Bản ghi lại cuộc đối thoại giữa Đức Phanxicô và các giám mục Ba Lan, nhân Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới (tiếp theo)

Pope Francis

Pope Francis

Trong quá khứ, người tị nạn không như bây giờ. Hãy nói người di cư và người tị nạn - chúng ta sẽ xem xét họ với nhau. Cha tôi là một người di cư. Và tôi đã nói với Tổng thống [Ba Lan] rằng trong nhà máy nơi cha tôi làm việc có rất nhiều người di cư Ba Lan sau chiến tranh.

Đức Cha Leszek Leszkiewicz (Giám mục phụ tá của Tarnow):

Thưa Đức Thánh Cha, cam kết mục vụ của chúng con phần lớn dựa vào mô hình truyền thống của cộng đồng giáo xứ, rập khuôn trên đời sống bí tích - một mô hình tiếp tục đơm hoa kết trái ở đây. Tuy nhiên, chúng con nhận ra rằng, cả ở đây, các điều kiện và hoàn cảnh của cuộc sống hàng ngày thay đổi một cách nhanh chóng và thúc giục Giáo Hội đưa ra các phương cách mục vụ mới. Mục tử và tín hữu phần nào giống như các môn đệ biết lắng nghe, tự cho mình rất nhiều việc để làm, nhưng không phải lúc nào cũng có thể mang lại hoa trái cho tính năng động truyền giáo bên trong cũng như bên ngoài nơi các cộng đồng Giáo Hội. Thưa Đức Thánh Cha, trong Evangelii Gaudium, Đức Thánh Cha nói về các môn đệ truyền giáo nhiệt tình đem Tin Mừng cho thế giới ngày nay. Đức Thánh Cha có đề nghị gì cho chúng con? Đức Thánh Cha muốn khuyến khích chúng con điều gì, để chúng con có thể xây dựng trong thế giới của chúng con một cộng đồng Giáo Hội đầy hiệu quả, phong phú, hân hoan và năng động truyền giáo?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô:

Cám ơn Đức Cha! Tôi muốn nhấn mạnh một điều: giáo xứ luôn có giá trị! Giáo xứ phải tồn tại: nó là cơ cấu mà chúng ta không được ném ra ngoài cửa sổ! Thực thế, giáo xứ là nhà của Dân Thiên Chúa, nơi dân Thiên Chúa sinh sống. Vấn đề là làm thế nào để xây dựng giáo xứ! Có những giáo xứ có các thư ký xem ra giống như "các đệ tử của Satan", làm khiếp đảm người dân! Có những giáo xứ cửa đóng then cài. Nhưng cũng có những giáo xứ mở rộng cửa, những giáo xứ nơi, khi có ai đến hỏi điều gì, người (của giáo xứ) nói: "Vâng, vâng ... xin ông (bà) tự nhiên, ông (bà) có vấn đề gì ạ?". Và họ biết kiên nhẫn lắng nghe, vì lưu tâm chăm sóc Dân Thiên Chúa là chuyện làm kiệt sức, nó làm ta kiệt sức!

Một Giáo sư Đại học tốt lành, một linh mục Dòng Tên, mà tôi biết ở Buenos Aires, khi về hưu, đã hỏi cha giám tỉnh, xem ngài, trong tư cách cha xứ, có thể đi tới một khu huyện kia để có thêm kinh nghiệm hay không. Ngài đến Phân Khoa mỗi tuần một lần - ngài rất gắn bó với cộng đồng này - và một ngày kia, ngài nói với tôi: "Xin cha nói với giáo sư của cha về môn Giáo Hội học rằng trong chuyên luận của ông ấy thiếu mất hai chủ đề". "Hai chủ đề nào?". "Thứ nhất: dân Thánh của Thiên Chúa chủ yếu làm người ta mệt xỉu. Và thứ hai: xét về hữu thể học, Dân thánh của Thiên Chúa tự làm những gì họ nghĩ là tốt nhất. Và điều này quả gây mệt xỉu!"

Ngày nay, làm một cha xứ quả là chuyện gây kiệt sức: đem giáo xứ tiến lên gây thật nhiều mệt mỏi, giữa lòng thế giới ngày nay với thật nhiều vấn đề. Và Chúa vốn kêu gọi chúng ta để chúng ta sẽ phần nào phải mệt mỏi, làm việc và không được nghỉ ngơi. Giáo xứ làm người ta mệt mỏi khi nó được xây dựng tốt. Việc canh tân giáo xứ là một trong những điều mà các Giám mục phải luôn luôn để mắt tới: Giáo xứ này đang diễn tiến ra sao? Nó đang làm gì? Việc dạy giáo lý đang tiến hành ra sao? Nó được dạy như thế nào? Nó có cởi mở không? - rất nhiều điều. Tôi đang nghĩ đến một giáo xứ ở Buenos Aires, khi các cặp đính hôn đến: "Chúng tôi muốn kết hôn ở đây ...". Bà thư ký nói "Vâng, đây là mức giá". Điều này không được, một giáo xứ như thế không nên hồn. Người ta phải được tiếp đón ra sao? Họ phải được lắng nghe như thế nào? Có phải lúc nào cũng có một vị nào đó trong tòa giải tội không? Trong các giáo xứ - không phải các giáo xứ ở các khu huyện nhỏ, nhưng các giáo xứ ở ngay trung tâm, trên các đường phố lớn, nếu có một tòa giải tội có đèn sáng, người ta luôn luôn tới để xưng tội - luôn luôn! Đó là một giáo xứ biết chào đón.

