www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
06:18 EDT Thứ bảy, 20/04/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 68

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 67


Hôm nayHôm nay : 4705

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 496298

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 19642493

Trang nhất » Tin Tức » Tin Tức » Xã Hội

Putin tê tái: Nổ lớn ở căn cứ không quân Nga Gvardeyskoye. Tuyên bố của TT Zelenskiy sau vụ tấn công

Thứ năm - 18/08/2022 18:56
Tin thế giới

Tin thế giới

Các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy những cột khói bốc lên từ ngọn lửa gần làng Mayskoye ở phía bắc Crimea. Theo kênh truyền hình nhà nước Nga, một trạm điện gần đó cũng bốc cháy, và hỏa hoạn tại một nhà ga tàn phá hệ thống giao thông đường sắt.
1. Căn cứ không quân Gvardeyskoye của Nga ở Crimea bị tấn công

Người Nga thường cố gắng che đậy các vụ tấn công của quân Ukraine và đổ thừa cho chạm điện, bất cẩn hay một lý do vu vơ nào đó. Họ cũng thường cố gắng che đậy các tổn thất. Tuy nhiên, trong một diễn biến khá bất ngờ phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov đã khẳng định các vụ tấn công tại Crimea hôm thứ Ba là do các nhóm phá hoại của Ukraine gây ra; và một tờ báo của Nga cho biết thêm một vụ nổ thứ tư tại một căn cứ Không Quân Nga.


Các tin tức đầu tiên nói rằng một kho đạn ở Crimea do Nga chiếm đóng đã phát nổ hôm thứ Ba - đây là vụ thứ hai chỉ trong hơn một tuần trên bán đảo đang tranh chấp này.

Các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy những cột khói bốc lên từ ngọn lửa gần làng Mayskoye ở phía bắc Crimea. Theo kênh truyền hình nhà nước Nga, một trạm điện gần đó cũng bốc cháy, và hỏa hoạn tại một nhà ga tàn phá hệ thống giao thông đường sắt.

Người Nga đổ lỗi cho vụ nổ - khiến khoảng từ 2.000 đến 3.000 người phải di tản - là một hành động phá hoại.

Báo kinh doanh Nga Kommersant, dẫn lời người dân địa phương, còn báo cáo thêm một vụ nổ khác tại căn cứ không quân Gvardeyskoye của Nga. Cư dân địa phương nói khói bốc lên mù mịt kèm theo những tiếng nổ lớn.

Cuộc tấn công rõ ràng diễn ra 8 ngày sau khi các vụ nổ làm rung chuyển một sân bay của Nga ở quận Saki của Crimea, phá hủy nhiều máy bay tấn công và để lại các hố sâu được gọi đùa là các miệng núi lửa trong các bức ảnh vệ tinh.

Trong vụ tấn công này, các nhà chức trách Nga phủ nhận tin tức về các máy bay bị phá hủy và đổ lỗi cho vụ nổ lớn là do tai nạn tại một kho đạn dược.

Ukraine tỏ ra dè dặt về các cuộc tấn công, không xác nhận cũng chẳng phủ nhận.

Một quan chức quân sự cấp cao của Ukraine nói với tờ New York Times vào tuần trước rằng các vụ nổ căn cứ không quân là một phần của cuộc tấn công liên quan đến quân du kích Ukraine sử dụng “các thiết bị do Ukraine sản xuất”, nhưng không đưa ra thêm thông tin nào.

Hôm thứ Ba, bình luận về các báo cáo gần đây nhất về các vụ nổ, cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak gợi ý về nhiều điều sắp xảy ra.

2. Putin hứng chịu khủng hoảng Hắc Hải khi Nga mất chiến hạm 750 triệu đô la, máy bay phản lực, và đảo

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Cuộc tấn công lần thứ hai của quân Ukraine vào bán đảo Crimea đang có một tác động sâu sắc trong bối cảnh 20,000 binh sĩ Nga bị lừa gạt, bỏ rơi trong thành phố Kherson đang mòn mỏi chờ tiếp cứu. Tất cả các đường hỏa xa dẫn đến Kherson đều đã bị cắt đứt. Quân Nga không thể dùng đường hàng không, vì khả năng tiếp tế rất hạn chế và rất nguy hiểm. Trong bối cảnh quân Ukraine tiếp tục kêu gọi anh em binh sĩ Nga buông vũ khí đầu hàng, quân Nga cũng không có khả năng tiếp tế bằng đường biển. Tờ Newsweek có bài tường thuật nhan đề “Putin Suffers Black Sea Crisis as Russia Loses $750M Flagship, Jets, Island”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đinh Nhung.

