Andrea Gagliarducci: Những chuyện chưa từng được kể về Đức Hồng Y Roger Etchegaray

ĐGH Danh Dự Bênêđitô 16 và Đức Hồng Y Roger Etchegaray

ĐGH Danh Dự Bênêđitô 16 và Đức Hồng Y Roger Etchegaray

Đức Hồng Y Roger Etchegaray đã qua đời một cách lặng lẽ vào ngày 4 tháng 9, đánh dấu một sự mất mát lớn của một Giáo Hội hoàn vũ. Với cái chết của Đức Hồng Y Etchegaray, Giáo Hội không chỉ mất một trong những cộng tác viên chính của Thánh Gioan Phaolô II, mà còn mất đi một người bạn thân của Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục.

Hôm 9 tháng Chín, Andrea Gagliarducci, ký giả người Ý chuyên về các vấn đề Á Châu, thường đến thăm Đức Hồng Y Roger Etchegaray để tìm hiểu về Trung Quốc, Việt Nam, và các nước Trung Đông dưới cái nhìn của vị đặc sứ chuyên gia đàm phán dưới thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã viết trên tờ Monday Vatican một bài nhan đề “Cardinal Etchegaray has passed away, marking the end of a Vatican universe” để tưởng nhớ ngài trong đó có nhiều chi tiết rất thú vị.


Đức Hồng Y Roger Etchegaray đã qua đời một cách lặng lẽ vào ngày 4 tháng 9, đánh dấu một sự mất mát lớn của một Giáo Hội hoàn vũ. Với cái chết của Đức Hồng Y Etchegaray, Giáo Hội không chỉ mất một trong những cộng tác viên chính của Thánh Gioan Phaolô II, mà còn mất đi một người bạn thân của Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục. Đức Hồng Y là người đã mang đến những điều mà bây giờ chúng ta coi là điều hiển nhiên trong Giáo Hội. Nhưng, trước ngài, những điều ấy không phải là chuẩn mực.

Hai năm trước, Đức Hồng Y Etchegaray đã trở về Pháp. Ngài đang viết một cuốn sách về mầu nhiệm Thiên Chúa, và ngài quyết định dành thời gian cuối đời của mình cho gia đình. Vì thế, ngài đã dọn sạch căn hộ của mình ở Rôma, đầy ắp các kỷ niệm, nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng đến gặp ngài. Đức Hồng Y Etchegaray đã ra đi lặng lẽ, khiêm tốn, không nói lời từ biệt với ai.

Trong căn hộ ở Rôma của ngài, có một tấm biển nhỏ gắn bên trên chuông cửa. Tấm bảng viết bằng tiếng Pháp: “J’avance comme un âne”, nghĩa là “Tôi tiến lên như một con lừa”. Câu đó là mô tả đúng nhất về Đức Hồng Y Etchegaray và là tựa đề một cuốn sách của ngài tóm tắt những suy nghĩ của mình.

Trong số các Giám Mục trên thế giới đương đại chắc không có Giám Mục nào giống như ngài. Ngài không có khẩu hiệu Giám Mục, cũng chẳng có huy hiệu Giám Mục. Ai hỏi thì ngài trả lời đó là một di sản từ thời trung cổ.

Trong căn hộ của ngài ở Rome có một phòng ăn nhỏ, trong đó ngài thích trưng bày một cảnh hang đá Chúa Giáng Sinh. Cảnh Giáng Sinh ấy, lạ lùng thay là của nhà lãnh đạo cộng sản vô thần Fidel Castro tặng cho ngài. Chính Đức Hồng Y Etchegaray đã mở một con đường cho Giáo Hội tại Cuba.

Được thụ phong linh mục vào năm 1947, ngài là một người bạn của Đức Phaolô Đệ Lục, và đã tham gia với tư cách là một chuyên gia trong Công đồng Vatican II. Đức Hồng Y Etchegaray cũng đã tham gia vào Công Giáo Tiến Hành Pháp và Hội Đồng Giám mục Pháp. Ngài là tổng giám mục của Marseille từ năm 1970 đến năm 1985. Đó là phần thứ nhất trong cuộc đời của Đức Hồng Y Etchegaray.

Phần thứ hai của cuộc đời ngài bắt đầu khi ngài được gọi đến Rôma. Ngài được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình từ năm 1984 đến 1998 và Hội Đồng Giáo Hoàng Cor Unum từ năm 1984 đến năm 1995 (Hội Đồng này được đặt nhiều tên khác trước cuộc cải cách giáo triều Rôma của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1988).

