Video: Giáo Hội Năm Châu 20–26/09/2016: Bạo lực bùng lên tại Giêrusalem

Giáo Hội Năm Châu

Giáo Hội Năm Châu

Thế giới ngày nay thật đáng buồn là còn nhiều xung khắc như chiến tranh tại Syria hay nội chiến ở miền nam Sudan và ở những nơi khác trên khắp thế giới mà dường như không thể giải quyết được. Và đây là lý do mà việc họp nhau của các thành viên của Hội cựu sinh viên dòng Tên “để suy tư và hành động” về các vấn đề tị nạn rất là quan trọng.

1. Bạo lực bùng lên tại Giêrusalem

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là vụ tấn công thứ sáu chỉ trong vòng 48 giờ. Một người đàn ông Palestine đã đâm hai cảnh sát viên gần cổng Hêrođê ở Cổ Thành Giêrusalem. 


Cả hai viên cảnh sát đã được đưa tới một bệnh viện gần đó. Kẻ tấn công bị bắn chết tại chỗ. Phát ngôn viên cảnh sát Israel là Micky Rosenfeld cho biết cảnh sát đã được huy động nhanh chóng để bảo đảm an toàn cho khu vực. 

Ông Micky Rosenfeld, nói: “Khu vực xung quanh thành phố cổ Jerusalem bị đóng lại và cảnh sát tiếp tục nâng cao cảnh giác trong khu vực” 

Các cuộc tấn công diễn ra gần như hàng ngày. Kể từ tháng Mười năm ngoái đến nay đã có ít nhất 215 người Palestine bị thiệt mạng, cùng với 33 người Israel và hai người Mỹ. 

Sau nhiều tháng tương đối yên tĩnh, bạo lực vào trung tuần tháng Chín lại bùng lên dữ dội. 

2. Đức Phanxicô nói người tị nạn không khác với các thành viên trong gia đình chúng ta

Sáng 17 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các thành viên của Liên đoàn châu Âu và Liên minh thế giới các sinh viên dòng Tên về Roma tham dự Hội nghị trong tuần này về đề tài “cuộc khủng hoảng di dân và tị nạn toàn cầu: Thời gian suy tư và hành động” .

Trong lời chào mừng các tham dự viên, Đức Thánh Cha gọi họ là “những người nam nữ vì người khác”, đến Roma để khám phá gốc rễ của cuộc di cư bó buộc, để suy tư về trách nhiệm của họ trong việc đáp ứng với hoàn cảnh hiện tại và được sai đi như những người quảng bá cho sự thay đổi tại các cộng đồng ở quê hương của họ.

Đức Thánh Cha chia sẻ: con số hơn 65 triệu người trên khắp trái đất buộc phải rời bỏ quê hương, đông hơn dân số của toàn nước Italia, là con số ngoài sự tưởng tượng. Nhưng chúng ta phải vượt trên con số thống kê này, để nhìn thấy những người tị nạn là các người nam nữ, các chàng trai cô gái, họ không khác gì các thành viên trong gia đình chúng ta. Họ cũng có tên tuổi, gương mặt, lịch sử và quyền không thể chối bỏ là sống trong hòa bình và khao khát một tương lai cho con cái họ.

Thế giới ngày nay thật đáng buồn là còn nhiều xung khắc như chiến tranh tại Syria hay nội chiến ở miền nam Sudan và ở những nơi khác trên khắp thế giới mà dường như không thể giải quyết được. Và đây là lý do mà việc họp nhau của các thành viên của Hội cựu sinh viên dòng Tên “để suy tư và hành động” về các vấn đề tị nạn rất là quan trọng.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Ngày nay hơn bao giờ hết, khi chiến tranh đang tàn phá khắp công trình sáng tạo của Thiên Chúa, khi con số kỷ lục người tị nạn chết khi cố vượt biển Địa trung hải và những người tị nạn sống mòn mỏi năm này qua năm khác trong các trại tị nạn, Giáo Hội cần anh chị em theo gương can đảm của cha Pedro Arrupe. (Cách đây hơn 35 năm, cha đã hành động để giúp đỡ các thuyền nhân của miền nam Việt nam, những người vượt biển trong tuyệt vọng để chạy trốn bạo lực tại quê hương, trước hiểm họa tấn công của cướp biển và bão tố đe dọa.) Qua nền giáo dục của dòng Tên, anh chị em được mời gọi trở thành bạn đồng hành của Chúa Giêsu và với Thánh Inhaxiô Loyola người hướng dẫn của anh chị em, anh chị em được sai đi vào thế giới để là những người nam và nữ cho và với người khác. Ở nơi này và trong thời gian này trong lịch sử, rất cần có những người nam nữ nghe tiếng kêu than của dân nghèo và đáp lại với lòng thương xót và sự quảng đại.”

