Sự tình cờ của Tin Mừng

Hoa Xương Rồng

Hoa Xương Rồng

Tôi là một tu sĩ trong nhà dòng, không có mấy dịp gặp gỡ ai, công việc của tôi gắng với 5 giờ kinh mỗi ngày, học tập và làm việc... Tôi đi chữa răng. Một tu sĩ như tôi bước ra khỏi cánh cửa Nhà Dòng là không dấu được những lúng túng và ngơ ngẩn. Thôi thì chịu vậy!
“Thầy rán nằm yên, há miệng thật to và bình tĩnh nha. 10 phút thôi. Sau đó con cho thầy nghỉ một lúc rồi mài tiếp.” Đó là lần đầu tiên tôi đi chữa răng. Tôi khá căng thẳng vì đủ loại dụng cụ, máy móc được đưa vào miệng tôi. May thay, anh nha sĩ này khá tâm lý, nên thông cảm với nỗi sợ của tôi.

Trong lúc nghỉ một chút anh giúp tôi thư giãn bằng cách kể cho tôi vài câu chuyện về anh. Không biết tại sao anh lại lấy mình ra làm đề tài? Có thể vì với một tu sĩ tầm thường như tôi, anh không có gì phải e dè.

Anh tên Đức, mới tốt nghiệp ngành nha ở Hà Nội, lên Đà Lạt để lập nghiệp. Đề tài của anh là những câu chuyện về gia đình, việc học tập, đi làm, rồi cả những đam mê cháy bỏng và hơi quái gở nữa. Bản thân tôi là người rất nghiêm túc và điềm đạm nên hơi dị ứng với những chuyện như thế. Nhưng tôi cảm thấy trong lòng mình sự thôi túc lắng nghe và phải nghe thật kỹ lưỡng từng chi tiết một. Tôi nghe và nhớ rõ từng chuyện anh kể cho tôi.

Tôi cảm thấy nơi con người này bốc cháy hết sức lực của tuổi trẻ cho những điều chẳng nên, nhưng nơi sâu thẳm vẫn còn khao khát những điều cao cả hơn những gì anh đã thỏa mãn. Anh muốn vươn lên tận nơi cái hay, cái đẹp và cái hoàn mỹ của cuộc đời. Trong đầu tôi hoài nghi anh có phải là người công giáo hay không? Tại sao lại có những tư tưởng giống Tin Mừng mà tôi không tiện hỏi.

Khi làm răng xong, anh hẹn tôi tuần sau quay lại để kiểm tra lần nữa trước khi thanh toán hoá đơn. Anh kéo khẩu trang xuống, lúc này tôi mới có thể nhìn rõ khuôn mặt anh. Quả thật, đây là một chàng trai trẻ với khuôn mặt phúc hậu, tràn đầy sức sống tuổi trẻ và rất cá tính... Tôi nói với anh: “Cám ơn con! Thầy được nghe những chuyện của con. Câu chuyện cũng li kỳ đấy!” Anh bảo tôi: “Con chưa từng kể cho ai, con thấy thầy sợ hãi trong lúc làm răng, con muốn thầy quên đi nên mới kể cho thầy. Nhưng không biết tại sao con lại kể về cuộc đời của con. Con xin lỗi nhé!” Anh nói vui vẻ mà không có chút ngại ngùng. Và tôi cũng không ngại nói: “Thầy cũng sẵn lòng.”

Trên đường về nhà dòng, tôi nghĩ về anh và những câu chuyện được nghe và lòng tôi thao thức mãi. Một tu sĩ thì có thể làm gì? Đồng hành với anh? Kể cũng khó... Hình ảnh anh cứ đeo tôi mãi, theo vào tận giờ cầu nguyện. Thế nhưng sự chia trí này Chúa đã nhận lời.

Tuần sau, đúng như lịch hẹn, tôi đến phòng nha để kiểm tra lại và thanh toán hoá đơn. Tôi được mời và nghe tiếp câu chuyện. Tôi lặng yên không nói gì khi anh kết thúc. Hình như anh có điều gì khó nói. Anh dừng lại một chút, rồi nói: “Thưa thầy con là người Công giáo, con có đạo nhưng đã bỏ đạo 10 năm nay.” Tôi giật mình và ngạc nhiên mặc dù trước đó sự hoài nghi đã xuất hiện trong đầu tôi.

Anh kể tiếp cho tôi việc anh gác Chúa qua một bên để cháy hết mình: con bỏ lễ hoàn toàn từ sau khi chịu phép Thêm sức. Con bỏ sạch mọi kinh mà con đã biết và học được. Con phóng túng 10 năm qua mà con nghĩ đó là cách sống hết mình cho tuổi trẻ và cứ như thế một chuỗi những sự kiện được tuôn trào ra. Tôi không biết mình phải xử trí như thế nào khi nghe đến những vấn đề về lương tâm này. Tôi bối rối không biết làm gì, tôi thầm mguyện: “Xin Chúa hãy soi sáng.” Thinh lặng một chút, anh nhìn tôi với giọng nhỏ lại: “Con muốn trở lại, con muốn xưng tội, nhưng con không tìm ra cách nào và ngại làm sao. Tội con nhiều các cha có tha không? Rồi thế nào cũng mắng cho một trận. Ngại quá...” Sự tự nhiên của anh làm tôi cũng trả lời tự nhiên: “Cha nào mà có khả năng giải tội 10 năm cho anh. Chúa mới có thể mà thôi.” Anh cười và hình như làm vơi nhẹ đi một chút gánh nặng trong lòng.

Theo thoả thuận, chiều Chúa Nhật, lúc 3 giờ anh đến nhà dòng, tôi và anh cùng xét mình với bài Phúc âm người con hoang đàng, anh đã khóc, anh đã xưng tội. Cuộc đời mới giờ đây bắt đầu. Từ đây anh là một kitô hữu tốt lành, tham gia mọi sinh hoạt của giáo xứ, làm nhiều việc bác ái và giúp người trẻ sống đức tin.

Lòng tôi thật vui sướng và tự nhủ với mình: “Cám ơn Chúa đã cho con được trải nghiệm Lòng Chúa xót thương, cho con làm một khí cụ trong tay Ngài để mang các linh hồn đến với Ngài. Con cũng cầu nguyện nhiều cho anh Đức, để anh cũng sẽ nên chứng nhân cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày.”

Tác giả bài viết: Thầy Phêrô Nguyễn Duy Phương thuật lại

Nguồn tin: vaticannews