Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 09 – 15/06/2016: Trước thềm Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2106 tại Krakow

Tin Thế Giới

Tin Thế Giới

Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2:19). Trong những lời này, Thánh Tông Đồ Phao-lô đã diễn tả cách mạnh mẽ mầu nhiệm đời sống Kitô giáo, mầu nhiệm đó có thể được gom tóm trong sự năng động phục sinh về cái chết và sự sống lại được nhận lãnh ngang qua Bí Tích Thanh Tẩy.

1. Chương trình chuyến tông du Ba Lan của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới

Radio Vatican ngày 9/6/2016 đã công bố chương trình cho những ngày từ 27 đến 31 tháng 7 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Ba Lan trong khuôn khổ tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 31.



Vào ngày 27 tháng 7, Đức Giáo Hoàng sẽ khởi hành từ sân bay Fiumicino Rome lúc 2 giờ chiều và sẽ đến sân bay John Paul II ở Balice-Krakow hai giờ sau đó.

Sau nghi lễ đón tiếp, Đức Thánh Cha sẽ di chuyển về Lâu đài Wawel, nơi đó Ngài sẽ đọc bài diễn văn dành cho các nhà lãnh đạo dân sự và ngoại giao đoàn, tiếp theo là cuộc thăm viếng thân hữu với Ngài tổng thống Cộng hòa Ba lan. Ngày đầu tiên của Đức Giáo Hoàng tại Ba Lan sẽ kết thúc bằng cuộc gặp gỡ với các giám mục tại Nhà thờ chính tòa Krakow.

Vào sáng sớm thứ Năm ngày 28 tháng 7, Đức Thánh Cha sẽ đến thăm Tu viện của các nữ tu Thăm Viếng trên đường ra sân bay và lúc 08:30 sáng Ngài sẽ đáp trực thăng tới Czestochowa, nơi đây, tại tu viện Jasna Gora, Ngài sẽ cầu nguyện trước Thánh tượng Đức Bà Đen trước khi cử hành Thánh Lễ tại đền Thánh Czestochowa nhân dịp kỷ niệm 1050 năm Vua Ba lan được rửa tội. Lúc 12:45 trưa cùng ngày Đức Thánh Cha sẽ trở lại Krakow để gặp gỡ và nói chuyện với giới trẻ tập trung tại Công viên Jordan.

Vào ngày thứ Sáu 29 tháng 7 Đức Thánh Cha sẽ đáp trực thăng tới Oswiecim. Lúc 9.30 giờ sáng Ngài thăm trại tập trung Auschwitz thời Đức Quốc Xã và lúc 10.30 giờ tại trại Birkenau, sau đó Ngài trở về Krakow, lúc 4:30 chiều Đức Thánh Cha sẽ thăm viếng các bệnh nhân tại Bệnh viện nhi đồng và lúc 6 giờ tối, Ngài sẽ chủ sự Chặng Đường Thánh Giá với những người trẻ ở Jordan Park.

Vào ngày thứ Bảy, Ngài sẽ thăm viếng Đền thờ “Lòng Chúa Thương Xót” ở Krakow, Ngài sẽ bước qua Cửa Thánh của Lòng thương xót Chúa và giải tội cho một số người trẻ. Sau đó, lúc 10.30, ngài sẽ cử hành Thánh Lễ cho các linh mục, nam nữ tu sĩ, những người đã dâng hiến đời mình cho Chúa và các chủng sinh trong Đền Thánh Gioan Phaolô II ở Krakow. Đức Giáo Hoàng sẽ ăn trưa với một số người trẻ tuổi tại Tòa Tổng Giám mục và sau đó vào buổi tối, Ngài sẽ cùng với những người trẻ bước qua ngưỡng Cửa Thánh tại Cánh Đồng Lòng Chúa Thương Xót và lúc 7:30 tối Ngài sẽ giảng cho mọi người tham dự Đêm Canh Thức.

Vào ngày Chúa Nhật 31 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Cánh Đồng Lòng Chúa Thương Xót, sau đó, lúc 5 giờ chiều, Ngài sẽ gặp gỡ các tình nguyện viên của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, ban tổ chức và các nhà hảo tâm tại sân vận động Tauron ở Krakow… Cuối cùng Ngài sẽ đáp máy bay lúc 6:30 tối và về tới Rôma lúc 8:25 tối cùng ngày.

