www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
17:40 EST Thứ bảy, 14/12/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 52

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 51


Hôm nayHôm nay : 11915

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 253667

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 25046509

Trang nhất » Tin Tức » Đức Mẹ

Tháng Mân Côi: Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ

Thứ sáu - 23/10/2015 17:07
Lần chuỗi

Lần chuỗi

Tháng 10 được gọi là tháng Mân Côi. Tháng này, con cái Đức Mẹ hướng lòng mình về Đức Mẹ một cách đặc biệt. Đặc biệt có nghĩa là yêu mến Đức Mẹ hơn, dâng lên Đức Mẹ nhiều đoá hoa mân côi hơn, thực thi những điều Đức Mẹ dạy một cách nhiệt tình hơn.

Riêng tháng 10 năm nay, tôi suy nghĩ nhiều hơn đến biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima Lòng trí tôi nhớ lại những gì Đức Mẹ đã dạy và đã làm ngày 13 tháng 10 năm 1917. Đúng là có sự gì đáng ta phải sợ. Đúng là có sự gì đó thực sự khiến ta phải cầu xin để được cứu thoát.

Vì thế, tôi chọn cho tháng 10 năm nay của tôi một chủ đề gợi ý. Chủ đề đó là: "Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ". Câu này là câu cuối của kinh Lạy Cha. Tôi thấy câu này là lời cầu rất hợp với ý Đức Mẹ trong lần Người hiện ra lần cuối ở Fatima.

Tôi xin phép được chia sẻ chọn lựa của tôi. Tôi sẽ đề cập đến ba điểm sau đây:

  • 1. Khi cầu xin Chúa cứu chúng ta khỏi mọi sự dữ, thì sự dữ nói chung được hiểu thế nào?
  • 2. Ta xin Chúa cứu ta khỏi những sự dữ nào cách riêng?
  • 3. Ta phải cộng tác thế nào vào lời cầu xin Chúa cứu ta khỏi sự dữ?

1/ Sự dữ nói chung được hiểu thế nào?

Nói chung, thế giới sự dữ rất mênh mông. Thí dụ:

a) Sự dữ trong lãnh vực vật chất, như: Đói nghèo, bệnh tật, các thiên tai, các thứ ô nhiễm môi trường, các tai nạn, các thứ chiến tranh.

b) Sự dữ trong lãnh vực chân lý, như: Những sai lầm trong việc tiếp thu thông tin, trong cái nhìn, trong phán đoán, trong lượng giá, trong phản ứng. Có những sai lầm thuộc trách nhiệm cá nhân. Có những sai lầm thuộc trách nhiệm một tập thể, một nhóm, một cộng đoàn. Có những sai lầm thuộc trách nhiệm cả một bộ máy chính sách và chủ trương.

c) Sự dữ trong lãnh vực luân lý, như: Hình thức đúng là đạo đức thì lại coi là không đạo đức. Việc đúng là tội thì lại coi là không có tội. Tình hình hiện nay đang có khuynh hướng bình thường hoá tội lỗi là một sự dữ rất nguy hiểm.

d) Sự dữ trong lãnh vực tín lý, như: Điều phải tin thì lại nghi ngờ. Điều mê tín thì lại tìm đến. Hiện tượng tin Lời Chúa một cách hời hợt như đang xảy ra ở nhiều nơi là một sự dữ rất đáng báo động.

e) Sự dữ trong lãnh vực quỷ dữ, như: Coi thường thế giới quỷ đang rất phổ biến. Thế giới đen tối của quỷ là một hiện hữu có thực ở gần ta. Kinh Thánh cảnh báo ta điều đó. Nhưng chúng ta nhiều khi không tỉnh thức, lại còn sống thoả hiệp với chúng.

f) Sự dữ trong lãnh vực áp lực, như: Có những áp lực đến từ bên ngoài làm ta khó giữ được tự chủ. Có những áp lực tiềm ẩn từ bên trong ta khiến ta khó sống khách quan và thanh thản.

Thoáng nhìn những sự dữ kể trên, chúng ta thấy con người của ta thường xuyên có nguy cơ bị các sự dữ tấn công. Thoát khỏi chúng là chuyện không dễ. Vì thế, ta vừa làm hết sức để cứu mình, vừa cầu xin Chúa cứu ta.

Trong các sự dữ, có một số rất đáng sợ, ta phải xin Chúa cứu ta cách riêng.

2/ Mấy sự dữ ta cầu xin Chúa một cách đặc biệt để thoát khỏi

Tôi thấy có ba sự dữ này:

a) Không thực thi thánh ý Chúa.

Phúc Âm cho thấy: Suốt đời trên trần thế, Chúa Giêsu chỉ quan tâm đến việc thực thi thánh ý Chúa Cha. "Lương thực của Thầy là làm theo ý Chúa Cha" (Ga 4,34). Ở vườn cây Dầu, khi tình hình trở nên bi đát, Chúa Giêsu đã cầu nguyện: "Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin Cha cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, nhưng xin theo ý Cha mà thôi" (Lc 22,41).

