www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
04:53 EDT Thứ tư, 24/04/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 89


Hôm nayHôm nay : 2858

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 561906

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 19708101

Trang nhất » Tin Tức » Đức Mẹ

Có một Bà Hoàng như thế

Thứ năm - 03/05/2018 19:33
Mẹ Maria

Mẹ Maria

Có một người phụ nữ rất nổi tiếng, không phải ở một giai đoạn nào, nhưng là qua mọi thời đại. Người phụ nữ, khi nhắc đến tên thì mọi người, từ xa xưa cho đến mãi về sau, ai cũng biết, ai cũng yêu mến và kính phục. Người phụ nữ ấy là một BÀ HOÀNG cao cả, vượt trên mọi bà hoàng của trần gian. Một Bà Hoàng cao cả như thế lại vô cùng khiêm nhu, hiền từ, dịu dàng, nhân lành, giàu đức bác ái, sẵn sàng giúp đỡ mọi người.

1. BÀ HOÀNG ẤY LÀ AI ?
 
 Tôi muốn nói đến Bà Hoàng nào, chắc bạn đã có thể đoán được! Đó chính là ĐỨC MARIA, người Mẹ tuyệt vời của Chúa Giêsu, và là người Mẹ hoàn mỹ của chúng ta.
 
 Mẹ là Bà Hoàng cao cả, vượt trên mọi bà hoàng, vì không phải như một người mẹ của ông vua trần thế nào. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.
 
 2. BÀ HOÀNG MARIA LÀ MỘT NGƯỜI KHIÊM HẠ
 
 Một Bà Hoàng sang trọng, quyền quý, cao cả, vinh quang như thế lại là một phụ nữ luôn luôn khiêm nhường, luôn luôn tự hạ.
 
 Câu chuyện Mẹ tự mình, nhanh chóng lên đường đi thăm và ở lại giúp đỡ suốt sáu tháng cuối cùng trong thời kỳ mang thai của người chị họ Isave, khi nghe tin người chị họ này mang thai ở tuổi 60, là bằng chứng cho thấy nhân đức khiêm hạ của Mẹ.
 
 Đàng khác, trước khi thăm chị mình, chính Mẹ đã thốt lên những lời rất khiêm nhường trong ngày nhận lời truyền tin từ thiên thần của Chúa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi theo như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38).
 
 3. BÀ HOÀNG MARIA LÀ NGƯỜI TIN MẠNH MẼ.
 
 Người phụ nữ lẽ ra rất đài các ấy, lại không yếu đuối, non nớt chút nào, nhưng rất mạnh mẽ trong tình yêu đối với Chúa, và vững một lòng vâng theo thánh ý Chúa, tuân phục Lời Chúa.
 
 Hình ảnh Bà Hoàng Maria dưới chân thánh giá là cả một tình yêu hiến dâng, tín thác. Cho đến lúc mà gương mặt của Chúa Giêsu, “Quả Phúc của lòng Bà” trở nên kinh khủng, không còn hình tượng người ta nữa, cho đến lúc mà người đời đã vùi dập Giêsu đến tan lòng nát cõi, Bà Hoàng vẫn tin rằng, người con yêu quý ấy cũng chính là Thiên Chúa của lòng mình.
 
 Thái độ chấp nhận và tin tưởng ấy được thánh Gioan tông đồ ghi lại chỉ với những lời rất ngắn, đơn sơ nhưng súc tích, hàm chứa tất cả nỗi lòng yêu thương, hiến dâng và vâng phục của Mẹ chúng ta: “Đứng gần thập giá Chúa Giêsu có Thân Mẫu Người” (Ga 19, 25).
 
