www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
06:09 CDT Thứ bảy, 07/09/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 272

Máy chủ tìm kiếm : 9

Khách viếng thăm : 263


Hôm nayHôm nay : 12315

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 92250

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23359634

Trang nhất » Tin Tức » Tin Tức » Giáo huấn

Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước giáo triều Rôma trong cuộc tiếp kiến chúc mừng Giáng Sinh 23/12/2021

Thứ sáu - 24/12/2021 02:06
Pope Francis

Pope Francis

Lúc 10 giờ sáng, ngày thứ Năm 23 tháng 12, Đức Giáo Hoàng đã có cuộc tiếp kiến chung với Giáo triều Rôma để chúc mừng Giáng Sinh tại sảnh đường Clementê ở Vatican. Cả Đức Phanxicô và Đức Bênêđíctô XVI đã sử dụng dịp này để có những bài phát biểu quan trọng trong quá khứ.
Trong một năm có hai dịp đặc biệt trong đó người ta có thể biết rõ nhận định và lập trường của Tòa Thánh đối với các vấn đề nóng bỏng trên thế giới và trong Giáo Hội. Dịp thứ nhất là cuộc tiếp kiến mà chúng tôi đang tường thuật cùng quý vị và anh chị em. Dịp thứ hai là cuộc tiếp kiến dành cho các đại sứ cạnh Tòa Thánh vào đầu năm mới.

Dưới đây là diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước Giáo triều Rôma. Bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Như thông lệ hàng năm, chúng ta lại có cơ hội gặp nhau vài ngày trước lễ Giáng Sinh. Đó là một cách để thể hiện tình huynh đệ của chúng ta “rõ thành tiếng” thông qua việc trao đổi những lời chúc mừng Giáng Sinh. Tuy nhiên, đây cũng là giây phút suy ngẫm và đánh giá đối với mỗi người chúng ta, để ánh sáng của Ngôi Lời hóa thành nhục thể có thể cho chúng ta thấy rõ hơn chúng ta là ai và sứ mệnh của chúng ta là gì.

Chúng ta đều biết rằng mầu nhiệm Giáng Sinh là mầu nhiệm Thiên Chúa đến thế gian bằng con đường khiêm hạ. Ngài đã hoá thành nhục thể, đó là synkatábasis [nghĩa là sự hạ cố xuống cùng nhân loại] quá vĩ đại. Thời đại của chúng ta dường như đã quên đi sự khiêm hạ hoặc đã xếp nó vào một hình thái đạo đức, làm cạn kiệt sức mạnh bùng nổ của nó.

Tuy nhiên, nếu chúng ta phải diễn đạt toàn bộ mầu nhiệm Giáng Sinh bằng một từ ngữ, tôi tin rằng từ “khiêm hạ” là từ ngữ hữu ích nhất. Các sách Phúc âm miêu tả cảnh bần cùng và khắc khổ, không có đủ điều kiện để che chở cho một người phụ nữ sắp sinh. Tuy nhiên, Vua của các vị vua bước vào thế giới không phải bằng cách thu hút sự chú ý, mà bằng cách gây ra một sức hút bí ẩn trong trái tim của những người cảm nhận được sự hiện diện ly kỳ của một điều gì đó hoàn toàn mới, một thứ đang trên đà thay đổi lịch sử. Đó là lý do tại sao tôi thích suy nghĩ và cũng muốn nói rằng sự khiêm hạ là cánh cửa của mầu nhiệm Giáng Sinh, và mời chúng ta bước qua nó. Tôi nghĩ về đoạn Linh Thao [nói rằng] người ta không thể thăng tiến nếu không có sự khiêm hạ, và người ta không thể tiến lên trong sự khiêm nhường mà không bị sỉ nhục. Thánh Y Nhã khuyên chúng ta hãy xin cho được những sự sỉ nhục.

Không dễ để hiểu khiêm hạ là gì. Đó là tác động của một sự thay đổi mà chính Thánh Linh mang lại cho chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn như trường hợp của ông Naaman người xứ Syria (xem 2 V 5). Vào thời của tiên tri Êlisa, ông Naaman này rất nổi tiếng. Ông là một vị tướng dũng cảm của quân đội Syria, người đã nhiều lần thể hiện sự dũng cảm và gan dạ của mình. Tuy nhiên, cùng với danh vọng, quyền lực, lòng quý trọng, danh dự và vinh quang, Naaman buộc phải sống trong một hoàn cảnh bi đát: ông mắc bệnh phong. Bộ giáp của ông ta, đã giúp ông ta trở nên nổi tiếng, trên thực tế che phủ một con người yếu ớt, bị thương và bệnh tật. Chúng ta thường nhận thấy sự mâu thuẫn này trong cuộc sống của mình: đôi khi những tài năng tuyệt vời lại là tấm áo giáp che chở cho sự yếu đuối lớn lao.