Biết được thánh ý Chúa và thực thi thánh ý Chúa là chuyện không dễ. Nhưng đó lại là chuyện cực kỳ quan trọng. Chúa Giêsu quả quyết: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi" (Mt 7,21).

Làm theo thánh ý Chúa là định hướng đầu tiên của tu đức. Không phải định hướng một lần, mà cả suốt đời. Lời Chúa và Chúa Thánh Thần sẽ soi dẫn trên thực tế. Tình hình từng lúc từng nơi, tuỳ theo từng người sẽ sáng lên thánh ý Người. Nếu không khiêm tốn đón nhận, ta sẽ đi vào những sai lầm: Đó là một sự dữ khủng khiếp.

b) Mất sự sống ân sủng của Chúa và mất linh hồn.

"Vì nếu người ta được cả thế giới, mà phải thiệt mất mạng sống mình, thì nào có lợi gì?" (Mt 16,26). Lời Chúa phán trên đây thực là dứt khoát, thực là đáng sợ. Mất mạng sống mình, tức là mất sự sống ân sủng của Chúa và mất linh hồn, đó là một sự dữ không gì ví được.

c) Phải phạt đời đời trong hoả ngục.

Có hoả ngục và có những người bị ném xuống đó, đây là một cảnh báo được Chúa nói nhiều lần trong Phúc Âm. Xin đọc lại dụ ngôn ông ăn mày Ladarô và nhà phú hộ (x. Lc 16,19-31). Cũng nên đọc thêm những lời Chúa phán về cuộc phán xét chung (x. Mt 25,31-45).

Ở Fatima, Đức Mẹ cũng đã cho ba trẻ nhìn thấy cảnh hoả ngục và những ai bị phạt trong đó. Thực là rùng rợn.

Chỉ trong hồi tâm, và tin vào lời Chúa và tin sự cảnh báo của Đức Mẹ, chúng ta mới thấy thấm thía: Sự không thực thi ý Chúa, sự mất đời sống ân sủng và mất linh hồn, sự sa hoả ngục là những sự dữ ghê gớm. Ta phải xin Chúa cứu thoát ta. Ta phải cầu nguyện, và cũng phải cộng tác vào lời cầu nguyện: "Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ".

3/ Cộng tác vào lời cầu nguyện "Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ"

Phải cộng tác ít ra bằng những việc này:

a) Khiêm nhường và biết sợ.

Tu đức thường khuyên chúng ta nên luôn có thái độ khiêm tốn, nhận mình yếu đuối, hèn mọn. Khả năng sai lầm nơi ta là rất lớn. Thái độ kiêu căng, cố chấp nơi ta không hoàn toàn dễ khống chế. Lịch sử cho ta thấy có những liều lĩnh tự đắc đã đưa tới một chuỗi dài tai hoạ rất đáng tiếc.

b) Đền tạ về những gì đã và đang sai phạm.

Đền tạ bằng những việc hy sinh, phục vụ, yêu thương trong phạm vi Chúa đòi hỏi. Hiện nay, tình trạng bất ổn đang xảy ra phổ biến trong từng cá nhân, trong từng gia đình, trong từng cộng đoàn, trong từng địa phương. Nếu chúng ta biết lắng nghe ý Chúa, biết dấn thân vào việc làm cho những tình hình đó bớt bất ổn theo ý Chúa, thì thiết tưởng đó cũng là những việc đền tạ đẹp lòng Chúa.

c) Hết lòng cậy tin vào lòng thương xót Chúa và trái tim nhân từ của Mẹ. Sống như trẻ thơ. Nhìn lên Mẹ với tất cả tâm tình khiêm tốn đơn sơ tin cậy.

Lạy Mẹ Maria, sự hiểu biết của Mẹ thực là sâu xa. Tình thương của Mẹ thực là bao la. Mẹ biết con và hoàn cảnh của con hơn chính con. Mẹ nhìn rõ đâu là những sự dữ gây nguy hại cho con nhất là về phần hồn. Xin Mẹ thương ở bên con. Xin Mẹ cầu bầu với Chúa cứu con khỏi mọi sự dữ, nất là những sự dữ hiểm nghèo cho phần rỗi. Con xin phó thác mình con cho trái tim Mẹ. Xin gìn giữ con trong tình thương của Mẹ mãi mãi muôn đời. Amen.

Tác giả bài viết: Gm. JB Bùi Tuần

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Tin Vui Việt

Trang thông tin điện tử để tìm hiểu về Đạo Công Giáo.Mong rằng qua trang Tin Vui Việt này sẽ giúp Quý Vị hiểu hơn về đời sống đạo.Nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn tác động để mỗi người nhận ra Thiên Chúa là Chân, Thiện, Mỹ.bbttinvui

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Chúng ta nên làm gì để nhiều người biết Thiên Chúa hơn ?

Cầu nguyện.

Đi lễ.

Sống bác ái.

Loan báo Tin Mừng.

Chu toàn nhiệm vụ hằng ngày.