www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
02:55 EDT Thứ bảy, 20/04/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 73

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 71


Hôm nayHôm nay : 1693

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 493286

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 19639481

Trang nhất » Tin Tức » Đức Mẹ

Suy niệm và yêu mến Mẹ Maria

Thứ năm - 26/02/2015 20:07
Mẹ Maria

Mẹ Maria

Chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa chẳng những bằng việc siêng năng đọc Thánh Kinh, cũng như bằng việc nhận ra các dấu chỉ thời đại Thiên Chúa tác động nơi cuộc đời của chúng ta, mà còn bằng việc chiêm ngưỡng Chúa Giêsu là dung nhan Thiên Chúa của loài người và là dung nhan loài người của Thiên Chúa, nhờ đó, chúng ta mới ý thức được, cảm nghiệm được đâu là Ý Chúa để mau mắn đáp ứng Ý của Ngài hay tuân giữ Lời Ngài, Lời hằng sống, Lời biến đổi chúng ta và làm cho chúng ta được Hiệp Thông Thần Linh với Ngài.

Hai vấn đề đã được đặt ra cần giải quyết ở đây đó là việc: làm sao để có thể suy niệm với Mẹ Maria? (1) và làm sao để có thể dễ dàng yêu mến Mẹ Maria? (2)
 
 
1) Làm sao để có thể suy niệm với Mẹ Maria? 
 
Trước hết, chúng ta nên phân biệt giữa "suy niệm" và "cảm nghiệm". Nếu việc suy niệm liên quan đến trí khôn thì cảm nghiệm liên quan đến lòng muốn.
 
Trong việc suy niệm, chúng ta dùng trí khôn để suy nghĩ một đề tài hay một vấn đề nào đó chưa hiểu và cần hiểu. Cảm nghiệm là chúng ta thâm tín, xác tín và ý thức một thực tại nào đó, một vấn đề nào đó mà không cần suy nghĩ hay suy niệm nữa.
 
Có thể so sánh giữa việc suy niệm và cảm nghiệm như thế này: suy niệm giống như bộ tiêu hóa tiếp nhận đồ ăn, còn cảm nghiệm giống như bộ tuần hoàn châu lưu máu huyết trong cơ thể. Đồ ăn giống như những cảm xúc hay nhận định ban đầu được con người tiếp thu qua ngoại quan (mắt thấy, tai nghe v.v.) và nội quan (trí nhớ, trí tưởng v.v.), cần phải được nhai nuốt và tiêu hóa bằng những tác động của trí khôn là lập luận và phán đoán. Máu huyết giống như những thâm tín, xác tín, ý thức, những gì trước đó chỉ là cảm xúc hay nhận định sơ khởi, nay đã được biến đổi (từ dạng hữu cơ ra vô cơ) thành cảm nghiệm, thành sức sống cho toàn thân.
 
Đó là lý do con người nào máu huyết đầy đủ (không bị thiếu máu) và tốt (không bị máu xấu), là con người ít bệnh tận, da thịt hồng hào và sung sức làm việc v.v. Cũng thế, về phương diện tâm linh, một con người khôn ngoan, tức đầy những ý thức về mình cũng như về cuộc đời, họ sẽ sống một cuộc đời thật là hạnh phúc, bằng an, nhẫn nại, phục vụ, hy sinh v.v.
 
Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng, chưa chắn các triết gia đã là thành phần khôn ngoan, vì cho dù họ có lắm ý nghĩ cao siêu về sự vật chăng nữa, nhưng thực tế cho thấy, rất nhiều thần học gia, triết gia, tư tưởng gia v.v. là những con người rối đạo, là những con người tung ra những chủ nghĩa hay lý thuyết phản luân thường đạo lý, phi nhân bản v.v.
 
Đó là lý do vấn đề được đặt ra ở đây là làm sao để chúng ta có thể mỗi ngày một trở nên khôn ngoan sáng suốt hơn. Theo tôi, cách thức hay nhất đó là suy niệm với Mẹ Maria, đúng hơn, suy niệm như Mẹ Maria và nhờ Mẹ Maria. Bởi vì, không ai hiểu biết Thiên Chúa như Mẹ, dù là các thần trời đi nữa! Thế nhưng, Mẹ Maria đã suy niệm ra sao và như thế nào?
 
