Covid-19 và việc bôi lọ Đức Piô XII

ĐGH Piô XII

ĐGH Piô XII

Đức Piô XII qua đời từ năm 1958, nên không thể có liên quan gì tới đại dịch Covid-19 chỉ mới xuất hiện cuối năm 2019. Nhưng Covid-19 đã góp phần vào chiến dịch bôi lọ ngài, ngăn cản việc ngài được xem xét để phong chân phước.

Thực vậy, theo Sử gia Tiến sĩ Michael Hesemann, giáo sư giáo sử tại Hàn Lâm Viện Gustav-Siewerth ở Bierbronnen, Đức, người từ năm 2008, vốn nghiên cứu tại các Văn Khố Vatican và là 1 trong số 25 chuyên gia quốc tế chuyên nghiên cứu các hồ sơ mật mới được mở gần đây về Đức Piô XII, một sử gia Đức đã tham gia chiến dịch xấu xa như trên.

Xấu xa hơn nữa, người ấy còn là một linh mục Công Giáo. Tên ông ta là Hubert Wolf, hiện là giáo sư giáo sử tại Đại Học Muenster, Đức, và cũng là 1 trong số 25 chuyên gia quốc tế nghiên cứu các hồ sơ mật mới được mở về Đức Piô XII.

Theo Tiến sĩ Hesemann, Wolf cho rằng ông ta đã tìm được một tài liệu có thể chứng minh việc Vatican cố tình che đậy việc Đức Piô XII biết rõ nạn diệt chủng người Do Thái thời Thế Chiến II. Với việc khám phá này, ông ta hy vọng sẽ ngăn cản tiến trình phong chân phước cho vị Giáo Hoàng thời chiến này.

Có điều, Wolf, theo tiến sĩ Hesemann, là một linh mục theo phe cấp tiến. Trong các sách vở của mình, ông ta luôn cổ vũ chống lại việc độc thân của các giáo sĩ và ủng hộ việc phong chức cho nữ giới. Ông ta cũng là người cổ vũ thuyết âm mưu đồng loã của sử gia Hoa Kỳ là David Kertzer, người vốn cho rằng Đức Piô XII, trước khi làm Giáo Hoàng, đã giấu kín thông điệp cuối cùng của Đức Giáo Hoàng Piô XI tựa là “Tính Hợp Nhất của Nhân Loại”, theo lệnh của nhà độc tài phátxít Benito Mussolini.

Thực ra, theo Tiến sĩ Hesemann, thông điệp trên không bao giờ được hoàn tất. Bản thảo đầu tiên, do 4 linh mục dòng Tên soạn cho Đức Giáo Hoàng, không được ngài chấp thuận và đã được trả về cho các tác giả hồi tháng Giêng năm 1939. Khi Đức Piô XI qua đời sau đó 1 tháng, vị nhiếp chính của ngài là Đức Hồng Y Eugenio Pacelli, tức Đức Piô XII tương lai, không có cách chi để phong tỏa nó, chỉ vì nó đã rời bàn giấy của Đức Giáo Hoàng 1 tháng trước đó. Bản thảo ấy nằm tại văn khố Dòng Tên cho tới khi nó được công bố (?).

Điều đáng nói ở đây, theo Tiến sĩ Hesemann, Wolf là 1 trong số 25 chuyên gia quốc tế đầu tiên được truy cập hồ sơ mật của Vatican về Đức Piô XII, mới được mở hồi đầu tháng 3 năm 2020. Ông ta dự tính sẽ ở lại Vatican vài tuần để nghiên cứu tận tường, nhưng thực tế chỉ ở lại đó được 5 ngày, sau đó, vì văn khố Vatican đóng cửa do đại dịch Covid-19 vào ngày 6 tháng 3, nên dự án của ông ta phải đình chỉ một cách sớm sủa. Tuy nhiên, ông vẫn đã cho công bố tài liệu duy nhất nói trên với kết luận chắc nịch là Đức Piô XII và Tòa Thánh dưới triều Giáo Hoàng của ngài là bài Do Thái. Trong khi tài liệu “mật” về Đức Piô XII và triều Giáo Hoàng của ngài lên tới 15 triệu trang giấy!

