Tin Vui giữa thời đại dịch: Máu Thánh Gennariô vừa hóa lỏng. Phép lạ đã diễn ra. Vui lên anh chị em

Tin thế giới

Tin thế giới

Máu khô của Thánh Gennariô, qua đời vào khoảng năm 305 sau Chúa Giáng Sinh, được bảo quản trong hai ống thủy tinh, một ống lớn hơn ống kia, trong Nhà nguyện của Kho bạc nhà thờ chính tòa Napoli.
1. Những điều cần biết về phép lạ Máu Thánh Gennariô hóa lỏng

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, vừa có bài “Everything you need to know about the miracle of liquefaction of the blood of Saint Januarius”, nghĩa là “Những điều cần biết về phép lạ Máu Thánh Gennariô hóa lỏng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.



Vào ngày 19 tháng 9, Giáo Hội Công Giáo kỷ niệm lễ Thánh Gennariô, giám mục, tử đạo, và là thánh bảo trợ của thành Naples, tiếng Ý gọi là Napoli. Theo truyền thống, vào ngày này và vào hai dịp khác trong năm, máu của ngài, được đựng trong một ống thủy tinh có hình dạng một chiếc bầu hình tròn, sẽ hóa lỏng. Theo tài liệu được cơ quan truyền thông Ý Famiglia Cristiana, nghĩa là Gia Đình Kitô, trích dẫn, phép lạ đã xảy ra ít nhất là từ năm 1389, là năm đầu tiên được ghi lại.

Dưới đây là những sự kiện chính:

1. Máu được giữ trong hai ống thủy tinh.

Máu khô của Thánh Gennariô, qua đời vào khoảng năm 305 sau Chúa Giáng Sinh, được bảo quản trong hai ống thủy tinh, một ống lớn hơn ống kia, trong Nhà nguyện của Kho bạc nhà thờ chính tòa Napoli.

2. Việc hóa lỏng này được xem là một phép lạ

Giáo hội tin rằng phép lạ xảy ra để đáp lại lòng sùng kính và lời cầu nguyện của các tín hữu. Khi phép lạ xảy ra, khối máu khô màu đỏ, thường dính vào một bên của ống thủy tinh, biến thành máu hoàn toàn lỏng, bao phủ cả hai mặt kính từ bên này sang bên kia.

3. Theo truyền thống, máu khô hóa lỏng ba lần một năm.

Theo truyền thống, máu của vị thánh hóa lỏng ba lần trong một năm: vào ngày thứ Bảy trước Chúa Nhật đầu tiên của tháng Năm, để kỷ niệm việc chuyển hài cốt của ngài đến Napoli; ngày 19 tháng 9 Phụng Vụ kính thánh nhân, và vào ngày 16 tháng 12, nhân dịp kỷ niệm núi lửa Vesuvius ở lân cận vào năm 1631 đã phun phún xuất thạch ra một vùng rộng lớn nhưng thành phố đã được tha khỏi những tác động của các vụ phun trào này.

4. Quá trình hóa lỏng có thể mất nhiều ngày.

Quá trình hóa lỏng đôi khi mất hàng giờ hoặc thậm chí vài ngày, nhưng đôi khi hoàn toàn không xảy ra. Thông thường, sau một khoảng thời gian có thể từ hai phút đến một giờ, khối máu đông cứng chuyển sang màu đỏ và bắt đầu có bong bóng.

Thông thường, sau khi cử hành thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục tổng giáo phận Napoli sẽ cầm lọ máu khô lên, trong khi cộng đoàn cùng cầu nguyện. Khi nhận thấy máu đã hóa lỏng, ngài long trọng loan báo cho cộng đoàn, trong khi những người đứng chung quanh ngài, đôi khi có cả thị trưởng thành phố sẽ phất những khăn tay trắng lên trong tiếng hoan hô của dân chúng. Tiếng hò reo, các cử chỉ vui mừng của công chúng trong và ngoài ngôi thánh đường rất ngoạn mục.