Các Giám Mục chúng ta phải hỏi các linh mục câu này: "Giáo xứ của cha đang diễn tiến ra sao? Và cha có đi ra ngoài không? Cha có ghé thăm tù nhân, người bệnh, các phụ nữ lớn tuổi không? Và cha làm gì với trẻ em? Cha giúp các em chơi ra sao và thăng tiến thế nào ngôi nhà nguyện? Nó là một trong những định chế giáo xứ vĩ đại, ít nhất là ở Ý. Nhà nguyện (oratory): các trẻ trai chơi đùa ở đó và chúng được ban huấn từ, một ít giáo lý. Chúng trở về nhà mệt mỏi, hạnh phúc và mang một hạt giống tốt. Giáo xứ rất quan trọng! Có những người nói rằng giáo xứ không còn hữu ích, vì bây giờ là thời điểm của các phong trào. Điều này không đúng! Các phong trào có hữu ích, nhưng chúng không phải là phương thức thay thế cho giáo xứ: chúng phải giúp việc trong giáo xứ, mang giáo xứ tiến lên, như Hiệp Hội Thánh Mẫu vốn làm, như Công Giáo Tiến hành vốn làm và nhiều hội đoàn khác vốn làm.

Có nên tìm kiếm sự mới lạ hoặc thay đổi cơ cấu của giáo xứ không? Những gì tôi nói với các hiền huynh có vẻ, có lẽ, là một lạc giáo, nhưng đó là cách tôi sống nó: Tôi nghĩ nó là một điều tương tự như cơ cấu giám mục: khác nhưng tương tự. Không được đụng đến giáo xứ: nó phải tồn tại như một nơi đầy sáng tạo, để qui chiếu, đầy tình mẫu tử và tất cả những điều như thế. Và hãy rút từ đó ra khả năng sáng chế; và khi một giáo xứ tiến lên như thế, điều thể hiện được là điều tôi quen gọi – liên quan tới các môn đệ truyền giáo - là một "giáo xứ đi ra ngoài". Ví dụ, tôi nghĩ tới một giáo xứ - một điển hình tốt mà sau này được nhiều nơi bắt chước - tại một quốc gia nơi trẻ em thường không được rửa tội, vì không có tiền; tuy nhiên, trong ngày lễ bổn mạng, việc cử hành được chuẩn bị 3-4 tháng trước, với việc đi thăm viếng các gia đình và ở đấy, người ta thấy rất nhiều trẻ em không được rửa tội. Các gia đình bèn chuẩn bị cho mình và một trong các hành vi của việc cử hành lễ bổn mạng là rửa tội cho 30-40 trẻ em, mà nếu không, sẽ vẫn không được rửa tội. Các hiền huynh hãy sáng chế những điều như thế.

Người ta không kết hôn trong nhà thờ. Tôi đang nghĩ đến một cuộc họp của các linh mục. Một vị đứng lên và nói: "Các vị có nghĩ tại sao không?" Và ngài đã đưa ra rất nhiều lý do mà chúng ta đã chia sẻ: nền văn hóa hiện nay, và vân vân. Tuy nhiên, có một nhóm khá nhiều những người không kết hôn vì chi phí kết hôn ngày hôm nay cao quá! Thứ gì cũng tốn kém, việc cử hành... đây là một sự kiện xã hội. Và linh mục chính xứ này, người đã rất có óc sáng chế, cho biết: "Tôi chờ đợi bất cứ ai muốn kết hôn". Bởi vì ở Á Căn Đình, có hai lễ cưới: người ta luôn phải tới nhà cầm quyền dân sự, và cuộc hôn nhân dân sự phải được thực hiện ở đó, và sau đó, người ta tới nhà thờ của tôn giáo mình để kết hôn. Một số - đông lắm! - không kết hôn vì họ không có tiền để có một cử hành tuyệt vời ... Nhưng các linh mục có đôi chút sáng kiến cho hay: "Không, không! Tôi đang đợi các các anh các chị!”. Vào ngày đó, người ta kết hôn dân sự vào lúc 11: 00 giờ-12: 00 giờ-13: 00 giờ-14: 00 giờ: ngày đó tôi sẽ không ngủ trưa! Sau khi kết hôn dân sự, họ đến nhà thờ, kết hôn, và ra đi bình yên.