Các quan chức quốc phòng Anh nói rằng Nga đang phải vật lộn để kiểm soát Hắc Hải, khi các vụ nổ làm rung chuyển bán đảo Crimea nằm dọc theo bờ biển của bán đảo này trong đòn giáng mới nhất nhằm vào các lực lượng của Mạc Tư Khoa trong khu vực.

Hôm thứ Ba, một vụ nổ tại một kho đạn ở quận Dzhankoi của Crimea, gần làng Mais'ke, làm hư hỏng đường dây điện, một nhà máy điện và các tòa nhà dân cư mà Bộ Quốc phòng Nga mô tả là do “phá hoại”.

Vụ tấn công mới nhất diễn ra chỉ vài ngày sau khi các vụ nổ tại căn cứ không quân Saki ở phía tây Crimea làm dấy lên một cuộc di tản của những người Nga đi nghỉ mát khỏi khu vực mà Mạc Tư Khoa chiếm giữ vào năm 2014.

Sáu tháng sau cuộc xâm lược quy mô toàn diện của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào Ukraine, Bộ Quốc phòng Anh đã nêu ra trong bản cập nhật hàng ngày của mình cách thế những tổn thất của Nga ở Hắc Hải giáp với bán đảo đã cho thấy Mạc Tư Khoa khó khăn như thế nào để duy trì ưu thế trong khu vực được coi là sân sau của Nga.

Các quan chức quốc phòng cho biết: “Hạm đội Hắc Hải tiếp tục sử dụng hỏa tiễn hành trình tầm xa để hỗ trợ các cuộc tấn công bộ binh của Nga nhưng hiện đang gặp khó khăn trong việc thực hiện quyền kiểm soát trên biển một cách hiệu quả”.

Đề cập đến việc Nga mất tàu Moskva, cũng như quyền kiểm soát Đảo Rắn, là vị trí chiến lược và mang tính biểu tượng của Hắc Hải kể từ khi cuộc xâm lược Ukraine bắt đầu, bản cập nhật của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho rằng giờ đây Nga đã mất đi “một phần đáng kể các máy bay chiến đấu của lực lượng hàng không hải quân”.

Vào tháng 4, Ukraine cho biết họ đã tấn công tàu Moskva - trị giá ước tính 750 triệu USD - bằng hai hỏa tiễn Neptune khiến 250 thủy thủ thiệt mạng. Mạc Tư Khoa cho biết con tàu đã chìm vì do hỏa hoạn trên tàu.

Vào tháng 6, Kyiv cho biết hỏa tiễn Harpoon của họ đã tấn công tàu kéo Spasatel Vasily Bekh của Nga đang vận chuyển binh sĩ, vũ khí và đạn dược đến Đảo Rắn. Cuối tháng đó, Ukraine cho biết họ đã đánh đuổi lực lượng Nga khỏi hòn đảo này, mặc dù Mạc Tư Khoa cho biết họ đã tự nguyện rút lực lượng của mình.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết: “Hiệu quả hiện rất hạn chế của Hạm đội Hắc Hải làm suy yếu chiến lược xâm lược tổng thể của Nga”. Điều này một phần là do “mối đe dọa đổ bộ đối với Odesa hiện đã bị vô hiệu hóa phần lớn”.

“Điều này có nghĩa là Ukraine có thể chuyển hướng nguồn lực để gây sức ép với lực lượng bộ binh của Nga ở nơi khác”, đồng thời cho biết thêm rằng các tàu của Nga không dám đi xa, không dám tấn công mà chỉ “tiếp tục giữ tư thế phòng thủ cực kỳ nghiêm ngặt, với các cuộc tuần tra thường giới hạn ở vùng biển trong tầm nhìn của bờ biển Crimea.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.