Theo tạp chí Công Giáo Ý Gia Đình Kitô, lọ máu được các tín hữu kính viếng trong suốt 8 ngày. Họ có thể hôn kính trong khi một linh mục lật qua lật lại để chứng tỏ rằng máu vẫn còn lỏng. Sau đó, lọ máu được đưa trở lại hầm an toàn và được khóa bên trong Nhà nguyện Kho bạc của nhà thờ chính tòa.

5. Các tín hữu tôn kính thánh tích hàng năm.

Với câu cảm thán: “Điều kỳ diệu đã xảy ra!” Những người đến gần vị linh mục đang cầm thánh tích để hôn thánh tích và hát “Te Deum” để tạ ơn.

6. Không có giải thích khoa học.

Một số cuộc điều tra đã được tiến hành trong quá khứ để tìm ra lời giải thích khoa học cho câu hỏi làm thế nào máu khô đã đặc lại như thế có thể đột ngột hóa lỏng, nhưng cho đến nay vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng nào.

7. Phép lạ hóa lỏng không phải lúc nào cũng xảy ra.

Khi máu không hóa lỏng, người Napoli coi đó là điềm báo của những bất hạnh.

Máu đã không hóa lỏng vào tháng 9 các năm 1939, 1940, 1943, 1973, 1980, cũng như vào tháng 12 năm 2016.

Máu khô cũng không hóa lỏng vào năm người dân Napoli bầu một người cộng sản làm thị trưởng, nhưng tự động hóa lỏng khi Đức Tổng Giám Mục New York, là Đức Hồng Y Terence Cooke, đến thăm đền thờ Thánh Gennariô vào năm 1978.

8. Máu đã hóa lỏng trước sự chứng kiến của một số vị giáo hoàng.

Vào năm 2015, khi Đức Thánh Cha Phanxicô có cuộc gặp gỡ với các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh ở Napoli, máu đã hóa lỏng.

Trước đó máu cũng hóa lỏng vào năm 1848 khi Đức Piô IX thăm ngôi thánh đường này.


Source:Catholic News Agency

2. Phép lạ Máu thánh Gennariô ngày 19 tháng 9

Hôm Chúa Nhật 19 tháng Chín, ngay từ ban sáng, nhà thờ chính tòa Napoli, tiếng Anh gọi là Naples, đã có đông đảo các tín hữu và khách hành hương tham dự các thánh lễ và các cử hành khác.

Đức Tổng Giám Mục Domenico Battaglia, 58 tuổi, được biết đến như một “linh mục đường phố”, một người rất gần gũi với người nghèo, đã cử hành thánh lễ.

Đây là lần thứ hai, ngài cầm lọ Máu Thánh Gennariô trên tay trong tư cách là Tổng Giám Mục Napoli. Lần đầu tiên ngài cầm lọ Máu Thánh Gennariô trên tay là vào ngày 1 tháng 5 vừa qua. Lần đó, ngài tỏ ra bối rối khi thấy lọ máu vẫn khô đặc, không có bất cứ dấu chỉ hóa lỏng nào, một giọt cũng không có. Tưởng cũng nên nhắc lại, hôm thứ Tư 16 tháng 12, năm ngoái 2020, Máu Thánh Gennariô đã không hóa lỏng. Đức Tổng Giám Mục Domenico Battaglia không bỏ cuộc, ngài yêu cầu cộng đoàn cùng đọc Kinh Cầu Các Thánh với ngài. Thật lạ lùng, trong lúc cộng đoàn vẫn đang tiếp tục Kinh Cầu Các Thánh, Máu Thánh Gennariô đã bất ngờ hóa lỏng. Đến 5 giờ 18 phút Máu Thánh Gennariô đã hóa lỏng hoàn toàn. Cha Vincenzo de Gregorio, phụ trách nhà nguyện Thánh Gennariô ở nhà thờ chính tòa Napoli cho rằng “Những gì xảy ra ngày hôm nay là một lời cảnh tỉnh chúng ta phải hoán cải, phải siêng năng cầu nguyện, đặc biệt là trong tháng 5, là tháng hoa kính Đức Mẹ.”

