Vatican thận trọng bật đèn xanh cho lòng sùng kính Mễ Du
Thứ sáu - 20/09/2024 20:29
Mẹ Mễ Du
Bản tổng hợp cho biết "Nhiều hoa trái tích cực đã được ghi nhận trong bối cảnh của một trải nghiệm tâm linh, trong khi những tác động tiêu cực và nguy hiểm không lan rộng trong dân Chúa".
Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican đã trình bày tài liệu có tựa đề "Nữ hoàng Hòa bình" trong một cuộc họp báo.
Trong lời tựa cho tài liệu dài gần 20 trang, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phê duyệt vào ngày 28 tháng 8, Bộ Giáo lý Đức tin cho biết, "Đã đến lúc kết thúc một lịch sử lâu dài và phức tạp bao quanh các hiện tượng tâm linh của Mễ Du."
Một bản tổng hợp quả quyết rằng việc chấp thuận lòng sùng kính Mễ Du được đưa ra là do "những hoa trái thiêng liêng dồi dào nhận được tại đền thờ Nữ Vương Hòa Bình, mà không đưa ra tuyên bố về bản chất siêu nhiên được cho là của các lần hiện ra của Đức Mẹ".
Bản tổng hợp cho biết "Nhiều hoa trái tích cực đã được ghi nhận trong bối cảnh của một trải nghiệm tâm linh, trong khi những tác động tiêu cực và nguy hiểm không lan rộng trong dân Chúa".
Tuy nhiên, Bộ Giáo lý Đức tin nhấn mạnh rằng việc chấp thuận lòng sùng kính không cấu thành "phán đoán về đời sống đạo đức của những người được cho là có thị kiến" và rằng bất cứ ân huệ thiêng liêng nào mà một người nhận được "không nhất thiết đòi hỏi những người liên quan phải có sự hoàn thiện về mặt đạo đức".
Bộ Giáo lý Đức tin cũng thúc giục một sự thận trọng nhất định, nói rằng, "Mặc dù chúng ta tìm thấy nhiều yếu tố tích cực giúp lắng nghe tiếng gọi của Tin Mừng, nhưng khi chúng ta xem xét toàn bộ các thông điệp gắn liền với trải nghiệm tâm linh này, một số người tin rằng một số thông điệp nhất định chứa đựng mâu thuẫn hoặc có liên quan đến mong muốn hoặc lợi ích của những người được cho là có thị kiến hoặc những người khác".
“Không thể loại trừ khả năng điều này có thể đã xảy ra trong trường hợp của một vài thông điệp”, tài liệu cho biết, nói rằng có thể có “một số lỗi về trật tự tự nhiên”, “không phải do ý định xấu, mà là do nhận thức chủ quan về hiện tượng này”.
Tài liệu cho biết, phán quyết cuối cùng của Vatican chủ yếu dựa trên “sự hiện hữu của những thành quả đã được xác minh rõ ràng, cùng với việc phân tích các thông điệp được cho là của Đức Mẹ”.
Tài liệu cho biết, những thành quả tích cực liên quan đến “hiện tượng Mễ Du” có thể được nhìn thấy rõ ràng nhất trong “một thực hành lành mạnh của đời sống đức tin, phù hợp với truyền thống của Giáo hội”.
Những thành quả khác bao gồm “nhiều cuộc trở lại”, cũng như sự hòa giải giữa các cặp vợ chồng và “sự đổi mới của hôn nhân và cuộc sống gia đình”, cũng như các báo cáo về nhiều lần chữa lành.
Bộ Giáo lý Đức tin cũng thừa nhận thông điệp hòa bình liên quan đến Mễ Du, nói rằng đó là thành quả của lòng bác ái, ngụ ý “một tình yêu dành cho những người không theo Công Giáo”, mà Bộ Giáo lý Đức tin cho biết là một thông điệp quan trọng xét đến những chia rẽ lịch sử ở Bosnia và Herzegovina.
Tài liệu cho biết lời kêu gọi hoán cải và lời mời thường xuyên đặt Chúa vào trung tâm của đời sống tâm linh cũng là những dấu hiệu tích cực.
Về các vấn đề cần làm rõ, tài liệu cho biết một số thông điệp đi chệch khỏi nội dung tích cực chung.
Tài liệu cho biết "Để ngăn chặn kho báu Mễ Du này bị xâm phạm, cần phải làm rõ những điểm có thể gây nhầm lẫn khiến một số nhóm nhỏ bóp méo đề xuất có giá trị của trải nghiệm tâm linh này".
Tài liệu cho biết nếu chỉ đọc một phần một số thông điệp, thông điệp tâm linh có thể bị liên kết sai với "những trải nghiệm của con người bị nhầm lẫn, những cách diễn đạt không chính xác về mặt thần học hoặc những mối quan tâm không hoàn toàn hợp pháp".
Tài liệu cho biết, những thông điệp có vẻ chứa đựng hướng dẫn cho các mục tử địa phương, tạo ấn tượng cho rằng Đức Maria "muốn thay thế ngài cho các cấu trúc giáo xứ thông thường dành cho sự tham gia", cần phải được xem xét một cách thận trọng.
Tài liệu cũng cảnh cáo về những đoạn văn trong đó Đức Maria nhấn mạnh rằng mọi người phải lắng nghe và chấp nhận thông điệp của ngài, cũng như những thông điệp rõ ràng mà trong đó Đức Maria "ra lệnh về ngày tháng, địa điểm và tính thực tế cũng như thời điểm ngài đưa ra quyết định về những vấn đề thông thường".
