Lên án sự tham lam, bất công gây ra chết chóc tại khu hầm mỏ ngọc bích ở Myanmar

Myanmar

Myanmar

Các Giám mục Công Giáo châu Á đã lên án kịch liệt sự tham lam của những người khai thác mỏ đá quí một cách cẩu thả và không an toàn đã gây ra thảm họa 170 người chết tại một mỏ ngọc bích ở miền bắc Myanmar. (Tin Vatican - Robin Gomes)

Thảm cảnh xảy ra hôm thứ Năm 2/7/20 tại một mỏ ngọc bích ở khu vực Hpakant, miền bắc Myanmar, khi một khối lượng lớn đá và đất được khai quật lên đã đổ xuống theo dòng nước mưa cuốn thành bùn và nước đổ xuống đè chết nhiều người đang sàng lọc những cục đá để tìm ngọc bích!

Sạt lở vì bất công
Đức Hồng Y Charles Bo của Thủ đô Yangon nước Myanmar, Chủ tịch Liên đoàn các Giám mục Châu Á (FABC) đã bày tỏ trong một thông điệp chia buồn tới Đức cha Francis Daw Tang của Giáo phận Myitkyina, thuộc tiểu bang Kachin, nơi xảy ra tai nạn.
ĐHY viết: Giáo hội Châu Á bày tỏ tấm lòng buồn đau tan vỡ trước hung tin về những cái chết tất tưởi khủng khiếp của nhiều người chết trong thảm kịch này.

Phát biểu thay cho các giám mục trong vùng, ĐHY nhắc nhớ lại lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã lên tiếng chống lại những bất công về tài chánh đối với những người nghèo trên toàn thế giới.

Tham lam, cẩu thả, ngạo mạn của người giàu
Đức Hồng Y nói: Những người chết đã hy sinh cho lòng tham, do những bất trắc và ngạo mạn của các chủ nhân ông của các công ty coi mạng người thật rẻ rúng trong đất nước này.

Bi kịch thường xảy ra tại các khu khai thác ngọc bích tại Myanmar không phải là hiếm. Hơn 100 người được báo cáo thiệt mạng tại các địa điểm khai thác mỏ vào năm ngoái. Một tai nạn vào tháng 11 năm 2015 tại Kachin đã khiến 113 người chết và được coi là tai nạn tồi tệ. Tuy nhiên, vụ sạt lở ngày 2 tháng 6 này còn tồi tệ hơn và được coi là tồi tệ nhất hiện nay.

Các nạn nhân là những người di cư và công nhân nghèo, những người đào bới đá vụn để tìm những viên ngọc bích trong những khối đất và đá khổng lồ do máy và mìn làm nổ tung các núi đá… Họ cặm cụi trong một không gian bụi mù mịt của đất đá, dưới những chân núi hay vách đá không an toàn trong mùa mưa lũ!

Myanmar cung cấp 90% ngọc bích cho thế giới, phần lớn trong số đó được xuất khẩu sang nước láng giềng Trung Quốc, giáp với bang Kachin. Khu vực Hpakant từ xa của bang là trung tâm của ngành khai thác ngọc lớn nhất và sinh lợi nhất thế giới.

Theo tờ Nhân chứng Thế giới (Global Witness), có trụ sở ở London nghiên cứu, thì việc thu nhập từ tài nguyên thiên nhiên, ngành công nghiệp ngọc bích ở Myanmar, thu vào một lợi tức khoảng 31 tỷ đô trong năm 2014, nhưng phần lớn lợi nhuận được chia cho các cá nhân và các công ty do quân đội quản lý.

"Ngọc bích" khỏa lấp "tham vọng không đáy"
Trong khi cầu nguyện cho các gia đình nạn nhân, Đức Hồng Y Bo chia sẻ, trong những thời điểm bi thảm của cơn dịch Covid-19, không còn cách nào kiếm cơm manh áo nên buộc những người nghèo phải đi làm trong các mỏ đá xay để gạn lọc và tìm ngọc bích cho các công ty lớn.

ĐHY cho hay hàng triệu người dân quê đã mất kế sinh nhai trong cơn đại dịch, và bi kịch hôm thứ Năm qua là một lời nhắc nhở nghiệt ngã về nhu cầu phải chia sẻ kho báu thiên nhiên Chúa ban. Những kho báu ở Myanmar phải thuộc về mọi người Myanmar.

Nhà lãnh đạo Myanmar Bà Aung San Suu Kyi hôm thứ Sáu bày tỏ nỗi buồn trước biến cố này, và bà đổ lỗi cho sự thất nghiệp đã gây nên thảm trạng! Bà cho biết các nạn nhân là những người khai thác bất hợp pháp, gây nên nhiều khó khăn cho những nhân công làm việc hợp pháp do chính phủ tạo ra...

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres cũng bày tỏ nỗi buồn và gửi lời chia buồn tới các gia đình tang quyến. Ông Guterres bày tỏ Liên Hợp Quốc sẵn sàng đóng góp vào những nỗ lực nhằm giải quyết các nhu cầu của người dân bị ảnh hưởng.

Tờ Nhân chứng Thế giới (Global Witness) cho vụ sạt lở đất ngày 02 tháng 6 là một bản cáo trạng khẩn cấp, nói lên sự thất bại của chính phủ, kiểm soát các cuộc khai thác hầm mỏ cách thiếu thận trọng và vô trách nhiệm. Ngành khai thác ngọc bích của Myanmar, cho biết nhiều công ty liên kết quân đội, các nhóm vũ trang và những người được phép hoạt động mà không cần sự kiểm soát môi trường và chính phủ trong nhiều năm qua.

Tác giả bài viết: Thanh Quảng, sdb