Video: Phước hay họa khi Trung Quốc công nhận thêm một Giám Mục Thầm Lặng? Câu chuyện anh em Đức Bênêđíctô

Tin thế giới

Tin thế giới

Lễ nghi nhậm chức tại nhà thờ Phiếm Thuyền Phổ (Fanchuanpu), cũng gọi là Nhà Thờ Ðức Mẹ Mân Côi ở thành phố Phúc Châu, do Ðức Cha Giuse Thái Bỉnh Thụy (Cai Bingrui), Giám Mục giáo phận Hạ Môn (Xiamen), cũng là Chủ tịch Hội Công Giáo yêu nước tỉnh Phúc Kiến, chủ sự trước sự hiện diện của 80 người, trong đó có 50 linh mục.

1. Trung Quốc công nhận thêm một Giám Mục Thầm Lặng

Trung Quốc vừa công nhận thêm một Giám Mục Thầm Lặng nữa là Đức Cha Phêrô Lý Huệ Nguyên (Li Huiyuan - 李慧源)năm nay 55 tuổi. Năm 2015, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm là Giám Mục Phó giáo phận Phượng Tường (Fengxiang -凤翔) thuộc tỉnh Thiểm Tây (Shaanxi-陕西) nhưng không được bọn cầm quyền Trung Quốc công nhận. Đến năm 2017, ngài trở thành Giám Mục bản quyền của giáo phận khi Đức Cha Luca Lý Cảnh Phong (Ly Jing Feng - 李景峰)qua đời.


Nhiều giám mục từ Thiểm Tây đã tham dự buổi lễ chính thức nhận tòa của ngài.

Do các quy định liên quan đến đại dịch, vẫn còn hiệu lực chỉ có 300 người có thể tham dự buổi lễ tại nhà thờ, cùng với một số đại diện của chính quyền dân sự.

Giáo phận Phượng Tường có khoảng 20, 000 tín hữu Công Giáo, 50 linh mục và 200 nữ tu.

Đức Cha Luca Lý Cảnh Phong là người không bao giờ chấp nhận Hội Công Giáo Yêu Nước do cộng sản lãnh đạo.

Trươc đó, hôm 9 tháng 6 năm 2020: sau 4 năm được Tòa Thánh bổ nhiệm, Ðức Cha Phêrô Lâm Gia Thiện (Lin Jiashan - 林家善), 86 tuổi, đã chính thức nhận chức vụ Tổng Giám Mục giáo phận Phúc Châu (Fuzhou) tỉnh Phúc Kiến (Fujian - 福建)sau khi được bọn cầm quyền Trung Quốc công nhận.

Lễ nghi nhậm chức tại nhà thờ Phiếm Thuyền Phổ (Fanchuanpu), cũng gọi là Nhà Thờ Ðức Mẹ Mân Côi ở thành phố Phúc Châu, do Ðức Cha Giuse Thái Bỉnh Thụy (Cai Bingrui), Giám Mục giáo phận Hạ Môn (Xiamen), cũng là Chủ tịch Hội Công Giáo yêu nước tỉnh Phúc Kiến, chủ sự trước sự hiện diện của 80 người, trong đó có 50 linh mục.

Tòa Thánh đã im lặng trong cả hai trường hợp các Giám Mục Thầm Lặng vừa được bọn cầm quyền Trung Quốc công nhận. Lý do rất đơn giản: chẳng có gì đáng để hồ hởi phấn khởi, giá phải trả mắc quá. Để được công nhận, cả hai vị Giám Mục phải tuyên thệ gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước. Giáo Hội Thầm Lặng bị xóa sổ tại Phúc Châu và Phượng Tường.

Bọn cầm quyền ở Thiểm Tây từ lâu đã tỏ ra rất nhũn nhặn để lôi kéo các Giám Mục và linh mục vào Hội Công Giáo Yêu Nước. Trái ngược với những gì đang diễn ra tại Thiểm Tây, các giáo phận ở Phúc Kiến, Chiết Giang, Hà Nam, Quảng Đông, Hắc Long Giang đang chịu bách hại rất khắc nghiệt.
 


