Video: Hoa Kỳ bắt đầu trả đũa Trung Quốc. WHO gây ngỡ ngàng cho Rôma

Tin thế giới

Tin thế giới

Như chúng tôi đã đưa tin, được sự yêu cầu của Đức Hồng Y Angelo De Donatis, Giám quản Giáo Phận Rôma, và bà Virginia Raggi, thị trưởng Rôma, quân đội Ý đang giúp các nhà thờ khử trùng chuẩn bị cho việc mở lại các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự vào ngày 18 tháng Năm tới đây.

1. Trung Quốc dấu diếm ít nhất 640,000 trường hợp nhiễm coronavirus

Tử vong toàn thế giới đã lên đến 311,916 người, trong số 4,706,986 trường hợp nhiễm coronavirus.

Cho đến ngày Chúa Nhật 17 tháng Năm, Trung Quốc báo cáo có 82,941 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận và 4,633 trường hợp tử vong.


Tại Vũ Hán, thành phố Trung Quốc, nơi bắt đầu đại dịch COVID-19, nhà cầm quyền đã khởi động một chiến dịch thử nghiệm lớn với mục tiêu là thử nghiệm hết 11 triệu dân sau khi một loạt các bệnh nhiễm trùng mới được xác nhận vào cuối tuần trước.

Tuy nhiên, sự an toàn của các trung tâm xét nghiệm coronavirus của Vũ Hán đã trở thành một chủ đề nóng đối với người dân. Một số lo ngại rằng chính hành động thử nghiệm có thể khiến họ bị nhiễm trùng vì sự tập trung đông đảo tại các địa điểm xét nghiệm.

Tờ Foreign Policy và hãng tin “One hundred Reporters” cho biết Trung Quốc dấu diếm ít nhất 640,000 trường hợp nhiễm coronavirus.

Lý thuyết này được hỗ trợ bởi một cơ sở dữ liệu vừa bị rò rỉ từ một trường đại học Trung Quốc, cho thấy nước này có thể có ít nhất 640,000 trường hợp nhiễm bệnh.

Bộ dữ liệu, bị rò rỉ từ Đại học Công nghệ Quốc phòng ở thành phố Trường Sa, bao gồm ít nhất 230 thành phố và liệt kê 640,000 trường hợp nhiễm coronavirus được cập nhật từ đầu tháng Hai đến cuối tháng Tư.

Dữ liệu cho thấy số lượng các trường hợp nhiễm coronavirus ở các địa điểm khác nhau trên khắp Trung Quốc, bao gồm các khách sạn, bệnh viện và thậm chí cả một nhà hàng KFC ở Trấn Giang.

Cố gắng che đậy sự thật của đảng Cộng sản Trung Quốc, được sự hỗ trợ của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, gây ra có mối quan ngại sâu sắc rằng các số liệu thống kê chính thức của nhà cầm quyền Trung Quốc đã cố ý che dấu rất đáng kể quy mô lây nhiễm tại Trung Quốc. Sự dối trá này đã khiến hàng trăm triệu người trên thế giới gặp phải nguy hiểm.
 


Source:Mirror

2. Tổng thống Donald Trump tiết lộ một nỗ lực nhằm phát triển vắc-xin trước cuối năm nay

Tính đến Chúa Nhật 17 tháng Năm, tử vong tại Hoa Kỳ đã lên đến 89,447 người, trong số 1,503,684 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong cuộc họp báo vào hôm thứ Sáu 15 tháng Năm, Tổng thống Donald Trump đã tiết lộ một nỗ lực nhằm phát triển vắc-xin coronavirus vào cuối năm nay nhưng cho biết sinh hoạt của Hoa Kỳ sẽ trở lại bình thường dù có hay không có vắc-xin này.

“Tôi chỉ muốn làm rõ điều này, rất quan trọng. Có vắc xin hay không, chúng ta vẫn phải trở lại sinh hoạt bình thường”. Tổng thống Trump phát biểu như trên trong một cuộc họp báo diễn ra vào buổi chiều tại Vườn Hồng.

Tuyên bố chính thức về chiến dịch phát triển vắc-xin “Operation Warp Speed” được đưa ra khi các nhà nghiên cứu trên thế giới đang chạy đua để phát triển một loại vắc xin cho thứ virus độc địa đã giết chết hơn 300,000 người trên toàn cầu.

Nhiều người coi một loại vắc-xin hiệu quả là cách duy nhất để cuộc sống có thể trở lại bình thường. Nhưng tổng thống Trump nói rõ hôm thứ Sáu rằng ông không chia sẻ quan điểm đó, và khẳng định nền kinh tế đã hồi phục khi một số bang nới lỏng các quy tắc cách ly của họ.

