Thời khắc khó khăn: Hãy cảnh giác tin giả quanh báo cáo tại Pháp. Kết quả phiên tòa xét xử HY Becciu

Tin thế giới

Tin thế giới

Chánh án Pignatone đã ra lệnh cho bên công tố cấp cho các luật sư bào chữa quyền truy cập vào các tài liệu, bằng chứng, video thẩm vấn còn lại và các tài liệu khác trước ngày 3 tháng 11 và hoãn phiên tòa cho đến ngày 17 tháng 11.
1. Kết quả phiên tòa xét xử Hồng Y Becciu ngày 6 tháng 10

Hôm thứ Tư 6 tháng 10, chánh án tại phiên tòa xét xử 10 người bị cáo buộc các tội phạm tài chính ở Vatican, trong đó có Hồng Y Becciu, đã ra lệnh cho công tố cấp cho các luật sư bào chữa quyền tiếp cận nhiều hơn với các bằng chứng, và thẩm vấn các bị cáo về các chủ đề đang gây tranh cãi.


Chánh án Giuseppe Pignatone đã đáp lại một đề nghị bất ngờ mà công tố đưa ra hôm thứ Ba, trong đó bên công tố thừa nhận những điểm yếu trong tiến trình điều tra của mình và cho biết họ sẵn sàng quay trở lại giai đoạn điều tra để giải quyết các thiếu sót mà bên bào chữa tranh cãi.

Phiên tòa chủ yếu xoay quanh việc Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh mua một tòa nhà thương mại và dân cư tại số 60 Đại lộ Sloane ở Nam Kensington của London, một trong những quận giàu có nhất ở thủ đô nước Anh.

Chánh án Pignatone đã ra lệnh cho bên công tố cấp cho các luật sư bào chữa quyền truy cập vào các tài liệu, bằng chứng, video thẩm vấn còn lại và các tài liệu khác trước ngày 3 tháng 11 và hoãn phiên tòa cho đến ngày 17 tháng 11.

Các luật sư bào chữa cho biết họ hài lòng với phán quyết và cho biết họ sẽ thúc ép công tố phải thẩm vấn các thân chủ của mình về các chủ đề chưa được đề cập trước khi bản cáo trạng được công bố vào ngày 3 tháng 7.

Bằng cách ấn định ngày tiếp tục phiên tòa, Chánh án Pignatone đã bác bỏ một cách hiệu quả yêu cầu của bên bào chữa muốn hủy bỏ bản cáo trạng dài 500 trang sau khi bên công tố thừa nhận có các thiếu sót pháp lý. Việc huỷ bỏ bản cáo trạng này có thể giết chết phiên tòa hiện tại.

Các luật sư bào chữa giờ đây sẽ có thể xem video về năm cuộc thẩm vấn Đức ông Alberto Perlasca, một cựu quan chức của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, người đầu tiên là nghi phạm và sau đó là nhân chứng chính trong vụ truy tố. Cho đến nay họ chỉ có quyền truy cập vào các bản tóm tắt bằng văn bản.

Perlasca là nhân chứng chính trong vụ kiện chống lại bị cáo nổi tiếng nhất, Hồng Y Angelo Becciu, một quan chức Vatican quyền lực một thời.

Bên công tố đã buộc tội Hồng Y Becciu, các cựu quan chức hoặc nhân viên khác của Vatican và những người trung gian bên ngoài có liên quan đến vụ tham ô, lạm dụng chức vụ và gian lận, cùng các tội danh khác. Họ đều phủ nhận có hành vi sai trái.

Hồng Y Becciu cũng bị cáo buộc uy hiếp nhân chứng và các luật sư của ngài cho biết họ hy vọng rằng việc xem băng sẽ hỗ trợ thêm cho yêu cầu của họ về việc loại bỏ cáo buộc đó.

Các khoản đầu tư ở London đã làm Tòa Thánh thiệt hại đến 350 triệu Euros và phải gánh chịu những gì mà Đức Hồng Y George Pell, cựu tổng trưởng Bộ Kinh Tế, nói với Reuters năm ngoái là các “thiệt hại to lớn” về nhiều mặt, đặc biệt là uy tín.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã loại Hồng Y Becciu khỏi chức vụ cuối cùng của ngài tại Vatican vào năm 2020 vì các cáo buộc mà ngài đang bị xét xử.


Source:Reuters

2. Bản báo cáo về tội lỗi lạm dụng trong Giáo hội Pháp qua nhiều thập kỷ

Một ủy ban độc lập đã phát hiện ra nhiều vụ lạm dụng tình dục trong Giáo Hội Công Giáo tại Pháp trong bảy thập kỷ qua, và đưa ra những lời kêu gọi cải cách.

Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục trong Giáo Hội, gọi tắt theo tiếng Pháp là CIASE đã bắt đầu hoạt động cách đây ba năm theo yêu cầu của Hội Đồng Giám Mục Pháp và Hội Đồng Các Bề Trên Thượng Cấp. Chúng tôi xin nhắc lại chi tiết này một lần nữa: Ủy ban này hoạt động độc lập NHƯNG DO CHÍNH CÁC GIÁM MỤC PHÁP và HỘI ĐỒNG CÁC BỀ TRÊN CÁC DÒNG TU THÀNH LẬP nhằm tìm hiểu một cách khách quan thực trạng của tội lỗi lạm dụng tình dục trong hàng giáo sĩ.

Hôm thứ Ba 5 tháng 10, Ủy ban đã đưa ra một báo cáo dài 500 trang, kèm theo khoảng 2,000 trang tài liệu hỗ trợ. Ủy ban ước tính có khoảng 330,000 nạn nhân, trong đó có khoảng 216,000 nạn nhân bị các linh mục lạm dụng.

Con số cao như thế là ước tính cả các nạn nhân tiềm năng, tức là những người có thể đã bị lạm dụng nhưng không báo cáo. Nói cụ thể là như thế này, ủy ban đã xác định được 2,700 nạn nhân lạm dụng từ năm 1950 đến năm 2020 thông qua các cuộc phỏng vấn và 4,800 người khác thông qua nghiên cứu lưu trữ. “Từ đó, Ủy ban đã làm việc với một cơ quan thăm dò ý kiến và Viện Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Pháp để ước tính tổng số nạn nhân có tiềm năng bị các giáo sĩ lạm dụng trong khoảng thời gian từ năm 1950 đến năm 2020, ở mức 216,000. Ủy ban ước tính có khoảng 3,200 kẻ đã thực hiện những hành vi lạm dụng đó.”

CIASE cho biết 2/3 số kẻ lạm dụng là các linh mục và tu sĩ, số còn lại là giáo dân làm việc cho Giáo hội. Khoảng 80% nạn nhân là trẻ em trai, chủ yếu là trẻ em từ 10 đến 13 tuổi.

Jean-Marc Sauvé, chủ tịch của ủy ban, cho biết trong một cuộc họp báo ở Paris hôm thứ Ba: “Giáo hội đã không nhìn thấy hoặc không nghe thấy, không nhận được các tín hiệu yếu ớt, không thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt cần thiết. Trong nhiều năm, Giáo hội đã thể hiện ‘sự thờ ơ sâu sắc, hoàn toàn và thậm chí tàn nhẫn đối với các nạn nhân’,” ông nói.

Sauvé chỉ ra rằng phản ứng của Giáo hội đối với tội lỗi lạm dụng tình dục bắt đầu thay đổi vào khoảng năm 2000. “Rõ ràng là tình thế đã có những tiến bộ trong 70 năm qua,” ông nói. “Nhưng một điểm chính là, cho đến đầu những năm 2000, Giáo Hội đã thể hiện sự thờ ơ sâu sắc, hoàn toàn và thậm chí tàn nhẫn đối với các nạn nhân. Tất nhiên, một sự thay đổi đã được khởi xướng từ những năm 2000 với sự bất khoan nhượng, lên án các hành vi lạm dụng trẻ em, v.v., nhưng chính sách đã chậm được đưa ra”.

Báo cáo cho biết hơn một nửa số vụ lạm dụng xảy ra từ năm 1950 đến 1969. “Các vụ lạm dụng tính dục giảm dần từ năm 1970 đến 1990, thời kỳ ơn gọi linh mục và ảnh hưởng của Giáo hội cũng giảm xuống, và sau đó đạt đến một mức không đổi kéo dài cho đến ngày nay”.

Người đứng đầu Hội đồng Giám mục Pháp, Đức Tổng Giám Mục Eric de Moulins-Beaufort của tổng giáo phận Reims, nhận xét tại cuộc họp báo: “Tôi bày tỏ sự xấu hổ, nỗi sợ hãi, và quyết tâm hành động với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục để thái độ từ chối không nghe, không thấy không xảy ra nữa, để ao ước muốn che dấu, và sự miễn cưỡng công khai lên án biến mất khỏi thái độ của các nhà chức trách Giáo Hội, các linh mục và mục tử, cũng như tất cả các tín hữu”.

Gọi quy mô của tội lỗi lạm dụng là “kinh khủng”, Đức Tổng Giám Mục de Moulins-Beaufort nói rằng tiếng nói của các nạn nhân “khiến chúng ta xúc động sâu sắc. Số lượng của các vụ lạm dụng tính dục khiến chúng ta choáng ngợp. Nó vượt xa những gì chúng ta có thể đã tưởng tượng ra”.