Source:Asia News

2. Nhận định của Đức Cha Rudolf Voderholzer: Tình huynh đệ anh em Đức Bênêđíctô khiến người cảm động

Đức Cha Rudolf Voderholzer, Giám Mục Regensburg đã bày tỏ niềm vui trước kết quả tích cực trong chuyến viếng thăm bất ngờ của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 tại Regensburg. “Với chuyến trở về Đức bất ngờ, một kế hoạch không lường trước được, nhanh chóng lên kế hoạch, là một thách thức cho mọi người tham gia, nhưng cuối cùng kết thúc thật tuyệt vời và trên hết, là một chuyến viếng thăm đầy cảm xúc, ” Đức Cha Voderholzer nói như trên trong một cuộc họp báo trong vườn Tòa Tổng Giám Mục Regensburg. Ngài rất nhẹ nhõm và hài lòng vì cuộc gặp gỡ đó rất tích cực và củng cố sức mạnh cho vị Giáo Hoàng đã nghỉ hưu cũng như cho anh trai của ngài, và mọi việc diễn ra không có chút trở ngại nào.

Đức Bênêđíctô XVI đã về đến Vatican. Chiếc máy bay đặc biệt của Không quân Ý đã hạ cánh xuống sân bay quân sự Ciampino vào khoảng 1 giờ chiều ngày thứ Hai 22 tháng 6. Đức Bênêđíctô sau đó đã về đến Tu Viện Mẹ Giáo Hội tại Vatican hơn nửa giờ sau đó. Trước khi khởi hành, Đức Cha Rudolf Voderholzer và Thủ tướng miền Bavaria Markus Söder đã nói lời tạm biệt với ngài tại một sân bay ở Munich. “Chúng tôi chúc ngài được Chúa ban phước lành cho một chuyến bay thuận lợi và hứa với ngài rằng chúng tôi sẽ chăm sóc anh trai của ngài thật tốt, ” Đức Cha Voderholzer nói và cho biết thêm vào sáng thứ Hai, anh em Ratzinger đã gặp nhau lần cuối trước khi Đức Bênêđíctô trở lại Vatican.

Theo Đức Cha Voderholzer, chính tình cảm với người anh trai bị bệnh nặng Georg đã khiến Đức Bênêđíctô thực hiện chuyến đi này. “Tôi cầu chúc mọi người chúng ta có thể trải nghiệm một tình cảm huynh đệ, và một mối quan hệ tốt đẹp như thế, ” Đức Cha Voderholzer nói và nhận định rằng mối quan hệ giữa anh em Ratzinger rất thắm thiết nhưng không bi lụy. Mối quan hệ sống động ấy dựa trên niềm hy vọng, xác tín, và vị tha. Từ khi Đức Bênêđíctô thoái vị đến nay, hai anh em đã gặp gỡ nhau 9 lần, mỗi cuộc gặp gỡ như thế rõ ràng đã mang lại cho họ sức sống, sự can đảm và niềm vui mới.

Đức Cha Voderholzer đã gọi Đức Bênêđíctô là “người xây dựng các nhịp cầu, là người, với phong cách lặng lẽ, thậm chí khiêm tốn và trên hết là nhờ lời nói của mình, đã có thể chinh phục mọi người vào cuộc tìm kiếm để gặp gỡ Chúa Kitô”.

Đức Cha nhận xét rằng trong những ngày viếng thăm này, Đức Bênêđíctô, người đàn ông vĩ đại về tinh thần, đã trải nghiệm sự yếu đuối về thể chất của mình, khi về già và trong sự hữu hạn của mình. Đức Bênêđíctô nói bằng một giọng khàn khàn, gần như thì thầm và phát âm rõ ràng cũng là một vấn đề đối với ngài. Nhưng suy nghĩ của ngài vẫn rất minh mẫn. Tất cả các quá trình cuộc sống hàng ngày, Đức Bênêđíctô phải dựa vào sự giúp đỡ của người khác.

