Tòa Thánh kêu gọi khẩn cấp tổ chức các buổi cầu nguyện trước các tình hình bạo loạn tại Hoa Kỳ

Cầu nguyện cho anh Floyd

Cầu nguyện cho anh Floyd

Trước sự tức giận và thất vọng vẫn còn rất cao ở Hoa Kỳ liên quan đến cái chết của anh George Floyd, các nhà lãnh đạo tôn giáo nên tổ chức các sáng kiến cầu nguyện đại kết và liên tôn để mang mọi người lại với nhau và thúc đẩy sự chữa lành. Đức Hồng Y Peter Turkson, tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện đã kêu gọi như trên.

“Điều duy nhất có thể giúp cho anh George vào lúc này là cầu nguyện, ” Đức Hồng Y nói với Vatican News ngày 3 tháng 6.

Giáo Hội Công Giáo và những người khác đã kêu gọi những nỗ lực bất bạo động sau cái chết bi thảm của anh ta và đứng lên chống lại nạn phân biệt chủng tộc đang diễn ra, nhưng Đức Hồng Y nói rằng theo ngài chúng ta nên “tiến thêm một bước nữa và thúc đẩy lời kêu gọi tha thứ.”

“Tôi nghĩ đây là cách chúng ta có thể tôn vinh ký ức về George Floyd, ” Đức Hồng Y nói trong cuộc phỏng vấn.

“Bao nhiêu những cuộc biểu tình, bao nhiêu những tức giận, thất vọng, chẳng có bất cứ điều gì có thể mang anh ta trở lại với thế giới này. Chỉ có một điều có thể hữu ích với George tại thời điểm này, khi anh ta đứng trước mặt Chúa, là sự tha thứ cho những kẻ giết anh. Giống như Chúa Giêsu đã làm, ” vị Hồng Y người Ghana nói.

Tại những thành phố Hoa Kỳ nơi đã từng chứng kiến bạo lực, Đức Hồng Y đã khiêm tốn và khẩn khoản đề nghị các giám mục, linh mục, các mục sư và các nhà lãnh đạo của các cộng đồng hãy lên kế hoạch cho các sự kiện đại kết và liên tôn”.

“Các sự kiện ấy có thể diễn ra trong một công viên hoặc khu vực mở khác với mục tiêu mang mọi người đến với nhau để cầu nguyện, ” ngài nói.

“Nó sẽ cho họ cơ hội thể hiện sự tức giận đang bị dồn nén, những cảm giác và tất cả những thứ chất chứa trong lòng, nhưng theo một cách thức lành mạnh, trên tinh thần tôn giáo hướng đến sự chữa lành, ” ngài nói thêm.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng “Giáo Hội Công Giáo đề cao quan điểm anh trai George Floyd, là ông Terrence, là người đã lên án các cuộc biểu tình bạo lực và nói rằng em ông muốn thấy hòa bình.”

“Hoa Kỳ có một lịch sử lâu dài về các cuộc biểu tình bất bạo động, ” Đức Hồng Y Turkson nói. “Martin Luther King đã lãnh đạo rất nhiều người trong số họ, và tất cả họ đều bất bạo động có lẽ vì họ đã có kế hoạch tốt, và họ có một nhà lãnh đạo biết cách thấm nhuần ý thức về bất bạo động trong ông nơi tất cả những người đi theo mình”.

Đức Hồng Y Turkson, là một người da đen, nói thêm: “Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là một vấn đề phổ biến trong xã hội, do đó, để giải quyết các nguyên nhân sâu xa của nó đòi hỏi phải dạy cho mọi người biết ý nghĩa của sự sống con người, ý nghĩa của gia đình. Tất cả chúng ta chia sẻ cùng một ý nghĩa về phẩm giá mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, là những người được tạo nên theo hình ảnh của Ngài và giống Ngài.”

Source:Crux

Tác giả bài viết: Đặng Tự Do