Tầm quan trọng chiến lược của Putin đối với Hắc Hải đã thể hiện rõ ngay từ đầu trong cuộc xung đột khi ông quyết định bảo vệ Biển Azov, nơi nối liền nó với lục địa Nga.

Hải quân Nga đã nhanh chóng tiến hành phong tỏa bờ biển Ukraine, nơi bị thiếu hụt nguồn cung cấp lương thực cho đến khi đạt được thỏa thuận vào tháng trước, do Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.

Salvatore Mercogliano, một nhà sử học hàng hải và là phó giáo sư lịch sử tại Đại học Campbell ở Bắc Carolina, nói với Newsweek rằng mặc dù Putin đã bị tổn thất, nhưng ông vẫn “đạt được nhiều mục tiêu của mình khi nói đến tình hình trên Hắc Hải”.

Ông nói rằng việc Nga chiếm giữ Mariupol và Berdyansk đã mở ra Biển Azov cho các tàu Nga đang công khai quá cảnh vùng biển này với hệ thống nhận dạng tự động, gọi tắt là AIS, được kích hoạt.

Mercogliano nói: “Điều này có nghĩa là hàng hóa, ngũ cốc và hàng hóa từ nội địa Nga - qua sông Don và sông Volga, cùng với biển Caspi, có thể ra biển dễ dàng hơn”. Ông cho biết thêm rằng thỏa thuận cho phép Ukraine chuyển ngũ cốc từ các cảng của họ để đổi lấy việc để cho người Nga vận chuyển hàng hóa của họ mà không bị cản trở, “là một thành công.”

“Trong khi Âu Châu, Mỹ và một số quốc gia trừng phạt hàng hóa ra khỏi Nga, thì người Nga đã tìm thấy các thị trường thay thế ở Phi Châu và Á Châu. Vấn đề còn tồn tại là liệu các tàu có thể quá cảnh đến Ukraine mà không xảy ra sự việc hay không. Bất kỳ sự gián đoạn nào, cho dù thông qua một cuộc tấn công hay một thủy lôi, đều có thể đồng nghĩa với sự gián đoạn thương mại bên ngoài Hắc Hải, với những tác động rõ ràng đến nền kinh tế toàn cầu”.

3. Người Nga lũ lượt rời bỏ Crimea. Tổng thống Zelenskiy cảnh báo người Ukraine ở các khu vực bị chiếm đóng tránh xa các địa điểm quân sự của Nga

Một tuần sau cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào một căn cứ quân sự của Nga ở Crimea bị chiếm đóng, ba vụ tấn công khác gần như đồng thời đã diễn ra tại Crimea: một kho vũ khí đã bị phá hủy giữa những tiếng nổ long trời, sau đó, là những tiếng nổ lớn khác cùng với những đám cháy tại một trạm biến áp điện và tại một ga đường sắt.

Người đứng đầu khu vực do Nga bổ nhiệm Sergei Aksyonov đã lên tiếng trấn an dân chúng khi người Nga lũ lượt rời bỏ Crimea. Trước đó, ông ta thừa nhận rằng ít nhất 2.000 người đã được di chuyển từ một ngôi làng gần nơi xảy ra các vụ nổ và hai người bị thương.

Trong một diễn biến khiến người Nga còn hốt hoảng hơn nữa, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã cảnh báo những người Ukraine sống trong các khu vực bị chiếm đóng phải tránh xa các cơ sở quân sự của lực lượng Nga. Ông Zelenskiy đã đưa ra lời kêu gọi trên trong một video gởi quốc dân đồng bào vào tối thứ Ba 16 tháng 8, sau khi có các vụ nổ kinh hoàng tại Crimea. Ông nói:

“Hàng ngày và hàng đêm, chúng ta thấy các báo cáo mới về các vụ nổ trong lãnh thổ bị quân Nga chiếm đóng tạm thời. Bây giờ tôi yêu cầu tất cả người dân của chúng ta ở Crimea, ở các khu vực khác, ở phía nam của đất nước, trong các khu vực bị chiếm đóng của Donbas và khu vực Kharkiv phải hết sức cẩn thận. Xin vui lòng đừng đến gần các cơ sở quân sự của quân đội Nga và tất cả những nơi họ cất giữ đạn dược và trang thiết bị, và nơi họ đặt trụ sở chính của mình.”