Theo Đức Cha Voderholzer, với một vĩ nhân như Đức Bênêđíctô, có lẽ phải có nhiều can đảm, và khiêm tốn, để đặt mình vào tay người khác và thể hiện điều này trước công chúng. Đức Bênêđíctô đã nói rõ rằng “người ta không thể hoàn toàn che giấu chính mình”.

Đức Cha Voderholzer cho biết ngài cảm thấy Đức Bênêđíctô đã vui như thế nào khi nhìn thấy phong cảnh quen thuộc, những con hẻm và lối đi quen thuộc và trên tất cả nhìn thấy mọi người qua cửa sổ của chiếc xe. “Thực tế là rất nhiều người đã đổ xô ra hai bên đường để chào ngài. Ngài vô cùng cảm động. Đức Bênêđíctô đã phải thu hết sức mạnh còn lại của mình để vẫy tay chào họ.”

“Đức Bênêđíctô đã gặp gỡ chúng tôi trong tất cả những yếu đuối về thể chất của ngài và chúng tôi có thể trải nghiệm những gì thực sự quan trọng vào cuối đời của ngài”.

Đức Giám Mục Regensburg cũng cảm ơn các nhà báo. Họ đã phải tường trình một cách bất đắc dĩ để giữ cho chuyến đi này riêng tư, dù rằng đây là một sự kiện cảm động đối với nhiều người tại Regensburg, cả khu vực, và toàn nước Đức.

Đức Tổng Giám Mục Nikola Eterović, Sứ Thần Tòa Thánh ở Đức, đã đến gặp Đức Bênêđíctô tại Regensburg vào sáng Thứ Bảy. Nhưng chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức là Đức Cha Georg Bätzing của Limburg đã không đến gặp Đức Bênêđíctô 16. Chỉ vài ngày trước chuyến viếng thăm Đức của Đức Bênêđíctô, Đức Cha Bätzing đã lên tiếng chỉ trích một bài khảo luận dài của Đức Bênêđíctô về nguyên nhân dẫn đến tai tiếng lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ.[1]

Đức Cha Bätzing, 59 tuổi, người kế vị Hồng Y Reinhard Marx làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức hồi tháng 3, đã kêu gọi Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám Mục ở Rôma để thảo luận về các nghị quyết của “tiến trình công nghị” của Đức ở mức độ Giáo hội hoàn vũ. [2] Những vấn đề tiến trình công nghị Đức muốn thảo luận là thay đổi giáo lý về đạo đức tình dục để chúc lành cho các kết hiệp đồng tính, thay đổi hình thái đời sống linh mục để xoá bỏ luật độc thân linh mục, và phong chức linh mục cho phụ nữ.

“Những gì phát sinh một cách đồng nghị cũng phải được làm rõ và trả lời một cách đồng nghị”, Đức Cha Georg Bätzing nói, giải thích rằng ngài “hoàn toàn ủng hộ việc chuyển đến Rôma, đến cấp độ toàn Giáo hội, những hiểu biết và quyết định mà chúng tôi thu được từ tiến trình công nghị tại Đức liên quan đến vai trò của phụ nữ và công việc mục vụ của Giáo Hội.”

Ngài nói thêm rằng ngài có “những ý tưởng cụ thể về những gì có thể đạt được trong Thượng Hội Đồng Giám Mục” này.

Tuyên bố của Đức Cha Bätzing được đưa ra vào hôm 27 tháng Năm. Đến nay Tòa Thánh không trả lời gì về đề nghị này.

Theo ký giả Sandro Magister, “Synodale Weg” hay “Tiến Trình Công Nghị” ở Đức, càng ngày càng cho thấy nguy cơ lớn hơn đối với Giáo Hội Công Giáo, không riêng ở Đức mà khắp hoàn vũ.

Magister cảnh báo rằng “Tiến Trình Công Nghị” này thực ra đang bước theo ba tiền thân hay ba luồng tư duy Đức ở thế kỷ 19. Cả ba luồng tư tưởng này cuối cùng đã trở thành ly giáo.

[1] New leader of German bishops signals no retreat from progressive line

[2] German bishop calls for Rome synod to discuss German synod

Source:Die Tagestpost