Naaman đã hiểu ra một sự thật cơ bản: chúng ta không thể dành cả cuộc đời để trốn sau bộ giáp, trong một vai trò mà chúng ta đóng hay trong sự công nhận của xã hội; cuối cùng, nó làm tổn thương chúng ta. Thời điểm đến trong cuộc đời của mỗi cá nhân khi họ mong muốn gác lại ánh hào quang lấp lánh của thế giới này để tận hưởng một cuộc sống đích thực mà không cần thêm áo giáp hay mặt nạ. Mong muốn này thôi thúc vị tướng dũng cảm Naaman bắt đầu một cuộc hành trình tìm kiếm một người có thể giúp mình, và ông đã làm điều này theo gợi ý của một cô gái nô lệ, một tù nhân chiến tranh Do Thái, là người đã nói với ông về một vị thần có thể mang lại sự chữa lành cho những tình huống vô vọng như của chính ông.

Mang theo vàng bạc, Naaman lên đường và đến gặp tiên tri Elisa, là người đã đặt ra cho ông, như là điều kiện duy nhất để được chữa lành, đó là phải thực hiện cử chỉ đơn giản là cởi bỏ mọi thứ và tắm rửa bảy lần ở sông Giođan. Bất kể thế giá, danh vọng, vàng bạc! Ân sủng cứu rỗi là nhưng không; không thể giản lược thành giá cả hàng hóa thế gian.

Naaman chống lại; đối với ông, yêu cầu của nhà tiên tri dường như quá bình thường, quá đơn giản, quá dễ dàng đạt được. Dường như sức mạnh của sự đơn giản không có chỗ trong trí tưởng tượng của ông. Tuy nhiên, những lời của các tôi tớ của ông đã khiến ông thay đổi ý định: “Giả như vị ngôn sứ bảo tướng công làm một điều gì khó, chẳng lẽ tướng công lại không làm sao? Phương chi ngôn sứ chỉ nói: Ông hãy đi tắm, thì sẽ được sạch” (2 V 5:13). Naaman đã nhượng bộ, và với một cử chỉ khiêm nhường “hạ mình”, đã cởi áo giáp, xuống nước sông Giođan “và da thịt ông được phục hồi như da thịt trẻ nhỏ, và ông được sạch” (2 V 5: 14). Đây là một bài học tuyệt vời! Sự khiêm tốn khi bộc lộ nhân tính của mình, phù hợp với lời Chúa, đã giúp Naaman được chữa lành.

Câu chuyện về Naaman nhắc nhở chúng ta rằng Giáng Sinh là thời điểm mà mỗi chúng ta cần can đảm để cởi bỏ áo giáp, loại bỏ những cạm bẫy của các vai trò, những sự công nhận của xã hội và sự lấp lánh lung linh của thế giới này và chấp nhận sự khiêm tốn của Naaman. Chúng ta có thể làm điều này bằng cách bắt đầu từ một ví dụ mạnh mẽ hơn, thuyết phục hơn và có thẩm quyền hơn: đó là Con Thiên Chúa, Đấng đã không ngại khiêm hạ khi “hạ cố” trong lịch sử, trở thành phàm nhân, trở thành một hài nhi, yếu ớt, được quấn trong tã và được đặt nằm trong máng cỏ (x. Lc 2:16). Một khi chúng ta lột bỏ áo choàng, đặc quyền, chức vụ và danh hiệu của mình, tất cả chúng ta đều là những người hủi, tất cả chúng ta đều cần được chữa lành. Giáng Sinh là lời nhắc nhở sống động về nhận thức này và nó giúp chúng ta hiểu sâu hơn về điều đó.

Anh chị em thân mến, nếu chúng ta quên mất nhân tính của mình, chúng ta sẽ sống trong ánh quang lung linh của áo giáp chúng ta. Tuy nhiên, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về sự thật khó chịu và đáng lo ngại này: “Được cả thế gian mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?” (x. Mc 8:36).

