Vườn nho
Chúa Nhật 27 tháng 9, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật 26 Mùa Thường Niên với bài Phúc Âm sau trích từ Tin Mừng theo Thánh Matthêu:
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha!” Nó thưa lại rằng: “Con không đi”. Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: “Thưa cha, vâng, con đi”. Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?” Họ đáp: “Người con thứ nhất”. Chúa Giêsu bảo họ: “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài”.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến,
Ở đất nước tôi người ta thường nói: “Thời tiết xấu đến đâu, mặt mũi vẫn nên tươi tỉnh”. Với “mặt mũi tươi tỉnh” này, tôi mến chào anh chị em!
Khi rao giảng về Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu chống lại một thứ tôn giáo không liên quan gì đến đời sống con người, không thách thức lương tâm và trách nhiệm của cá nhân trước điều lành và điều ác. Ngài minh chứng điều này qua dụ ngôn về hai người con trai, được ghi lại trong Phúc âm theo Thánh Matthêu chương 21 từ câu 28 đến câu 32. Người cha bảo họ đi làm vườn nho, người con trai cả hấp tấp trả lời “không, con không đi đâu”, nhưng sau đó anh ta ăn năn và đến vườn nho làm việc. Trái lại, người con út, ngay lập tức trả lời “vâng, vâng, thưa cha”, nhưng trên thực tế thì anh ta không đi. Sự vâng lời không hệ tại ở những lời đầu môi chót lưỡi nói “vâng” hay nói “không”, nhưng hành động mới luôn luôn là điều đáng kể, trong câu chuyện này là làm vườn nho, là nhận biết Nước Thiên Chúa, là làm điều thiện. Với ví dụ đơn giản này, Chúa Giêsu muốn vượt lên trên một thứ tôn giáo chỉ gói ghém trong những thực hành bên ngoài và những thói quen, không ảnh hưởng gì đến đời sống và thái độ của con người, một thứ tôn giáo hời hợt, chỉ chuộng “nghi lễ”, theo nghĩa xấu của từ ngữ này.
Những nhân tố của loại tôn giáo “bề ngoài” này, mà Chúa Giêsu cực lực chỉ trích, vào thời bấy giờ là “các thượng tế và các kỳ lão trong dân” (Mt 21:23), những người theo lời quở trách của Chúa Giêsu, sẽ bị những người thu thuế và gái điếm qua mặt trên con đường tiến về Nước Trời (xem câu 31). Chúa Giêsu nói với họ: “những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông”. Lời khẳng định này không nên khiến chúng ta nghĩ rằng Chúa tuyên dương những người không tuân theo giới răn Thiên Chúa, những người không giữ gìn đạo đức, và nói: “Dù sao đi nữa, những người đi nhà thờ còn tệ hơn chúng ta!” Không, đây không phải là lời dạy của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không cho rằng những người thu thuế và gái điếm là khuôn mẫu của cuộc sống, nhưng Ngài nói rằng họ là những người được ban “ân sủng” biết hoán cải. Và tôi muốn nhấn mạnh từ “ân sủng” này, sự hoán cải luôn luôn là một ân sủng. Đó là ân phúc Chúa ban cho bất cứ ai mở lòng ra và hoán cải tâm hồn để hướng về Ngài. Trên thực tế, những người này, khi nghe lời giảng của Ngài, đã ăn năn và đổi đời. Chúng ta hãy nghĩ, chẳng hạn, đến Thánh Matthêu. Thánh nhân là một người thu thuế, một kẻ phản bội quê hương của mình.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, người gây ấn tượng tốt nhất là người anh cả, không phải vì anh ta nói “không” với cha mình, mà vì sau từ “không” đó, anh đã hoán cải và chuyển thành tiếng “vâng”, anh ta đã ăn năn. Thiên Chúa kiên nhẫn với mỗi người chúng ta: Ngài không mệt mỏi, Ngài không bỏ cuộc sau khi chúng ta nói “không” với Ngài; ngay cả khi chúng ta quay lưng lại với Ngài và phạm sai lầm. Sự kiên nhẫn của Chúa thật tuyệt vời! Chúa luôn chờ đợi chúng ta; Ngài luôn bên cạnh giúp đỡ chúng ta; nhưng Ngài tôn trọng tự do của chúng ta. Và Ngài háo hức chờ đợi tiếng “vâng” của chúng ta, để chào đón chúng ta một lần nữa trong vòng tay yêu thương của người cha và lấp đầy chúng ta bằng lòng thương xót vô hạn của Người. Đức tin nơi Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải đổi mới mỗi ngày, phải lựa chọn điều thiện chứ không phải điều ác, lựa chọn sự thật chứ không phải là sự dối trá, lựa chọn tình yêu tha nhân hơn là sự ích kỷ. Ai hoán cải theo những lựa chọn này, dù đã trải qua tội lỗi, sẽ tìm được những vị trí cao trọng trong Nước Thiên Đàng, nơi bùng lên nhiều niềm vui khi thấy một tội nhân có lòng hoán cải hơn là chín mươi chín người công chính (x. Lc 15: 7).
Nhưng sự hoán cải, thay đổi tấm lòng, là một tiến trình, một tiến trình thanh lọc chúng ta khỏi những ô nhiễm luân lý. Và đôi khi đó là một tiến trình đau đớn, bởi vì không có con đường nào dẫn đến sự thánh thiện mà không có những từ bỏ và không có những chiến đấu trong tâm hồn. Chiến đấu cho điều thiện, chiến đấu để không rơi vào cám dỗ, làm những gì chúng ta có thể làm về phần mình, để sống trong bình an và niềm vui của các Mối Phúc Thật. Bài Tin Mừng hôm nay đặt ra cho chúng ta câu hỏi về lối sống của người Kitô hữu. Lối sống ấy không được tạo nên từ những ước mơ và khát vọng cao đẹp, nhưng từ những cam kết cụ thể, luôn mở lòng ra đón nhận thánh ý Chúa và yêu thương anh em mình. Những điều này, ngay cả một cam kết cụ thể nhỏ nhất, cũng không thể được thực hiện nếu chúng ta không có ân sủng. Hoán cải là một ân sủng mà chúng ta phải luôn cầu xin: “Lạy Chúa, xin ban cho con ân sủng để con được cải thiện. Hãy ban cho con ân sủng để trở thành một Kitô hữu tốt lành”.
Xin Mẹ Maria Rất Thánh giúp chúng con ngoan ngoãn trước tác động của Chúa Thánh Thần. Ngài là Đấng làm tan chảy sự chai cứng của trái tim và khiến chúng ta ăn năn, để có được sự sống và ơn cứu rỗi mà Chúa Giêsu đã hứa ban.
Source:Holy See Press Office Le parole del Papa alla recita dell’Angelus, 27.09.2020