Phát biểu của ông Zelenskiy diễn ra sau một loạt vụ nổ ở Crimea hôm thứ Ba và sự gia tăng các cuộc tấn công vào các kho đạn và đường tiếp tế của Nga ở các vùng bị chiếm đóng ở miền nam Ukraine trong những tuần gần đây.

“Các lý do cho các vụ nổ ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng có thể khác nhau, rất khác nhau. Bao gồm cả lý do ‘bất cẩn’ mà quân xâm lược thường nói, nhưng dù họ muốn nói thế nào thì tất cả những biến cố này đều có cùng một ý nghĩa. Đó là việc phá hủy hậu cần của quân chiếm đóng, đạn dược, quân trang và các trang thiết bị khác, và các sở chỉ huy. Và điều này sẽ cứu được mạng sống của người dân chúng ta”.

Ukraine chưa chính thức cho biết họ phải chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công lớn hồi tuần trước vào một căn cứ không quân ở Crimea, phá hủy ít nhất 8 máy bay quân sự, cũng như vụ nổ hôm thứ Ba đã phá hủy một kho vũ khí khổng lồ của Nga.

Đề cập đến hàng dài giao thông được chứng kiến đang bỏ chạy khỏi Crimea, sau cuộc tấn công căn cứ không quân Saki và các vụ tấn công mới nhất vào buổi sáng thứ Ba, ông Zelesnky nói, “Việc xếp hàng những ngày này để rời Crimea đến Nga qua cây cầu chứng tỏ rằng phần lớn công dân của nhà nước khủng bố đã hiểu hoặc ít nhất cảm thấy Crimea không phải là nơi dành cho họ”.

4. Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine: Nga pháo kích vào các vị trí đến 800 lần trong mấy ngày qua

Trong cuộc họp báo vào sáng thứ Tư 17 tháng 8, Tướng Valeriy Zaluzhny, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, cho biết các lực lượng Nga đang tấn công ráo riết ở Donbas nhưng cho biết tình hình “căng thẳng” đã được “kiểm soát hoàn toàn.”

“Tôi đã thông báo cho phía Canada về tình hình ở tiền tuyến. Nó rất dữ dội nhưng được kiểm soát hoàn toàn,” tướng Zaluzhny cho biết như trên nói sau khi nói chuyện với Tướng Wayne Donald Eyre, Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Canada.

Tướng Zaluzhny nói thêm rằng “quân Nga tiếp tục tấn công dọc theo toàn bộ chiến tuyến. Đồng thời, kẻ thù thực hiện khoảng 700 đến 800 vụ pháo kích vào các vị trí của chúng tôi mỗi ngày, sử dụng từ 40.000 đến 60.000 viên đạn đại pháo”.

Ước tính đó phù hợp với nhiều nhà phân tích phương Tây đưa ra về khối lượng đạn dược mà lực lượng Nga đang sử dụng, sau khi tương đối tạm lắng vào đầu tháng Bảy.

“Những nỗ lực chính của kẻ thù tập trung vào việc đẩy lùi quân đội của chúng tôi khỏi khu vực Donetsk. Tình hình căng thẳng nhất hiện nay là trên trục Avdiivka-Pisky-Mariinka, “Zaluzhny nói.

Trục đó là một đoạn dài khoảng 25 km về phía tây của Donetsk.

Tướng Zaluzhny cũng nhắc đến một nhận định của Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine trong bản báo cáo sáng thứ Hai 15 tháng 8, ghi nhận quân Nga đã đột nhiên tấn công dữ dội ở miền Đông.