Như tôi đã từng nói trong những dịp khác, đây là cám dỗ nguy hiểm của một tinh thần thế gian, mà không giống như tất cả những cám dỗ khác, rất khó có thể vạch trần, vì nó được che giấu bởi mọi thứ thường làm chúng ta yên tâm: vai trò của chúng ta, phụng vụ, giáo lý, lòng sùng kính. Như tôi đã viết trong Tông Huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Phúc Âm - tinh thần thế gian đó “cũng nuôi sống vinh quang phù phiếm của những người hài lòng với quyền lực tối thiểu và thà là đại tướng của một đội quân bị đánh bại hơn là một binh nhì trong một đơn vị tiếp tục chiến đấu. Chúng ta thường mơ thấy những dự án tông đồ rộng lớn, được lên kế hoạch tỉ mỉ, giống như những bại tướng! Nhưng điều này là phủ nhận lịch sử của chúng ta với tư cách là một Giáo Hội, một lịch sử vinh quang chính xác bởi vì nó là lịch sử của sự hy sinh, của những hy vọng và đấu tranh hàng ngày, của cuộc đời dành cho việc phục vụ và trung thành với công việc, dù có thể là mệt mỏi, vì tất cả công việc là “lao công khó nhọc” của chúng ta. Thay vào đó, chúng ta lãng phí thời gian để nói về “những gì cần phải làm” - trong tiếng Tây Ban Nha, chúng ta gọi đây là tội habriaqueísmo - giống như những bậc thầy tâm linh và chuyên gia mục vụ đưa ra những chỉ dẫn từ trên cao. Chúng ta chìm đắm trong những mộng tưởng vô tận và chúng ta mất liên lạc với cuộc sống thực tế và những khó khăn của người dân chúng ta” (số 96).

Khiêm nhường là khả năng biết cách “cư trú” trong nhân tính của chúng ta, nhân tính này được Chúa yêu quý và chúc phúc, và làm như vậy không phải vì tuyệt vọng nhưng với não trạng thực tiễn, vui vẻ và hy vọng. Khiêm nhường có nghĩa là nhận ra rằng chúng ta không nên xấu hổ về sự yếu đuối của mình. Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy nhìn vào sự nghèo khó của mình bằng chính tình yêu thương và sự dịu dàng mà chúng ta nhìn vào một đứa trẻ nhỏ bé, dễ bị tổn thương và thiếu thốn mọi thứ. Thiếu lòng khiêm nhường, chúng ta sẽ tìm kiếm những thứ có thể làm chúng ta yên tâm, và có lẽ sẽ tìm thấy chúng, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ không tìm thấy những gì cứu chúng ta, những gì có thể chữa lành chúng ta. Tìm kiếm những phương dược an thần đó là hoa quả đồi bại nhất của tinh thần thế gian, vì nó cho thấy sự thiếu đức tin, hy vọng và tình yêu thương; nó làm chúng ta mất đi khả năng phân định sự thật của sự vật. Nếu Naaman chỉ tiếp tục tích lũy huy chương để trang trí cho áo giáp của mình, thì cuối cùng anh ta đã bị căn bệnh phong nuốt chửng: cho dù xem ra vẫn còn sống đấy, nhưng lại bị bao bọc và cô lập trong căn bệnh của mình. Thay vào đó, Namaan có can đảm để tìm kiếm thứ có thể cứu anh ta, chứ không phải thứ sẽ mang lại cho anh ta một sự hài lòng phù phiếm.

Tất cả chúng ta đều biết rằng đối lập của khiêm hạ là tự hào. Một câu từ tiên tri Malakhi, từng làm tôi kinh ngạc, có thể giúp chúng ta hiểu sự khác biệt giữa con đường khiêm hạ và con đường kiêu ngạo: “Tất cả những kẻ kiêu ngạo và tất cả những kẻ bất lương sẽ bị đốn phạt; Chúa các đạo binh phán: ngày sẽ đến và chúng sẽ bị đốt cháy không còn cả rễ lẫn nhánh” (4: 1).

Nhà tiên tri sử dụng hình ảnh liên tưởng đến “gốc rạ”, mô tả niềm kiêu hãnh bằng những từ ngữ sống động, vì một khi ngọn lửa bắt đầu, gốc rạ ngay lập tức trở thành tro; nó cháy lên và biến mất. Tiên tri Malakhi cũng nói với chúng ta rằng những ai sống trong niềm kiêu hãnh sẽ thấy mình bị tước đoạt những thứ quan trọng nhất trong cuộc sống: cả rễ lẫn cành. Rễ đại diện cho mối liên kết quan trọng của chúng ta với quá khứ, từ đó chúng ta rút ra nhựa cây giúp chúng ta sống trong hiện tại. Những nhánh cây tượng trưng cho hiện tại của chúng ta, chưa tàn úa, nhưng sẽ phát triển vào ngày mai và trở thành tương lai. Ở lại trong một hiện tại không còn rễ hoặc cành có nghĩa là sống giờ phút cuối cùng của chúng ta. Đó là cách sống của những người kiêu hãnh, những người được bao bọc trong thế giới nhỏ bé của họ, không có quá khứ cũng chẳng có tương lai, không gốc rễ hay cành lá, và sống với mùi vị cay đắng của nỗi sầu muộn đè nặng lên trái tim họ như là “thứ quý giá nhất trong các loại thuốc của quỷ”. [1] Trái lại, những người khiêm tốn sống cuộc đời của họ thường xuyên được hướng dẫn bởi hai động từ: nhớ về cội nguồn và trao ban sự sống. Bằng cách này, rễ và cành của họ sinh hoa kết trái, giúp họ có thể sống một cuộc sống vui tươi và hiệu quả.