Theo Phúc Âm cho thấy thì Mẹ Maria đã suy niệm liên lỉ và bằng đức tin. Mẹ suy niệm liên lỉ ở chỗ Mẹ luôn tỉnh thức để nhận ra những gì Chúa muốn tỏ ra cho Mẹ để kịp thời đáp ứng, dù có lúc Mẹ không hiểu gì, vượt quá trí khôn loài người hạn hẹp của Mẹ. Chẳng hạn như lần thần sứ Gabriel truyền tin Lời Nhập Thể cho Mẹ, một người trinh nữ "không hế biết đến nam nhân", một người lại được Thiên Chúa chọn để làm Mẹ Lời Nhập Thể. Điển hình nữa là trường hợp Mẹ tìm thấy thiếu nhi Giêsu Con Mẹ trong đền thánh sau 3 ngày thất lạc, Mẹ đã chẳng hiểu lời Con Mẹ nói gì cả(xem Phúc Âm Thánh Luca 2:51).
 
Đến đây chúng ta thấy Mẹ Maria đã tiến từ việc suy niệm (bằng trí khôn, vì trí khôn không hiểu được mầu nhiệm Thiên Chúa Thần Linh), đến việc cảm nghiệm bằng lòng muốn, bằng đức tin, bằng ý thức siêu nhiên, nhờ đó, Mẹ liên lỉ được sống trong Chúa, kết hiệp với Chúa!
 
Đó là lý do Mẹ Maria luôn được đầy ơn phúc, tức là lúc nào Mẹ cũng sống đẹp lòng Chúa mọi đàng như Chúa Giêsu Con Mẹ đối với Cha của Người, không bao giờ Mẹ làm vơi đi một mảy may nào ơn phúc Ngài đã ban cho Mẹ, tức Mẹ không hề làm mất lòng Ngài tí nào.
 
Đó còn là lý do Chúa Giêsu đã cố ý nói về tinh thần "Xin Vâng" đầy ơn phúc này của Mẹ, khi nghe một người đàn bà khen Mẹ có phúc về thể lý vì đã cưu mang Người và cho Người bú, đó là một tinh thần Mẹ luôn tỉnh thức và cầu nguyện (đáp ứng đức tin), ở chỗ: "lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa" (Phúc Âm Luca 11:28).
 
Vậy chúng ta hãy suy niệm với Mẹ Maria và nhờ Mẹ Maria, bằng cách hãy "lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa" như Mẹ. Chính Mẹ Maria cũng đã dạy chúng ta tất cả bí quyết sống nội tâm với Chúa của Mẹ, đó là "lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa", như chính lời Mẹ đã căn dặn thành phần giúp tiệc cưới Cana rằng: "Người bảo làm gì hãy làm như thế" (Phúc Âm Gioan 2:5).
 
Chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa chẳng những bằng việc siêng năng đọc Thánh Kinh, cũng như bằng việc nhận ra các dấu chỉ thời đại Thiên Chúa tác động nơi cuộc đời của chúng ta, mà còn bằng việc chiêm ngưỡng Chúa Giêsu là dung nhan Thiên Chúa của loài người và là dung nhan loài người của Thiên Chúa, nhờ đó, chúng ta mới ý thức được, cảm nghiệm được đâu là Ý Chúa để mau mắn đáp ứng Ý của Ngài hay tuân giữ Lời Ngài, Lời hằng sống, Lời biến đổi chúng ta và làm cho chúng ta được Hiệp Thông Thần Linh với Ngài.
 
 
2) Làm sao để có thể dễ dàng yêu mến Mẹ Maria?
 
Vấn đề thứ hai liên quan tới vấn đề thứ nhất trên đây. Sở dĩ chúng ta cảm thấy khó yêu mến Mẹ chứ không dễ ẹt là vì có thể chúng ta còn đang ở trong trình trạng hay trình độ "suy niệm" về Mẹ bằng trí khôn (Mẹ là ai? Mẹ như thế nào? Tại sao Mẹ được vô nhiễm nguyên tội? Được làm Mẹ Thiên Chúa? Làm sao Mẹ có thể vừa đồng trinh vừa sinh con? v.v.), chứ chưa "cảm nghiệm" được Mẹ bằng cả tấm lòng của chúng ta, bằng đức tin của Giáo Hội!
 
Chúng ta nên biết rằng, Mẹ Maria chính là tấm lòng từ mẫu của Cha trên trời. Chính vì Thiên Chúa là Thần Linh biết rằng chúng ta là loài tạo vật hữu hình và hữu hạn không thể tự mình đến với Ngài được mà Ngài đã chẳng những tự hạ đến với chúng ta qua Lời Nhập Thể Giáng Sinh và Vượt Qua, mà Ngài còn ban cho chúng ta một phương thế để nhờ đó chúng ta có thể đến với Ngài một cách hữu hiệu và mau chóng nữa, đó là Mẹ Maria.
 
