Vụ Title X: Chính sách phá thai cực đoan và phản ứng quyết liệt của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ

Tin thế giới

Tin thế giới

Trong bài giảng hôm Chúa Nhật, Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila của Denver đã chỉ trích những người Công Giáo phò lưạ chọn, tức là ủng hộ phá thai và an tử. Ngài nói nếu cuộc sống không được coi trọng ở đầu và cuối thì nó sẽ không được tôn trọng ở giữa.

1. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ trước thái độ thách thức của Biden liên quan đến Title X.

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ vừa ra tuyên bố phản kháng thái độ thách thức của Biden liên quan đến Title X và gọi đó là một hành động “bất hợp pháp”.

Để hiểu rõ vấn đề này, chúng tôi xin trình bày với quý vị và anh chị em một vài nét về Title X, trước khi đề cập đến tuyên bố của các Giám Mục Mỹ.
 

Title X là gì?

Các khoản trợ cấp liên bang đầu tiên để giúp các gia đình có thu nhập thấp kiểm soát sinh đẻ đã bắt đầu vào năm 1965 trong khuôn khổ chương trình Chiến tranh chống đói nghèo của Tổng thống Lyndon Johnson. Đến năm 1969, cả Quốc hội và Tổng thống Richard Nixon đều ủng hộ dự luật cung cấp đầy đủ các dịch vụ Kế hoạch hóa gia đình. Vào năm 1970, Thượng viện đã nhất trí thông qua chương trình Title X và Hạ viện đã bỏ phiếu với tỷ số 298 trên 32 để thông qua dự luật. Tổng thống Nixon đã ký thành luật.

Chương trình Title X cung cấp các phương pháp ngừa thai cho các gia đình nghèo, từ việc giáo dục các phương pháp ngừa thai đến việc cung cấp các viên thuốc ngừa thai. Nhưng chương trình này không xem phá thai là phương pháp kế hoạch hóa gia đình. Trái lại, các tác giả đề nghị ra chương trình này có ý hướng dùng nó để giảm bớt các ca phá thai thông qua các phương pháp ngừa thai, mặc dù phải nói ngay rằng một số phương pháp ngừa thai này không được Giáo Hội tán đồng.

Năm 1972, Quốc hội đã thông qua một dự luật yêu cầu chương trình Medicaid của tiểu bang chi trả các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho các gia đình có thu nhập thấp. Theo quy định này, chính phủ liên bang đài thọ 90% chi tiêu của các bang. Dự luật thứ ba được thông qua vào năm 1975 cho phép xây dựng mạng lưới các trung tâm kế hoạch hóa gia đình trên khắp Hoa Kỳ, dẫn đến gần 4,000 địa điểm cung cấp dịch vụ vào năm 2018.

Từ năm 2014 đến năm 2019, chương trình Kế hoạch hóa Gia đình Title X đã nhận được 286 triệu đô la mỗi năm. Ngay từ đầu, quỹ Title X không thể được sử dụng để hỗ trợ phá thai.

Trong thời gian làm Bộ trưởng Tư pháp California, Kamala Harris, đã hô hào Đạo luật “Tự do Sinh sản, Trách nhiệm Giải trình, Chăm sóc Toàn diện và Minh bạch”. Đạo luật này yêu cầu các trung tâm mang thai phò sinh phải niêm yết các thông báo quảng cáo cho các bệnh xá phá thai và cung cấp cho khách hàng của mình các tài liệu thông tin về các dịch vụ tránh thai và phá thai miễn phí gần đó. Đạo luật này đã biến California thành cơ quan tiếp thị và quảng cáo cho Planned Parenthood và các nhà máy phá thai khác, đồng thời buộc các trung tâm thai nghén phò sinh phải đồng lõa với chiến dịch của mình.

Năm 2017, khi lên thay Kamala Harris trong chức vụ Bộ trưởng Tư pháp, Xavier Beccera, người đang được ông Joe Biden đề cử làm Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân Sinh, đã tiếp tục ủng hộ Đạo luật quái đản này của California. Điều này thể hiện mức độ trung thành của Becerra đối với kỹ nghệ phá thai. Quan trọng hơn, nó làm rõ cam kết của ông ta trong việc áp đặt ý thức hệ phá thai cực đoan lên mọi người, kể cả những người có thiện chí phản đối việc phá thai một cách ngay chính.