Đức Thánh Cha mời gọi các tham dự viên can đảm đáp lại những nhu cầu của người tị nạn ngày nay. Năm Thánh Lòng thương xót nhắc nhớ lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa cho mọi người. Với sự giúp đỡ của họ Giáo Hội có thể đáp trả nhiều hơn các thảm kịch nhân loại của những người tị nạn qua các hành động thương xót và khuyến khích sự hội nhập của người tị nạn vào bối cảnh Âu châu và hơn nữa. Ngài khuyến khích các tham dự viên đón nhận người di cư vào gia đình, cộng đoàn của mình để kinh nghiệm đầu tiên của những người này về châu Âu không phải là kinh nghiệm hãi hùng của việc ngủ giữa cái rét giá lạnh của đường phố nhưng là sự chào đón nồng ấm tình người. Ngài nói: “hãy nhớ rằng một sự tiếp đón thật sự là một giá trị Tin mừng sâu sắc nuôi dưỡng tình yêu và sự an ninh lớn nhất của chúng ta chống lại các hành động thù oán của khủng bố.”

Đức Thánh Cha cũng khuyến khích các tham dự viên ủng hộ việc giáo dục cho người tị nạn. Thực tế là có ít hơn 50% các trẻ em tị nạn được hưởng giáo dục căn bản và con số càng giảm đi đối với các lớp tuổi lớn hơn. Ngài khuyên họ hãy biến lòng thương xót thành hành động để thay đổi thực trạng giáo dục này. Khi làm như thế họ sẽ xây một châu Âu mạnh hơn và tương lai tươi sáng hơn cho người tị nạn.

Đức Thánh Cha khuyên các tham dự viên đừng cảm thấy lẻ loi trong việc từ bi bác ái vì có các tổ chức Giáo Hội hoạt đọng cho nhân quyền, giúp cho những người bị loại bỏ và gạt ra ngoài xã hội. Nhưng quan trọng hơn, “tình yêu Thiên Chúa luôn đồng hành với anh chị em trong công việc này. Anh chị em là đôi mắt, là miệng, là đôi tay và trái tim của Thiên Chúa trong thế giới này”.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha cám ơn các tham dự viên đã dấn bước vào vấn đề khó khăn liên quan đến việc chào đón người tị nạn. Ngài khuyến khích họ khi trở về nhà hãy biến cộng đoàn của mình thành nơi chào đón nơi mọi con cái Thiên Chúa có cơ hội, không chỉ sống sót, nhưng lớn lên, và sinh hoa trái. Chính Thánh gia trên đường trốn chạy bạo lực đã được những người xa lạ tiếp đón. Hãy nhớ lời Chúa Giêsu: “khi Ta đón các con đã cho Ta ăn, khi ta khát các con đã cho uống, khi Ta là khách lạ các con đã viếng thăm” (Mt 25,35). Hãy nhận lấy những lời này và thi hành. Hi vọng chúng sẽ mang lại cho anh chị em sự khích lệ và an ủi.

3. Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo tiếp tục đại bại ở Đức vì ủng hộ người di dân

Kết quả cuộc bầu cử điạ phương tại thủ đô Berlin không phải là điềm lành cho đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, là đảng cầm quyền của bà thủ tướng Angela Merkel. Đây là thảm bại thứ hai trong hai tuần của đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, gọi tắt là CDU. 

Kết quả cho thấy cử tri, tức giận đối với chính sách mở cửa của bà Merkel cho người di cư, chỉ dồn cho CDU có 18 phần trăm số phiếu. 

Một lãnh đạo CDU trẻ nói: “Con số này rất khó nuốt.” Christoph Brzezinski nhận xét rằng “Đây là một kết quả cay đắng. 18 phần trăm không phải là những gì chúng tôi mơ ước sau nhiều tuần vận động tranh cử.” 