Tài liệu duy nhất trên, tài liệu mà Wolf trình bầy với các phương tiện truyền thông cấp tiến Đức thứ năm tuần qua (23/04/2020), là một “appunto”, 1 thông tư nội bộ viết bởi một Đức Ông cấp nhỏ, lúc ấy làm việc cho Phủ Quốc Vụ Khanh, là người được các bề trên yêu cầu nghiên cứu các hồ sơ để trả lời đơn yêu cầu của Tổng Thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt. Đặc phái viên Myron Taylor, của vị tổng thống này, ngày 27 tháng 9 năm 1942, được phái đến yết kiến Đức Piô XII với tờ trình của “Cơ Quan Do Thái Vùng Palestine”, tường trình đầu tiên nhắc đến các trại tử thần của Đức Quốc Xã. Người Hoa Kỳ không biết chắc liệu họ có nên tin các quả quyết của tuờng trình này hay không và muốn biết liệu Vatican, thông thường vốn rất hiểu chuyện, có khả năng xác nhận chúng hay không. Sau một cuộc điều tra thận trọng, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Maglione trả lời cho người Hoa Kỳ rằng Vatican có biết những tàn ác của Đức Quốc Xã nhưng không có khả năng xác nhận những điều bản tường trình quả quyết, tức sự hiện diện của các trại tử thần.

Theo Tiến sĩ Hesemann, ngày nay, như chúng ta biết, điều trên đúng sự thật. Vatican được thông báo về các vụ tàn sát và xử tử hàng loạt người Do Thái tại Ukraine do Đức chiếm đóng từ mùa hè năm 1941, và đã xác nhận điều này bởi một đặc sứ của Đức Giáo Hoàng gửi qua Ukraine 4 tháng sau đó, nhưng việc hiện hữu của các trại tử thần thì mãi đến năm 1944 mới được xác nhận. Một nhà kinh doanh Ý, Quận công Malvezzi, người viếng Ba Lan mùa hè năm 1942, chỉ biết các vụ tàn sát và cả Đại sứ Ba Lan lưu vong là Papée, cũng chỉ nhắc đến lời tuyên bố nặc danh của “một công dân khối trục từng viếng những nơi này (các trại tử thần)” nhưng không có khả năng chứng thực lời tuyên bố này. Tất cả những điều này không mới mẻ gì, sử gia nào cũng đã biết từ thập niên 1980. Trong cuốn sách tựa là “Đức Giáo Hoàng Và Nạn Diệt Chủng” (năm 2018) của ông, Tiến Sĩ Hesemann từng mô tả các chi tiết này ít nhất trong 5 trang sách.

Điều chưa ai biết là “chứng cớ lớn” của Wolf, tức thông tư của Đức Ông Dell’Acqua, cảnh cáo đừng vội rút kết luận từ thông tin mới: “điều cần thiết là chúng phải đúng sự thật vì sự phóng đại dễ dàng xẩy ra, cả nơi người Do Thái”. Và những lời này nữa: tin tưởng nhưng hãy chứng thực!

Đối với Wolf, điều đó có nghĩa Vatican bài Do Thái trong triều Giáo Hoàng của Đức Piô XII. Đối với ông ta, điều đó có nghĩa, và đó là cách ông ta diễn giải trong nhiều cuộc phỏng vấn của giới truyền thông Đức: “Mọi người Do Thái đều nói láo”. Nhưng đâu nó có nghĩa như thế. Con người nói chung, kể cả người Do Thái, vẫn đôi khi phóng đại. Và quả tình, tường trình của “Cơ Quan Do Thái” chứa nhiều tin đồn không đúng sự thật. Nó cho rằng “Khắp Đông Ba Lan và các lãnh thổ do Nga chiếm đóng, không còn một người Do Thái nào sống sót”. Nay ta biết hàng ngàn người Do Thái đã sống sót dưới hầm. Tường trình trên cũng cho rằng Đức Quốc Xã sản xuất mỡ từ xác chết của những người Do Thái bị giết và dùng xương họ làm phân bón. Điều này đã trở thành một thứ “dã sử đen” của nạn diệt chủng. Không chính phủ nào đã hành động dựa vào tường trình duy nhất này, họ đợi sự kiểm thực độc lập, và đó là lý do khiến tổng thống Roosevelt tham khảo Vatican.