Các tổng giáo phận San Francisco, và Los Angeles cùng các tổ chức phò sinh đã kiện lên Tối Cao Pháp Viện, và đạo luật này đã bị Tòa án Tối cao Hoa Kỳ bãi bỏ vào năm 2018.

Ngay cả thẩm phán Anthony Kennedy lúc đó, người có tiếng phò phá thai, cũng đã lên án Đạo luật này vì “mối đe dọa nghiêm trọng của nó trong việc áp đặt thông điệp riêng của nó thay cho ngôn từ, suy nghĩ và cách phát biểu của cá nhân. Vì ở đây, Tiểu bang chủ yếu yêu cầu các trung tâm thai nghén phò sinh phải cổ vũ thông điệp ưu tiên của Tiểu bang nhằm quảng cáo phá thai”. Thẩm phán Kennedy nói tiếp: “Điều này buộc các cá nhân phải mâu thuẫn với những niềm tin sâu sắc nhất của họ. Những niềm tin dựa trên các giới luật triết học, đạo đức hoặc tôn giáo nền tảng, hoặc tất cả những điều này”.

Đứng trước các tranh cãi này, năm 2019, Tổng thống Trump đã đi xa hơn khi nghiêm cấm các phòng khám giới thiệu phụ nữ đến các dịch vụ phá thai. Tổng thống Trump quy định rất chi tiết rằng các phòng khám này không được chia sẻ chung không gian văn phòng với các tổ chức giới thiệu phá thai, và cũng không được chia sẻ về mặt tài chính với chúng. Nếu bị phát hiện vi phạm các cấm đoán trên, họ không còn nhận được các tài trợ trong chương trình Title X. Với các quy định của Tổng thống Trump, Planned Parenthood và nhiều tổ chức phá thai khác không còn có thể nấp dưới chiêu bài kế hoạch hóa gia đình. Chúng đã thiệt hại mỗi năm vài trăm triệu Mỹ Kim trước đây vẫn nhận được từ chương trình Title X.

Ngay sau khi nhậm chức ông Joe Biden đã ký một bản ghi nhớ cho biết ông ta sẽ bãi bỏ các cấm đoán của Tổng thống Trump.

Vì thế, Hội Đồng Giám Mục ra tuyên bố sau:

Hôm qua, Tổng thống Biden đã đưa ra một tuyên bố công bố ý định hủy bỏ quy định hiện hành điều chỉnh chương trình kế hoạch hóa gia đình Title X. Quy định hiện tại tuân theo luật liên bang bằng cách giải thích rằng phá thai không thể là một phần của chương trình kế hoạch hóa gia đình Title X bằng cách sử dụng cùng một không gian văn phòng, chia sẻ tài chính hoặc giới thiệu phá thai. Tuyên bố sau đây được đưa ra bởi Đức Tổng Giám Mục Joseph F. Naumann của tổng giáo phận Kansas City ở Kansas, chủ tịch Ủy Ban Các Hoạt Động Phò Sinh Của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB:

“Mặc dù các Giám mục Công Giáo có những lo ngại nghiêm trọng về việc chính phủ khuyến khích các biện pháp tránh thai, chúng tôi từ lâu đã ủng hộ những nỗ lực để bảo đảm rằng việc cung cấp và khuyến khích phá thai phải bị tách biệt về mặt vật chất và tài chính khỏi các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình được tài trợ thông qua chương trình Title X. Phá thai cướp đi sinh mạng của một đứa trẻ đã được thụ thai và đang lớn lên, và hầu hết người Mỹ đồng ý rằng không nên sử dụng phá thai như một phương pháp kế hoạch hóa gia đình hoặc như một biện pháp ‘hỗ trợ’ khi việc kế hoạch hóa gia đình thất bại.

Do đó, Title X vẽ ra một ranh giới rõ ràng giữa phá thai và kế hoạch hóa gia đình. Ngoài việc nghiêm cấm dùng tiền đóng thuế của dân tài trợ cho việc phá thai, các tác giả của chương trình còn nhấn mạnh ý định này bằng cách nêu rõ rằng, ‘các quỹ được tài trợ theo luật này chỉ được sử dụng để hỗ trợ các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình có tính chất dự phòng, nghiên cứu dân số, các dịch vụ vô sinh, và các dịch vụ khác liên quan đến các hoạt động y tế, thông tin và giáo dục’. Bằng cách hủy bỏ các quy định này, chính quyền sẽ buộc phá thai vào một chương trình liên quan đến tình trạng trước khi mang thai, và được thiết kế đặc biệt để loại trừ tệ nạn phá thai; một động thái trái đạo đức, không thực tế và cũng có thể là bất hợp pháp”.