Đảng Chống Nhập Cư, gọi tắt là AFD, được gần 13 phần trăm số phiếu. AFD là đảng cực hữu mới nổi từ sau làn sóng nhập cư của người tị nạn đổ dồn vào châu Âu. Bây giờ, trong số 16 quốc hội tiểu bang của Đức, đảng này có đại diện tại 10 quốc hội. 

Những ứng cử viên chiến thắng của họ, như Georg Pazderski, đang thả sức vung vít. Georg Pazderski nói “Từ con số không đến hai con số, là điều chưa từng xảy ra tại Berlin trong 66 năm qua. Liên minh đang bị loại dần. Chưa ở cấp liên bang, nhưng điều đó sẽ xảy ra trong năm tới.”

Đảng Dân chủ Xã hội tỏ ra chiếm ưu thế với 23 phần trăm số phiếu.

Những phản hồi chống lại chính sách nhập cư của bà Merkel đang đặt ra câu hỏi liệu nhà lãnh đạo đầy thế lực nhất ở châu Âu có thể có một nhiệm kỳ thứ tư trong năm tới hay không. Trước mắt, kết quả bầu cử này đang tăng áp lực buộc bà Merkel phải thay đổi chính sách mở cửa đối với người tị nạn của bà.

4. Đảng của Putin thắng lớn tại Nga

Vị thế của Tổng thống Nga Vladimir Putin trở nên rất vững chắc sau khi đảng cầm quyền của ông đã chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử quốc hội. Ít nhất 343 ghế trong số 450 ghế trong viện Duma, tức là Hạ Viện Nga, đã rơi vào tay đảng Liên Hiệp Nga.

Tổng thống Vladimir Putin, nói: “Tình hình thật là khó khăn, rất khó, nhưng người ta vẫn bỏ phiếu cho đảng Liên Hiệp Nga. Tôi đang nghĩ gì xem điều này có nghĩa gì với chúng tôi? Trước hết nó cho chúng ta thấy mọi người nhận định rằng Liên Hiệp Nga đang thực sự làm những điều tốt nhất cho người dân.”

Một trong những lý do có thể khiến cho người dân không bỏ phiếu cho đảng Liên Hiệp Nga là tình trạng kinh tế khó khăn của Nga trong những năm qua. Tình trạng kinh tế suy thoái trầm trọng hơn bởi đòn trừng phạt kinh tế cuả phương Tây và giá dầu xuống khiến tổng sản lượng quốc gia giảm từ 87 tỷ Mỹ Kim xuống còn 30 tỷ Mỹ Kim. 

Hôm thứ Sáu 16 tháng 9, ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất lần thứ hai từ đầu năm đến nay. 

Dù thế, sự can dự có vẻ thành công của Nga vào cuộc chiến tranh tại Syria, và ước muốn của người dân Nga về một nước Nga hùng mạnh trên trường quốc tế đã khiến các cử tri chịu khó thắt lưng buộc bụng. 

Putin sẽ tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ tư sau 17 năm cầm quyền.

5. Đức Hồng Y Parolin nói: Nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng người tị nạn là do con người gây ra

Phát biểu tại cuộc họp hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về người tị nạn và người di cư, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói thách thức lớn nhất đối với các nhà lãnh đạo thế giới là “xác định và hành động cho phù hợp với các nguyên nhân cội rễ buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa của họ, gia đình họ, và quốc gia của họ.”

“Nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng người tị nạn ngày hôm nay là con người gây ra. Cụ thể, là qua các cuộc chiến tranh và xung đột. Do đó, Tòa Thánh luôn yêu cầu chấm dứt chiến tranh và sử dụng các phương thế ngoại giao để giải quyết các xung đột quốc tế.”

Đức Hồng Y nhận xét rằng “trong vài năm qua tình trạng đàn áp tôn giáo, đặc biệt là đối với các tín hữu Kitô, đã trở thành nhiều hơn, và trầm trọng hơn khiến cho nhiều người phải di cư”.

Cuối cùng, Đức Hồng Y Parolin nói “tình trạng nghèo cùng cực và suy thoái môi trường” cũng đã đóng góp vào cuộc khủng hoảng di cư. Trong khi những người rời bỏ đất nước của họ vì những lý do này không được công nhận là người tị nạn “họ phải chịu nhiều đau khổ, và rất dễ trở thành đối tượng cho nạn buôn bán người và các hình thức khác nhau của chế độ nô lệ.”