Kể từ ngày 6 tháng 8, sau các tổn thất nặng nề trong vùng Donbas, các lực lượng Nga đã thu nhỏ quy mô các hành động tấn công ở phía đông Siversk và chỉ tiến hành các cuộc tấn công thăm dò lẻ tẻ và hạn chế trong khi chủ yếu dựa vào việc pháo kích vào các khu định cư xung quanh. Tuy nhiên, kể từ ngày 11 tháng 8, các lực lượng Nga đã tăng số lượng các cuộc tấn công bộ binh trong khu vực Siversk.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh nhận định rằng quân Nga có khả năng chuyển quân xuống miền Nam Ukraine để cứu Kherson. Tuy nhiên, cuộc hành quân viễn chinh từ miền Đông xuống miền Nam Ukraine cũng có thể là một tai họa cho quân Nga vì Ukraine vừa nhận thêm các HIMARS của Hoa Kỳ, hệ thống hỏa tiễn hàng loạt M270 của Anh và các loại xe pháo tự hành Zuzana 2 của Slovakia.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, nhận xét rằng kế hoạch cứu Kherson bằng cách chuyển quân xuống miền Nam có lẽ đã bị thay đổi sau khi có tin quân Ukraine đã đánh vào các cầu trọng yếu và đã hoàn toàn cắt đứt đường tiếp tế cho Kherson.

ISW nhận định quân đội Nga có thể đang ráo riết tấn công ở phía đông bắc khu vực Donetsk để lôi kéo sự chú ý của Lực lượng vũ trang Ukraine nhằm giảm áp lực ở Kherson.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến tranh Hoa Kỳ cho biết: “Các lực lượng Nga có thể đang định hướng lại các bước tiến ở đông bắc Donetsk để thu hút sự chú ý của Ukraine và làm phân tâm các hành động phản công của Ukraine ở miền Nam Ukraine”.

“Các cuộc tấn công này, cùng với các cuộc tấn công liên tục theo hướng Bakhmut, có thể tạo thành một nỗ lực nhằm thu hút vật chất và nhân lực Ukraine đến phòng tuyến Bakhmut-Siversk ở đông bắc Donetsk nhằm thu hút sự chú ý của Ukraine khỏi các khu vực quan trọng ở miền Nam, nơi quân đội Ukraine đã và đang tiến hành các cuộc phản công hiệu quả và có thể đang tạo điều kiện để tiến hành một cuộc phản công.

5. Putin nói Mỹ sử dụng người Ukraine làm bia đỡ đạn, cố gắng kéo dài chiến tranh. Phản ứng của Hoa Kỳ

Vladimir Putin đã nhắc lại những lời chỉ trích của ông đối với Mỹ trong một bài phát biểu, trong đó ông cáo buộc Washington đang cố gắng “kéo dài” cuộc xung đột ở Ukraine và lên án chuyến thăm Đài Loan gần đây của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

Tại Hội nghị An ninh Quốc tế Mạc Tư Khoa, nhà lãnh đạo Nga đã nhắm vào “giới tinh hoa toàn cầu hóa phương Tây” mà theo ông là “kích động hỗn loạn, kích động các cuộc xung đột cũ và mới”, cũng như cố gắng “duy trì quyền bá chủ và quyền lực đang tuột khỏi tay họ.”

Ông nói rằng Hoa Kỳ “và các nước chư hầu can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền”, khi ông cáo buộc họ tổ chức “các cuộc khiêu khích, đảo chính, nội chiến” trong khi “các mối đe dọa, tống tiền và áp lực cố gắng buộc các quốc gia độc lập phải phục tùng ý chí của họ. “

“Cái gọi là phương Tây tập thể đang cố tình phá hủy hệ thống an ninh Âu Châu”, ông Putin nói hôm thứ Ba, trước khi quay lại những lời chỉ trích liên tục của ông đối với NATO vì đã “xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự”.

Ông nói rằng để phương Tây “duy trì quyền bá chủ của họ”, họ đã khiến người dân Ukraine trở thành “bia đỡ đạn”, lờ đi sự lan truyền của “hệ tư tưởng Tân Quốc Xã”. Đó là một luận điệu Putin vẫn thường rêu rao bất chấp thực tế là Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy là một người Do Thái và nhiều người trong gia đình ông đã bị giết trong cuộc diệt chủng người Do Thái.

“Tình hình ở Ukraine cho thấy Mỹ đang cố gắng kéo dài cuộc xung đột này”, ông Putin nói, khi ông lên án các chính sách của Washington ở các khu vực khác trên thế giới.