2. Ngày Năm Thánh dành cho các bệnh nhân và người khuyết tật

Lúc 10h30 sáng Chúa Nhật, ngày 12.06, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Quảng Trường Thánh Phê-rô nhân Ngày Năm Thánh dành cho các bệnh nhân và người khuyết tật cả về thể xác lẫn tâm trí.

Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có nhiều Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và linh mục. Đặc biệt, tham dự thánh lễ, có hơn 20 ngàn người khuyết tật, bệnh nhân và những người săn sóc họ.

Trong lúc bài Tin Mừng được công bố, có những hoạt cảnh đi kèm, nhờ đó những người khuyết tật tâm trí có thể hiểu được.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

“Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2:19). Trong những lời này, Thánh Tông Đồ Phao-lô đã diễn tả cách mạnh mẽ mầu nhiệm đời sống Kitô giáo, mầu nhiệm đó có thể được gom tóm trong sự năng động phục sinh về cái chết và sự sống lại được nhận lãnh ngang qua Bí Tích Thanh Tẩy. Thật vậy, khi được dìm trong nước, mỗi người chúng ta đã chết và được mai táng cùng với Đức Kitô (Rm 6:3-4), và khi trồi lên khỏi mặt nước, một sự sống mới được chiếu tỏa rạng ngời trong Chúa Thánh Thần. Sự tái sinh này ôm ấp lấy tất cả mọi chiều kích của đời sống chúng ta: kể cả bệnh tật, khổ đau và cái chết cũng được tìm thấy nơi Đức Kitô và chính ở nơi Ngài mà chúng ta đọc được ý nghĩa tối hậu cho những bệnh tật, khổ đau và chết chóc ấy. Ngày hôm nay, Ngày Năm Thánh dành cho bệnh nhân và những người mang những khuyết tật, Lời Chúa về sự tái sinh này lại có một âm vang đặc biệt cho mỗi người chúng ta.”

3. Dòng Tên và Caritas châu Âu kêu gọi Liên minh Châu Âu đối xử có tình người với người tị nạn

Một chuỗi bi thảm các vụ đắm tàu và chết đuối ở Địa Trung Hải của những người bị buộc phải di dân và tị nạn đang thu hút sự chú ý vào những bất cập trong chính sách di dân của Liên minh Châu Âu.

Hàng chục ngàn người trốn chạy khỏi xung đột, khủng bố và nghèo đói đã cố gắng vượt Địa Trung Hải nguy hiểm với hơn 2,500 người chết đuối trong năm nay.

Hôm thứ Năm 09/6, các bộ trưởng Liên minh Châu Âu đã có cuộc họp để thảo luận về chính sách di dân Châu Âu, vốn đang tập trung vào việc ngăn chặn làn sóng di dân.

Caritas Châu Âu và Tổ chức phục vụ người tị nạn Dòng Tên Châu Âu (Jesuit Refugee Service Europe - Tổ Chức Cứu Trợ Dòng Tên Châu Âu) đang kêu gọi các nhà hoạch định chính sách châu Âu thay đổi đường lối hạn chế của họ đối với vấn đề di dân và cung cấp những cách thức an toàn để người dân vào châu Âu mà không mạo hiểm mạng sống của họ.

Olga Siebert, nhân viên vận động chính sách của Tổ Chức Cứu Trợ Dòng Tên Châu Âu giải thích rằng, cùng với Caritas Châu Âu, Tổ Chức Cứu Trợ Dòng Tên Châu Âu đã đưa ra lời kêu gọi rằng các chính sách di dân hạn chế của châu Âu hiện nay buộc những người tuyệt vọng dùng các tuyến đường chết người. Bà cho hay: “Chúng tôi nghĩ rằng những chính sách này dựa trên việc bảo vệ biên giới, chứ không phải bảo vệ người dân”.

Siebert cho biết những chính sách này sẽ không ngăn chặn được những người đang cố gắng đến các nước chúng ta, thực vậy, chúng sẽ buộc càng nhiều người vào tay của bọn buôn lậu và buôn người, trong đó tất nhiên rất có hại cho người tị nạn và những người tìm kiếm nơi ẩn náu an toàn.