Một số thông điệp có vấn đề do sử dụng các thuật ngữ như "kế hoạch của tôi" và "dự án của tôi" của Đức Maria, tài liệu cho biết, nói rằng những cụm từ này có thể "gây ra một số nhầm lẫn" về vai trò của Chúa Kitô.
Về mặt thờ phượng công cộng, Bộ Giáo lý Đức tin trong tài liệu của mình đã nêu rằng mặc dù không có yêu cầu nào để tin vào hiện tượng Thánh Mẫu tại Mễ Du, phán quyết Nihil obstat [không có trở ngại] chỉ ra rằng "các tín đồ có thể nhận được sự khích lệ tích cực cho đời sống Kitô hữu của họ thông qua đề xuất tâm linh này và nó cho phép các hành động sùng kính công khai".
Bộ Giáo lý Đức tin nhắc lại rằng "đánh giá tích cực cho rằng hầu hết các thông điệp của Mễ Du đều mang tính xây dựng không ngụ ý tuyên bố rằng chúng có nguồn gốc siêu nhiên trực tiếp", một chỉ danh mà nó không còn đưa ra nữa.
Về các câu hỏi liên quan đến tính chân chính của một số sự kiện hoặc khía cạnh nhất định của trải nghiệm tâm linh liên quan đến Mễ Du, Bộ Giáo lý Đức tin cho biết các nhà chức trách giáo hội địa phương được mời "đánh giá cao giá trị mục vụ của đề xuất tâm linh này, và thậm chí thúc đẩy sự lan truyền của nó".
Tài liệu cho biết, mỗi giám mục giáo phận có quyền tự do đưa ra quyết định thận trọng của riêng mình liên quan đến các nhóm hoặc cá nhân "những người, bằng cách sử dụng sai hiện tượng tâm linh này, đã hành động theo cách sai lầm".
Bộ Giáo lý Đức tin cũng kêu gọi những người hành hương đến thăm Mễ Du "được khuyến cáo mạnh mẽ rằng các cuộc hành hương không phải để gặp gỡ những người được cho là có thị kiến mà là để gặp gỡ Đức Mẹ, Nữ Vương Hòa bình".
Phán quyết Mễ Du được xác định theo một bộ chuẩn mực mới do Bộ Giáo lý Đức tin ban hành vào tháng 5 để đánh giá tính chân chính của các lần hiện ra của Đức Mẹ Maria và các hiện tượng tâm linh khác. Thông báo chính thức của Vatican về việc chấp thuận các lần hiện ra ở Mễ Du vào thứ năm đã khép lại một trong những cuộc tranh luận lâu đời nhất gần đây của Giáo Hội Công Giáo. Những lần Đức Mẹ hiện ra ở Mễ Du được cho là bắt đầu vào tháng 6 năm 1981, và chúng thường được chia thành hai loại: "những lần đầu tiên", diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 3 tháng 7 năm đó, khi Đức Mẹ được cho là đã hiện ra hàng ngày với sáu thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10 đến 17 vào thời điểm đó, và những lần hiện ra sau đó mà một số người thị kiến ban đầu tuyên bố đã có, đôi khi là hàng ngày, kể từ năm 1989.
Mặc dù tất cả những lần được cho là hiện ra ban đầu đều diễn ra ở cùng một địa điểm, những người thị kiến tuyên bố vẫn nhận được thông điệp từ Đức Mẹ Đồng Trinh Maria nói rằng họ nhìn thấy Đức Mẹ vào những thời điểm và địa điểm ngẫu nhiên.
Năm 2010, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI đã thành lập một ủy ban do Hồng Y Camillo Ruini, người khi đó đã nghỉ hưu, đứng đầu với tư cách là Đại diện của Giáo hoàng tại Rome để nghiên cứu những lần được cho là hiện ra. Đức Hồng Y cũng từng là chủ tịch của hội đồng giám mục Ý đầy quyền lực. Ủy ban đã đệ trình báo cáo của mình, được gọi là "báo cáo Ruini", lên Đức Phanxicô vào năm 2014. Trước đó, Đức Phanxicô đã bày tỏ sự hoài nghi cá nhân của mình về những lần hiện ra được cho là đang diễn ra, nói với các nhà báo trên đường trở về Rome vào ngày 13 tháng 5 năm 2017, sau chuyến thăm kéo dài hai ngày tới Fatima, Bồ Đào Nha, rằng những lần hiện ra ban đầu cần phải được phân biệt với những lần hiện ra đang diễn ra. Năm 2017, Đức Phanxicô đã chỉ định Tổng giám mục người Ba Lan Henryk Hoser nghiên cứu về việc chăm sóc mục vụ dành cho cư dân thị trấn và những người hành hương đến thăm, với Vatican nhấn mạnh rằng vai trò của ngài không liên quan gì đến việc xác định tính chân chính của những lần hiện ra. Vào tháng 5 năm 2018, Hoser được cử làm "Vị kinh lý tông tòa" trong một thời gian không xác định đến giáo xứ Saint James ở Mễ Du, Bosnia-Herzegovina, do các tu sĩ Phanxicô điều hành. Một năm sau, vào tháng 5 năm 2019, Vatican đã cho phép hành hương đến địa điểm này, nhưng không bày tỏ ý kiến về tính xác thực của những lần được cho là hiện ra.
Tác giả bài viết: Vũ Văn An