www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
16:23 CST Chủ nhật, 03/11/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 44

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 42


Hôm nayHôm nay : 9584

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 43405

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 24429298

Trang nhất » Tin Tức » Tin Tức » Giáo huấn

Bài Giáo Lý Hàng tuần của Đức Phanxicô về biện phân: tại sao chúng ta phiền muộn?

Thứ sáu - 18/11/2022 11:17
Tiếp kiến chung

Tiếp kiến chung

Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung, thứ tư ngày 17 tháng 11, 2022, tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục nói về biện phân, nhấn mạnh đến việc tại sao chúng ta phiền muộn. Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.
Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng và chào mừng anh chị em!

Hôm nay chúng ta hãy tiếp tục các bài giáo lý về chủ đề biện phân. Chúng ta đã thấy tầm quan trọng của việc đọc những gì đang xao động bên trong chúng ta, để không đưa ra những quyết định vội vàng, theo triều cảm xúc nhất thời, chỉ để hối tiếc khi đã quá muộn. Nghĩa là, đọc những gì xảy ra và sau đó đưa ra quyết định.



Theo nghĩa này, ngay cả trạng thái tinh thần mà chúng ta gọi là phiền muộn, khi mọi thứ trong lòng đều tối tăm, buồn bã, trạng thái phiền muộn này có thể là cơ hội để phát triển. Thật vậy, nếu không có một chút không hài lòng, một chút buồn bã lành mạnh, một khả năng lành mạnh để sống trong cô tịch và ở với chính mình mà không trốn chạy, thì chúng ta có nguy cơ luôn ở ngoài bề mặt của sự vật và không bao giờ tiếp xúc được với trung tâm của sự hiện hữu của chúng ta. Sự phiền muộn tạo ra sự “lay động linh hồn”: khi người ta buồn thì như thể linh hồn như bị lay động; nó giúp chúng ta tỉnh táo, khuyến khích sự cảnh giác và lòng khiêm tốn và bảo vệ chúng ta khỏi cơn gió thất thường. Chúng là những điều kiện không thể thiếu để tiến bộ trong cuộc sống, và do đó, cả trong đời sống thiêng liêng. Một sự thanh thản hoàn hảo nhưng “vô trùng”, không cảm xúc, khi trở thành tiêu chuẩn của những lựa chọn và hành vi, nó khiến chúng ta trở nên phi nhân bản. Chúng ta không thể bỏ qua cảm xúc: chúng ta là con người và cảm xúc là một phần của nhân tính chúng ta; không hiểu cảm xúc thì ta là người phi nhân bản, không cảm nghiệm được cảm xúc thì ta cũng dửng dưng trước nỗi khổ của người khác và không thể chấp nhận nỗi khổ của chính mình. Ấy là chưa kể điều này: "sự thanh thản hoàn hảo" như thế không thể đạt được bằng con đường dửng dưng. Khoảng cách vô trùng này: "Tôi không can dự vào sự việc, tôi giữ khoảng cách": đó không phải là cuộc sống, đó giống như chúng ta sống trong phòng thí nghiệm, đóng cửa, để không có vi khuẩn, bệnh tật. Đối với nhiều vị thánh nam nữ, thao thức là một động lực quyết định để tạo ra một sự thay đổi trong cuộc sống của họ. Sự thanh thản giả tạo này không có tác dụng, trong khi sự bồn chồn lành mạnh, trái tim bồn chồn, trái tim cố gắng tìm ra cách, là điều tốt. Chẳng hạn, đây là trường hợp của Thánh Augustinô thành Hippo hoặc của Thánh Edith Stein hoặc Thánh Giuseppe Benedetto Cottolengo hoặc Thánh Charles de Foucauld.

Những lựa chọn quan trọng có một mức giá mà cuộc sống mang lại, một mức giá nằm trong tầm tay của mọi người: nghĩa là, những lựa chọn quan trọng không đến từ xổ số, không; chúng có cái giá của nó và anh chị em phải trả cái giá đó. Đó là cái giá mà anh chị em phải trả bằng trái tim mình, đó là cái giá của quyết định, cái giá của việc bỏ ra một chút nỗ lực. Nó không miễn phí, nhưng nó có giá cả phải chăng cho tất cả mọi người. Tất cả chúng ta đều phải trả giá cho quyết định này để thoát khỏi trạng thái thờ ơ, trạng thái luôn làm chúng ta thất vọng.

Sự phiền muộn cũng là một lời mời gọi cho không [gratuitousness], không phải lúc nào cũng và chỉ hành động vì sự hài lòng về cảm xúc. Sự phiền muộn mang đến cho chúng ta khả năng lớn lên, bắt đầu một mối liên hệ trưởng thành hơn, đẹp đẽ hơn với Chúa và với những người thân yêu, một mối liên hệ không bị giản lược thành một sự trao đổi cho và nhận đơn thuần. Thí dụ, hãy nghĩ tới thời thơ ấu của chúng ta, hãy nghĩ: khi còn nhỏ, chúng ta thường tìm kiếm cha mẹ để có được một thứ gì đó từ các ngài, một món đồ chơi, tiền mua kem, một việc cho phép... Và như thế chúng ta tìm các ngài không phải vì các ngài, mà vì lợi ích của chúng ta. Tuy nhiên, hồng phúc lớn nhất chính là cha mẹ, và chúng ta hiểu điều này khi lớn lên.