Bà nói rằng, cùng với Caritas Châu Âu và các tổ chức Kitô giáo khác, Tổ Chức Cứu Trợ Dòng Tên đã bày tỏ mối quan tâm của mình với cách nhà hoạch định chính sách Liên minh Châu Âu kể từ tháng 11 năm 2014: “Chúng tôi kêu gọi các con đường an toàn và hợp pháp cho việc bảo vệ ở châu Âu; chúng tôi đưa ra một chính sách trong đó mô tả chi tiết những gì chúng tôi muốn thấy trên bình diện Châu Âu”.

Bà Siebert đề cập đến một số bước mà bà nói là cần thiết để có thể thực thi và bảo vệ luật nhân đạo: “Chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của các kênh nhân đạo như thị thực nhân đạo, tạo thuận lợi cho đoàn tụ gia đình cho những người tị nạn và di dân, cùng với các chương trình nhân đạo khác như tái định cư hơn nữa và nâng đỡ những thủ tục thị thực khi có lý do chính đáng trên nền tảng nhân đạo”.

Bà cho hay thêm: “Những biện pháp này, nên được bổ sung cho một hệ thống đầy đủ chức năng tị nạn và nhân đạo ở châu Âu”.

Và trong khi một số quốc gia châu Âu tiếp tục xây dựng những bức tường và nói lên sự thờ ơ đối với thảm kịch toàn cầu về sự gia tăng di dân, Tổ Chức Cứu Trợ Dòng Tên nói rằng mọi người cần phải biết rằng những người di dân bị cưỡng bức không chỉ là những con số, mà là những con người thực sự trốn chạy khỏi xung đột và khủng bố: “Thông điệp chính của chúng tôi là chúng ta phải có chính sách đối xử nhân đạo như người với người, đối xử với họ bằng sự tôn trọng, biết họ đang tìm kiếm điều kiện sống tốt hơn và đang lẩn trốn để bảo vệ phẩm giá con người của mình”.

Liên quan đến cuộc họp của các nhà hoạch định chính sách Châu Âu, Tổ Chức Cứu Trợ Dòng Tên nói rằng thật khó để dự đoán kết quả nhưng Tổ Chức Cứu Trợ Dòng Tên kêu gọi họ phải nhận thức được tình hình và vẫn còn hi vọng thông điệp của họ sẽ được lắng nghe.

4. Bốn linh mục và một phó tế được phong chức ở Hồng Kông nhân kỷ niệm 800 năm Dòng Đa Minh

Năm 2016, Dòng Đa Minh mừng kỷ niệm 8 thế kỷ lập Dòng bởi Đức Giáo Hoàng Honorius III, bốn linh mục và phó tế của tỉnh dòng Đa Minh Trung Quốc “Đức Mẹ Mân Côi” đã được phong chức linh mục tại Hồng Kông.

Bốn linh mục bao gồm 1 người Trung Quốc đại lục, một người Hàn Quốc và hai người Miến Điện. Lễ phong chức được Đức Hồng Y Gioan Thang Hán (Tong Hon), Giám mục Hồng Kông chủ tế trong thánh lễ trọng thể tổ chức tại tu viện Đa Minh hôm 29 tháng Năm. Đồng tế trong thánh lễ cũng có Đức Cha Stephen Tjephe, Giám Mục của Loikaw, Myanmar, đất nước xuất xứ của hai vị tân linh mục Miến Điện, cùng với Cha Javier Gonzalez, Bề trên tỉnh dòng Đa Minh và nhiều linh mục. Dòng Ba Đa Minh cũng hiện diện, ngày nay họ có hơn ba mươi thành viên tích cực trong việc truyền giáo và phục vụ xã hội. Đức Hồng Y Gioan Thang Hán nhấn mạnh đặc tính truyền giáo của Tỉnh dòng Mân Côi, trong đó bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Ma Cao và một số nước châu Á.

Dòng các Cha Thuyết giáo (OP), còn được gọi là Dòng Đaminh, bắt đầu sứ mạng ở Trung Quốc vào tháng Giêng năm 1631. Vào năm 1650, Luo Wen Zao, người Trung Quốc, gia nhập tu viện Đa Minh ở Manila. Sau đó, ngài được bổ nhiệm làm Giám quản Tông tòa của Nam Kinh và là Giám mục đầu tiên người Trung Quốc. Các tu sĩ Đa Minh đã đến Đài Loan vào năm 1859, được xem là những nhà truyền giáo đầu tiên của hòn đảo này, và họ đến Hồng Kông vào năm 1861. Đến nay, Hồng Kông vẫn luôn được xem là nền tảng của tỉnh dòng Viễn Đông.