Nếu Chúa Giêsu là tình yêu say điên của Thiên Chúa đối với nhân loại thì Mẹ Maria là tình thương vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại. Đó là lý do chúng ta thấy Thánh Tâm Chúa, (biểu hiệu cho Tình Yêu Thiên Chúa), và Khiết Tâm Mẹ, (biểu hiệu cho Tình Thương của Thiên Chúa), bao giờ cũng đi đôi với nhau.
 
Một tình yêu không biết xót thương không phải là một tình yêu trọn lành và cao cả. Chính vì thế, "Thiên Chúa là Tình Yêu" (1John 4:8,16) tức Thiên Chúa là Tình Yêu Nhân Hậu, một Tình Yêu Nhận Hậu, tức vừa yêu vừa thương, hay cả yêu lẫn thương, được tỏ hiện nơi Chúa Giêsu Kitô và Mẹ Maria. Đó là lý do, như trên cảm nhận, "chúng ta thấy Thánh Tâm Chúa, (biểu hiệu cho Tình Yêu Thiên Chúa), và Khiết Tâm Mẹ, (biểu hiệu cho Tình Thương của Thiên Chúa), bao giờ cũng đi đôi với nhau".
 
Theo ý nghĩa Tình Yêu Nhân hậu, hay Tình Yêu Trọn Hảo bao gồm cả Tình Thương, thì trong dụ ngôn người con phung phá, dù Phúc Âm Thánh Luca không hề nói tới người mẹ, nhưng chính tình thương vô biên của người cha đó là những gì bộc lộ cho thấy hình ảnh người mẹ vậy. Nếu người cha trong dụ ngôn này biểu hiệu cho "Cha trên trời là Đấng trọn lành" (Mathêu 5:48), thì tình thương vô biên của người cha trong dụ ngôn này là biểu hiệu cho Mẹ Maria. Đó là lý do trên đây đã định nghĩa "Mẹ Maria chính là tấm lòng từ mẫu của Cha trên trời".
 
Bởi theo cảm nghiệm tự nhiên và tâm lý chung thì người cha hiện thân cho những gì là công minh, chính trực, nghiêm thẳng (oai hùng và cao cả "như núi Thái Sơn"), và người mẹ là hiện thân cho tình thương, cảm thông, tha thứ, chiều chuộng, rộng lượng ("bao la như biển Thái Bình").
 
Trái Tim Mẹ Maria hay lòng của Mẹ thực sự đã bị gươm sắc đâm thâu (Luca 2:35) bởi Con Mẹ trở thành cớ chống đối cho nhiều người trong dân Do Thái bấy giờ, đặc biệt khi Người Con này tử nạn, nhất là sau khi Người Con này chết rồi mà vẫn còn bị đâm vào lồng ngực.
 
Thật thế, khi Kitô hữu chúng ta sống theo xác thịt (tham ăn, dâm dục, lười biếng v.v.) chẳng khác gì như chúng ta đánh đòn Chúa; khi chúng ta kiêu căng tự ái, tham quyền cố vị, ham danh nổi tiếng v.v. chẳng khác gì như chúng ta đội mạo gai cho Chúa, nhổ vào mặt Chúa; khi chúng ta bất nhẫn, bất mãn, nổi loạn, hận thù, giận dữ theo bản năng thú tính của chúng ta chẳng khác nào như chúng ta bắt Chúa phải vác thập giá; nhất là khi chúng ta phạm tội trọng thì thực sự là chúng ta đã ra tay đóng đanh sát hại Chúa.
 
Thế nhưng, sau khi đã phạm tội trọng rồi, đã giết chết Thiên Chúa của mình rồi, nếu chúng ta lại còn mất tin tưởng vào lòng thương xót vô cùng bao la bật tận của Người, không tin rằng Người vẫn có thể tha cho chúng ta, thì chúng ta quả thực đã lấy đòng đâm vào cạnh sườn của Người, đâm vào chính tình thương của một Vị Thiên Chúa là Tình Yêu Nhân Hậu.
 
Sau khi chết rồi, Chúa Giêsu không còn cảm thấy đau đớn nữa, khi bị đâm vào cạnh sườn như thế. Nhưng, Trái Tim Mẹ Maria vẫn còn đó, vẫn đứng đó dưới chân thập giá Chúa Giêsu, đã cảm thấy vô cùng nhức nhối. Nếu "Mẹ Maria là tình thương vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại", thì khi Chúa Giêsu bị đâm vào cạnh sườn sau khi chết trên cây thập giá, Thiên Chúa, qua tấm lòng bị gươm sắc đâm thâu của Mẹ Maria, vẫn cảm thấy vô cùng nhức nhối xót xa.
 
