Có nên chiều con?

Có nên chiều con?
Trẻ cần được quan tâm nhưng không được đòi hỏi quá đáng đến mức chiếm hết thời gian của bố mẹ. Từ nhỏ, bạn cần dạy cho con chơi một mình bằng cách để đồ chơi sao cho trẻ có thể tự lấy. Các trò chơi với bạn cùng lứa cũng dạy cho con tính độc lập. Trẻ hay đòi được quan tâm ngay tức khắc. Hãy dạy cho con biết chờ đợi.

Hãy chiều con bằng sự yêu thương chứ không phải bằng những dụ dỗ vật chất vì vật chất có thể làm hỏng con trẻ.
 
 Khi có quá nhiều đồ chơi, quần áo đẹp, được hưởng thụ mọi thứ "xả láng" trẻ dễ rơi vào tình trạng bị lệ thuộc vào vật chất. Chúng sẽ lấy đồ vật - chứ không phải những cái thơm - để làm thước đo tình cảm của ông bà cha mẹ. Trẻ sẽ học cách đánh giá bản thân thông qua sự đánh giá của người khác dựa trên vẻ ngoài và những vật chất mà nó có.
 
 Chính những đánh giá phù phiếm này sẽ khiến chúng trở nên ích kỷ, tự đại và thiếu vị tha. Để trẻ không lệ thuộc vào sự đánh giá phù phiếm qua vật chất, bạn cần cho con thấy rằng bạn yêu chúng bởi tính chu đáo, lòng trắc ẩn, sự lạc quan của chúng chứ không phải vì chúng trông thế nào, ăn mặc ra sao. Lòng tự trọng thật sự luôn xuất phát từ bên trong chứ không phải đến từ bên ngoài.
 
 Dạy con bằng lòng yêu thương
 
 Yêu thương, đó là chấp nhận trẻ như nó vốn có, là luôn thấu hiểu, cảm thông và chăm lo cho con. Sự yêu thương được thể hiện khi bạn dành thời gian chơi với con, cùng chuyện trò hoặc đọc sách cho chúng. Tình yêu của bạn cho trẻ cảm giác được chở che và sự tự tin. Những thứ này không vật chất nào thay thế được. Với quan điểm mọi thứ tốt nhất dành cho con, cha mẹ thường nhận phần thua thiệt về mình. Điều này khiến trẻ nghĩ rằng: nhu cầu của nó mới quan trọng, còn của cha mẹ thì có thể... quên đi.
 
 Khi không coi trọng cả cha mẹ mình thì tất nhiên trẻ không thể coi trọng ai khác. Nhưng yêu thương không có nghĩa là nhường nhịn tất cả. Nếu bạn nhường trẻ vì những lý do không chính đáng - chỉ để nó hết khóc chẳng hạn - trẻ sẽ nhận ra rằng nó có thể điều khiển bạn một cách dễ dàng. Hãy biết cách nói "không" một cách nghiêm túc khi cần và giải thích rõ cho con tại sao lại "không".
 
 Khi đã từ chối, bạn cần giữ quan điểm đến cùng, qua đó xây dựng với con mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Đừng sợ trẻ không yêu bạn nữa vì đã từ chối nó. Ngược lại trẻ sẽ cảm thấy an toàn, vững tin hơn khi biết nó luôn có người ngăn chặn những điều không hay cho nó.
 
 Và sự quan tâm đúng lúc đúng chỗ
 
 Trẻ cần được quan tâm nhưng không được đòi hỏi quá đáng đến mức chiếm hết thời gian của bố mẹ. Từ nhỏ, bạn cần dạy cho con chơi một mình bằng cách để đồ chơi sao cho trẻ có thể tự lấy. Các trò chơi với bạn cùng lứa cũng dạy cho con tính độc lập. Trẻ hay đòi được quan tâm ngay tức khắc. Hãy dạy cho con biết chờ đợi.
 
 Nếu như bạn đang bận mà con đòi giúp, hãy nói con chờ trong 5 phút và tăng dần thời gian này trong những giai đoạn sau. Cũng không cho phép trẻ làm gián đoạn câu chuyện của bạn. Kiên trì là thói quen có thể rèn được. Nếu bạn dạy cho trẻ đức tính này càng sớm thì con (và cả bạn) càng đỡ vất vả sau này.
 
 Đừng làm "phao" cho con trước mọi khó khăn, nếu không trẻ sẽ thiếu tính tự lập và không học được cách xử lý các vấn đề về sau. Ngay trong việc làm bài tập về nhà, bạn có thể giúp con khi quá khó nhưng nên để nó tự làm và học hỏi từ sai lầm của mình.

Nguồn tin: GĐ&XH