Đức Hồng Y kết luận rằng vì những nguyên nhân hàng đầu của khủng hoảng là do hành động của con người, tình hình có thể thay đổi nếu chúng ta có “sức mạnh và ý chí chính trị.”

6. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi luôn mơ ước về một chủ nghĩa nhân bản mới của châu Âu”

Trong một thông điệp gởi tới một cuộc họp của các giám mục châu Âu đang nhóm tại Sarajevo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong các hoạt động của lòng thương xót.

“Để đóng góp vào sự tái sinh của Châu Âu, Giáo Hội, như một người mẹ chăm sóc, cố gắng tiếp cận bằng tình yêu của mình đối với những vết thương của nhân loại với dầu chữa lành là lòng thương xót của Thiên Chúa”, Đức Thánh Cha đã viết như trên trong Thông điệp đề ngày 25 tháng Tám nhưng vừa được công bố hôm 20 tháng Chín.

Đức Thánh Cha nói tiếp:

“Tôi luôn mơ ước về một chủ nghĩa nhân bản mới của châu Âu, trong đó cần đến ký ức, lòng can đảm, và một ước mơ lành mạnh và nhân bản. Trên con đường này của chủ nghĩa nhân bản châu Âu, là cái nôi của nhân quyền và văn minh, lục địa này được mời gọi đừng chú trọng quá vào việc bảo vệ không gian của nó, nhưng đúng hơn phải trở nên một người mẹ sản sinh, một người mẹ màu mỡ, tôn trọng sự sống và mang lại hy vọng thực sự cho cuộc sống.”

7. Các sứ thần Tòa Thánh kêu gọi hòa bình

Sau một cuộc họp ba ngày tại Rôma, các sứ thần Tòa Thánh và các vị đại diện Đức Giáo Hoàng đã ra lời kêu gọi hòa bình.

Các vị kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới “làm việc chăm chỉ hơn và hiệu quả hơn để chấm dứt bạo lực và tìm ra các giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột ở các miền khác nhau trên thế giới.”

Các vị cũng cầu nguyện cho, và thể hiện tình liên đới với các nạn nhân của những cuộc đàn áp tôn giáo.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cùng ký vào lời kêu gọi này với các sứ thần Tòa Thánh.

8. Phản ứng của Tòa Thánh trước ca trợ tử dành cho trẻ em đầu tiên tại Bỉ

Tuần qua, nhà chức trách ở Bỉ đã báo cáo về cái chết vì trợ tử của một đứa trẻ vị thành niên. Trợ tử được xem là hợp pháp tại Bỉ từ năm 2002. Đến năm 2014, luật pháp của nước này đã được sửa đổi để cho phép trợ tử cho cả những trẻ em nào đang mắc những chứng nan y. 

Nhà chức trách nói rằng đứa trẻ này chỉ mới 17 tuổi và bị bệnh nặng nhưng không cho biết thêm chi tiết nào khác, kể cả danh tính của đứa bé.

Báo Quan sát Viên Rôma của Tòa Thánh đã xuất bản một cột ở ngay trang đầu bày tỏ sự thương tiếc trước cái chết của cậu bé này.

Tác giả bài báo là tiến sĩ Ferdinando Cancelli, hiện là chuyên gia chăm sóc những người bệnh nan y tại Thụy Sĩ. Ông nhận định rằng trường hợp của cậu bé người Bỉ “có thể và lẽ ra đã không phải như thế. Người ta không quyết tâm chạy chữa cho cậu bé ấy. Quyền được chết đã trở thành nghĩa vụ phải chết.”

Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý nói: “Đây là một tin rất buồn và làm chúng tôi lo lắng. Cuộc sống là thánh thiêng và phải được chấp nhận, luôn luôn, ngay cả khi nó đòi hỏi một nỗ lực rất lớn.” 

Một ấn phẩm do các giám mục Ý đưa ra lập luận rằng khi cái chết êm dịu được hợp thức hóa cả trong trường hợp của trẻ em, thực tế điều này có nghĩa là “người lớn được ban cho quyền sinh sát đối với trẻ em.”

Nguồn tin: vietcatholic