Trong tiếng Ý, từ gốc của động từ nhớ “ricordare” là “mang đến trái tim”. Ký ức sống động của chúng ta về Truyền thống, về cội nguồn của chúng ta, không phải là sự tôn thờ quá khứ mà là một chuyển động nội tâm, nhờ đó chúng ta không ngừng mang vào lòng mình tất cả những gì đi trước chúng ta, đánh dấu lịch sử của chúng ta và đưa chúng ta đến vị trí của ngày hôm nay. Nhớ lại không có nghĩa là nhắc lại, mà là trân trọng, là làm sống lại với lòng biết ơn, để sức mạnh của Chúa Thánh Thần đốt cháy tâm hồn chúng ta, như các môn đệ đầu tiên (x. Lc 24:32).

Tuy nhiên, để sự ghi nhớ của chúng ta không khiến chúng ta trở thành tù nhân của quá khứ, thì chúng ta cần một động từ khác là trao ban sự sống, là “sản sinh”. Những người khiêm tốn - những người nam nữ khiêm tốn - là những người không chỉ quan tâm đến quá khứ mà còn quan tâm đến tương lai, vì họ biết nhìn về phía trước, vươn cao cành cây, trong khi nhớ về quá khứ với lòng biết ơn. Người khiêm tốn trao ban cuộc sống, thu hút người khác và vươn đến phía trước với những điều chưa biết đang chờ đợi. Trái lại, kẻ kiêu hãnh chỉ đơn giản là lặp lại, trở nên cứng nhắc - cứng nhắc là một sự đồi bại, một sự hư hỏng ngày nay - và bao bọc bản thân trong sự lặp lại đó, cảm thấy chắc chắn về những gì họ biết và sợ hãi bất cứ điều gì mới bởi vì họ không thể kiểm soát nó; họ cảm thấy bất ổn... vì họ đã mất trí nhớ.

Người khiêm tốn chấp nhận cho mình bị thử thách. Họ cởi mở với những gì mới mẻ, vì họ cảm thấy an toàn với những gì đã đi trước họ, vững chắc về nguồn gốc và cảm thức thuộc về cộng đồng của họ. Hiện tại của họ dựa trên quá khứ, mở ra cho họ một tương lai đầy hy vọng. Không giống như những người kiêu hãnh, họ biết rằng sự tồn tại của họ không dựa trên thành tích hay “thói quen tốt” của họ. Như vậy, họ có thể tin tưởng, không giống như những kẻ kiêu hãnh.

Tất cả chúng ta đều được mời gọi sống khiêm nhường, bởi vì tất cả chúng ta đều được mời gọi để ghi nhớ và trao ban sự sống. Chúng ta được kêu gọi để tìm ra một mối quan hệ đúng đắn với cội nguồn và các nhánh của chúng ta. Không có hai thứ đó, chúng ta trở nên ốm yếu, và cảm thấy mình bị tiền định ra hư mất.

Chúa Giêsu, Đấng đã đến trong thế gian bằng con đường khiêm hạ, đã mở ra một con đường cho chúng ta; Ngài chỉ ra một con đường và chỉ cho chúng ta một mục tiêu.

Anh chị em thân mến, nếu không có lòng khiêm nhường thì chúng ta không thể gặp được Thiên Chúa và cảm nghiệm được ơn cứu độ; cũng vậy, nếu không có lòng khiêm nhường thì chúng ta cũng không thể gặp được những người lân cận, những anh chị em bên cạnh.

Ngày 17 tháng 10 vừa qua, chúng ta đã bắt đầu cuộc hành trình Thượng Hội Đồng sẽ khiến chúng ta bận rộn trong hai năm tới. Trong trường hợp này cũng thế, chỉ có sự khiêm nhường mới có thể giúp chúng ta gặp gỡ và lắng nghe, đối thoại và phân định, cầu nguyện cùng nhau, như Đức Hồng Y Niên trưởng đã nói. Nếu chúng ta vẫn bị bao bọc trong những xác tín và kinh nghiệm của mình, trong cái vỏ cứng của những suy nghĩ và cảm xúc của chính mình, thì sẽ khó có thể cởi mở với kinh nghiệm về Thánh Linh, đã được Tông đồ Phaolô mô tả như được sinh ra từ niềm xác tín rằng tất cả chúng ta đều là con cái của cùng “một Thiên Chúa là Cha của tất cả, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4: 6).