Tuy nhiên, chính khi Tình Thương Thiên Chúa cảm thấy nhức nhối như vậy, vì bị xúc phạm bởi con người không tin tưởng vào lòng thương xót vô cùng bao la bất tận của Ngài như thế, mà con người mới thấy được, qua máu và nước chảy ra từ cạnh sườn của Chúa Kitô tử giá, Thiên Chúa thực sự là Tình Yêu Nhân Hậu: "máu" là biểu hiệu cho Tình Yêu thông ban sự sống, cho mối hiệp thông thần linh, cho Bí Tích Thánh Tẩy và Bí Tích Thánh Thể, cho gia tài người cha chia cho người con; và "nước" là biểu hiệu Tình Thương tái sinh, cho việc thanh tẩy, cho Bí Tích Hòa Giải, cho biến cố hồi sinh của người con phung phá trở về.
 
Kinh nghiệm sống đạo cho thấy, đến với Chúa, điển hình như qua việc Rước Thánh Thể, không phải là chuyện dễ, nếu không sạch tội trọng. Tuy nhiên, cho dù đến với Chúa qua Bí Tích Hóa Giải để được tha tội đi nữa, con người lại càng ngần ngại hơn bao giờ hết, vì đã xưng tội thì phải ăn năn dốc lòng chừa, không bao giờ dám tái phạm nữa, tức phải xa lánh dịp tội, phải bỏ không được chung sống vợ chồng bất hợp pháp nữa chẳng hạn v.v. Đó là lý do chúng ta cần phải đến với Lòng Thương Xót Chúa, tức đến với Mẹ Maria, để nhờ Mẹ đến với Chúa, nhất là bằng việc cầu Kinh Mân Côi: "Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen".
 
Chẳng lẽ đọc một Kinh Kính Mừng như thế với tất cả lòng thành của mình để được cứu rỗi nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria như thế mà chúng ta cũng không làm được hay sao? Yêu mến Mẹ Maria dễ ẹt là ở chỗ ấy. Chính vì thế mà gần hai ngàn năm lịch sử Giáo Hội, vào thời điểm con người tỏ ra tội lỗi chưa từng thấy và tỏ ra yếu đuối hơn bao giờ hết (dù văn minh và quyền năng hầu như tột bậc về khoa học và kỹ thuật), Thiên Chúa mới ban cho con người một phương thế cuối cùng để đến với Ngài, đó là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.
 
Việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria là một trong ba Bí Mật Fatima được Mẹ Maria tỏ cho 3 Thiếu Nhi Fatima Lucia, Phanxicô và Giaxinta biết vào ngày 13/7/1917. Chính Mẹ Maria đã quả quyết điều này khi tiết lộ cho 3 em rằng: "Các con vừa thấy hỏa ngục. Để cứu các linh hồn cho khỏi sa hỏa ngục, Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới. Nếu điều Mẹ nói với các con này được thực hiện thì thế giới sẽ có hòa bình và nhiều linh hồn được cứu rỗi".
 
Mà việc tôn sùng Mẹ Maria ở đây là gì, nếu không phải là "nhận biết và yêu mến Mẹ", và một trong những cách để tỏ ra tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, để để tỏ ra "nhận biết và yêu mến" Mẹ đây chính là việc Cầu Kinh Mân Côi hằng ngày (pray Rosary daily) như Mẹ Maria cũng đã kêu gọi các em từng lần trong cả 6 lần hiện ra với các em ở Fatima năm 1917. 
 
Cầu Kinh Mân Côi thực sự là việc chúng ta tỏ ra nhận biết và yêu mến Mẹ, hay nhận biết và đáp ứng Tình Thương Vô Biên của Thiên Chúa mà Mẹ là hiện thân, khi chúng ta đọc "Kính mừng Maria đầy ơn phúc...Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời" (nhận biết) "cầu cho chúng con là kẻ có tội..." (tin yêu nguyện cầu).
 
Tóm lại, nếu chúng ta cảm nghiệm thấy thực sự Mẹ Maria là phương tiện Thiên Chúa muốn dùng để dẫn con người hèn yếu chúng ta đến với Ngài, như chính Ngài đã qua Mẹ đến với chúng ta thế nào, thì chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận Mẹ, cần đến Mẹ và gắn bó với Mẹ vậy. Amen.

Tác giả bài viết: Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Liên hệ

Tinvuiviet.net kính chào Quý vị và các bạn. Chúng tôi luôn mong nhận được bài vở cộng tác của mọi người. Xin cám ơn.   Liên hệ: Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: bbttinvui@gmail.com. Chân thành cảm ơn Quý vị và các bạn đã ghé thăm site. Kính chúc Quý vị và các...

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Chúng ta nên làm gì để nhiều người biết Thiên Chúa hơn ?

Cầu nguyện.

Đi lễ.

Sống bác ái.

Loan báo Tin Mừng.

Chu toàn nhiệm vụ hằng ngày.