Pope Francis and Benedict XVI
Như Đức Giáo hoàng Phanxicô, Đức giáo hoàng Biển Đức cũng mời gọi trở lại với bí tích hòa giải: “Chỉ có tình yêu thần linh nhập thể của Đức Giêsu Kitô, tình yêu lớn hơn bất cứ quyền lực khả thể của sự dữ, có thể đối đầu với sự thống trị của sự dữ. Nhưng chúng ta phải gắn mình vào với lời đáp trả mà Thiên Chúa ban qua Đức Giêsu Kitô...."
Mặc dù đang sống tương đối ẩn dật trong một dinh thự trong vườn Vatican, nhưng Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI vẫn tiếp tục nghiên cứu các vấn đề thần học hiện đại, và thỉnh thoảng ngài còn trình bày ý kiến về các vấn đề này cách công khai trong các buổi phỏng vấn. Trong một cuộc phỏng vấn vào trung tuần tháng 3 năm ngoái dành cho cha Jacques Servais, dòng Tên người Bỉ, học trò và nhà nghiên cứu tư tưởng của thần học gia Hans Urs von Balthasar, ngài nói với cha rằng, sự quan tâm của Đức Giáo hoàng Phanxicô và nhiều tín hữu về đề tài lòng thương xót của Thiên chúa là một dấu hiệu của các thời đại; nó chứng tỏ rằng con người vẫn kinh nghiệm một cách sâu xa rằng họ cần đến Thiên Chúa. Ngài nhận định rằng: “Lòng thương xót đưa chúng ta đến với Thiên Chúa, còn sự công chính làm cho chúng ta run sợ trước nhan Thiên Chúa.”
Trước đó, vào tháng 10, trong một hội thảo về tín điều sự công chính hóa và kinh nghiệm về Thiên Chúa, Đức Tổng Giám mục Georg Ganswein, thư ký riêng của Đức giáo hoàng Biển Đức đã đọc bản văn bằng tiếng Đức của ngài. Tín điêu về sự công chính hóa - con người được trở nên công chính trước mặt Thiên chúa và được cứu bởi Chúa Giê su như thế nào - đã là tâm điểm của cuộc cải cách của Giáo hội Tin lành, sự kiện sẽ được kỷ niệm 500 năm vào năm 2017 tới đây
Trong cuộc phỏng vấn này, Đức giáo hoàng Biển Đức nói: “Đối với con người ngày nay, không giống như những người thời của Luther hay những người theo quan niệm cổ điển của đức tin Kitô giáo, nhiều điều đã thay đổi ngược lại theo một nghĩa nào đó; hay đúng hơn, con người không còn nghĩ là mình cần được công chính hóa trước nhan Thiên Chúa nhưng trái lại theo họ, Thiên Chúa mới phải bào chữa cho chính mình về những điều kinh khủng hiện diện trên thế giới và trước các đau khổ của con người, tất cả những điều cuối cùng lệ thuộc vào Người”. Sự tổng hợp cực đoan của cảm giác như thế, theo ngài, có thể được trình bày thế này: ‘Chúa Kitô không chịu đau khổ cho tội của con người nhưng là để xóa đi những sai lầm của Thiên Chúa.’” Đức giáo hoàng Biển Đức nói tiếp: “Ngay cả nếu hôm nay, phần lớn Kitô hữu không chấp nhận về sự đảo lộn lớn lao của đức tin của chúng ta, anh chị em cũng có thể nói rằng những điều này trình bày một khuynh hướng căn bản của thời đại chúng ta” Ngài nói về một dấu hiệu khác của sự thay đổi mạnh mẽ nữa là “con người ngày nay có chung ý nghĩ rằng Thiên Chúa không thể dễ dàng chấp nhận sự hư mất của phần lớn nhân loại.”