 Tác giả Phương Anh đã diễn tả đức tin trung thành tuyệt đối của Đức Mẹ trong bài ca “Calvê mặt trời đã tắt”. Bài ca có lời như sau: “Khi mặt trời đồi Calvê đã tắt, muôn trăng sao khóc thương Ngài lìa đời. Khi Giêsu giang tay nhìn loài người. Khi Giêsu trút hết hơi thở vì yêu. Thì Mẹ Maria vẫn tin vững vàng đó là Thiên Chúa, Đấng Chí Tôn toàn năng. Thì Mẹ Maria vẫn tin vững vàng, đó là Thiên Chúa, Đấng Cứu tinh trần gian”.
 
 4. BÀ HOÀNG MARIA LÀ NGƯỜI NGHÈO KHÓ.
 
 Gương mặt của Đức Maria là gương mặt của một Bà Hoàng nổi bậc một cách tuyệt vời không phải nhờ lụa là, gấm vóc, tôi trai, tớ gái, hay sự cung phụng mà mọi người dành cho mình, nhưng là chấp nhận sự hè hạ, nghèo khó suốt đời của Mẹ.
 
 Biết mình là Mẹ Thiên Chúa, nhưng Đức Mẹ đã không đòi cho mình bất cứ một điều kiện nào. Mẹ chấp nhận sống nghèo, lao động vất vả, chìm khuất giữa một làng quê như mọi phụ nữ bình thường khác tại Nazaret.
 
 Bà Hoàng Maria cũng lại khác hẳn mọi bà hoàng của trần thế về lối sống, về sự suy nghĩ, về cách hành xử, về sự gần gũi với mọi người… Chẳng hạn, thánh Luca ghi nhận một chi tiết tuy nhỏ, nhưng đủ nói lên sự đáng yêu của Đức Maria. Đó là lần đến thăm người chị họ Isave, Mẹ đã cất lời chào trước tiên, thay vì đợi bà Isave chào trước: “Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Isave” (Lc 1, 40). Một chi tiết nhỏ thôi, đã làm sáng lên sự nghèo khó, khiêm nhu của Nữ Hoàng Maria.
 
 Chính vì thế, Mẹ khác hẳn mọi bà hoàng, xứng đáng là chúa của mọi bà hoàng. Hơn bất cứ một bài học quý giá nào, bên cạnh Chúa Giêsu, Bà Hoàng Maria là bài học cho mọi người nói chung, và cho tất cả các bà hoàng, ông vua, các người lãnh đạo… nói riêng, học đòi bắt chước.
 
 5. BÀ HOÀNG MARIA ĐƯỢC CHÚA YÊU MẾN.
 
 Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã nhìn thấy Đức Maria. Mẹ đã hiện diện ngay trong tình yêu của Người trước khi thành một con người. Nơi ý muốn của Thiên Chúa, Mẹ đã hiện diện từ khởi đầu của chương trình cứu độ, vì Mẹ đã được tiền định từ ngàn đời để làm Bà Hoàng, Mẹ của Con Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã cử Con mình đến trong thế gian. Nhưng để tạo một thân xác cho Người, Thiên Chúa đã muốn có sự tự do cộng tác của một thụ tạo. Với mục đích ấy, từ trước muôn đời, Thiên Chúa đã chọn một thiếu nữ Israel, một cô gái Do Thái, quê tại Nazaret xứ Galilê, ‘một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõ Đavit, trinh nữ ấy tên là Mria’ (Lc 1, 26-27) để làm mẹ của Con mình” (GLCG, số 488).
 
 Từ những trang khởi đầu của Thánh Kinh, Mẹ đã được vinh dự nhắc đến như một Bà Hoàng quyền uy, cộng tác xây dựng lại công cuộc cứu chuộc mà Nguyên tổ đã phá đổ: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi (kẻ chủ mưu của tội lỗi) và người đàn bà, giữa dòng dõi mi và dòng dõi người ấy. Dòng dõi đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15).
 