Từ “tất cả” đó không có chỗ cho sự hiểu lầm! Chủ nghĩa giáo sĩ, như một cám dỗ, một cám dỗ hư hỏng, hàng ngày lan tràn giữa chúng ta, khiến chúng ta cứ nghĩ đến một Thiên Chúa chỉ nói với một số ít người, mà những người khác phải lắng nghe và tuân theo những người ấy. Thượng Hội Đồng muốn trở thành một kinh nghiệm để chúng ta cảm thấy mình là tất cả các thành viên của một dân tộc lớn hơn, Dân tộc thánh thiện và trung thành của Thiên Chúa, và như thế là các môn đệ, những người lắng nghe và chính nhờ sự lắng nghe này, cũng có thể hiểu được thánh ý của Thiên Chúa, vốn luôn được bày tỏ trong những cách thế không thể đoán trước. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng Thượng Hội Đồng là một sự kiện dành cho Giáo Hội, như một điều gì đó trừu tượng và xa vời với chúng ta. Tính đồng nghị là một “phong cách” mà chúng ta phải hướng đến, đặc biệt là những người trong chúng ta hiện diện ở đây và tất cả những ai phục vụ Giáo Hội hoàn vũ bằng công việc của họ cho Giáo triều Rôma.

Chúng ta đừng quên rằng Giáo triều không chỉ đơn thuần là một công cụ hậu cần và hành chính nhằm đáp ứng các nhu cầu của Giáo Hội hoàn vũ, nhưng là cơ quan đầu tiên được kêu gọi để đưa ra chứng tá. Chính vì lý do này, Giáo triều phát triển uy tín và hiệu quả khi chấp nhận là người đầu tiên đón nhận những thách thức hoán cải đồng nghị mà nó cũng được kêu gọi. Hình thái tổ chức mà chúng ta phải đón nhận không phải là cách tổ chức của một doanh nghiệp, nhưng là một hình thái tự bản chất là truyền giáo.

Vì lý do này, nếu lời Chúa nhắc nhở cả thế giới về giá trị của sự nghèo khó, thì chúng ta, những thành viên của Giáo triều, phải là những người đầu tiên cam kết hoán cải đến một phong cách sống tỉnh thức. Nếu Tin Mừng công bố công lý, chúng ta phải là người đầu tiên cố gắng sống minh bạch, không thiên vị hay bè phái. Nếu Giáo Hội đi theo con đường đồng nghị, chúng ta phải là người đầu tiên được chuyển đổi sang một phong cách làm việc khác, hợp tác và hiệp thông. Tất cả điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách tuân theo con đường khiêm hạ. Nếu không có sự khiêm hạ, chúng ta không thể làm được điều này.

Trong khi khai mạc Thượng Hội Đồng, tôi đã dùng ba từ khóa: tham dự, hiệp thông và truyền giáo. Những điều này phát sinh từ một tấm lòng khiêm hạ: không có lòng khiêm nhường thì không thể có sự tham gia, hiệp thông cũng như sứ mệnh. Những lời nói đó là ba yêu cầu mà tôi muốn chỉ ra như một phong cách khiêm hạ mà chúng ta ở đây trong Giáo triều nên hướng tới. Có ba cách để biến con đường khiêm hạ trở thành một con đường cụ thể để làm theo trong thực tế.

Đầu tiên, là sự tham gia. Điều này cần được thể hiện thông qua phong cách đồng trách nhiệm. Chắc chắn, trong sự đa dạng của các vai trò và chức vụ của chúng ta, trách nhiệm sẽ khác nhau, nhưng điều quan trọng là tất cả mọi người đều cảm thấy dự phần, đồng trách nhiệm trong công việc, không cảm thấy mình bị mất tính cách khi thực hiện một chương trình do người khác nghĩ ra. Tôi luôn có ấn tượng mạnh, và tôi thích điều đó, bất cứ khi nào tôi nhận thấy sự sáng tạo trong Giáo triều. Thường xuyên, điều này xảy ra đặc biệt khi chúng ta nhường chỗ cho nhau và không gian được tìm thấy cho tất cả mọi người, kể cả những người theo thứ bậc, chiếm một vị trí ngoài lề. Tôi cảm ơn anh chị em về những gương sáng này - mà tôi đã thấy và rất thích – đồng thời tôi khuyến khích anh chị em làm việc để chúng ta có khả năng tạo ra các động lực cụ thể trong đó tất cả đều có thể cảm thấy rằng họ có vai trò tích cực trong sứ mệnh mà họ phải thực hiện. Quyền lực trở thành dịch vụ khi nó chia sẻ, dự phần và giúp mọi người phát triển.