“Như các bạn đã biết, gần đây Hoa Kỳ một lần nữa cố tình đổ thêm dầu vào lửa và khuấy động tình hình ở khu vực Á Châu - Thái Bình Dương,” ông nhận xét như trên khi nhắc đến chuyến thăm Đài Loan của Pelosi vào ngày 2/8.

Chuyến đi này đã gây ra sự tức giận ở Bắc Kinh, nước này đã đáp trả bằng cách ra lệnh tập trận quân sự xung quanh hòn đảo độc lập mà nước này tuyên bố là một phần của Trung Quốc. Putin là đồng minh thân cận của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, người có sự hậu thuẫn để giúp ông vượt qua những chỉ trích toàn cầu về cuộc xâm lược Ukraine.

Theo quan điểm của Putin, chuyến đi của Pelosi không chỉ là một chuyến đi của một “chính trị gia vô trách nhiệm” mà là một “hành động khiêu khích được lên kế hoạch cẩn thận” cũng như một phần của “chiến lược có ý thức của Hoa Kỳ nhằm gây bất ổn” khu vực đó của thế giới.

Đây cũng là “một sự thể hiện trơ trẽn về sự thiếu tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác và các nghĩa vụ quốc tế của quốc gia đó”, ông Putin nói trong bài phát biểu có video và bản ghi trên trang web của Điện Cẩm Linh.

Đáp lại những bình luận của ông Putin, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng những cáo buộc của ông Putin về việc Mỹ can thiệp vào nước ngoài “là điều không thể tránh khỏi”.

Phát ngôn nhân nói: “Putin đã xâm lược Ukraine. Đây là một trò chơi đổ lỗi dịch chuyển trách nhiệm cổ điển của Nga. Tất cả các bước mà chúng tôi đã thực hiện kể từ khi Putin tiến hành cuộc xâm lược toàn diện đã được ông ta tính toán trước là hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tàn bạo của Mạc Tư Khoa và gia tăng áp lực buộc Điện Cẩm Linh phải chấm dứt hành động xâm lược ngay lập tức”.

“Trước khi lực lượng của Putin xâm lược, chúng tôi đã thường xuyên đề cập đến hai con đường mà Nga có thể lựa chọn - đối thoại và ngoại giao hoặc leo thang và những hậu quả to lớn. Chúng tôi đã nỗ lực thực sự và chân thành để theo đuổi điều thứ nhất, là điều mà chúng tôi vô cùng ưa chuộng, nhưng Putin đã chọn chiến tranh”.

Về cáo buộc kéo dài cuộc chiến tại Ukraine, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói rằng ông Putin có thể rút quân khỏi Ukraine và cuộc chiến chấm dứt ngay tức khắc. Chính Putin mới là người kéo dài cuộc chiến.

Sự giận dữ của Putin đối với phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng diễn ra khi Đại sứ quán Nga tại Washington cáo buộc Washington đang gia tăng mối đe dọa xung đột hạt nhân.

Trong một bài đăng trên Telegram được các hãng thông tấn Nga đưa tin, phái bộ Nga đã chỉ trích việc Mỹ rút khỏi các thỏa thuận như thỏa thuận giải trừ hạt nhân của Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung, gọi tắt là INF, và việc Mỹ trang bị vũ khí cho Ukraine.

Phía Nga nói rằng “các bước đi của Washington nhằm tiếp tục tham gia vào một cuộc đối đầu hỗn hợp với Nga trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine” làm tăng khả năng “leo thang khó lường và một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân”.
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Tin Vui Việt

Trang thông tin điện tử để tìm hiểu về Đạo Công Giáo.Mong rằng qua trang Tin Vui Việt này sẽ giúp Quý Vị hiểu hơn về đời sống đạo.Nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn tác động để mỗi người nhận ra Thiên Chúa là Chân, Thiện, Mỹ.bbttinvui

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Chúng ta nên làm gì để nhiều người biết Thiên Chúa hơn ?

Cầu nguyện.

Đi lễ.

Sống bác ái.

Loan báo Tin Mừng.

Chu toàn nhiệm vụ hằng ngày.