Video: Tuyên bố chung của 6 Tổng Giám Mục và Giám Mục Hoa Kỳ về các cuộc hiện ra tại Indiana

Tin thế giới

Tin thế giới

Các cuộc hiện ra được cho là đã xảy ra trong khoảng thời gian từ năm 1956 đến 1959. Trong các cuộc hiện ra này, Sơ Neuzil tường trình Đức Mẹ xưng mình là “Đức Mẹ của Hoa Kỳ”.

1. Tuyên bố chung của 6 Tổng Giám Mục và Giám Mục Hoa Kỳ về các cuộc hiện ra tại Indiana

Đức Cha Kevin Rhoades, Giám mục Fort Wayne-South Bend, Indiana và năm giám mục khác đã được Tòa Thánh trao trách nhiệm điều tra các cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại Indiana.


Cuộc điều tra này liên quan đến nhiều cuộc hiện ra được báo cáo bởi Nữ tu Mary Ephrem Neuzil, Nữ tu dòng Máu Thánh Châu Báu Chúa Giêsu ở Dayton, Ohio. Nữ tu Neuzil đã báo cáo Đức Mẹ đã hiện ra với chị dưới tước hiệu “Our Lady of America”, “Đức Mẹ của Hoa Kỳ”.

Các báo cáo của sơ Neuzil đã hình thành một phong trào sùng kính Đức Mẹ tại Indiana sau khi cha linh hướng của chị ủng hộ chị. Ngài sau này trở thành Đức Tổng Giám Mục Paul Leibold của tổng giáo phận Cincinnati. Ngài ủng hộ sơ Neuzil bằng nhiều cách khác nhau. Các cuộc hành hương, do đó, đã diễn ra đông đảo tại thành phố Rome, của tiểu bang Indiana.

Giải thích về nguồn gốc của ủy ban, Đức Cha Rhoades nói rằng trước các hoa trái thiêng liêng từ lòng mộ mến Đức Mẹ tại thành phố Rome, Indiana, các giám mục đã yêu cầu Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ mở một cuộc điều tra để đánh giá và nếu chân thực thì chính thức công nhận các cuộc hiện ra này. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, lúc bấy giờ là Đức Hồng Y Daniel DiNardo của Galveston-Houston, đã yêu cầu Bộ Giáo Lý Đức Tin cho biết Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ có phải là thẩm quyền thích hợp trong vấn đề này không.

Bộ Giáo Lý Đức Tin phúc đáp rằng giám mục địa phương nơi các cuộc hiện ra được cho là đã xảy ra là thẩm quyền thích hợp hơn.

Sơ Neuzil báo cáo rằng Đức Mẹ không chỉ hiện ra với sơ tại thành phố Rome, Indiana, nhưng cả ở các nơi khác mà sơ đến phục vụ. Do đó, Hội Đồng này cũng bao gồm cả Đức Tổng Giám Mục Dennis Schnurr ở Cincinnati, Đức Tổng Giám Mục Allen Vigneron của Detroit, Đức Giám Mục Thomas Olmsted của Phoenix, Đức Giám Mục Timothy Doherty của Lafayette, Indiana và Đức Giám Mục Daniel Thomas của Toledo, Ohio.

Đức Cha Kevin Rhoades được bầu làm Giám Mục chính của Hội Đồng này vì các cuộc hiện ra được báo cáo đầu tiên tại Indiana.

Ngoài 6 Tổng Giám Mục và Giám Mục tham gia vào Hội Đồng này, còn có 6 nhà thần học và giáo luật. Do đó, Hội Đồng này được kể là lớn nhất từ trước đến nay trong việc điều tra các sự kiện được cho là Đức Mẹ hiện ra. Theo Đức Cha Kevin Rhoades đây là “một nhóm điều tra rất cân bằng, cởi mở với khả năng rằng các cuộc hiện ra là xác thực.”

Tài liệu nhan đề “Statement Regarding the Devotion to Our Lady of America” - “Tuyên Bố liên quan đến lòng sùng kính Đức Mẹ của Hoa Kỳ”, có chữ ký của tất cả sáu Tổng Giám Mục và Giám Mục cho biết như sau:

Sơ Neuzil, nhũ danh Mildred, sinh năm 1916 và trở thành thành viên của Dòng Máu Thánh Châu Báu Chúa Giêsu vào năm 1933. Năm 1938, sơ nói rằng sơ bắt đầu trải qua những sự kiện huyền bí.

