Video: Đức Thánh Cha khởi hành đi Cairo sáng 28/04/2017

Cairo

Cairo

Sáng thứ Sáu 28 tháng Tư, lúc 10h30’, Đức Thánh Cha đã ra phi trường Fiumicino của Rôma để đáp chuyến bay sang Cairo. Ngài dùng một chiếc xe hơi nhỏ để ra phi trường.

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha được nhiều người quan tâm. Thứ nhất là vì tầm ảnh hưởng của chuyến tông du này đối với hòa bình thế giới, trong bối cảnh thế giới ngày nay đang chìm trong cơn lốc của những cuộc khủng bố bất tận do các thành phần Hồi Giáo cực đoan gây ra. Đối thoại với Hồi Giáo ngày càng trở nên một vấn đề sống còn đối với hòa bình thế giới. Trong 18 chuyến tông du hải ngoại của Đức Thánh Cha, ngài đã đến với 6 quốc gia trong đó đại đa số dân là theo Hồi Giáo.


Chuyến tông du này của Đức Thánh Cha cũng được nhiều người quan tâm vì đây là một chuyến đi rất nguy hiểm. Tổ chức huynh đệ Hồi Giáo, một tổ chức đã từng bị Hoa Kỳ và các nước phương Tây xem là một bọn khủng bố quốc tế nguy hiểm, đã từng nắm được chính quyền tại Ai Cập suốt 2 năm trời và lãnh tụ của tổ chức này là Mohammed Morsi chỉ mới bị lật đổ và bị bắt giam vào ngày 3 tháng 7 năm 2013. Mặc dù đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, tổ chức huynh đệ Hồi Giáo và các nhóm chịu ảnh hưởng của bọn khủng bố Hồi Giáo IS vẫn còn khả năng mở các cuộc tấn công khủng bố như trong hai vụ đánh bom hôm Chúa Nhật Lễ Lá vừa qua khiến 45 người chết và 125 người khác bị thương.

Lúc 10h45’, máy bay đã cất cánh và lúc 14h cùng ngày, ngài đã đáp xuống phi trường quốc tế Cairo của Ai Cập.

Với chuyến đi này, Đức Thánh Cha đã tiếp bước vị thánh mà ngài chọn là tước hiệu Giáo Hoàng là Thánh Phanxicô thành Assisi. 

Năm 1219, Thánh Phanxicô đã vượt qua những bãi chiến trường đầy những xác chết của những người lính bị giết để tới trại của Quốc Vương Hồi giáo ở Ai Cập. Mục đích của ngài là chấm dứt cuộc Thập tự chinh, một hành động đầy lý tưởng mà các Kitô hữu lo sợ sẽ kết thúc bằng cái chết của Thánh Phanxicô.

Ngài sống sót sau chuyến đi đó, nhưng ước mơ của ngài đã không thành sự thật. Quốc Vương Malik al-Kamil từ chối cải đạo sang Kitô Giáo.

Tuy nhiên, cuộc đàm thoại giữa hai người đã diễn ra rất lịch sự và kết thúc với việc Quốc Vương chịu nhượng bộ ít nhiều. Tiếc rằng các nhượng bộ này quá ít nên cuộc chiến vẫn phải tiếp tục trong 72 năm nữa.

Chuyến đi của Đức Thánh Cha đến Ai Cập ngày nay cũng đầy những mối nguy hiểm như chuyến đi của Thánh Phanxicô. 

Chúng tôi sẽ tường trình tiếp chuyến tông du này trong các chương trình sau.

Nguồn tin: vietcatholic