Source:USCCB

2. Đức Tổng Giám Mục Denver thách thức người Công Giáo phò phá thai hãy tự vấn lương tâm của họ

Trong bài giảng hôm Chúa Nhật, Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila của Denver đã chỉ trích những người Công Giáo phò lưạ chọn, tức là ủng hộ phá thai và an tử. Ngài nói nếu cuộc sống không được coi trọng ở đầu và cuối thì nó sẽ không được tôn trọng ở giữa.

Đức Tổng Giám Mục đã đưa ra lập trường trên trong Thánh lễ Phò Sinh vào ngày 23 tháng Giêng để tưởng nhớ 48 năm phán quyết Roe chống Wade tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Denver.

Trong bài giảng, Đức Tổng Giám Mục đã thảo luận về sự chuyển đổi gần đây sang một chính quyền mới, khét tiếng ủng hộ phá thai một cách cực đoan. Ngài nêu đích danh một số chính trị gia, nổi bật là Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, những người tự xưng là Công Giáo nhưng lại bảo vệ và thúc đẩy các chính sách phá thai cực đoan.

Ngài nói rằng những chính trị gia này đã không “đặt quan điểm của họ trên chân lý Phúc âm”, và đã không “làm chứng cho cuộc sống”.

“Thật không may, cũng có nhiều người Công Giáo nghĩ rằng Chúa Giêsu bị điên, hoặc một số lời dạy của ngài là điên rồ, và đặc biệt là khi liên quan đến mạng sống con người và phẩm giá của những đứa trẻ chưa chào đời. Với tư cách là người Công Giáo, điều quan trọng đối với chúng ta là cả trái tim và tâm trí của chúng ta, lời nói, suy nghĩ và hành động của chúng ta, phải luôn luôn phù hợp với Chúa Giêsu Kitô và Phúc âm, chứ không phải theo cách của thế gian”, ngài nói.

Ngài cho biết phá thai đã ảnh hưởng đến các chủ đề phò sinh khác, chẳng hạn như nhập cư và hỗ trợ tự tử. Ngài nói rằng phẩm giá của con người sẽ không tồn tại trong những lĩnh vực này nếu phẩm giá con người không được tôn trọng ngay từ thuở ban đầu.

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng: “Điều quan trọng là phải làm chứng cho phẩm giá của các thai nhi, cũng như làm chứng cho phẩm giá của người nhập cư, người lãnh án tử hình, và các vấn đề cuộc sống khác”

“Nhưng chúng ta cũng phải rõ ràng rằng mối quan tâm tối thượng, và nơi phẩm giá con người bắt đầu, là ở những đứa trẻ chưa chào đời và những người sắp chết - khi cuộc sống bắt đầu và lúc cuộc sống đang dần kết thúc. Nếu phẩm giá không tồn tại ở hai điểm đó - ở đầu và cuối - thì ở giữa phẩm giá ấy cũng sẽ không tồn tại”.

Đức Tổng Giám Mục Aquila nói thêm rằng cần phải hình thành lương tâm của một người dưới ánh sáng của Phúc âm và các giáo huấn của Giáo hội. Lương tâm không phải là ý kiến mà thay vào đó là tiếng nói của Chúa.

Đức Tổng Giám Mục cảnh báo rằng có những người có lương tâm sai lầm hoặc thậm chí đã chết đối với sự thật. Khi một người tin rằng họ đang làm theo lương tâm của họ, họ nên đưa nó vào thử nghiệm và đặt câu hỏi liệu nó có phù hợp với giáo lý của Giáo hội hay không.

“Lương tâm của chúng ta phải được hình thành theo Phúc âm và theo những lời dạy của Giáo hội. Chúng ta phải lắng nghe điều đó, và sau đó thành quả của chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp, và chúng sẽ mang lại ánh sáng cho thế giới”, ngài nói.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng người Công Giáo nên rao giảng Tin Mừng Sự sống một cách rõ ràng, nhân từ và yêu thương nhưng họ không được thờ ơ hoặc ủng hộ tệ nạn phá thai.