Các cuộc hiện ra được cho là đã xảy ra trong khoảng thời gian từ năm 1956 đến 1959. Trong các cuộc hiện ra này, Sơ Neuzil tường trình Đức Mẹ xưng mình là “Đức Mẹ của Hoa Kỳ”.

Sơ Neuzil đã qua đời vào năm 2000.

Các nhà điều tra nhận xét rằng sơ Neuzil dường như đã rất “thành thật, có đạo đức ngay thẳng, tâm lý cân bằng, tận tụy với đời sống tu trì, không thủ đoạn”.

Hoa trái thiêng liêng từ lòng mộ mến Đức Mẹ trong vùng có thể thấy tỏ tường, mặc dù chưa có một phép lạ nào được công nhận.

Trước những biến cố cho rằng đã thấy những thị kiến riêng, Giáo Hội luôn có những cuộc điều tra để có thể kết luận là “constat de supernaturalitate” – tính chất siêu nhiên được chứng thực hay “non constat de supernaturalitate”– tính chất không siêu nhiên được chứng thực. Sau hơn một năm nghiên cứu một núi khổng lồ các tài liệu liên quan đến vấn đề này, tất cả các thành viên của ủy ban đã kết luận rằng các cuộc hiện ra được sơ Neuzil báo cáo là “non constat de supernaturalitate”: tính chất không siêu nhiên được chứng thực.

Theo Đức Cha Kevin Rhoades, các việc sùng kính với tư cách cá nhân có thể tiếp tục mà không gây tổn hại đến đức tin, nhưng không phù hợp với bất kỳ sự sùng kính công khai nào.

“Tôi phải đi đến kết luận rằng các thị kiến và mạc khải không thể được cho là có nguồn gốc siêu nhiên theo nghĩa của sự việc khách quan,” Đức Cha Rhoades nói.

Tuyên bố cho biết không có những sai lầm nghịch lại với đức tin Công Giáo trong các mặc khải được Sơ Neuzil công bố, mặc dù nói thêm rằng tuyên bố của Sơ Neuzil xem Thánh Giuse là một “Đấng đồng công cứu chuộc với Chúa Kitô” cần phải được xem là không hoàn toàn tương hợp với các tín lý của Giáo Hội.

Về những kinh nghiệm của Sơ Neuzil, các giám mục cho biết nghiên cứu của các ngài đã kết luận rằng những kinh nghiệm này nên được mô tả như “các kinh nghiệm tôn giáo chủ quan bên trong chứ không phải là các thị kiến khách quan bên ngoài và các mặc khải”.

Trong khi nói các kinh nghiệm như vậy có thể là “các thời khắc ân sủng đích thực” tài liệu nói thêm rằng các kinh nghiệm ấy liên quan đến “những ý kiến chủ quan, trí tưởng tượng và trí tuệ” của người nữ tu chứ không phải một “thị kiến khách quan và mặc khải như được nhìn thấy ở Guadalupe, Fatima, và Lộ Đức.”

Báo cáo cũng lưu ý rằng cha linh hướng của sơ Neuzil, sau này trở thành Đức Tổng Giám Mục Paul Leibold của Cincinnati, đã hỗ trợ Neuzil theo nhiều cách khác nhau trong nhiều năm. Tuy nhiên, trong một lá thư viết hai năm trước khi ngài qua đời, Đức Tổng Giám Mục cho biết ngài không thể đưa ra đánh giá về bản chất siêu nhiên của vấn đề.

Trong khi nói rằng ngài chứng thực sự thánh thiện của chị Neuzil, Đức Tổng Giám Mục Tổng giám mục Paul Leibold viết: “ Tôi chưa bao giờ thực hiện bất kỳ hành động nào nhằm thúc đẩy lòng sùng kính công khai trong vấn đề này.”
 