Ủy ban được thành lập vào năm 2018 bởi Hội đồng Giám mục Pháp và Hội đồng nam nữ tu sĩ Pháp, để đáp ứng với ngày càng nhiều các tuyên bố lạm dụng tình dục trong lịch sử. Ủy ban đã nghiên cứu hồ sơ của Giáo hội, tòa án và cảnh sát cũng như các báo cáo trên phương tiện truyền thông và nghe từ khoảng 6,500 người - cả nạn nhân và những người thân cận với họ.

Sơ Véronique Margron, Chủ tịch Hội đồng nam nữ tu sĩ Pháp, bày tỏ “nỗi buồn vô hạn” và “sự xấu hổ sâu xa” của mình khi đối mặt với điều mà sơ gọi là “tội ác chống lại nhân loại.”

Hai trong số các tội danh bị cáo buộc, vẫn có thể khởi kiện, đã được chuyển cho các công tố viên Pháp. Bốn mươi trường hợp đã hết thời hiệu nhưng các thủ phạm được cho là vẫn còn sống, đã được gửi đến các quan chức của Giáo hội.

Khuyến nghị

Ủy ban đã đưa ra 45 khuyến nghị để cải cách, bao gồm sửa đổi Bộ Giáo luật, cải thiện sự phân định và đào tạo cho các chủng sinh, và thiết lập các hoạt động nhìn nhận cụ thể như việc cử hành các nghi lễ công cộng, cử hành phụng vụ tưởng nhớ những đau khổ đã gây ra, tưởng niệm các nạn nhân và sự đau khổ của họ, v.v..

Một sửa đổi đối với Giáo luật sẽ có hiệu lực vào ngày 8 tháng 12, do Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng, sẽ chuyển tội lỗi tấn công tình dục từ loại tội lỗi chống lại sự khiết tịnh sang loại tấn công vào tính mạng và phẩm giá của con người.

Sauvé, một quan chức cấp cao của Pháp và là cựu phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước cho biết: “Đó là bước đầu tiên”.

Nhưng CIASE khuyến nghị đi xa hơn nữa, yêu cầu Giáo hội xác định trong giáo luật “tất cả các tội phạm tình dục đối với trẻ vị thành niên hoặc một người dễ bị tổn thương, nêu bật các yếu tố cấu thành của mỗi tội, các tội danh và các hình phạt tương ứng.” Mục tiêu là “để tăng tính dễ hiểu của luật này, đưa ra mức độ nghiêm trọng của các vi phạm,” và “để hài hòa việc giải thích các tiêu chuẩn tham chiếu”.

Ủy ban cũng đề nghị xem lại câu hỏi về Ấn tín bí tích Giải tội, là nghĩa vụ mà một linh mục phải giữ bí mật mọi điều đã được biết trong tòa giải tội. Luật dân sự của Pháp tôn trọng điều đó, nhưng CIASE lập luận rằng nghĩa vụ pháp lý báo cáo bạo lực tình dục đối với trẻ vị thành niên hoặc những người dễ bị tổn thương được ưu tiên hơn nghĩa vụ giữ bí mật.

Báo cáo khuyến nghị rằng Giáo hội nên giải quyết “những tình huống khó xử về đạo đức và thậm chí cả thần học có thể là kết quả của sự xung đột” giữa hai nghĩa vụ này.
Source:Aleteia

3. Phản ứng của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với báo cáo về tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ Pháp

Hôm thứ Tư, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ nỗi buồn của mình về một báo cáo sâu rộng về tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ ở Pháp được công bố một ngày trước đó. Ngài gọi đây là “khoảnh khắc xấu hổ” đối với Giáo Hội Công Giáo và kêu gọi các giới chức Giáo hội bảo đảm sự an toàn của mọi người được giao phó cho sự chăm sóc của họ.

Phát biểu trong buổi tiếp kiến chung ngày 6 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng Hội Đồng Giám Mục Pháp và Hội Đồng Nam Nữ Tu Sĩ Pháp “đã nhận được một báo cáo từ một ủy ban độc lập về nạn lạm dụng tình dục trong Giáo hội nhằm đánh giá mức độ của hiện tượng tấn công và bạo lực tình dục được thực hiện đối với trẻ vị thành niên từ năm 1950”.

“Thật không may, có một số lượng đáng kể,” Đức Thánh Cha nói, và không chỉ nói lên “nỗi buồn và nỗi đau” của mình đối với các nạn nhân vì những tổn thương mà họ đã phải chịu đựng, mà còn là “sự xấu hổ; sự xấu hổ của chúng ta, sự xấu hổ của tôi, vì Giáo hội đã bất lực quá lâu không đặt họ vào trung tâm của mối quan tâm của mình”.

Đức Thánh Cha bảo đảm với các nạn nhân những lời cầu nguyện của ngài.