“Trước tiên, chúng ta hãy cầu nguyện cho sự hoán cải của đất nước chúng ta và đặc biệt là sự hoán cải của những người Công Giáo có quan điểm được gọi là phò lựa chọn. Chúng ta phải cầu nguyện cho sự hoán cải của họ, cho sự tỉnh thức lương tâm họ, để họ không phải chết hoặc sai lầm, nhưng đến với sự thật của Chúa Giêsu Kitô”.

“Chúng ta hãy cầu xin Chúa mở lòng chúng ta đón nhận sự thật và chúng ta hãy cầu nguyện để chúng ta luôn có đủ can đảm trở thành những người làm chứng cho Tin Mừng Sự Sống, ngay từ thuở ban đầu khi thụ thai, cho đến cái chết tự nhiên vào cuối cuộc đời, khi chúng ta hy vọng sẽ được hưởng vinh quang của Thiên Chúa và lời hứa về sự sống đời đời”.


Source:Catholic News Agency

3. Đức Tổng Giám Mục Cordileone cảnh báo: Người Công Giáo phải phục hồi 'ý tưởng xứng đáng khi lên rước lễ'

Trong một cuộc phỏng vấn để thảo luận về lời quở trách gần đây của ngài đối với bà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco nhấn mạnh sự cần thiết là người Công Giáo phải phục hồi ý thức xứng đáng để rước lễ.

“Nhiều người Công Giáo không còn hiểu được ý tưởng về sự xứng đáng khi lên rước lễ. Rước lễ chỉ được coi là một loại cử chỉ tượng trưng cho sự chào đón và thuộc về”, Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói với EWTN Pro-Life Weekly trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng vào tối thứ Năm.

Đức Tổng Giám Mục đã đề cập đến chủ đề các thừa tác viên Thánh Thể phải có can đảm từ chối không cho một người nào đó rước lễ “vì phần rỗi linh hồn của người ấy”. Ngài nói rằng người Công Giáo trước hết phải hiểu giáo huấn của Giáo hội về Bí tích Thánh Thể ngõ hầu có thể hiểu được ý nghĩa của việc từ chối không cho một người được rước lễ.

“Để hành động từ chối không cho rước lễ có ý nghĩa đối với nhiều người, chúng ta cần lấy lại cảm thức về ý nghĩa của việc rước lễ”, Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói và chỉ ra sự thiếu tin tưởng vào Sự hiện diện Thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.

Theo Đức Tổng Giám Mục, chỉ có những người thiếu hoặc hoàn toàn không tin tưởng gì vào Sự hiện diện Thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể mới có can đảm lên rước lễ trong tình trạng đang mắc tội trọng.

Đức Tổng Giám Mục Cordileone nhấn mạnh rằng sự xứng đáng để rước lễ là một vấn đề rộng lớn hơn nhiều đối với mọi người Công Giáo chứ không chỉ giới hạn trong số những chính trị gia Công Giáo mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo hội.

“Chúng ta đang có một vấn đề lớn hơn, đó là rất nhiều người Công Giáo thậm chí không hiểu khái niệm xứng đáng để rước lễ. Họ phải ở trong trạng thái có ân nghĩa với Chúa. Trước COVID, tôi thường đặt câu hỏi là có biết bao những người thản nhiên lên rước lễ khi họ thực sự không nên làm như vậy”.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng việc cố ý bỏ qua dù chỉ một Thánh lễ Chúa nhật là một ví dụ về tội trọng cần phải được xá giải trong tòa giải tội trước khi một người Công Giáo xứng đáng được rước lễ.

Để trả lời câu hỏi rằng liệu sự ủng hộ của Pelosi đối với việc phá thai, trong tư cách là một người Công Giáo giữ một chức vụ công quyền, có gây tai tiếng hay không, Đức Tổng Giám Mục Cordileone trả lời rằng Pelosi không chỉ chống lại giáo huấn của Giáo hội, mà còn mâu thuẫn một cách tai tiếng với “các quyền cơ bản của con người”.