5. Phong trào Công Giáo về gia đình Dominica biểu tình trước trụ sở Hội nghị Tổ chức các nước châu Mỹ

Giáo Hội Công Giáo Dominica bày tỏ lo lắng vì chủ đề của gia đình, rất thời sự và đặc biệt quan trọng trong thời điểm khủng hoảng hiện nay, không được đề cập đến trong nghị trình của Hội nghị Tổ chức các nước châu Mỹ diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng Sáu.

Đức Cha Victor Emilio Masalles Pere, Giám mục Phụ tá của Santo Domingo, lưu ý rằng vấn đề chuyển giới được nói đến trong sáu điểm của chương trình nghị sự, trong khi đó chủ đề gia đình thậm chí không được đề cập đến. 

Trong cuộc gặp gỡ với báo chí địa phương, Đức Cha Masalles công bố việc thành lập phong trào mới mang tên “Si Queremos Sostenibilidad” nghĩa là ‘Chúng tôi muốn được hỗ trợ’, bao gồm các gia đình tham gia vào giáo xứ, đoàn thể, khu xóm, các dòng tu và nhiều tổ chức xã hội dân sự khác, nhằm hỗ trợ các vấn đề của gia đình ở đất nước Dominica.

Mục đích của phong trào là để tái khẳng định rằng chỉ có những gia đình tốt mới có thể tiếp tục theo đuổi phát triển bền vững. Đức Giám Mục mời gọi tất cả mọi người tuần hành hòa bình vào ngày Chúa Nhật 12 tháng Sáu để ủng hộ của gia đình, trong đó sẽ kết thúc cuộc diễu hành ở phía trước hội trường diễn ra Hội nghị Tổ chức các nước châu Mỹ.

6. Đức Thánh Cha tiếp kiến phái đoàn Liên hiệp Tin Lành Cải Cách

Đức Thánh Cha kêu gọi các cộng đồng Công Giáo và Tin Lành cải cách cùng dấn thân đáp ứng sự khao khát tinh thần của con người ngày nay.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 10 tháng 6, dành cho 10 vị thuộc Hội đồng lãnh đạo Liên hiệp các Giáo Hội Tin Lành Cải Cách trên thế giới.

Trong lời chào mừng, Đức Thánh Cha nhắc đến cuộc viếng thăm tại Vatican cách đây 10 năm của các vị lãnh đạo Tin Lành cải cách trên hoàn cầu, gặp Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. Ngài cũng ca ngợi và cảm tạ những tiến bộ trong quan hệ đại kết giữa các cộng đồng Giáo Hội Tin Lành cải cách với nhau và với Giáo Hội Công Giáo. 

Đức Thánh Cha nhận xét rằng: 

“Ngày nay chúng ta thường cảm nghiệm “sự sa mạc hóa tinh thần”, nhất là nơi mà người ta sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu, các cộng đồng Kitô chúng ta được kêu gọi là những “vò nước” giải khát với niềm hy vọng, những sự hiện diện có khả năng khơi dậy tình huynh đệ, gặp gỡ, liên đới, yêu thương chân thành và vô vị lợi; các cộng đồng ấy cần đón nhận và khơi dậy ơn thánh của Chúa, để không khép kín vào mình, và cởi mở thi hành sứ mạng. Thực vậy, không thể thông truyền đức tin, nếu ta sống đức tin một cách cô lập hoặc trong những nhóm khép kín và chia cách, trong một thứ tự trị giả tạo và chỉ biết đến cộng đoàn của mình. Làm như thế chúng ta không đáp ứng được lòng khao khát Thiên Chúa, đang gọi hỏi chúng ta và tạo nên nhiều hình thức tôn giáo mới..”