Nhiều lời cầu nguyện của chúng ta cũng phần nào giống như thế: chúng là những lời cầu xin ơn phúc ngỏ với Chúa mà không có bất cứ sự quan tâm thực sự nào đối với Người. Chúng ta đi xin, đi xin, đi xin Chúa. Tin Mừng ghi lại rằng Chúa Giêsu thường bị bao vây bởi nhiều người, họ tìm kiếm Người để được điều gì đó, chữa bệnh, giúp đỡ vật chất, chứ không chỉ để được ở bên Người. Một số vị thánh, và ngay cả một số nghệ sĩ, đã suy niệm về tình trạng này của Chúa Giêsu: điều có vẻ lạ lùng, phi thực tế là hỏi Chúa: “Chúa có khỏe không?”. Tuy nhiên, đó lại là cách rất đẹp để đi vào mối liên hệ đích thực, chân thành với nhân tính của Người, với sự đau khổ của Người, ngay cả với sự cô tịch độc đáo của Người. Với Người, với Chúa, Đấng muốn chia sẻ trọn vẹn cuộc sống của Người với chúng ta.

Điều thật tốt cho chúng ta là học ở với Người, ở với Chúa, học ở với Chúa mà không có động lực ẩn ý, y như những gì xảy ra với những người chúng ta chăm sóc: chúng ta muốn biết họ ngày càng nhiều hơn, bởi vì điều tốt cho chúng ta là được ở bên họ.

Anh chị em thân mến, đời sống thiêng liêng không phải là một kỹ thuật có sẵn để chúng ta sử dụng, nó không phải là một chương trình “phúc lợi” nội tâm do chúng ta hoạch định. Không. Đời sống thiêng liêng là mối liên hệ với Đấng Hằng Sống, với Thiên Chúa, Đấng hằng Sống, không thể bị giản lược vào phạm trù của chúng ta. Và sự phiền muộn khi đó là câu trả lời rõ ràng nhất cho lời phản bác cho rằng kinh nghiệm về Thiên Chúa là một mơ tưởng, một phóng chiếu đơn giản các ước muốn của chúng ta. Phiền muộn là không cảm thấy gì, tất cả đều tối tăm: nhưng anh chị em tìm kiếm Thiên Chúa trong sự phiền muộn. Trong trường hợp này, nếu chúng ta nghĩ rằng đó là sự phóng chiếu của những ước muốn của chúng ta, chúng ta sẽ luôn luôn là những người lên kế hoạch, và chúng ta sẽ luôn hạnh phúc và mãn nguyện, giống như một đĩa hát lặp đi lặp lại cùng một bản nhạc. Thay vào đó, những người cầu nguyện nhận ra rằng kết quả không thể đoán trước: các kinh nghiệm và đoạn Kinh thánh thường làm chúng ta xúc động lâu nay, ngày nay, thật kỳ lạ, chúng không khơi dậy bất cứ sự nhiệt tình nào. Và, cũng thật bất ngờ, những kinh nghiệm, những cuộc gặp gỡ và những bài đọc mà người ta chưa bao giờ để ý hoặc người ta muốn tránh né - chẳng hạn như kinh nghiệm về thập giá - mang lại bình an bao la. Anh chị em đừng sợ sự phiền muộn, hãy kiên trì tiến về phía trước, đừng chạy trốn nó. Và trong phiền muộn cố gắng tìm trái tim của Chúa Kitô, tìm kiếm Chúa. Và câu trả lời luôn luôn xuất hiện.

Vì thế, trước những khó khăn, anh chị em đừng bao giờ nản lòng, nhưng hãy cương quyết đương đầu với thử thách, với sự trợ giúp của ân sủng Thiên Chúa, một ân sủng không bao giờ thiếu. Và nếu chúng ta nghe thấy bên trong mình một tiếng nói khăng khăng muốn làm chúng ta sao lãng việc cầu nguyện, chúng ta hãy học cách vạch mặt nó như tiếng nói của tên cám dỗ; và đừng để chúng ta bị ảnh hưởng: một cách đơn giản, chúng ta hãy làm ngược lại những gì tên ấy nói với chúng ta! Cảm ơn anh chị em.
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Liên hệ

Tinvuiviet.net kính chào Quý vị và các bạn. Chúng tôi luôn mong nhận được bài vở cộng tác của mọi người. Xin cám ơn.   Liên hệ: Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: dominicnguyenop@gmail.com. Chân thành cảm ơn Quý vị và các bạn đã ghé thăm site. Kính chúc Quý vị...

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Chúng ta nên làm gì để nhiều người biết Thiên Chúa hơn ?

Cầu nguyện.

Đi lễ.

Sống bác ái.

Loan báo Tin Mừng.

Chu toàn nhiệm vụ hằng ngày.