Từ thứ hai là hiệp thông. Điều này không liên quan đến đa số hoặc thiểu số; về cơ bản, nó dựa trên mối quan hệ của chúng ta với Chúa Kitô. Chúng ta sẽ không bao giờ có một phong cách truyền giáo trong môi trường tương ứng của chúng ta trừ khi chúng ta đặt Chúa Kitô trở lại vị thế trung tâm, chứ không phải ý kiến của phe phái này hay bè phái khác: Chúa Kitô phải ở trung tâm. Nhiều người trong chúng ta làm việc cùng nhau, nhưng việc kiến tạo nên sự hiệp thông còn đòi hỏi khả năng cầu nguyện cùng nhau, lắng nghe lời Chúa cùng nhau và xây dựng các mối quan hệ vượt ra ngoài công việc cũng như củng cố những mối quan hệ có lợi giữa chúng ta bằng cách giúp đỡ lẫn nhau. Nếu không, chúng ta có nguy cơ chẳng khác gì những người xa lạ làm việc cùng một chỗ, những đối thủ cạnh tranh tìm cách thăng tiến hoặc tệ hơn là tạo dựng các mối quan hệ dựa trên lợi ích cá nhân, quên đi mục tiêu chung đã gắn kết chúng ta lại với nhau. Điều này tạo ra sự chia rẽ, phe phái và kẻ thù, trong khi sự hợp tác đòi hỏi một sự cao thượng trong việc chấp nhận cá tính của nhau và cởi mở để làm việc trong một nhóm, ngay cả với những người không nghĩ như chúng ta. Trong sự hợp tác, mọi người làm việc cùng nhau, không phải vì mục đích ngoại lai nào đó, nhưng vì họ tận tâm hướng thiện cho người khác và do đó, cho toàn thể dân Chúa mà chúng ta được kêu gọi để phục vụ. Chúng ta đừng quên những khuôn mặt cụ thể thật sự của con người. Chúng ta đừng quên cội nguồn của mình và khuôn mặt cụ thể của những người là những người thầy đầu tiên của chúng ta trong đức tin. Như Thánh Phaolô đã nói với Timôthêô: “Hãy nhớ đến mẹ của bạn, hãy nhớ đến bà của bạn”.

Nhìn mọi sự theo quan điểm của sự hiệp thông cũng đòi hỏi chúng ta phải thừa nhận sự đa dạng của chúng ta như một ân sủng của Chúa Thánh Thần. Bất cứ khi nào chúng ta lùi bước khỏi điều này, và coi sự hiệp thông như một từ đồng nghĩa với sự đồng nhất, chúng ta sẽ làm suy yếu và bóp nghẹt quyền năng ban sự sống của Chúa Thánh Thần ở giữa chúng ta. Một thái độ phục vụ đòi hỏi, và thực sự đòi hỏi, một trái tim nhân hậu và quảng đại, để nhận ra và cảm nghiệm một cách vui mừng sự phong phú đa dạng hiện diện nơi Dân Thiên Chúa. Nếu không có sự khiêm tốn, điều này sẽ không xảy ra. Tôi thấy hữu ích khi đọc lại phần đầu của Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium – Ánh Sáng Muôn Dân, số 8 và 12, về dân thánh trung tín của Thiên Chúa. Suy ngẫm về những sự thật này là dưỡng khí cho tâm hồn.

