ĐHY Trần Nhật Quân trao tận tay ĐTC lá thư về tình trạng của Giáo Hội tại Hoa Lục sau thỏa thuận Vatican- Trung Quốc

Pope Francis và HY Trần Nhật Quân

Pope Francis và HY Trần Nhật Quân

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân đã bay sang Rôma và trao một lá thư dài 7 trang cho Đức Thánh Cha Phanxicô để lưu ý ngài về cuộc khủng hoảng mà Giáo Hội thầm lặng ở Trung Quốc phải đối diện sau thỏa thuận Vatican - Trung Quốc được ký hôm 22/9.

Hôm 8 tháng 11, Đức Hồng Y nguyên Tổng Giám Mục Hương Cảng nói với ucanews.com rằng các giáo sĩ thuộc Giáo Hội thầm lặng đã khẩn thiết kêu cầu ngài lên tiếng sau khi Vatican ký thỏa thuận với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục.

Đức Hồng Y cho biết:

“Các linh mục nói rằng các quan chức đã buộc các ngài phải ra công khai, phải tham gia Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc và xin giấy chứng nhận linh mục với lý do là giáo hoàng đã ký thỏa thuận tạm thời Trung Quốc -Vatican”.

Theo Đức Hồng Y, thỏa thuận này đã không được công bố, nên anh chị em trong Giáo Hội thầm lặng không biết họ nên làm gì.

“Một số linh mục đã từ bỏ việc mục vụ, và một số linh mục khác đã biến mất vì các ngài không biết phải làm gì và rất bất bình. Thỏa thuận này không được tiết lộ, và họ không biết liệu các quan chức có nói đúng hay không”.

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân nói rằng Giáo hội Trung Quốc đang phải đối diện với một cuộc đàn áp mới và Tòa Thánh đã giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp cộng đồng thầm lặng.

Đức Hồng Y đã bay sang Rôma và lưu lại đó từ ngày 29 tháng 10 đến ngày 1 tháng 11 để trao bức thư của ngài cho Đức Giáo Hoàng. Ngài tâm sự: “Tôi muốn nói chuyện với Đức Giáo Hoàng một lần nữa và hy vọng ngài sẽ xem xét lại, nhưng đây có thể là lần cuối cùng”. 

Trong bức thư của mình, Đức Hồng Y cho biết các cán bộ địa phương đã tịch thu tiền dâng cúng của các nhà thờ thầm lặng, gây phiền hà cho thân nhân các giáo sĩ, bắt họ đi tù và thậm chí trong quá khứ nhiều người đã phải mất mạng sống vì đức tin.

“Nhưng Tòa Thánh không ủng hộ họ và coi họ là những kẻ gây ra vấn đề, ám chỉ họ gây rắc rối và không ủng hộ sự hiệp nhất. Đây là điều khiến họ đau đớn nhất”, Đức Hồng Y nhận xét.

Bức thư cũng nói rằng Giáo hội Trung Quốc không có quyền tự do bầu các giám mục.

“Đức Giáo Hoàng đã nói rằng các tín hữu của Giáo hội Trung Quốc phải là những vị tiên tri và đôi khi chỉ trích chính phủ. Tôi cảm thấy rất ngạc nhiên khi ngài chẳng hiểu gì về tình hình của Giáo hội Trung Quốc”.

Vào ngày 26 tháng Chín, bốn ngày sau khi thỏa thuận tạm thời được ký, Đức Giáo Hoàng đã viết một thông điệp cho các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc cũng như trên toàn thế giới giải thích lý do ký thỏa thuận: đó là để thúc đẩy việc công bố Tin Mừng, và thiết lập sự thống nhất trong cộng đồng Công Giáo ở Trung Quốc.

Ngoài ra, sau chuyến viếng thăm mục vụ của mình tới Lithuania, Latvia và Estonia từ ngày 2-25 tháng 9, Đức Giáo Hoàng đã nói với giới truyền thông trên chuyến bay trở về Rôma của ngài rằng mọi người nên “tôn vinh những người chịu khổ vì đức tin”, đặc biệt là ở ba nước đó dưới tay Đức quốc xã và Cộng sản.

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân nói với ucanews.com rằng những lời của Đức Giáo Hoàng khiến ngài cảm thấy rằng “Đức Thánh Cha dường như không biết rằng lịch sử của các quốc gia này cũng là lịch sử của Giáo hội Trung Quốc và tình hình hiện tại vẫn đang diễn ra như vậy.” Ngài nghi ngờ rằng Đức Giáo Hoàng đã bị lừa dối bởi những người xung quanh ngài là những người không nói cho ngài biết tình hình thực tế mà Giáo Hội tại Trung Quốc phải đối mặt.

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân đặc biệt chỉ trích Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, là người đã thương lượng với chính phủ Trung Quốc.

“Ngài rất có kinh nghiệm. Ngài cũng biết rõ khuôn mặt tàn bạo của Trung Quốc và biết rõ họ là những kẻ ngang ngược vô lý. Ngài không tin vào phía Trung Quốc nhưng ngài sử dụng họ để đạt được mục đích thiết lập quan hệ ngoại giao”.

Đức Hồng Y Quân nhắc lại rằng bức thư Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 viết cho Giáo hội Trung Quốc đã bị thao túng khỏi bối cảnh, đặc biệt là về sự tồn tại của Giáo Hội thầm lặng.

Ngài nói: “Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 không nói về sự bất thường của chính Giáo Hội thầm lặng, nhưng nói rằng tình hình ở Trung Quốc là không bình thường. Sự can thiệp của chính phủ có nghĩa là Giáo Hội không thể thuần khiết và điều đó dẫn đến những bất thường, vì vậy các giám mục, linh mục và tín hữu phải chọn con đường thầm lặng.”

Khi chính phủ Trung Quốc vẫn can thiệp vào công việc của Giáo Hội, và các tín hữu muốn giữ đức tin của họ trong sạch, thì không thể yêu cầu các Giáo Hội chính thức và Giáo Hội thầm lặng hợp nhất.

Đức Hồng Y kết luận rằng:

“Giới hạn cuối cùng của chúng tôi là Đức Giáo Hoàng. Chúng tôi không thể tấn công ngài. Nếu Đức Giáo Hoàng sai lầm lần này, tôi hy vọng ngài sẽ thừa nhận sai lầm của mình; nếu ngài không thừa nhận, tôi hy vọng rằng vị Giáo Hoàng tương lai sẽ chỉ ra sai lầm. Nhưng trên hết, nó vẫn là quyết định cuối cùng của Đức Giáo Hoàng. Nếu không như thế, thì không đúng nguyên tắc, vì thế anh chị em ở đại lục đừng nên nổi loạn”.

Trước đó, vào tháng Giêng năm nay, Đức Hồng Y cũng đã trao cho Đức Thánh Cha một lá thư, bày tỏ những lo ngại về việc Tòa Thánh yêu cầu hai giám mục được Tòa Thánh công nhận phải bước sang một bên để nhường chỗ cho các giám mục bất hợp pháp.

Source: UCANews Zen presents letter to pope warning him on China

Tác giả bài viết: Đặng Tự Do