Đức Hồng Y Etchegaray đã mở ra những chân trời mới cho Giáo Hội ngày nay. Ngài là một trong những người tổ chức cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa các tôn giáo ở Assisi vào năm 1986 và luôn ủng hộ cuộc gặp gỡ đó. Ngài đã mở ra một cuộc đối thoại với Trung Quốc, mà ngài đã đến thăm vào các năm 1980, 1993, 2000 và 2003. Từ đó, ngài bắt đầu có các mối liên kết với Cuba.

Ngài đến Cuba lần đầu tiên vào năm 1989 và được phép cử hành thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Havana. Quảng trường trước nhà thờ chật kín một đám đông khổng lồ. Theo các báo cáo, Đức Hồng Y Etchegaray đã nói chuyện với đám đông vào cuối Thánh Lễ Năm Mới. “Anh chị em muốn tôi hỏi gì với Đức Giáo Hoàng nào?” “Xin ngài đến đây hả”. “Được thôi, Đức Giáo Hoàng đã nghe thấy tiếng nói của anh chị em.”

Ngài trở lại đó, nói chuyện với Fidel Castro, và người đàn ông vô thần đã tặng cho ngài một bộ máng cỏ Giáng Sinh mà Đức Hồng Y Etchegaray rất tự hào. Bộ máng cỏ Chúa giáng sinh này là biểu tượng khai mạc cho một chuyến đi lịch sử đầu tiên có thể có của một vị Giáo hoàng đến Cuba. Chuyến đi đó diễn ra vào năm 1998 khi Thánh Gioan Phaolô II hôn mảnh đất La Isla.

Thiết tưởng cũng nên nhắc lại với tấm lòng biết ơn ở đây là năm 1989, ngài được Thánh Giáo Hoàng Ba Lan cử sang Việt Nam để tìm cách khai thông những bế tắc tại đây. Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh nhận định rằng “Chuyến đi lịch sử đã thành công.” Cụ thể, vị Tổng Giám Mục Huế, cố đô của Việt Nam, cho biết nhà cầm quyền và toàn thể dân Chúa tại Việt Nam yêu mến ngài. “Sứ mạng của ngài đã trở thành chiếc cầu lịch sử đưa Việt Nam đến với thế giới Công Giáo trên lộ trình mỗi lúc một thông thoáng hơn và mở rộng đến ngày hôm nay.”

Khi Thánh Giáo Hoàng Đức Gioan Phaolô II cố gắng ngăn chặn Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ hai vào năm 2002, Đức Hồng Y Etchegaray là đặc phái viên của vị Giáo hoàng Ba Lan tại Baghdad, được phái đến để an ủi người dân và tìm kiếm một kênh hòa bình cuối cùng.

Đức Hồng Y Etchegaray cũng rất được kính trọng ở Vatican vì sự tiếp xúc với nhiều dân tộc của ngài kết tinh thành một chiều sâu trí tuệ hiếm có. Vào năm 1997, Đức Gioan Phaolô II đã chọn ngài thuyết giảng các bài tĩnh tâm Mùa Chay cho Giáo triều Rôma. Ngài đã giảng về chủ đề “Chúa Giêsu, là Chúa thật và Người thật”, dựa trên một câu của nhà triết học người Pháp Blaise Pascal: “Không có Chúa Giêsu Kitô, chúng ta không biết Thiên Chúa là ai, và cũng chẳng biết mình là ai.”

Đức Hồng Y Etchegaray là một nhân vật kiệt xuất đến mức không thể thay thế được. Không có Hồng Y hay giám mục nào có những đặc sủng giống như ngài, cũng như không có ai có có những đặc sủng như Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, là người đã qua đời năm ngoái, hay như Hồng Y Paul Poupard, vẫn còn sống, là người đã mở đường cho Giáo Hội ở Nga thông qua văn hóa.

Đó là một thế hệ linh mục Pháp có kỹ năng tuyệt vời và đức tin tuyệt vời. Họ đều là những người của Công đồng Vatican II, cống hiến hết mình cho tương lai, nhưng với đôi chân trên mặt đất để phục vụ Giáo Hội.

Mọi người đều đánh giá cao tấm gương về những nhân vật tuyệt vời này của Giáo Hội. Mọi người đều nhận ra tầm quan trọng trong công việc của các ngài. Tiếp tục đưa công việc của các ngài tiến phía trước trách vụ phức tạp của chúng ta, những người còn ở lại.


Source:Monday Vatican

Tác giả bài viết: Đặng Tự Do