“Tôi cầu nguyện và tất cả chúng ta hãy cùng cầu nguyện: Lạy Chúa, xin danh Chúa được cả sáng, xin cho chúng con biết xấu hổ. Đây là một khoảnh khắc đáng xấu hổ”.

Những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô được đưa ra một ngày sau khi bản báo cáo dài 2,500 trang được công bố. Phúc trình này là kết quả của cuộc điều tra kéo dài 4 năm về tội lỗi lạm dụng tình dục trong hàng giáo sĩ Pháp.

Báo cáo được công bố vào ngày 5 tháng 10 cho thấy ước tính có khoảng 330.000 trẻ em - khoảng 80% trong số đó là trẻ em trai - là nạn nhân của lạm dụng tình dục của khoảng 3,000 linh mục và tu sĩ Pháp trong suốt 70 năm qua.

Bản báo cáo dài 2,500 trang cũng cho thấy nhiều thập kỷ các giới chức của Giáo hội đã che đậy có hệ thống.

Sau khi báo cáo được công bố, ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết: “Đức Thánh Cha đã được thông báo về việc công bố phúc trình CIASE, nhân dịp cuộc gặp gỡ trong những ngày trước đây với các giám mục Pháp, về Roma thăm Tòa Thánh. Nay với sự đau lòng, ngài được biết nội dung phúc trình.”

“Đức Thánh Cha nghĩ tới trước tiên các nạn nhân, với sự đau buồn vô biên vì những vết thương của họ và biết ơn vì họ đã có can đảm tố giác. Ngài cũng nghĩ đến Giáo hội tại Pháp, để sau khi ý thức về thực tại kinh khủng này và hiệp với đau khổ của Chúa vì các con cái dễ bị tổn thương nhất của Người, Giáo hội có thể khởi sự con đường cứu chuộc.”

“Qua kinh nguyện, Đức Thánh Cha phó thác cho Thiên Chúa dân Chúa tại Pháp, đặc biệt là các nạn nhân. Xin Chúa ban ơn nâng đỡ và an ủi, và để trong sự công bằng, Giáo hội Pháp có thể thực hiện phép lạ chữa lành”.

Phát biểu của Đức Phanxicô hôm thứ Tư là lần đầu tiên ngài nói về bản báo cáo bằng chính giọng nói của mình.

Trong lời phát biểu của mình, Đức Giáo Hoàng kêu gọi các tín hữu và những người hành hương có mặt “chia sẻ trong thời điểm này” nỗi xấu hổ và đau khổ trong Giáo Hội, và ngài khuyến khích các giám mục, các vị bề trên các dòng tu “tiếp tục nỗ lực để những bi kịch tương tự không được lặp lại. “

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khép lại buổi tiếp kiến của mình, bày tỏ sự gần gũi và ủng hộ của mình đối với các linh mục của Pháp “đối mặt với con đường khó khăn nhưng lành mạnh này, và tôi mời những người Công Giáo Pháp nhận trách nhiệm của họ trong việc bảo đảm rằng Giáo hội là ngôi nhà an toàn cho tất cả mọi người”.

Trong một tuyên bố ngày 6 tháng 10, Hồng Y Sean O'Malley ở Boston, chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên, do Đức Thánh Cha Phanxicô lập ra để tư vấn cho ngài về cuộc chiến chống lạm dụng giáo sĩ, đã gọi báo cáo của Pháp là “một bản cáo trạng” về những thất bại của những người lãnh đạo trong Giáo hội.

“Lịch sử lạm dụng không được kiểm soát này kéo dài qua nhiều thế hệ thách thức sự hiểu biết của chúng ta về việc những người vô tội có thể phải chịu đựng khủng khiếp như thế nào và tiếng nói của họ đã bị bỏ qua trong một thời gian dài,” ngài nói.

Đức Hồng Y O'Malley nói thêm, “Giáo Hội không được thất bại trong cam kết tìm kiếm sự chữa lành và công lý cho những người sống sót.”

Ngài ca ngợi những nỗ lực của Giáo Hội Công Giáo ở Pháp để vừa thừa nhận vấn đề vừa thực hiện những bước đầu tiên để chữa lành.

Ngài nhấn mạnh “Chúng ta không thể để một người bị lạm dụng tính dục không được công nhận, hoặc một người có nguy cơ bị lạm dụng bởi một thành viên của Giáo hội,” và lưu ý rằng vẫn còn “một con đường dài phía trước” khi đối mặt với vấn đề giáo sĩ lạm dụng, và, khi Giáo hội tiến lên, việc bảo vệ trẻ em và người lớn dễ bị tổn thương phải là “ưu tiên cao nhất của chúng ta”.
Source:Catholic News Agency