Các hiền huynh hãy phát minh, tìm kiếm, đi ra ngoài, tìm kiếm người ta, tham dự vào các khó khăn của họ. Tuy nhiên, văn phòng giáo xứ ngày nay không làm việc được vì người ta không có kỷ luật! Các hiền huynh đã ra kỷ luật cho người ta, và điều này là một ân sủng của Thiên Chúa! Nhưng nói chung họ không có kỷ luật. Tôi nghĩ tới đất nước của tôi: nếu các hiền huynh không đi tìm người ta, nếu các hiền huynh không tiếp cận họ, họ sẽ không đến. Và đây là một môn đệ truyền giáo, giáo xứ đi ra ngoài. Đi ra ngoài và tìm kiếm, như Thiên Chúa đã làm khi sai Con của Người xuống thế để tìm kiếm chúng ta.

Tôi không biết liệu đây có phải là một câu trả lời quá đơn giản không, nhưng tôi không có câu trả lời khác. Tôi không phải là một người chăn dắt hiểu biết; tôi nói những gì đến với tôi.

Đức Cha Krzysztof Zadarko (Giám mục phụ tá của Koszalin-Kolobrzeg):

Thưa Đức Thánh Cha, một trong những vấn đề gây lo ngại nhất đang đặt ra cho châu Âu hiện nay là vấn đề người tị nạn. Làm thế nào chúng ta có thể giúp đỡ họ, vì họ đông quá? Và chúng ta có thể làm gì để vượt qua nỗi sợ bị họ xâm chiếm hoặc gây hấn, một nỗi sợ làm tê liệt toàn bộ xã hội?

Đức Thánh Cha Phanxicô:

Cám ơn Đức Cha! Vấn đề những người tị nạn ... Trong quá khứ, người tị nạn không như bây giờ. Hãy nói người di cư và người tị nạn - chúng ta sẽ xem xét họ với nhau. Cha tôi là một người di cư. Và tôi đã nói với Tổng thống [Ba Lan] rằng trong nhà máy nơi cha tôi làm việc có rất nhiều người di cư Ba Lan sau chiến tranh. Lúc ấy, tôi là một đứa trẻ, nhưng tôi được biết nhiều người. Đất nước của tôi là một đất nước của những người nhập cư, tất cả đều là người nhập cư ... Và không có vấn đề gì ở đó; quả thực là thời khác. Ngày nay, tại sao có quá nhiều cuộc di cư vậy? Tôi không nói tới việc di cư từ quê hương của một người ra nước ngoài: vì điều này là do thiếu việc làm. Rõ ràng là họ đi tìm việc làm ở nước ngoài. Đây là một vấn đề nội trị, một vấn đề mà các hiền huynh cũng có chút chút... Tôi nói tới những người đến với chúng ta: họ đang chạy trốn chiến tranh, đói kém. Vấn đề là ở đó. Và tại sao lại có vấn đề ở đó? Bởi vì trong cuộc chiến tranh ở đó có sự bóc lột người dân, có sự bóc lột đất đai, có sự bóc lột để kiếm nhiều tiền hơn nữa. Nói chuyện với các nhà kinh tế toàn cầu, những người nhìn thấy vấn đề này, họ nói: chúng ta phải thực hiện đầu tư ở các nước đó; nhờ thực hiện các cuộc đầu tư, các nước này sẽ có việc làm và sẽ không cần phải di cư. Nhưng còn chiến tranh! Có cuộc chiến của các bộ lạc, một số cuộc chiến tranh ý thức hệ và một số cuộc chiến tranh giả tạo, chuẩn bị bởi những kẻ buôn bán vũ khí sống nhờ việc này: họ cung cấp vũ khí cho các hiền huynh là những người chống lại các người kia, và họ cũng cung cấp vũ khí cho những người kia để chống lại các hiền huynh. Và đó là cách họ sống! Tham nhũng thực sự là nguồn gốc của di dân.