 Theo thời gian, ánh sáng của mạc khải càng tiệm tiến rõ nét, hình ảnh một Bà Hoàng của thời cứu chuộc cũng sáng dần lên và rõ nét hơn. Đó là một Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh con. Chính tiên tri Isaia đã gọi tên người con của Đức Trinh Nữ: “Này đây một Trinh Nữ sẽ mang thai, sinh con trai, và đặt tên là Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 7, 14; Mt 1, 23).
 
 Còn tiên tri Mikha nhấn mạnh đến quyền uy của Thiên Chúa nơi Người Con ấy: “Cho đến thời một Trinh Nữ sẽ sinh con. Bấy giờ những anh em sống sót của Người Con đó sẽ trở về với con cái Israel. Người sẽ dựa vào quyền lực Đức Chúa, Thiên Chúa của Người mà đứng lên chăn dắt họ” (Mk 5, 2-3).
 
 Uy quyền của Người Con ấy, làm cho Đức Maria thật xứng danh Bà Hoàng, vì vinh quang và thế giá của Người Con lớn bao nhiêu, danh dự của Người Mẹ được nâng lên bấy nhiêu. Vì thế, Công đồng Vatiacan II không quyên nhắc đến tình yêu của Thiên Chúa đã làm cho Nữ Hoàng Maria “trổi vượt trên các người khiêm hạ và khó nghèo của Chúa” (GH, số 55).
 
 Đến lúc khởi đầu của triều đại Tân Ước, nhận lấy lời chào hết sức kính phục, đầy nghĩa cử yêu thương của thiên thần: “Mừng vui lên, hỡi Đấng Đầy Ân Sủng, Đức Chúa ở cùng Bà” (Lc 1, 28), Đức Maria đã thật sự làm cho lịch sử cứu độ sang trang mới.
 
 Mẹ chính là Eva mới hiệp công với Con mình tiêu diệt sự chết, trao ban sự sống. Vì Nếu Eva là người phụ nữ đầu tiên bước vào dòng lịch sử của nhân loại, lại mang đến sự chết, thì Nữ Hoàng Maria, nhờ lòng Chúa yêu thương, lại là người phụ nữ đầu tiên bước vào dòng lịch sử mới, dòng lịch sử thấm đẫm tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, một tình yêu cứu độ làm cho sống. Nếu Eva đã buộc lại nút dây cứu độ bởi cứng lòng tin, thì Đức Trinh Nữ đã tháo cởi nhờ lòng tinh. Vì thế Đức Mẹ xứng đáng được gọi là “Mẹ kẻ sống” (GH, số 56).
 
 Ngoài những đặc ân: làm Mẹ Thiên Chúa, sinh con mà vẫn trinh tiết trọn đời, được trực tiếp cộng tác với Chúa Giêsu ban ơn cứu chuộc cho trần gian, Chúa còn yêu thương trao cho Đức Maria những đặc ân khác, quý giá không kém, đó là được gìn giữ nguyên tuyền từ khi thành thai trong lòng mẹ; được cất về trời hồn xác. Giờ đây, trong vinh quang của Thiên Chúa, Mẹ cũng được Chúa đặt làm Nữ Vương cả trời đất, làm trung gian giữa Chúa Kitô và loài người.
 
 Bà Hoàng Maria còn là tuyệt tác lộng lẫy của Chúa Thánh Thần. Chính Tin Mừng đã minh xác điều đó nhờ lời thiên thần: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1, 35). Thánh Thần đã thánh hóa cung lòng trinh khiết của Mẹ, làm cho Mẹ thụ thai Con hằng hữu của Chúa Cha, “trong một nhân tính bắt nguồn từ nhân tính của Mẹ” (GLCG 485).
 
 Lòng yêu thương của Thiên Chúa làm nên sự cao cả của Bà Hoàng Maria, khiến thánh Công đồng không tiếc lời ca ngợi: “Theo chương trình của Chúa quan phòng, trên trần gian Ngài đã trở nên mẹ cao trọng của Đấng Cứu Chuộc thần linh, và cách đặc biệt hơn mọi người khác, ngài là cộng sự viên quảng đại và tôi tá khiêm hạ của Chúa. Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Kitô, đã dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha trong đền thánh và cùng đau khổ với Con mình chết trên thập giá, Đức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Ngài thật là Mẹ chúng ta” (GH, số 61).
 