Tổng thống dự đoán rằng vắc-xin sẽ có trong vòng vài tháng tới, nhưng ông đã hạ thấp tầm quan trọng của nó trong việc giúp người Mỹ trở lại bình thường.

“Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ có một loại vắc-xin trong tương lai khá gần, và nếu chúng ta làm được điều đó, chúng ta sẽ thực sự đạt được một bước tiến lớn về phía trước. Nhưng nếu chúng ta không có vắc-xin, chúng ta sẽ trở nên giống như rất nhiều trường hợp khác mà chúng ta đã có vấn đề, nó sẽ biến mất tại một thời điểm, nó sẽ biến mất,” tổng thống Trump nói.

Trong một diễn biến khác, chính quyền của tổng thống Trump đã chuyển sang chặn nguồn cung cấp chip trên phạm vi toàn cầu cho tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei Technologies, làm dấy lên lo ngại về sự trả đũa của Trung Quốc, và những lo lắng rằng cổ phiếu của các nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip của Mỹ sẽ bị sụt giá.

Một quy định mới, được Bộ Thương mại công bố, mở rộng quyền hạn của Hoa Kỳ để yêu cầu các nhà cung cấp chip chấm dứt tức khắc việc bán chip được chế tạo theo công nghệ của Hoa Kỳ cho Huawei.

Huawei, được coi là nhà sản xuất điện thoại thông minh số 2 thế giới.


Source:Wall Street Journal

3. Hãng xe hơi Ý tung ra máy trợ thở

Tính đến Chúa Nhật 17 tháng Năm, tử vong tại Ý là 31,763 người, trong số 224,760 trường hợp nhiễm coronavirus.

Hãng xe hơi Ý Ferrari cho biết đã chế tạo thành công một máy thở mới được thiết kế để giúp bệnh nhân COVID-19.

Phối hợp với Viện Công nghệ Ý có trụ sở tại Genève, các kỹ sư của Ferrari đã làm việc trong dự án có tên FI5.

Hai nguyên mẫu đầu tiên của máy thở FI5 đã được lắp ráp vào tuần trước, và đã vượt qua tất cả các kiểm tra chức năng cần thiết. Sau các kiểm tra này, Ferrari đang có kế hoạch sản xuất hàng loạt.

Điều đáng nói là trong một cử chỉ đầy tình người, thông tin lắp ráp của F15 được Ferrari công bố rộng rãi cho phép các nhóm kỹ thuật từ các quốc gia trên toàn thế giới sản xuất phiên bản riêng của họ.

Như chúng tôi đã đưa tin, được sự yêu cầu của Đức Hồng Y Angelo De Donatis, Giám quản Giáo Phận Rôma, và bà Virginia Raggi, thị trưởng Rôma, quân đội Ý đang giúp các nhà thờ khử trùng chuẩn bị cho việc mở lại các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự vào ngày 18 tháng Năm tới đây.

Tổng cộng sẽ có 337 nhà thờ Công Giáo trong giáo phận Rôma được khử trùng trong vài ngày tới đây.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Bẩy, Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, cho biết việc phun thuốc khử trùng trên đường phố, hay các không gian rộng lớn như siêu thị, nhà thờ như đã được thực hiện ở một số quốc gia, không loại trừ được coronavirus mới và thậm chí còn gây nguy cơ cho sức khỏe.

WHO nói rằng đường phố và vỉa hè không được coi là những nơi “chứa COVID-19”, thêm vào đó chất khử trùng khi được phun ra, thậm chí ở bên ngoài, có thể là “nguy hiểm cho sức khỏe con người”.

Xịt clo hoặc hóa chất độc hại khác lên người có thể gây dị ứng mắt và da, co thắt phế quản và ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.

“Nếu chất khử trùng được áp dụng, điều này phải được thực hiện với một miếng vải đã được ngâm trong chất khử trùng,” tài liệu này nói.

Câu hỏi được nhiều người đặt ra là tính hiệu quả của Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Tại sao bây giờ mới nói ra chuyện này?


Source:NDTV

4. Thánh lễ Chúa Nhật 17 tháng Năm tại Santa Marta. Chúng ta không phải là trẻ mồ côi

Lúc 7 sáng Chúa Nhật 17 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho những ai đang giúp dọn dẹp các nơi công cộng và tư gia trong bối cảnh đại dịch coronavirus kinh hoàng này.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay, lời cầu nguyện của chúng ta được dành cho những người dọn dẹp trong các bệnh viện, trên đường phố, dọn sạch các thùng rác tại các tư gia: một công việc không ai nhìn thấy, nhưng đó là công việc cần thiết để xã hội tồn tại. Xin Chúa chúc lành cho họ, và giúp đỡ họ.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài Tin Mừng trong ngày (Ga 14: 15-21), trong đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy. Và Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi.”