Từ thứ ba là sứ mệnh. Đây là điều giúp chúng ta không bị sa ngã vào chính mình. Những người tự cho mình là “nhìn từ trên cao và từ xa, họ từ chối lời tiên tri của anh chị em mình, họ làm mất uy tín của những người đặt ra những câu hỏi, họ liên tục chỉ ra sai lầm của người khác và họ bị ám ảnh bởi vẻ bề ngoài. Trái tim của họ chỉ mở ra cho chân trời giới hạn của sự non nớt và lợi ích của chính họ, và kết quả là họ không học được từ tội lỗi của mình và cũng không thực sự mở lòng để được tha thứ. Đây là hai dấu hiệu của những người “khép kín”: họ không học hỏi được từ tội lỗi của mình và họ không mở lòng để được tha thứ. Đây là một sự băng hoại to lớn được ngụy trang như một điều thiện. Chúng ta cần tránh điều đó bằng cách làm cho Giáo Hội không ngừng đi ra khỏi chính mình, giữ cho sứ mệnh của mình tập trung vào Chúa Giêsu Kitô, và cam kết của mình đối với người nghèo “(Evangelii Gaudium – Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, 97). Chỉ có tấm lòng rộng mở đối với sứ mệnh mới có thể bảo đảm rằng mọi việc chúng ta làm, dù là để canh tân chính mình hay thế giới [ad intra and ad extra – Các thuật ngữ này được dùng đầu tiên bởi Đức Hồng Y Suenens. Ad intra đề cập đến sự đổi mới bên trong chính Giáo Hội trong bối cảnh đức tin, giáo lý và chân lý được Thiên Chúa mặc khải, với mục đích giúp Giáo Hội đáp ứng tốt hơn sứ mệnh của mình trên thế giới. Ad extra đề cập đến mối quan hệ của Giáo Hội với thế giới – chú thích của người dịch], đều được đánh dấu bằng sức mạnh tái tạo của lời kêu gọi của Chúa. Việc truyền giáo luôn bao hàm lòng say mê đối với người nghèo, những người “thiếu thốn”, không chỉ về vật chất, mà còn về tinh thần, tình cảm và đạo đức. Những người đói bánh và những người đói ý nghĩa đều nghèo như nhau. Giáo Hội được triệu tập để tiếp cận với mọi hình thức nghèo đói. Giáo Hội được mời gọi để rao giảng Tin Mừng cho mọi người, vì tất cả chúng ta đều nghèo; tất cả chúng ta, bằng cách này hay cách khác, đều thiếu thốn. Nhưng Giáo Hội cũng tiếp cận với người nghèo vì chúng ta cần họ: chúng ta cần tiếng nói của họ, sự hiện diện của họ, những câu hỏi và lời chỉ trích của họ. Một người có tấm lòng truyền giáo phải cảm thấy thiếu vắng anh chị em của mình, và giống như một người ăn xin, phải đeo bám anh ta hoặc cô ta. Sứ mệnh khiến chúng ta dễ bị tổn thương. Điều này thật đẹp, sứ mệnh khiến chúng ta dễ bị tổn thương. Nó giúp nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là môn đệ và nó khiến chúng ta luôn khám phá lại niềm vui của Tin Mừng.

Tham dự, truyền giáo và hiệp thông là những đặc điểm của một Giáo Hội khiêm tốn, một Giáo Hội chú ý đến tiếng nói của Thánh Linh và không tự cho mình là trung tâm. Như Henri de Lubac đã viết: “Giống như Thầy của mình, Giáo Hội tạo ra trong mắt thế giới hình ảnh một nô lệ; trên trái đất này, Giáo Hội tồn tại ‘dưới hình thức một nô lệ’... Giáo Hội không phải là đỉnh cao của những thiên tài tâm linh siêu phàm hay tập hợp của những siêu nhân, hay bất cứ điều gì như thể Giáo Hội là một học viện của những nhà thông thái; trong thực tế, Giáo Hội lại chính là điều ngược lại. Những kẻ xuyên tạc, những kẻ giả mạo, và những kẻ khốn nạn đầy trong Giáo Hội, cùng với cơ man những kẻ tầm thường… Thật khó, nếu không muốn nói là hoàn toàn không thể, cho ‘con người tự nhiên’ có thể tìm thấy trong một hiện tượng như vậy sự viên mãn trong sự trút bỏ hoàn toàn của Chúa [kenosis] để cứu độ [chúng ta] và những dấu vết đầy cảm hứng của ‘sự khiêm hạ của Thiên Chúa’ – trừ khi những suy nghĩ sâu xa nhất trong lòng người ấy được thay đổi một cách triệt để” (Ánh Huy Hoàng của Giáo Hội, 301).

Tóm lại, ước muốn của tôi đối với anh chị em và đối với chính tôi, là chúng ta có thể để cho mình được phúc âm hóa bằng sự khiêm hạ của lễ Giáng Sinh và sự khiêm nhường của máng cỏ, bằng sự nghèo khó và đơn sơ mà Con Thiên Chúa đã bước vào thế giới. Ngay cả các đạo sĩ, những người chắc chắn có địa vị xã hội cao hơn Đức Maria và thánh Giuse hay các mục đồng ở Bêlem, cũng phải quỳ gối trước Chúa Hài Đồng (x. Mt 2,11). Họ khuỵu xuống. Để làm được như vậy không chỉ là một cử chỉ tôn thờ mà còn là một cử chỉ của sự khiêm hạ. Khi họ sấp mình xuống mặt đất trần trụi, các đạo sĩ đặt mình ngang hàng với Chúa. Sự trút bỏ hoàn toàn của Chúa, sự hạ cố này, synkatábasis này, cũng diễn ra tương tự trong buổi tối cuối cùng trong cuộc đời dương thế của Ngài, khi Ngài “rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13: 4-5). Phản ứng của Thánh Phêrô trước cử chỉ đó là một sự thất vọng, nhưng chính Chúa Giêsu đã chỉ cho các môn đồ cách giải thích đúng: “Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 13-15).