Đức Thánh Cha cũng nói rằng: “Hiện nay có nhu cầu cấp thiết phải có một phong trào đại kết, cùng với nỗ lực thần học để giải quyết những tranh luận đạo lý giữa các tín hữu Kitô. Phong trào đại kết này cổ võ một sứ mạng chung loan báo Tin Mừng và phục vụ. Chắc chắn là đã có nhiều sáng kiến và sự cộng tác tốt đẹp với nhau tại nhiều nơi, nhưng tất cả chúng ta có thể cùng nhau làm hơn nữa, để cống hiến một chứng tá sinh động, cho tất cả những người hỏi chúng ta tại sao có niềm hy vịong nơi chúng ta (Xc 1 Pr 3,15): cần thông tuyền tình yêu thương xót của Chúa Cha mà chúng ta lãnh nhận nhưng không và chúng ta được kêu gọi quảng đại trao ban cho tha nhân”

7. Lễ thánh nữ Maria Madalena được nâng lên hàng lễ Kính

Theo quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô, lễ thánh nữ Maria Madalena được nâng cấp: từ bậc lễ nhớ bắt buộc lên Lễ Kính (Festum).

Trong thông cáo và sắc lệnh công bố hôm 10-6-2016, Đức Hồng Y Robert Sarah, Tổng Trưởng Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích thông báo quyết định của Đức Thánh Cha và đồng thời trình bày những lý do, trong đó có đoạn viết: “Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra quyết định trên đây trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót, để nêu cao tầm quan trọng của người Phụ Nữ đã chứng tỏ tình yêu nồng nhiệt đối với Chúa Kitô và được Chúa Kitô yêu mến.”

Thực vậy, quyết định được đề ra trong bối cảnh Giáo Hội ngày nay đòi phải suy tư sâu xa hơn về phẩm giá phụ nữ, công việc tái truyền giảng Tin Mừng và sự cao cả của mầu nhiệm Lòng Chúa Thương Xót. Chính Thánh Gioan Phalô 2 đã dành sự chú ý lớn không những về tầm quan trọng của các phụ nữ trong sứ mạng của chính Chúa Kitô và của Giáo Hội, nhưng còn đặc biệt đề cao chức năng của thanh Maria Madalena như chứng nhân đầu tiên đã thấy Đấng Phục Sinh và là sứ giả đầu tiên loan báo cho các Tông Đồ sự sống lại của Chúa” (Xc Mulieris dignitatem, 16).

8. 9 Hồng Y cố vấn của Đức Thánh Cha kết thúc khóa họp thứ 15

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự hầu hết các cuộc họp lần thứ 15 của Hội đồng 9 Hồng Y cố vấn diễn ra tại Vatican trong các ngày từ 6 đến 8 tháng 6 vừa qua.

Cha Federico Lombardi, Giám đốc Phòng Báo Chí Toà Thánh, đã cho biết như trên trong cuộc họp báo sáng mùng 8 tháng 6. Trong các ngày hội họp các Hồng Y đã thảo luận và duyệt xét nhiều cơ quan Trung ương Toà Thánh nhằm chuẩn bị cho Tông hiến mới thay thế Tông hiến Pastor Bonus của Đức Gioan Phaolô II, đặc biệt là Bộ Giám mục, Phủ Quốc vụ Khanh, Bộ giáo dục Công Giáo, Bộ các Giáo Hội Đông Phương, Bộ giáo sĩ, các Hội đồng toà thánh về Văn hóa, về việc Thăng tiến hiệp nhất các Kitô hữu, và Đối thoại liên tôn.

Hội đồng Hồng Y cũng trình bầy kết quả các duyệt xét trong các phiên họp trước liên quan tới các Bộ Giáo lý đức tin, Phụng tự và kỷ luật bí tích, Phong thánh, Các dòng tu và hiệp hội tông đồ, cũng như Bộ mới “Bác ái, Công lý và Hòa bình”, bao gồm các Hội đồng toà thánh Công lý và Hoà bình, Cor Unum, Y tế, Di cư và lưu động.

Các Hồng Y cũng trình bầy vài tiêu chuẩn hướng dẫn các suy tư và duyệt xét ấy: đơn sơ hóa, hoà hợp các nhiệm vụ của các cơ quan khác nhau, các hình thái tản quyền có thể có trong tương quan với các Hội Đồng Giám Mục.