 6. BÀ HOÀNG MARIA LÀ NGƯỜI YÊU MẾN CHÚA.
 
 Là người thuộc về dân Cựu Ước, giữa bao nhiêu người đương thời đang trông chờ lời hứa cứu chuộc, Đức Maria nổi bậc về sự thánh thiện do lòng yêu mến Chúa.
 
 Bởi không thể có một người bình thường nào, lòng không hề mang hoài bão cứu chuộc, không hề hướng tâm hồn về tình yêu của Giavê Thiên Chúa, ngay một lúc, lại có thể hát lên lời ca khen Thiên Chúa tuyệt vời, chất chứa cả một dấu ấn nội tâm sâu xa của cả đời cầu nguyện, như Đức Maria thốt lên trước mặt người chị họ Isave của mình:
 
 “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, người đoái thương nhìn tới. Từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi có phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1. 46-55).
 
 Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần rất hay khi gọi bài ca Ngợi khen của Nữ Hoàng Maria là bài ca “Đức Mẹ dâng hoa kính Chúa” (Đgm Bùi Tuần - Đức Mẹ dâng hoa- báo Công giáo và dân tộc số 1456, ra ngày 7.5.2004).Vì đúng thật, tâm tình ngợi khen của Đức Maria, hơn mọi thứ hoa thơm hương thắm sắc, đó là những đóa hoa của lòng yêu mến, rất đẹp, Mẹ dâng lên Thiên Chúa của mình.
 
 Đúng thôi, vì đường đường là một Bà Hoàng, là Mẹ của Thiên Chúa làm người, phải có một lòng mến thẳm sâu như thế, Đức Maria mới có thể bình an đón nhận nỗi nghèo hèn quá mức của đêm Giáng sinh. Lòng yêu mến ấy đã đưa Mẹ đến sự chấp nhận một lối sống thầm lặng, ẩn vật, chìm khuất trong gia đình Nagiaret. “Trong thời gian Chúa truyền đạo”, nhờ lòng yêu mến, “Mẹ Maria đã đón nhận lời của Con mình” (GH, số 58).
 
 Lòng yêu mến ấy càng tỏ rõ cách lớn lao và quyết liệt khi Mẹ chấp nhận thánh ý Chúa, đứng bên thập giá, cùng “đau đớn chịu khổ cực với Con một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra” (GH, số 58).
 
 Trong Tông thư kinh Mân Côi, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhắc lại lòng mến Chúa của Đức Maria bằng một lối nói hình ảnh và cụ thể rất đáng yêu: Mẹ chiêm ngưỡng dung nhan của Con một mình. “Không ai đã say sưa chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô một cách trung thành như Đức Maria” (Rosarium Virginis Mariae, số 10).
 
 Sự chiêm ngưỡng của Mẹ hướng về Người ngay từ lúc truyền tin, khi cưu mang Người nhờ Chúa Thánh Thần, hạ sinh Người tại Bêlem, tìm Người thất lạc trong đền thánh. Cái nhìn chiêm ngưỡng của Mẹ như xuyên thấu, như hiểu rõ tâm tư của Người như tại tiệc cưới Cana. Hoặc cái nhìn chiêm ngưỡng trong đau buồn khi Mẹ chứng kiến cuộc khổ nạn và cái chết của Người. Trong niềm tin phục sinh, cái nhìn chiêm ngưỡng của Mẹ tỏ rạng niềm vui phục sinh. Cuối cùng, cái nhìn rực cháy vì được tràn đầy Thánh Thần trong ngày lễ Hiện Xuống (Rosarium Virginis Mariae, số 10).
 