Source:Crux

Thánh lễ tại Santa Marta 9 tháng Năm: Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các Nữ Tử Bác Ái

Lúc 7 sáng thứ Bẩy 9 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Theo lịch Phụng Vụ, lễ Thánh Luisa de Marillac, đấng đồng sáng lập Dòng Nữ Tử Bác Ái cùng với Thánh Vinh Sơn Phaolồ được mừng vào ngày 15 tháng Ba. Tuy nhiên, vì ngày ấy rơi vào Mùa Chay nên được dời đến hôm nay.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho những nữ tu Dòng Nữ Tử Bác Ái trong gần 100 năm qua đã giúp các vị Giáo Hoàng và những người sống trong nhà trọ Thánh Marta, cũng như điều hành một trạm xá cho trẻ em tại Vatican.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay là lễ kính Thánh Louise de Marillac, chúng ta hãy cầu nguyện cho các nữ tu Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn Phaolồ đã điều hành phòng khám này, trạm xá này trong gần 100 năm và làm việc ở đây, tại Santa Marta này. Xin Chúa chúc phúc cho các nữ tu.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về Bài Đọc Một trích từ sách Tông đồ Công vụ (Cv 13: 44-52) trong đó người Do Thái tại Antiokia “lòng đầy ghen tị và với những lời lẽ xúc phạm” đã bài bác những lời khẳng định của Thánh Phaolô về Chúa Giêsu, là những lời đem lại xiết bao vui mừng dân ngoại. Họ kích động một cuộc đàn áp buộc hai Thánh Phaolô và Banaba phải rời khỏi lãnh thổ.

Bài Ðọc I: Cv, 13: 44-52

Trích sách Tông đồ Công vụ

Ngày sabát sau, gần như cả thành tụ họp nghe lời Thiên Chúa. Thấy những đám đông như vậy, người Do Thái sinh lòng ghen tức, họ phản đối những lời ông Phaolô nói và nhục mạ ông. Bấy giờ ông Phaolô và ông Banaba mạnh dạn lên tiếng: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại. Vì Chúa truyền cho chúng tôi thế này: Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất.”

Nghe thế, dân ngoại vui mừng tôn vinh lời Chúa, và tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời, đều tin theo. Lời Chúa lan tràn khắp miền ấy.

Nhưng người Do Thái sách động nhóm phụ nữ thượng lưu đã theo đạo Do Thái, và những thân hào trong thành, xúi giục họ ngược đãi ông Phaolô và ông Banaba, và trục xuất hai ông ra khỏi lãnh thổ của họ. Hai ông liền giũ bụi chân phản đối họ và đi tới I-cô-ni-ô. Còn các môn đệ được tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Một mặt Chúa Thánh Thần làm cho Giáo hội phát triển nhưng mặt khác ma quỷ cố gắng phá hủy Giáo hội.

Sự đời luôn luôn diễn ra như thế - ta cố vươn tới trước nhưng kẻ thù kéo đến để phá hoại. Vì thế, bao nhiêu nỗ lực phải bỏ ra, bao nhiêu máu tử đạo phải đổ ra trong sự tăng trưởng này, trong cuộc đấu tranh này. Khi Lời Chúa làm cho Giáo hội phát triển, sự bắt bớ thường phát sinh.

Giáo hội phấn đấu tiến về trước trong sự an ủi của Thiên Chúa và các cuộc đàn áp của thế gian. Và khi Giáo hội không gặp khó khăn gì thì thiếu một thứ gì đó. Nếu quỷ dữ chịu ngồi yên, chắc là có gì đó không ổn rồi.

Công cụ mà ma quỷ sử dụng để phá hủy việc loan báo Tin Mừng là sự đố kị và lòng ghen ghét. Chính sự tức giận, do ma quỷ xúi giục trong lòng người, gây ra tàn phá.

Chứng kiến cuộc đấu tranh này, thật tốt cho chúng ta khi nhận thức được rằng Giáo hội tiến về phiá trước giữa sự an ủi của Thiên Chúa và cuộc bách hại của thế gian.

Luôn luôn có cuộc đấu tranh này - Chúa Thánh Thần tạo ra sự hài hòa trong Giáo hội và ma quỷ phá hoại, ngay cả ngày nay cũng vậy.

Quyền lực trần thế là một công cụ của sự đố kị này. Quyền lực trần thế có thể tốt, người nắm các thứ quyền lực ấy có thể tốt, nhưng như nó là, quyền lực thế gian luôn luôn là nguy hiểm.

Quyền lực thế gian luôn đối kháng với quyền năng của Thiên Chúa và đằng sau quyền lực thế gian là tiền bạc.

Kể từ buổi sáng Phục sinh, quyền lực thế gian và tiền bạc đã được sử dụng để bịt miệng sự thật.

Để kết luận Đức Thánh Cha nói rằng Kitô hữu phải đặt niềm tin của mình vào Chúa Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần, chứ không phải quyền lực và tiền bạc là những thứ tạm bợ và chóng qua.

Source:Vatican News