Đức Hồng Y Reihnard Marx, phối hợp viên Hội đồng kinh tế, và Đức Hồng Y George Pell, tổng trưởng văn phòng Kinh tế, đã tường trình các vấn đề của hai cơ quan liên hệ. Đức Ông Dario Edoardo Viganò, Tổng trưởng Văn phòng thư ký về Truyền thông, đã trình bầy tiến trình cải tổ hệ thống truyền thông của Tòa Thánh, suy tư trở lại việc tổ chức công việc sản xuất và sát nhập, và việc sát nhập Radio Vaticăng và Đài truyền hình Vaticăng nội trong năm nay.

Đức Hồng Y Sean O’Malley đã cập nhật sinh hoạt của Uỷ ban bảo vệ trẻ em vị thành niên.

Trả lời câu hỏi của các nhà báo cha Lombardi cho biết công việc của Hội đồng 9 Hồng Y không chỉ liên quan tới việc cải tổ các cơ quan trung ương Tòa Thánh, nhưng còn liên quan tới nhiều đề tài khác nữa, chẳng hạn Thượng Hội Đồng Giám Mục. Nghĩa là Hội Đồng không có hạn mãn nhiệm. Các cuộc họp tới sẽ là các ngày từ 12 đến 14 tháng 9, và 12 đến 14 tháng 12.

9. Công đồng Liên Chính Thống giáo tiếp tục gặp chướng ngại 

Viễn tượng nhóm họp Công đồng Liên Chính Thống giáo từ Chúa Nhật 19 tháng 6 tới 27 tháng 6 tại đảo Creta bên Hy Lạp tiếp tục gặp khó khăn.

Trong tuần lễ trước đây, Giáo Hội Chính Thống Bulgari cho biết sẽ không tham dự Công đồng này nếu một số vấn đề tranh luận không được làm sáng tỏ trước, và vì thế Giáo Hội này kêu gọi hoãn lại việc nhóm họp Công đồng. Cả Giáo Hội Chính Thống Giorgia cũng có lập trường tương tự.

Hôm 6 tháng 6, sau phiên họp đặc biệt, Tòa Thượng Phụ chung của Chính Thống giáo ở Constantinople, Istanbul, Thổ Nhĩ kỳ, đã thông cáo bác bỏ yêu cầu của Giáo Hội Chính Thống Bulgari và nói rằng sau hơn 50 năm chuẩn bị, Công đồng này sẽ tiến hành như đã định, vào lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, 19-6 (theo lịch Giuliano).

Mục đích khóa họp thượng đỉnh này tại Creta là một sự thỏa thuận của Chính Thống giáo về đường hướng tương lai của mình. “Tòa Thượng Phụ chung, có trách nhiệm chính đối với việc bảo tồn sự hiệp nhất của Chính Thống giáo, kêu gọi tất cả hãy tận dụng cơ hội này và đến tham dự.

Thông cáo cũng có đoạn viết: 

“Thật là ngạc nghiên và ngỡ ngàng, một vài Giáo Hội trong số 14 Giáo Hội Chính Thống đã tuyên bố lập trường của mình. Qui luật của Giáo Hội không cho phép xét lại kế hoạch Công đồng đã được đề ra. Tuy nhiên tại Creta, còn có thể thay đổi các dự thảo văn kiện. Các phái đoàn sẽ trình bày các đề nghị của mình”.

Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga mạnh mẽ phê bình lập trường của Tòa Thượng Phụ Constantinople. Tổng linh mục Andrej Nowokiow ở Mạc Tư Khoa tuyên bố với hãng thông tấn Tass của Nga hôm 7 tháng 6 rằng: “Tôi e ngại rằng thái độ độc tài như thế của Tòa Thượng Phụ Constantinople là một toan tính buộc những người khác phải thay đổi ý kiến. Hiển nhiên Constantinople muốn có quyền lực vô giới hạn trong thế giới Chính Thống giáo, và hành động “như thể một thứ giáo hoàng ở đông phương”, và như thế là đe dọa thành quả của Công đồng.

Thánh Hội đồng Chính Thống Nga đã yêu cầu Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô triệu tập một phiên họp tiền công đồng, trước ngày 10-6 này để cứu xét xem có thể nhóm Công đồng trong thời hạn dự trù hay không. Theo Chính Thống Nga, dù một Giáo Hội thành viên không tham dự, thì đó cũng là một chướng ngại không thể vượt qua đối với việc thực hiện một đại Công đồng của Chính Thống giáo.