Lần này, máu thánh Gennariô đã hóa lỏng ngay khi ngài cầm lọ máu đưa lên. Thị trưởng thành phố Napoli là ông Luigi De Magistris reo mừng nói với các ký giả “Thánh Gennariô vẫn luôn ở bên cạnh chúng ta”.

Thánh Gennariô là giám mục thành Benevento, nước Ý. Ngài được chọn làm quan thầy của thành Naples nước này. Thánh nhân chịu tử đạo trong cuộc bách hại dưới triều hoàng đế La Mã Diôclêtiô vào ngày 19 tháng 9 năm 305.

Ngài bị chặt đầu cùng với các phó tế Festus, Sosius và Proculus; thầy đọc sách Desiderius và hai giáo dân Eutyches và Acutius. Tất cả đều bị bắt khi đến thăm Sosius, là phó tế và đang bị tù ở Pozzuoli. Sau khi bị bắt, họ bị quăng vào đấu trường để gấu xé xác nhưng chúng không làm hại các ngài, bởi đó họ bị chém đầu.

Một lọ máu khô của ngài được lưu trữ trong nhà thờ chánh tòa Naples. Một hiện tượng kỳ lạ không giải thích được là máu khô của ngài hóa lỏng mỗi năm ba lần: vào ngày 19 tháng 9, ngày lễ kính thánh nhân; ngày thứ Bẩy hay Chúa Nhật đầu tiên của tháng Năm, kỷ niệm di tích của ngài được rước vào nhà thờ chánh tòa Naples; và vào ngày 16 tháng 12, kỷ niệm vụ phun trào núi lửa Vesuvius. Giáo Hội chưa từng chính thức tuyên bố đây là phép lạ, mặc dù Đức Tổng Giám Mục Naples thường xuyên chủ sự các buổi lễ tại đó và hộp đựng máu khô được đặt trên bàn thờ và phép lạ được công bố khi máu của ngài hóa lỏng.

Ngày 16 tháng 12 năm 2016, bửu huyết của Thánh Gennariô đã không hóa lỏng như dự kiến. Chỉ một tuần sau đó, các nhà khoa học cho biết một hỏa diệm sơn ngoài khơi bờ biển đảo Sicily, gần Naples, đã rục rịch hoạt động trở lại.

Hỏa diệm sơn Campi Flegrei là núi lửa lớn hơn rất nhiều so với ngọn núi lửa Vesuvius, từng phun trào phún xuất thạch phá hủy toàn bộ thành phố cổ Pompeii. Núi lửa Campi Flegrei, một khi bùng nổ có thể gây nguy hiểm cho nhiều nước châu Âu.

Nhiều cư dân của Naples tin rằng việc máu của thánh nhân không hóa lỏng là một dấu chỉ cho thấy các bi kịch sẽ xảy đến cho thành phố. Gần đây nhất, khi máu của thánh nhân không hóa lỏng vào năm 1980, một trận động đất đã xảy ra ít ngày sau ở phía nam thành phố Naples làm hơn 2,500 người thiệt mạng. Một trường hợp tương tự vào năm 1939, khi một bệnh dịch tả tấn công thành phố ngay trước khi bùng nổ Thế chiến thứ hai; và vào năm 1943, khi quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng Ý. Trong quá khứ xa xôi nhất, sự vắng mặt của các phép lạ thường được kết hợp với các tổn thất quân sự, các vụ phun trào núi lửa, và sự bùng phát của các dịch bệnh.

Ngày 16 tháng 12 năm ngoái, 2020 máu của thánh nhân không hóa lỏng. Vài ngày trước đó, một cây cầu đột nhiên gẫy làm đôi trong đêm. Một chiếc xe chở khách đã lao xuống dòng sông. Hơn ba tuần sau đó, hôm thứ Sáu 8 tháng Giêng, trong bãi đậu xe của bệnh viện Ospedale del Mare, nghĩa là bệnh viện Biển, ở Napoli, một khoảng đất rộng 2,000 mét vuông đã bất ngờ sụp xuống, tạo thành một hố sâu, nuốt chửng cả 3 chiếc xe hơi đang đậu trong bãi đậu xe.
Source:Quotidiano Napoli

3. Bà cụ được yêu mến nhất thế giới vì đức tin Công Giáo vừa qua đời ở tuổi 107

Một bà cụ đã sống qua hai cuộc Thế chiến, sống sót sau đại dịch, và được sinh ra ngay cả trước khi đất nước của bà - Cộng hòa Ái Nhĩ Lan giành được độc lập. Nhưng bà ấy có lẽ được biết đến nhiều nhất vì đức tin Công Giáo của mình.