 Tình yêu đối với Thiên Chúa của Mẹ Maria là một tình yêu tín thác trọn vẹn để sống trọng lời thưa “xin vâng” bằng cả một đời vâng phục thẳm sâu. Tình yêu ấy phải là kiểu mẫu và là bài học cho cả một đời theo Chúa của chúng ta.
 
 7. BÀ HOÀNG MARIA LÀ NGƯỜI CHAN CHỨA TÌNH YÊU CON NGƯỜI.
 
 Cao cả là thế, nhưng Bà Hoàng Maria cũng lại rất tinh tế, hiểu biết, nhạy cảm trước những nhu cầu của mọi người xung quanh.
 
 Chính lòng yêu thương đã thúc bách Đức Maria lên đường đi thăm bà Isave (Lc 1, 39-45). Mẹ đến để chia vui với niềm vui trọng đại của gia đình người chị họ, vì giờ đây gia đình này được Chúa thương ban cho một người con. Nhưng Đức Maria đã không chỉ đến thăm chị như một sự xã giao, mà còn ở lại để giúp đỡ chị của mình cho tới khi người chị sanh nỡ vuông tròn.
 
 Tin Mừng theo thánh Gioan kể rằng, nhờ lời tiến cử của Bà Hoàng Maria mà Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên hoá nước thành rượu hảo hạn, giúp đỡ cho một đám cưới tại làng Cana, vì đám cưới này đang giữa chừng tiệc thì hết rượu (Ga 2, 1-12).
 
 Nhưng đâu chỉ có Thánh Kinh mới ghi nhận nét đẹp của tình yêu mà Nữ Hoàng Maria dành cho con người. Lịch sử Giáo Hội đã nhiều lần ghi lại một cách đậm nét tình yêu ấy qua những cuộc hiện ra của Đức Mẹ. Nhất là những lần Mẹ viếng thăm thế giới, viếng thăm đoàn con của mình trong cơn sóng gió, loạn lạc.
 
 Chẳng hạn tại Việt Nam, năm 1798, thời vua Cảnh Thịnh bắt đạo dữ dội, Đức Maria đã hiện ra tại La-vang để an ủi đoàn con đất Việt. Sự viếng thăm ân cần, yêu thương nâng đỡ của Mẹ trong cơn nguy khốn như tăng thêm sức mạnh, đốt thêm lửa mến, giúp đoàn con can trường vượt qua thử thách.
 
 Hoặc nhiều lần Đức Mẹ hiện ra với thánh nữ Bernadette Soubirous, năm 1858 tại Lộ Đức, thuộc miền nam nước Pháp. Cho tới nay, dù đã qua một thế kỷ rưởi, hang đá Lộ Đức vẫn là nơi thu hút đông đảo khách hành hương. Rất nhiều người đến đây đã nhận được lòng yêu thương của Mẹ. Bởi đó, cũng chính tại Lộ Đức, phép lạ vẫn cứ tiếp tục được thực hiện, nhờ lời cầu bàu của Đức Maria dành cho đoàn con của mình.
 
 Đặc biệt năm 1917, đang lúc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), bước vào giai đoạn khốc liệt. Những cuộc tàn phá, đau khổ, chết chóc diễn ra khắp nơi. Tại Phatima, Bồ Đào Nha, Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra với ba em bé chăn chiên: Lucia, Phanxicô, Giaxinta, và an ủi thế giới khi báo trước cuộc chiến tranh tương tàn sắp kết thúc.
 
 Cũng giống như Lộ Đức, kể từ đó, Phatima trở thành trung tâm cầu nguyện nổi tiếng cả thế giới. Biết bao nhiêu người đã nhận được ơn nhiệm lạ từ tay Bà Hoàng Maria khi thành tâm, tin tưởng khẩn cầu Mẹ Thiên Chúa.
 