Theo Đức giáo hoàng Biển Đức, dù vậy, vẫn còn tồn tại, theo một cách khác, ý thức về việc chúng ta cần ân sủng và được tha thứ. Đó là một trong các dấu hiệu của các thời đại về sự thật là ý tưởng về sự thương xót của Thiên Chúa đang dần trở nên trung tâm và thống trị trong tư tưởng Kitô giáo, bắt đầu từ thánh Faustina Kowalska vào đầu những năm 1900. Tư tưởng này thấm sâu trong con người Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô, dù không luôn luôn rõ ràng. Nhờ kinh nghiệm của một người trẻ chứng kiến những bạo tàn mà con người có thể thực hiện, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô đã xác định rằng: ‘lòng thương xót là phản ứng trung thực duy nhất và hiệu quả cuối cùng chống lại quyền lực sự dữ. Đức giáo hoàng Biển Đức cũng nói: “Chỉ những nơi có lòng thương xót thì mới không còn sự độc ác, chỉ nơi đó, sự dữ và bạo lực mới kết thúc’”. Và theo ngài, Đức Giáo hoàng Phanxicô hoàn toàn đi theo đường hướng này; hoạt động mục vụ của ngài được diễn tả cách chính xác qua việc ngài không ngừng nói về lòng thương xót của Thiên Chúa.
Qua sự kiện nhiều người lắng nghe sứ điệp lòng thương xót, Đức Giáo hoàng Biển Đức nói: điều này cho thấy là dưới lớp gỗ bóng loáng của sự tự bảo và tin chắc về sự tự công chính, con người ngày nay đang che dấu ý thức rõ ràng của mình về những vết thương và sự bất xứng của mình trước Thiên Chúa. Họ đang chờ đợi lòng thương xót.” Theo ngài, sự công chính hóa nhờ đức tin được diễn tả theo một cách thức khác trong chủ đề lòng thương xót.
Nói về vai trò của việc tuyên xưng rõ ràng đức tin vào Chúa Giêsu, Đức Giáo hoàng Biển Đức cho biết đã có những thay đổi sâu rộng về vấn đề này. Ngài nói: “Trong hậu bán của thế kỷ cuối cùng, có thể nhận thấy xuất hiện một ý thức về việc Thiên Chúa không thể cho phép sự diệt vong của những người không được rửa tội. Nếu như những vị truyền giáo vĩ đại của thế kỷ 16 tin rằng người không lãnh bí tich rửa tội không được cứu độ và điều này giải thích cho sự dán thân của họ, thì xác tín này hoàn toàn bị loại bỏ trong Giáo hội Công giáo sau Công đồng Vatican II. Điều này dẫn đến một cuộc khủng hoảng kép. Một đàng nó đánh mất động lực truyền giáo, vì tại sao phải thuyết phục người ta chấp nhận đức tin Kitô khi mà họ vẫn được cứu độ mà không cần tin. Đàng khác đòi hỏi sống đức tin đối với các Kitô hữu dường như không chắc chắn, vì nếu có những người được cứu độ theo các cách thế khác, tại sao các Kitô hữu bị bó buộc sống bởi đức tin và luân lý Kitô giáo.” Đức Giáo hoàng nhận định về cố gắng của các thần học gia đang cố gắng thực hiện các giải thích đầy đủ và giá trị, xác nhận là niềm tin Kitô giáo về ơn cứu độ đến từ Đức Kitô trong khi không nhấn mạnh về phép rửa, và việc tuyên xưng công khai đức tin vào Chúa Kitô là cần thiết. Đồng thời, Giáo hội – toàn bộ cộng đoàn Kitô hữu – rõ ràng là thân mình của Đức Kitô và thân mình đó phải vươn ra giúp đỡ, chữa lành và mời gọi một mối liên hệ mật thiết hơn với Thiên Chúa.
Như Đức Giáo hoàng Phanxicô, Đức giáo hoàng Biển Đức cũng mời gọi trở lại với bí tích hòa giải: “Chỉ có tình yêu thần linh nhập thể của Đức Giêsu Kitô, tình yêu lớn hơn bất cứ quyền lực khả thể của sự dữ, có thể đối đầu với sự thống trị của sự dữ. Nhưng chúng ta phải gắn mình vào với lời đáp trả mà Thiên Chúa ban qua Đức Giêsu Kitô. Ngay cả nếu một cá nhân trả lời với một mảnh của sự dữ thôi thì cũng trở thành tòng phạm của nó, tuy nhiên, cùng với Đức Kitô, ‘người đó có thể bổ khuyết những điều còn thiếu xót trong cuộc thương khó của Người’ (x. Col 1,24). Bí tích hòa giải chắc chắn có một vai trò quan trọng trong lãnh vực này. Nó có nghĩa là chúng ta để mình được nhào nặn và biến đổi bởi Đức Kitô và không ngừng bước đi từ phía những kẻ bị diệt vong đến nơi của những người được cứu chuộc.” (CNS 16/03/2016)”