Câu chuyện của Nancy Stewart và tình yêu của cô ấy đối với Chúa đã lan truyền vào năm ngoái, khi bà cụ 107 tuổi nói chuyện với phóng viên Colm Flynn của EWTN trong một cuộc phỏng vấn đạt 5 triệu lượt xem trên mạng xã hội. Kể từ đó, bà đã xuất hiện trong các báo cáo truyền thông và đã hiện diện trực tuyến rất nhiều. Nhưng hôm thứ Sáu, gia đình của Nancy tiết lộ rằng bà đã qua đời để gặp Chúa trên thiên đường mà bà vô cùng yêu quý khi còn ở trần gian.

Vào ngày 10 tháng 9, cháu gái của bà, Louise Coghlan, đã thông báo rằng “ Nửa kia của trái tim tôi đã lên thiên đường vào lúc 6 giờ sáng nay”.

“3 năm cuối cùng sống với người bạn thân nhất của tôi vừa từ giã thế giới này thật hạnh phúc”, Louise đã tweet như trên. “Chúng tôi đã cười, chúng tôi yêu thích và chúng tôi đã uống rất nhiều trà! Chúng tôi hy vọng chúng tôi đã làm cho bà mỉm cười! Bà là người bạn tốt nhất của tôi và tôi sẽ không bao giờ quên bà”.

Sinh năm 1913, Nancy được công nhận là một trong những phụ nữ lớn tuổi nhất Ái Nhĩ Lan. Bà trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc đời mình như một món quà của Thiên Chúa.

“Tôi làm việc, tôi yêu mến, và tôi thích biết những gì đang xảy ra,” bà nói với Colm vào năm 2020. “Tôi được chăm sóc tốt, nhờ ơn Chúa. Đức Trinh Nữ và tất cả các thánh và thiên thần đã chăm sóc tôi từ đầu đến gót chân và từ gót chân đến đầu”.

Bà đã chứng kiến những bi kịch lớn, bao gồm cái chết của chồng mình trong một vụ tai nạn xe hơi năm 1989, khi họ đang lái xe đi lễ. Nhưng bà vẫn sống hết mình và dành thời gian quyên góp tiền cho trẻ em ở Phi Châu và cho người nghèo. Bà dành cả cuộc đời mình cho việc cầu nguyện.

“Tôi có ba chuỗi hạt Mân Côi ở đây trên cánh tay của tôi, từ ba người khác nhau”, bà nói, và đưa các chuỗi tràng hạt cho Colm. “Tôi lần chuỗi vài lần trong ngày ở đây, nơi tôi đang ngồi trên ghế bành”.

“Tôi cầu nguyện rất nhiều cho những người tôi không biết. Tôi xin Chúa hãy lưu tâm đến họ”.

Đầu năm nay, vào tháng Giêng, Nancy tiết lộ với tờ The Irish Catholic rằng bà đặt ra mục tiêu tham dự các Thánh lễ trực tuyến ở mỗi quận trong số 32 quận của Ái Nhĩ Lan. Bà đã hoàn thành mục tiêu đó, tờ Bưu điện Ái Nhĩ Lan đưa tin vào ngày 13 tháng 9 và vượt qua cả các chỉ tiêu. Bà cũng tham dự thánh lễ hầu như ở các quốc gia khác, bao gồm cả Anh và Hoa Kỳ.

Trong khi Nancy sống lâu hơn chồng và hai đứa con gái sinh đôi, bà để lại ba con gái, một con trai và 84 cháu nội, và chắt” theo tờ Independent.