“Lập trường của bà ấy đang mâu thuẫn với Giáo hội về một vấn đề không chỉ đơn thuần thuộc phạm trù tín lý Công Giáo, nhưng còn là một vấn đề về các quyền cơ bản của con người. Vì thế, chúng ta rơi vào tình trạng là có các nhà lãnh đạo chính trị xưng mình là Công Giáo nhưng lại ủng hộ một hành vi gian ác là giết chết các thai nhi, và mọi người nghĩ rằng người Công Giáo làm điều đó là OK. Không, không phải như thế”.


Source:Catholic News Agency

4. Chủ nghĩa độc tài truyền thông: Twitter đóng băng tài khoản của Catholic World Report vì đăng bài về bác sĩ chuyển giới Rachel Levine

Rachel Levine sinh ngày 28 tháng 10, 1957 là một người đàn ông đã chuyển giới thành đàn bà. Rachel từng giữ chức Bộ trưởng Y tế tiểu bang Pennsylvania từ tháng 7, 2017 cho đến ngày 23 tháng Giêng vừa qua khi được ông Joe Biden bổ nhiệm làm phụ tá tổng trưởng Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh.

Catholic World Report đã tường trình về việc bổ nhiệm này và ghi nhận đây là người chuyển giới đầu tiên được đưa ra Quốc Hội để xác nhận hay bác bỏ.

Catholic World Report được điều hành bởi nhà xuất bản Ignatius Press, và được thành lập bởi Cha Joseph Fessio, ba mươi năm trước. Cuối năm 2011, Catholic World Report bỏ phương thức báo in và chuyển hoàn toàn sang trực tuyến. Đồng thời, Catholic World Report đã mở tài khoản Twitter của mình; và đến đầu năm 2021, tài khoản Twitter này đã có 8500 người theo dõi.

Phần lớn các Tweets của Catholic World Report chỉ là các liên kết đến các bài báo, đánh giá, phỏng vấn và tóm tắt tin tức của mình, bao gồm tiêu đề, một mô tả ngắn và đường link.

Twitter rõ ràng đang chỉ ra rằng Catholic World Report và các phương tiện truyền thông Công Giáo khác một khi đụng đến các vấn đề liên quan đến phò sinh, an tử, LGBTQ thì họ sẽ bị gán cho là đang tung ra các ngôn ngữ gây thù hận hoặc cố chấp, mặc dù điều đó chưa bao giờ xảy ra. Đường lối của Twitter không chỉ mang tính chất chủ quan mà còn là một cách tiếp cận quá thành kiến, không công bằng và phân biệt đối xử, vừa kìm hãm quyền tự do ngôn luận vừa làm suy yếu quyền báo cáo của các phương tiện truyền thông Công Giáo về các sự kiện hiện tại.

Trong thánh lễ khai mạc cơ mật viện bầu Giáo Hoàng vào ngày 18 tháng Tư, 2005, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger nhận xét rằng:

Biết bao nhiêu làn gió chủ thuyết mà chúng ta đã biết đến trong những thập niên cuối cùng. Con thuyền nhỏ tư duy của nhiều Kitô hữu đã thường bị đánh bởi những đợt sóng này – trôi giạt từ thái cực này sang thái cực khác: từ Mác Xít tới chủ nghĩa tự do, tới mức chủ nghĩa tự do phóng túng; từ chủ nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân; từ chủ nghĩa vô thần tới chủ nghĩa duy huyền bí tôn giáo mơ hồ; từ chủ nghĩa vô tín đến chủ nghĩa hỗn tạp và vân vân. Nhiều giáo phái mới được đẻ ra mỗi ngày và xảy ra điều mà Thánh Phaolô đã nói về sự lường gạt con người và sự tinh quái nhắm lôi kéo con người đến chỗ lầm lạc (x Eph 4:14). Có một đức tin rõ ràng, theo kinh Tin Kính của Giáo Hội, lại bị gán cho nhãn hiệu cuồng tín. Trong khi chủ nghĩa tương đối, nghĩa là để chính mình “bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý” dường như lại là cách thức hành xử duy nhất thức thời. Người ta đang thành lập một chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối, nó không nhìn nhận điều gì là chung kết và để cho cái tôi và ý muốn của mình là mẫu mực duy nhất.

Nhiều người nhận định rằng nhận xét này của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, sau này là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 quả là có tính tiên tri. Chúng ta đã thấy điều đó được thể hiện rõ ràng trong nhiều biến cố khác nhau. Lần này lại là một thí dụ nữa về cái chế độ độc tài này.

Source:Catholic World Report