 Một Bà Hoàng với một tấm lòng nhân hậu, một tâm hồn bác ái tuyệt vời! Bởi vậy, bên cạnh tình yêu của Thiên Chúa, và của Chúa Giêsu, tình yêu của Đức Maria trở nên kiểu mẫu, và ánh sáng soi rọi cho tình yêu của ta với đồng loại quanh mình.
 
 8. KẾT LUẬN
 
 Nhìn ngắm vẻ đẹp của Nữ Vương Maria bao nhiêu, ta cần phải cám ơn Chúa Giêsu bấy nhiêu, vì Chúa đã ban cho ta một quà tặng xứng đáng, đã được chuẩn bị, nhờ ơn Thiên Chúa, quá kỹ lưỡng, đến mức sang trọng và lộng lẫy.
 
 Nhưng điều đã làm cho chính bản thân Đức Maria trở nên món quà sang trọng, lộng lẫy của thế giới là nhờ sự thánh thiện vô song của Mẹ. Sự thánh thiện ấy, Mẹ đã nắn đúc cả một đời của mình. Thời gian của cuộc sống càng dài, sự thánh thiện ấy càng phát triển và lớn lên không ngừng.
 
 Đức Maria sẽ rất vui lòng khi chúng ta nỗ lực vươn lên sống thánh thiện như Mẹ, để chiếm lấy tình yêu của Chúa như Mẹ. Nhưng để được sống thánh thiện, và được Chúa yêu thương, ta hãy tập sống các nhân đức mà Mẹ đã sống. Đức Mẹ có nhiều nhân đức. Một vài nhân đức mà chúng ta vừa kể, đó là: lòng khiêm hạ, đức tin mạnh mẽ, sống nhèo khó, yêu mến Chúa và yêu thương con người, giúp ta từng bước, từng bước một hoàn hảo cuộc đời mình. Vì chính khi học đòi gương nhân đức của Nữ Hoàng Maria, là lúc chúng ta sống Lời Chúa dạy: “Các con hãy thánh thiện như Cha các con trên trời là Đấng thánh thiện” (Mt 6, 48).
 
 Các nhân đức ấy chính là bông hoa của tâm hồn, rất cần thiết để được Chúa chọn đưa vào vườn hoa thiên đàng, nơi mà Mẹ Maria, và lớp lớp những người thánh thiện luôn dâng lên Thiên Chúa những đóa hoa tươi thắm. Đó là những bông hoa mà khi sống trên cõi trần, các ngài đã dày công tập luyện, giờ đây đã hóa nên vĩnh cửu.
 
 Cũng giống như Bà Hoàng Maria, nếu cuộc sống của chúng ta là một cuộc sống thánh, sự thánh thiện ấy chắc chắn sẽ chiếu tỏa và ảnh hưởng trên mọi anh chị em quanh mình. Có như thế, ta mới trở thành quà tặng cho anh chị em, như chính Mẹ là tặng phẩm huy hoàng của ta.
 
 Nếu Mẹ rất vui lòng nhìn thấy ta vươn lên trong ơn thánh, chắc chắn niềm vui ấy càng lớn hơn nhiều khi sự thánh thiện của ta, tiếp nối vẻ đẹp trong sự thánh thiện của Mẹ, ban tặng trần gian. Vì chỉ có tâm hồn thánh thiện mới là quà tặng quý giá mà thôi. 

Tác giả bài viết: Lm. Vũ Xuân Hạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Liên hệ

Tinvuiviet.net kính chào Quý vị và các bạn. Chúng tôi luôn mong nhận được bài vở cộng tác của mọi người. Xin cám ơn.   Liên hệ: Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: bbttinvui@gmail.com. Chân thành cảm ơn Quý vị và các bạn đã ghé thăm site. Kính chúc Quý vị và các...

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Trong Mùa Chay bạn làm gì để tỏ lòng sám hối ?

Ăn chay. Hãm mình.

Bác ái, chia sẻ.

Hoán cải đời sống, đi xưng tội.

Năng tham dự thánh lễ.

Cầu nguyện nhiều hơn.