì về một chuyến đi... câu hỏi diễn ra như thế này: chúng tôi nghe nói rằng các bạn đang nghĩ về một chuyến thăm Ukraine? Và tôi nói: Nó đang nằm ở trên bàn. Đó là một trong những đề xuất đã được đưa ra, nhưng tôi không biết liệu nó có thể thực hiện được hay không, liệu có đáng để làm hay không và nếu làm nó có là điều tốt nhất, hoặc nó có hữu ích hay không và tôi nên làm nó. Tất cả vẫn còn lơ lửng trong không khí, phải không? Rồi, từ lâu, người ta vốn nghĩ đến một cuộc gặp gỡ với Thượng phụ Kirill. Điều này đang được sắp xếp, Trung Đông đang được coi là [địa điểm]. Đây là những điều hiện đang được dự kiến.

Gerry O’Connell của Tạp chí America hỏi Đức Phanxicô: Thưa Đức Thánh Cha, trong suốt chuyến đi này, Đức Thánh Cha đã nhiều lần nói tới chiến tranh [ở Ukraine]. Câu hỏi nhiều người có là, kể từ khi bắt đầu chiến tranh, Đức Thánh Cha đã nói chuyện với Tổng thống Putin và nếu không, Đức Thánh Cha sẽ nói gì với ông ấy hôm nay?

Đức Phanxicô nói: Những điều tôi đã nói với chính quyền của mỗi bên đều được công khai. Không có điều gì tôi đã nói là bí mật đối với tôi. Khi tôi nói chuyện với Thượng phụ Kirill, sau đó ngài đã tuyên bố đúng những gì chúng tôi đã nói với nhau. Tôi đã nói chuyện với Tổng thống Nga hồi cuối năm, khi ông ấy gọi điện chúc mừng sinh nhật tôi. Chúng tôi đã nói. Tôi đã nói chuyện với tổng thống Ukraine hai lần. Sau đó, vào ngày đầu tiên của cuộc chiến, tôi nghĩ rằng tôi nên đến đại sứ quán Nga tại Tòa thánh để nói chuyện với đại sứ, người đại diện cho người dân, đặt câu hỏi và chia sẻ cảm xúc của tôi về tình hình. Đây là những thông tin liên lạc chính thức mà tôi có. Với Nga, tôi đã làm điều đó thông qua đại sứ. Tôi cũng đã nói chuyện với tổng giám mục chính của Kyiv, Đức Cha Shevchuck. Cứ đều đặn hai hoặc ba ngày, tôi nói chuyện với một người trong số các bạn, Elisabetta Piqué, nhà báo tại Vatican của tờ La Nación, hiện đang ở Odesa, nhưng đã ở Lviv khi chúng tôi nói chuyện. Cô ấy cho tôi biết mọi điều đang diễn biến như thế nào. Tôi cũng đã nói chuyện thường xuyên với bề trên của chủng viện. Nhưng như tôi đã nói, tôi cũng đang liên lạc với một trong số các bạn. Nói đến đây, tôi muốn gửi lời chia buồn cùng các bạn vì những người đồng nghiệp của các bạn đã ngã xuống. Dù họ đứng về phía nào, điều đó không quan trọng. Nhưng công việc của các bạn là công việc vì lợi ích chung. Và những [nhà báo] này đã phục vụ lợi ích chung, phục vụ thông tin. Chúng ta đừng quên họ. Họ rất dũng cảm và tôi cầu nguyện cho họ xin Chúa ban thưởng công việc họ làm. Đó là những thông tin liên lạc mà chúng tôi đã có cho đến nay.

O’Connell hỏi thêm: Nhưng thông điệp của Đức Thánh Cha dành cho Putin là gì nếu Đức Thánh Cha có khả thể nói chuyện với ông ấy?

Đức Phanxicô trả lời: Những thông điệp mà tôi đã gửi cho tất cả các cơ quan chức năng là những thông điệp mà tôi đã công khai. Tôi không nói nước đôi. Tôi luôn nói những điều như nhau. Tôi nghĩ trong câu hỏi của bạn cũng có sự nghi ngờ về những cuộc chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa. Mọi cuộc chiến tranh đều bắt nguồn từ sự bất công, luôn luôn như vậy. Bởi vì đó là phương pháp của chiến tranh, không có chiến thuật hòa bình. Thí dụ, đầu tư mua vũ khí. Họ nói: nhưng chúng tôi cần phải tự vệ. Đó là chiến lược của chiến tranh. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, mọi người đều thở phào, “không bao giờ có chiến tranh nữa” chỉ có hòa bình. Một làn sóng hoạt động vì hòa bình đã bắt đầu, ngay cả với thiện chí không trao vũ khí, vũ khí nguyên tử trong thời điểm đó, vì hòa bình, sau Hiroshima và Nagasaki. Có thiện chí lớn. 70 năm sau, chúng ta đã quên tất cả những điều này. Chiến lược mà chiến tranh áp đặt là như vậy. Thời đó, có rất nhiều hy vọng vào công việc của Liên Hợp Quốc. Nhưng chiến thuật chiến tranh đã tự áp đặt trở lại. Chúng ta không thể nghĩ ra một chiến lược khác, chúng ta không quen nghĩ đến chiến lược hòa bình. Có những người vĩ đại như Gandhi và những người khác mà tôi đề cập ở cuối thông điệp Fratelli tutti, những người đã chiến đấu cho chiến lược hòa bình. Nhưng chúng ta là loài người ngoan cố. Chúng ta yêu những cuộc chiến tranh, với tinh thần Cain. Không phải ngẫu nhiên, ở phần đầu của Kinh thánh có vấn đề này: tinh thần “Cain” giết người thay vì tinh thần hòa bình. “Thưa cha, tôi không thể”.

Tôi sẽ nói với bạn một điều có tính tư riêng: Vào năm 2014, khi ở nghĩa trang quân đội tại Redipuglia, nhìn thấy tên của những cậu bé [đã chết] đó, tôi đã khóc. Thực sự tôi đã khóc vì cay đắng. Sau đó, một hoặc hai năm sau, vào Ngày lễ các linh hồn, tôi đã đến cử hành Thánh lễ ở Anzio và tôi thấy tên của những [binh lính] trẻ đã ngã xuống ở đó. Tất cả những người đàn ông trẻ tuổi, và tôi cũng đã khóc ở đó. Thật thế. Khóc trên những ngôi mộ là cần thiết.

Có một điều mà tôi tôn trọng, bởi vì nó là một vấn đề chính trị. Khi có một lễ kỷ niệm về việc đổ bộ lên Normandy, những người đứng đầu chính phủ cùng nhau tụ họp để tưởng nhớ nó. Nhưng tôi không nhớ có ai đã nói về 30,000 thanh niên ngã xuống trên bãi biển. Tuổi trẻ không đáng kể. Điều này khiến tôi suy nghĩ. Tôi đau buồn. Chúng ta không học được gì. Xin Chúa thương xót chúng ta, tất cả chúng ta. Tất cả chúng ta đều có lỗi.