Trước sự từ khước của Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô triệu tập phiên họp vừa nói, hôm 8 tháng 6, Đức Tổng Giám Mục Hilarion Alfeyev, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga, cho biết Thánh Hội đồng của Giáo Hội này nhóm họp khẩn cấp để quyết định có nên tham dự Công đồng liên Chính Thống giáo hay không. Đức Tổng Giám Mục nói: “Chúng tôi vẫn luôn nói rằng các quyết định của Công đồng phải được sự đồng thuận thì mới được công bố. Chúng tôi tin rằng sự đồng thuận bao hàm không những sự đồng ý của những người hiện diện nhưng cả những người khác vắng mặt nữa. Sự đồng thuận phải có nghĩa là ý kiến đồng nhất của tất cả các Giáo Hội Chính Thống. Nếu một Giáo Hội vắng mặt, thì chúng tôi nghĩ điều này có nghĩa là không có sự đồng thuận”.

Mặt khác, Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô đã tổ chức một buổi cầu nguyện tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành vào thứ Bẩy 11-6 để bày tỏ sự gần gũi tinh thần với Chính Thống giáo. 

10. Đức Giáo Hoàng tặng quà đặc biệt cho 2 vợ chồng khuyết tật cao tuổi

Sáng 4 tháng 6, Đức tổng Giám mục Konrad Krajewski, quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng, tức là người đặc trách dịch vụ bác ái của Đức Thánh Cha đã trao tặng một món qua đặc biệt cho 2 vợ chồng khuyết tật cao tuổi đang được Hiệp hội trợ giúp y tế ở Tor Bella Monaca trợ giúp và chăm sóc.

Đó là một chiếc xe điện dành cho người khuyết tật để giúp họ có thể tự di chuyển. từ lâu 2 ông bà bị bó buộc trong căn hộ của họ vì tiểu đường và cao huyết áp. Người phụ nữ mới bị cắt 1 chân.

Hiệp hội trợ giúp y tế đã mở chiến dịch tương trợ để quyên góp cho đôi vợ chồng này để giúp họ giải quyết vấn đề di chuyển. Đức Giáo Hoàng đã đi trước tất cả và thực hiện ước mơ của ông bà.

11. Người Công Giáo Phi Luật Tân vận động kỷ niệm Thông điệp “Laudatio Sì”

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho hay: Tầm quan trọng của nhận thức ở cấp quốc gia và sự thúc đẩy thái độ tôn trọng đối với thiên nhiên, theo tinh thần của thông điệp “Laudato Sì”: là mục tiêu của Phong trào Công Giáo về khí hậu toàn cầu gọi tắt là GCCM được phát động từ 12 đến 19 tháng 6 nhằm dẫn tới tuần lễ nâng cao nhận thức về khí hậu toàn cầu nhân dịp kỷ niệm một năm thông điệp Laudeto Si được công bố.

Theo Fides các phong trào ở Phi Luật Tân đã khuyến khích và mời gọi các giáo xứ, trường học và các Hội đoàn thực hiện những sinh hoạt học hỏi Thông điệp Laudato Si, trong các Hội nghị, Hội họp, công cộng, ngay cả trong phụng vụ và các Thánh lễ.

Trang mạng www.laudatosiweek.org là một trong hàng ngàn những tổ chức ở các quốc gia khác nhau trên thế giới. Vào ngày 18/6 tới đây một hội nghị chuyên đề sẽ được tổ chức tại Phi Luật Tân bao gồm một số thông tin cập nhật trên diễn đàn đã được thảo luận tại Paris gần đây.

“Gây ô nhiễm hoặc phá hủy môi trường là kết quả của một sự thiếu tôn trọng vũ trụ, con người, môi trường vì đây là những món quà của Thiên Chúa”, Đức Hồng Y Manila, Luis Antonio Tagle, đã chia sẻ những nhận định này trong Hội nghị Caritas Châu Á đang diễn ra ở Bangkok và được kết thúc hôm 10/6. Hội nghị bàn nhiều về môi trường trong thế giới mà chúng ta đang phải đối diện hôm nay “là con người không hiểu rằng trái đất không thuộc về chúng ta”.

