Vượt qua bất hạnh

Hình minh họa

Hình minh họa

Diễm biết rằng mình không thể suốt đời ăn bám bố mẹ, Diễm đặt cho mình một hướng đi cụ thể: "Tuy tàn, nhưng không phế". Diễm sẽ trở thành cô giáo dạy Anh Văn tại nhà.

Bất hạnh đến với cô nữ sinh duyên dáng Nguyễn Ngọc Diễm năm 18 tuổi trong một lần cô bị cảm, y tá chích thuốc đã tiêm nhầm vào thần kinh toạ khiến đôi chân của Diễm hoàn toàn bị liệt. Diễm phải nằm bất động suốt nhiều tháng trong bệnh viện, trở thành người tàn phế khi còn rất trẻ, chấm dứt mọi ước mơ, hoài bão về cuộc đời, đối với Diễm ngày ấy, điều đó thật khủng khiếp. Dù ba má Diễm đã bán hết đồ đạc trong nhà để chạy chữa cho con gái nhưng mọi cố gắng đều vô ích: Chân của Diễm teo dần, trở nên hoàn toàn vô dụng.

Khi ra viện, Diễm bắt đầu làm quen với đôi nạng: Mỗi bước dịch chuyển là sự nỗ lực phi thường của Diễm để chống chọi nỗi đau cắn vào từng tế bào cơ thể. Không phải tính hết số lần Diễm bị ngã dập đầu, bầm mặt, trẹo tay, nhưng Diễm vẫn cắn răng đứng dậy. Phải mất rất nhiều thời gian và nghị lực Diễm mới thuần phục được đôi nạng. Tiếp đó, được sự động viên của thầy cô, bạn bè và đặc biệt, sự khích lệ của ba má, Diễm tiếp tục đến trường để bốn năm sau nhận tấm bằng cử nhân tiếng Anh loại xuất sắc của Trường Ðại Học Tổng Hợp Huế.

Tuy vậy, với hoàn cảnh Diễm, làm sao có thể xin được việc làm ? Diễm biết rằng mình không thể suốt đời ăn bám bố mẹ, Diễm đặt cho mình một hướng đi cụ thể: "Tuy tàn, nhưng không phế". Diễm sẽ trở thành cô giáo dạy Anh Văn tại nhà. Từ đó Diễm cố gắng trau dồi thêm trình độ Anh ngữ, luyện tập cách phát âm, tự học hoàn chỉnh thêm môn Tiếng Việt để biên dịch. Nhiều người đến học thử và truyền cho nhau để một thời gian sau đó, căn nhà nhỏ nơi Diễm sống cùng với bố mẹ đã luôn chật ních học trò. Tính đến nay, Diễm kể, học trò của cô đã lên đến hơn hai ngàn người. Trong số đó, nhiều người đã có bằng cử nhân, thạc sĩ Anh Ngữ.

Từ trong nỗi bất hạnh của chính mình, Diễm rất thông cảm với những người tàn tật khác. Diễm nói: "Dù sao, mình cũng còn may mắn hơn biết bao người vì có thể làm việc, kiếm tiền để tự nuôi sống. Còn nhiều người khác bất hạnh hơn". Vì thế, Diễm tận dụng mọi khả năng của mình để cố gắng giúp đỡ họ. Ví dụ cụ thể nhất là năm 1997, với tư cách là thành viên của Hội Chữ Thập Ðỏ Nha Trang, Diễm đã liên hệ trực tiếp với Hội "Xe Lăn Quốc Tế" xin cho người khuyết tật của Khánh Hoà hơn 100 chiếc xe lăn.

Diễm kể lại: Lúc đầu, cô được mời làm thông dịch viên cho phái đoàn cấp phát xe lăn khi họ đến làm việc tại Khánh Hoà. Khi biết mục đích của đoàn là điều tra tình hình người khuyết tật để lên danh sách cung cấp xe lăn, giúp họ làm hồ sơ thủ tục. Ðó là một công việc rất khó khăn đối với một người tật nguyền như Diễm: Thuê một chiếc xích-lô, Diễm lặn lội khắp nơi từ các con hẻm ngoằn ngoèo bên Ðồng Ðế đến những ngóc ngách sâu hun hút ở Bình Tân để tìm gia đình có hoàn cảnh phù hợp: những người nghèo, cụt hoặc liệt hoàn toàn, Diễm dịch ra tiếng Anh.

Tiếp đó, nhiều người không có tiền, Diễm lại bỏ tiền túi ra mua tem gởi hồ sơ sang Mỹ. Tính ra khoảng 20.000 đồng một cái hồ sơ. Một thời gian sau, hơn 100 chiếc xe lăn được gởi đến, trao tận tay người tàn tật. Mỗi chiếc trị giá gần 2 triệu đồng một món quà mà những người bất hạnh kia cả đời không dám mơ ước. Không ít người đã đổi đời, tự kiếm sống bằng chiếc xe lăn ấy, họ có thể bán vé số, bán báo, bán thuốc lá dạo. Nhiều người đã được đi ra ngoài, dưới ánh mặt trời nhờ chiếc xe lăn. Họ chân thành cảm ơn tất cả mọi người, đặc biệt là cảm ơn Diễm... Những ngày ấy, không những Diễm không có thu nhập vì nghỉ dạy, mà riêng chi phí đi xích lô, chi phí giấy tờ, tem thư... đã tốn của Diễm bằng số tiền thu nhập cả một tháng. Có thấy Diễm đi lại trên đôi nạng gỗ chật vật như thế nào mới đánh giá được cái tình của cô "Diễm rất vui vì đem lại hạnh phúc cho mọi người, Diễm nói thế. Ðôi mắt cô long lanh, miệng cười tươi rói khi kể lại chuyện này.

Ngoài ra, Diễm còn là thành viên tích cực của Hội cứu trợ trẻ em khuyết tật Việt Nam, thành viên Hội người mù tỉnh Khánh Hoà, là phiên dịch, là biên dịch chính của tổ chức từ thiện "Thầy Thuốc Không Biên Giới" (Médecin Sans Frontière). Cứ khi nào cần, Diễm sẽ có mặt. Công việc chính của Diễm là theo các đoàn khách của các hội từ thiện quốc tế làm thông dịch viên và biên dịch các tài liệu. Làm việc với tư cách là thành viên, có nghĩa là không có thù lao, hoặc chỉ là thù lao tượng trưng. Bởi vì, tất cả những tổ chức "Hội" này đều rất nghèo mà con số những người khuyết tật cần giúp đỡ lại quá lớn.

Vào những giờ rảnh rỗi hiếm hoi, Diễm tự thiết kế và may cho mình những bộ váy áo công phu và cầu kỳ. Tất nhiên là Diễm may bằng tay, đó là một thú giải trí bổ ích sau những giờ lên lớp miệt mài, là niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống bận rộn của Diễm. Bao nhiều năm đã trôi qua, với nụ cười luôn nở trên môi, Diễm đã vượt qua bất hạnh của đời mình như thế.

Nguồn tin: Khoa Học & Đời Sống