Nếu còn sống, bà sẽ bước sang tuổi 108 vào ngày 16 tháng 10.
Source:Catholic News Agency

4. Các Giám Mục cáo buộc Duterte biến Phi Luật Tân thành thung lũng chết

Ba vị tổng giám mục ở miền bắc Phi Luật Tân đã ban hành một tuyên bố mục vụ chung có lời lẽ mạnh mẽ vào ngày 12 tháng 9 lên án tình hình chính trị xã hội của đất nước và gọi Phi Luật Tân là “thung lũng chết” do cuộc chiến chống ma túy bất hợp pháp của Tổng thống Rodrigo Duterte gây ra.

Các Tổng Giám mục Marlo Peralta của tổng giáo phận Nueva Segovia, Socrates Villegas của tổng giáo phận Lingayen-Dagupan và Ricardo Baccay của tổng giáo phận Tuguegarao kêu gọi ăn năn và đền tạ cho tất cả các vụ giết người và tham nhũng trong nước.

Các vị tổng giám mục cho biết trong bức thư: “Chúng ta có thể mô tả tình trạng xã hội hiện tại của quốc gia chúng ta như thế nào đây? Thưa: Nó giống như một thung lũng chết chóc với sự giết hại những người sử dụng ma túy và những kẻ chống đối, những cái chết do bởi một sự cai trị không có tầm nhìn, những cái chết bởi sự tham nhũng vô liêm sỉ dường như phá vỡ mọi kỷ lục giết người! Thảm sát! Những cái chết!”.

Các ngài cho biết hơn 30,000 người Phi Luật Tân nghèo đã thiệt mạng trong chiến dịch chống ma túy bất hợp pháp.

Các ngài cũng chỉ ra một số vụ sát hại các nhà báo và những người chỉ trích chính phủ chưa được giải quyết kể từ khi ông Duterte trở thành tổng thống.

“Các nhà báo đã bị giết, các đối thủ chính trị đã bị sát hại, các thẩm phán của tòa án đã bị ám sát, các linh mục đã bị bắn và các nhà phê bình đã bị bắt nạt và đe dọa. Những kẻ giết người đang huênh hoang và những người ủng hộ mù quáng những kẻ giết người đang cổ vũ cho những kẻ sát nhân”.

Các ngài cũng lên tiếng ủng hộ các nhân viên y tế, những người mà các vị cho rằng đã trở thành nạn nhân của tham nhũng trong chính phủ.

Các ngài đề cập đến một vụ gian lận trị giá 47.4 tỷ peso bị cáo buộc xảy ra bên trong Bộ Y tế, khiến các nhân viên y tế đang chiến đấu với đại dịch Covid-19 không được nhận các khoản trợ cấp và tiền thưởng như đã hứa.

“Các nhân viên y tế anh hùng mạo hiểm sự an toàn của họ và một số thậm chí đã bỏ mạng với đồ bảo hộ cá nhân của họ. Trong khi các quốc gia khác đã vươn lên khỏi đại dịch, số người chết của chúng ta vẫn tiếp tục tăng lên”.

“Súng đạn giết người. Virus giết người. Lề lối cai trị mà không có định hướng giết người. Tham nhũng giết người. Tin giả giết người. Cái đói cũng giếng người. Khi nào thì những vụ giết chóc sẽ dừng lại? Người nghèo phải trả giá cho sự tham nhũng của những kẻ quyền lực, trong khi quốc gia đang chìm trong nợ nần”.

Các vị tổng giám mục kêu gọi tất cả người Công Giáo Phi Luật Tân đền tạ tội lỗi quốc gia và cá nhân bằng cách lần chuỗi mân côi cầu nguyện và làm tuần cửu nhật kính Lòng Chúa Thương Xót.

Các ngài nói: “Cầu mong sự sám hối của chúng ta dẫn chúng ta đến những công việc nhân từ và bác ái hào phóng và can đảm theo những cách nhỏ bé của riêng chúng ta”.

Các ngài cũng kêu gọi người Công Giáo lên tiếng chống lại các hành vi giết người và “đồi bại”

Người Công Giáo có bổn phận đạo đức phải chống lại và sửa chữa một nền văn hóa giết người và cướp bóc cũng như mô hình che giấu sự thật về nạn tham nhũng kéo dài trong chính phủ.
Source:UCANews