Cuộc họp mở rộng của Caritas châu Á để học hỏi, suy tư và đào sâu Thông điệp “Laudato Sì” đã đưa ra một văn bản tham khảo để giải quyết vấn đề môi trường được nhìn từ quan điểm của niềm tin.

12. Đức Thánh Cha Phanxicô thành lập Ủy ban Phân phối Quỹ cho các Nạn nhân Chiến tranh ở Ukraine

Theo Radio Vatican ngày 9/6/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định thành lập một ủy ban để giám sát việc phân phối tiền bạc cho những người dân Ukraine đang bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột ở phía đông của đất nước này. Số tiền này được các nhà thờ Công Giáo trên khắp châu Âu quyên góp hôm Chúa Nhật ngày 24/4 vừa qua để đáp lại lời kêu gọi cá nhân của Đức Thánh Cha. Việc thành lập Ủy ban này được đề ra vài ngày trước chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y Pietro Parolin, chủ tịch Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tại Ukraine.

Phát biểu với báo giới, linh mục Giám đốc Văn phòng báo chí của Tòa Thánh là Cha Federico Lombardi, cho biết số tiền sẽ được phân phối cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột tại Ukraine, không phân biệt tôn giáo hay chủng tộc. Ngài cho biết Ủy ban bao gồm một Chủ tịch là Đức Cha Jan Sobilo, Giám mục phụ tá của Giáo phận Kharkiv-Zaporizhia, với bốn thành viên khác nữa trong nhiệm kỳ một năm và sẽ được gia hạn nếu cần thiết.

Những nhà chuyên môn cho rằng có hơn 1,7 triệu người phải di cư tại Ukraine do hậu quả của các cuộc xung đột ở phía đông giữa quân đội chính phủ và lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn.

13. Đặc sứ Liên Hiệp Quốc của Vatican thúc giục các giải pháp đối với giới trẻ thất nghiệp

Tân Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh Liên Hiệp quốc tại Geneva, là Đức Tổng Giám Mục Ivan Jurkovič, đã kêu gọi Tổ chức Lao động quốc tế làm nhiều việc hơn để giải quyết “vấn đề bức xúc của giới trẻ thất nghiệp”.

Trong một bài phát biểu hôm thứ Năm trong phiên thứ 105 của Hội nghị Lao động Quốc tế, Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng chúng ta có một nghĩa vụ đạo đức để tạo ra những công việc đàng hoàng và lương tốt đặc biệt dành cho những người trẻ. Ngài nói thêm để làm được như vậy, đòi hỏi phải đến với “mô hình kinh tế mới, toàn diện và công bằng, không nhằm phục vụ cho số ít, nhưng phục vụ lợi ích người dân và toàn xã hội”.

Cảnh báo về các cách thức mà công nghệ tiên tiến có thể làm giảm giá trị và phẩm giá của người lao động, Đức Tổng Giám Mục Jurkovič nhắc lại rằng chúng ta không thể đo lường sự tiến bộ của con người chỉ thuần túy trên cơ sở sự tăng trưởng kinh tế và tích lũy của cải vật chất. Ngài nói rằng tiến bộ xã hội “chỉ đạt được tính cách thật sự của nó khi điều đó là tốt đẹp và bền vững đối với những người lao động, người sử dụng lao động, các chính phủ, cộng đồng và môi trường”.

Đức Tổng Giám Mục cho biết toàn cầu hóa đã cung cấp những cơ hội mới trong và các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi lên, nhưng nó cũng đã làm cho người lao động dễ bị tổn thương hơn với áp lực cạnh tranh lương thấp hơn và làm việc lâu giờ hơn.

Cuối cùng, Đức Tổng Giám mục Jurkovič nói về những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với phát triển kinh tế và xã hội. Trích dẫn từ Thông điệp Laudato Si của Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài nói: “Chúng ta không chỉ đang phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng riêng biệt, một về môi trường và một về xã hội, mà là một cuộc khủng hoảng phức tạp, bao hàm cả xã hội và môi trường. Chiến lược cho một giải pháp đúng đắn đòi hỏi cách tiếp cận tích hợp để đấu tranh chống đói nghèo, phục hồi phẩm giá người bị loại trừ, đồng thời bảo vệ thiên nhiên”.

Nguồn tin: vietcatholic