Phúc Âm: Ga 14: 15-21

“Thầy sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy. Và Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi. Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết được Ngài; còn các con, các con biết Ngài, vì Ngài sẽ ở nơi các con và ở trong các con. Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con. Một ít nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần các con, các con thấy Thầy vì Thầy sống và các con cũng sẽ sống. Trong ngày đó, các con sẽ hiểu biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ mến Thầy. Và ai mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu nó, và sẽ tỏ mình ra cho nó”.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Khi giã từ các môn đệ, Chúa Giêsu mang đến cho họ sự thanh thản và bình an qua lời hứa: “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi”. Chúa bảo vệ các môn đệ khỏi nỗi đau đó, khỏi cảm giác đau đớn là trở thành những cô nhi. Ngày nay trên thế giới có một cảm giác rất lớn về tình trạng mồ côi: nhiều người có đủ thứ, nhưng không có một người Cha. Và trong lịch sử nhân loại, điều này được lặp đi lặp lại: khi không có Cha, người ta thấy thiếu một thứ gì đó và luôn có mong muốn được gặp gỡ, được tìm thấy Cha mình, ngay cả trong những huyền thoại cổ xưa: chúng ta có thể nghĩ về những huyền thoại như Oedipus, Telemachus, và nhiều người khác, là những người luôn tìm kiếm người Cha mất tích này.

Và hôm nay chúng ta có thể nói rằng chúng ta đang sống trong một xã hội không có Cha, ý thức về tình trạng mồ côi này ảnh hưởng đến tinh thần huynh đệ. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu hứa: “Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi.” Chúa Giêsu báo cho các môn đệ biết Ngài sẽ ra đi nhưng một Đấng khác sẽ đến và dạy anh em tiếp cận với Chúa Cha. Thánh Thần sẽ nhắc nhở anh em làm sao tiếp cận với Chúa Cha. Chúa Thánh Thần không đến vì chính Ngài; nhưng là để dạy bảo con đường đến với Chúa Cha, mà Chúa Giêsu đã mở ra, và chỉ cho chúng ta thấy. Không có linh đạo nào là riêng của Chúa Con, hay riêng của Chúa Thánh Thần nhưng trung tâm luôn luôn là Chúa Cha. Chúa Con được Chúa Cha sai đến và trở về cùng Chúa Cha. Chúa Thánh Thần được Chúa Cha sai đến để dạy bảo và nhắc nhở chúng ta đến với Chúa Cha.

Chỉ với nhận thức rằng chúng ta không phải là những đứa trẻ mồ côi, chúng ta mới có thể sống trong hòa bình giữa chúng ta với nhau. Chiến tranh, bất kể là chiến tranh lớn nhỏ thế nào đều luôn có một chiều kích mồ côi trong đó vì người Cha kiến tạo hòa bình đã vắng bóng.

Vì thế trong bài đọc hôm nay, Thánh Phêrô mời gọi cộng đồng Kitô tiên khởi đáp lại bằng sự dịu dàng, tôn trọng và với một lương tâm đúng đắn đối với những ai thắc mắc về lý do của niềm tin chúng ta: đó là sự hiền lành mà Chúa Thánh Thần ban cho. Chúa Thánh Thần dạy chúng ta sự dịu dàng này, sự ngọt ngào này của con cái Chúa Cha. Chúa Thánh Thần không dạy chúng ta xúc phạm. Và một trong những hậu quả của cảm thức mồ côi là sự xúc phạm, và chiến tranh, bởi vì nếu không có Cha thì không có anh em, tình huynh đệ sẽ mất đi. Sự ngọt ngào, tôn trọng, dịu dàng này là những thái độ xuất phát từ từ cảm thức thuộc về cùng một gia đình, cùng “có Cha”, là trung tâm của mọi thứ, nguồn gốc của mọi thứ, là sự hiệp nhất của tất cả, ơn cứu rỗi của tất cả, bởi vì Người đã sai Con của Người đến cứu tất cả chúng ta; và gửi Chúa Thánh Thần đến để nhắc nhở chúng ta con đường đến với Chúa Cha, tình phụ tử, thái độ huynh đệ dịu dàng, ngọt ngào, và bình an.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần nhắc nhở chúng ta luôn luôn về con đường đến với Chúa Cha này, và nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta có một người Cha. Chúng ta hãy cầu xin cho nền văn minh với một ý thức mồ côi lớn lao này có được ân sủng tìm thấy Cha, Đấng mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và biến nhân loại thành một gia đình.

Source:Vatican News