Và quả thực Đức Ông Dell’Acqua không hề là người bài Do Thái: vì tuy ngài thấy sự yếu đuối nơi người Do Thái, nhưng, chỉ 1 câu sau đó, ngài cảnh cáo rằng bất cứ sự phản kháng nào của người Hoa Kỳ “cũng có thể có hậu quả không hay, không những cho Tòa Thánh, mà trên hết, cho chính người Do Thái, hiện đang nằm trong tay Quốc Xã”. Không sự phản đối nào của Đức Giáo Hoàng có thể ngăn cản Hitler tải người tới các trại tử thần. Trái lại, càng làm hắn hành động nhanh hơn.

Ai cũng biết Đồng Minh thông báo cho thế giới biết nạn diệt chủng vào ngày 17 tháng 12 năm 1942. Đức Piô XII không phản đối cùng với họ. Chính thức về phe với Đồng Minh sẽ khiến Hitler bách hại Giáo Hội ở Âu Châu một cách cứng rắn hơn nữa,vì bị hắn coi như công cụ của kẻ thù và hủy diệt hạ tầng cơ sở hiện có của nó, một hạ tầng cơ sở cần thiết để cứu hàng chục ngàn người Do Thái. Ngài biết ngài cần giữ trung lập, ít nhất về phương diện chính thức, để can thiệp thành công về ngoại giao nhằm chặn đứng các vụ trục xuất người Do Thái đang tiếp tục diễn ra bởi các quốc gia chư hầu của Hitler như Pháp thời Vichy, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Croatia, Lỗ Ma Ni và Bảo Gia Lợi, và quả thực, ngài đã thành công rất nhiều lần. Tuy nhiên, ngài đâu có hoàn toàn im lặng. Một tuần lễ sau, trong thông điệp Giáng Sinh, ngài xác nhận lời tuyên bố của Đồng Minh bằng những lời lẽ sau: “hàng trăm ngàn người, không do lỗi của họ, đôi khi chỉ vì quốc tịch hay nòi giống của họ, đang bị đánh dấu tử thần hay để từ từ bị triệt hạ”.

Điều chắc chắn, theo Tiến sĩ Hesemann, “Appunto” của một Đức Ông Vatican không gây ảnh hưởng chi tới chính sách của Đức Giáo Hoàng, một chính sách trước sau như một, nó cũng không chứa đựng điều gì mới mẻ cả. Nó chỉ là lời nhắc nhở của một con người rằng phải tin tưởng và kiểm nghiệm, không có gì hơn; và đó là lý do nó không được bao gồm trong bộ 11 cuốn tài liệu thời chiến của ấn bản Vatican, công bố trong thời gian từ 1964 tới 1981. Không phải do Vatican che đậy mà chỉ vì không có gì liên quan. Chỉ vì vị giáo sư người Đức lạm dụng nó cho nghị trình riêng của ông ta. Ông ta là người “chỉ đọc một tài liệu’ đã rút ra các kết luận vội vàng, đổ cho Vatican tội che đậy và tạo ra những tựa đề giật gân, sau khi dự án nghiên cứu của ông bị ngưng đọng sớm sủa vì đại dịch Covid-19.

Điều cũng đáng lưu ý là trong một cuộc họp báo trước ngày mở văn khố mật của Tòa Thánh, vị trưởng các văn khố Vatican, Đức Cha Sergio Pagano, trích dẫn Thánh Tôma Aquanô, người từng nói rằng “tôi sợ người chỉ độc một cuốn sách” để nói rằng “tôi sợ người chỉ đọc một tài liệu”. Hình như ngài nói tiên tri về Hubert Wolf. Nghĩ cho cùng Covid-19 vô tình ngăn cản diễn trình tìm tòi của Hubert Wolf khiến ông phải vội vàng công bố 1 dự án dở dang. Lỗi của ông là coi sự dở dang như một sự dứt khoát.

Tác giả bài viết: Vũ Văn An