Anh chị em thân mến, hãy lưu tâm đến căn bệnh phong cùi của chính chúng ta và tránh xa lối suy nghĩ của thế gian làm mất gốc và cành của chúng ta, chúng ta hãy để cho mình được phúc âm hóa nhờ sự khiêm nhường của Chúa Hài Đồng. Chỉ bằng cách phục vụ và coi công việc của mình là dịch vụ, chúng ta mới có thể thực sự hữu ích cho mọi người. Chúng ta ở đây - chính tôi trước bất kỳ ai khác – phải học cách quỳ gối và tôn thờ Chúa trong sự khiêm hạ của Ngài, chứ không phải như các chúa khác trong cái bẫy trống rỗng của họ. Chúng ta giống như những người chăn cừu, chúng ta giống như những đạo sĩ; chúng ta giống như Chúa Giêsu. Đây là bài học của lễ Giáng Sinh: khiêm nhường là điều kiện tuyệt vời cho đức tin, cho đời sống thiêng liêng và cho sự thánh thiện. Xin Chúa ban điều đó cho chúng ta như một ân sủng, bắt đầu từ dấu chỉ nguyên sơ về sự hiện diện của Thần Khí trong chúng ta: là lòng ước muốn. Và chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng ước ao ước điều đó, ân sủng trở thành những người nam nữ của những ước muốn lớn lao. Đối với những gì chúng ta còn thiếu, ít nhất chúng ta có thể bắt đầu bằng lòng ao ước. Chính lòng ao ước ấy đã là dấu chỉ cho thấy Thánh Thần đang hoạt động trong mỗi chúng ta.

Cầu chúc một Mùa Giáng Sinh vui vẻ cho tất cả! Và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!

Như một món quà Giáng Sinh năm nay, tôi muốn để lại cho anh chị em một vài cuốn sách… Những cuốn sách nên đọc, đừng để trên giá sách cho bất cứ ai là người thừa kế nhà cửa của chúng ta! Trước hết, một cuốn sách của một nhà thần học vĩ đại, ít được biết đến vì ngài ấy quá khiêm tốn, đó là Đức Ông Armando Matteo Phụ tá Tổng Thư Ký Bộ Giáo Lý Đức Tin, là người đã xem xét một hiện tượng xã hội và cách thức nó kêu gọi phản ứng mục vụ. Cuốn sách có nhan đề là “Convertire Peter Pan” – “Ơn hoán cải của Phêrô Pan”, bàn về số phận của niềm tin trong xã hội trẻ mãi không già này. Cuốn sách rất là khiêu khích và hữu ích. Cuốn thứ hai là một cuốn sách về các nhân vật phụ hay những nhân vật bị lãng quên trong Kinh thánh, của Cha Luigi Maria Epicoco, có nhan đề “La pietra scartata”, “Phiến đá góc tường bị loại”, với phụ đề “Khi những người bị lãng quên được cứu”. Cuốn sách thật đẹp, dùng để chiêm niệm, để cầu nguyện. Đọc cuốn sách này, tôi nghĩ đến câu chuyện về ông Naaman người Syria mà tôi đã đề cập. Cuốn sách thứ ba là của Đức Tổng Giám Mục Fortunatus Nwachukwu, Sứ thần Tòa thánh, là người mà anh chị em biết rất rõ. Ngài đã viết một bài phản ánh về thói ngồi lê đôi mách, và tôi thích bức tranh mà ngài vẽ theo đó đồn thổi dẫn đến sự “tan rã” của bản sắc. Tôi để lại ba cuốn sách này cho anh chị em, và tôi hy vọng rằng chúng sẽ giúp mọi người tiếp tục tiến về phía trước. Cảm ơn anh chị em vì công việc và sự hợp tác của anh chị em. Cảm ơn anh chị em.

Bây giờ chúng ta hãy cầu xin Mẹ của lòng khiêm nhường dạy chúng ta biết khiêm hạ: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.”

Sau đó, Đức Thánh Cha đã ban phép lành cho các vị hiện diện.

[1] G. Bernanos, Tạp chí d'un curé de campagne, Paris, 1974, 135.


Source:Holy See Press Office

Tác giả bài viết: J.B. Đặng Minh An dịch

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Liên hệ

Tinvuiviet.net kính chào Quý vị và các bạn. Chúng tôi luôn mong nhận được bài vở cộng tác của mọi người. Xin cám ơn.   Liên hệ: Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: dominicnguyenop@gmail.com. Chân thành cảm ơn Quý vị và các bạn đã ghé thăm site. Kính chúc Quý vị...

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Trong Mùa Chay bạn làm gì để tỏ lòng sám hối ?

Ăn chay. Hãm mình.

Bác ái, chia sẻ.

Hoán cải đời sống, đi xưng tội.

Năng tham dự thánh lễ.

Cầu nguyện nhiều hơn.