Phải làm gì? Tôi tin rằng mỗi quốc gia phải xem cách nào và khi nào: không phải tất cả các nước đều giống như nhau; không phải tất cả các nước đều có khả năng tương tự như nhau. Đúng, nhưng họ có khả năng đại lượng! - Đại lượng như các Kitô hữu. Chúng ta có thể đầu tư ở đó, nhưng đối với những người đến đây... bao nhiêu và cách nào? Một câu trả lời phổ quát không thể đưa ra được, vì việc tiếp nhận phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi quốc gia và cũng phụ thuộc vào nền văn hóa nữa. Nhưng chắc chắn là nhiều điều có thể làm được. Cầu nguyện chẳng hạn: mỗi tuần một lần, cầu nguyện trước Bí Tích Cực Thánh, cầu cho những người đến gõ cửa châu Âu mà không được vào. Một số thành công, nhưng nhiều người khác không thành công... Rồi, người được vào, sống một lối sống tạo ra sợ hãi. (Nhưng) chúng ta vẫn có nhiều nước, trong nhiều năm, đã có thể hội nhập các di dân một cách tốt đẹp! Các nước này có khả năng hội nhập họ một cách tốt đẹp. Không may, ở các nước khác, đã hình thành điều giống như các khu ghetto (khép kín). Một cuộc cải tổ toàn bộ phải được thực hiện ở cấp độ toàn cầu, trong cam kết này, tức sự hiếu khách. Tuy nhiên, dù gì, đây cũng chỉ là khía cạnh tương đối: trái tim rộng mở để tiếp nhận mới là tuyệt đối. Đây là điều tuyệt đối! - Bằng lời cầu nguyện, bằng lời cầu bầu, tôi làm những gì tôi có thể làm. Cách thức tôi có thể làm như thế là tương đối: không phải mọi người đều có thể làm điều đó một cách như nhau. Nhưng vấn đề có tính toàn cầu! – bóc lột sáng thế, bóc lột con người. Chúng ta đang sống trong thời kỳ người ta hủy diệt con người như hình ảnh của Thiên Chúa.

Và tôi muốn kết thúc ở đây với khía cạnh này, bởi vì đằng sau nó là các ý thức hệ. Tại châu Âu, châu Mỹ, châu Mỹ Latinh, châu Phi, ở một số nước châu Á, có các ý thức hệ thực dân hóa. Và một trong các ý thức hệ này - tôi xin nói rõ họ và tên của nó- là phái tính! Ngày nay trẻ em, các trẻ em được dạy trong trường rằng người ta có thể chọn phái tính của mình! Và tại sao họ dạy điều này? Bởi vì các cuốn sách được sử dụng là các cuốn sách của các cá nhân và các định chế cung cấp tiền bạc. Họ là những người thực dân ý thức hệ, được hỗ trợ bởi các nước rất có ảnh hưởng. Và điều này thật khủng khiếp. Nói chuyện với Đức Giáo Hoàng Bênêđictô, người khỏe mạnh và suy nghĩ mạch lạc, ngài nói với tôi: "Thưa Đức Thánh Cha, đây là thời người ta phạm tội chống lại Thiên Chúa Tạo Hóa!" Ngài là người thông minh! Thiên Chúa đã dựng nên người đàn ông và người đàn bà; Thiên Chúa tạo ra thế giới như vậy, và như vậy, và như vậy..., còn chúng ta thì làm trái ngược lại. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một tình trạng "chưa được cày bừa", để chúng ta cày bừa nó; và rồi, khi cày bừa như thế, chúng ta đã làm những điều khiến chúng ta đang trở lại trạng thái "chưa được cày bừa"! Chúng ta phải suy nghĩ về những gì Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô nói: Đây là thời người ta phạm tội chống Thiên Chúa Tạo Hóa!" Và điều này sẽ có ích cho chúng ta!.

Nhưng thưa Đức Cha, Đức Cha Christopher, Đức Cha sẽ nói với tôi: "Điều này có liên quan gì với người di cư?" Đức Cha biết đấy, nó phần nào là bối cảnh. Liên quan tới người di cư, tôi xin nói: vấn đề là ở đó, ở đất nước của họ. Nhưng chúng ta phải tiếp nhận họ như thế nào? Mỗi người phải xem ra sao. Nhưng tất cả chúng ta đều có một trái tim rộng mở và nghĩ đến việc dành một giờ đồng hồ trong các giáo xứ, mỗi tuần một giờ, để Chầu Thánh Thể và cầu nguyện cho những người di cư. Cầu nguyện sẽ rời được núi non!

Đây là bốn câu hỏi. Tôi không biết ... Xin các hiền huynh tha thứ cho tôi nếu tôi nói quá nhiều, nhưng máu Ý của tôi phản bội tôi ...

Cảm ơn các hiền huynh rất nhiều vì sự hiếu khách của các hiền huynh và chúng ta hãy hy vọng rằng những ngày này sẽ đổ đầy chúng ta bằng niềm vui: bằng niềm vui, niềm vui lớn lao. Và chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Mẹ, người là Mẹ của chúng ta và luôn nắm tay chúng ta.

Lạy Nữ Vương…

Và các hiền huynh đừng quên ông bà, những người vốn là bộ nhớ của một dân tộc.

Tác giả bài viết: Vũ Văn An

Nguồn tin: vietcatholic