www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
07:34 EDT Thứ tư, 24/04/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 95

Máy chủ tìm kiếm : 4

Khách viếng thăm : 91


Hôm nayHôm nay : 5324

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 564372

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 19710567

Trang nhất » Tin Tức » Suy niệm

Một thoáng cánh chung

Thứ sáu - 30/10/2015 12:58
Hoa phù dung

Hoa phù dung

Năm đã cùng, tháng đã tận, không dưng ý niệm về thời gian chợt xuất hiện, rõ ràng hơn lúc nào hết. Cái thực tại ‘vô hình’ ấy là gì và có ý nghĩa chi, mà sao cứ dằn vặt vò xé con người đến thế?

Mà có thật thời gian vô hình chăng? Đúng, nhưng không hoàn toàn, bởi lẽ những nhăn nheo của làn da, những vết chân chim ở đuôi mắt đã chẳng được gọi là “dấu tàn phá của thời gian” là gì? Thì ra cái thực tại như vô hình và vô tình ấy, khi lướt qua, nhất thiết để lại những dấu vết, cho dù không phải lúc nào cũng nhẫn tâm tàn ác như trường hợp vừa nêu, lý do là, rất nhiều khi dấu thời gian chỉ là những vết tích êm đềm,lâng lâng như một làn sương mỏng, nhẹ nhàng như một lớp bụi mờ. Chẳng phải “bụi thời gian” là như thế sao?
 
 Thời gian là chiều kích tự nhiên của con người, gắn chặt với thân phận và số kiếp làm người. Sống trong thời gian là có một khởi đầu và sẽ có một kết thúc. “Ngay vừa sinh ra, con người đã đủ già để…chết” (như ai đó đã từng nói như vậy) dường như có nghĩa là như thế. Tuy có vẻ bi quan và yếm thế, nhưng phải chấp nhận đó là thực tại của kiếp nhân sinh. Vui lắm thì cũng chỉ được vài trống canh, mà buồn lắm thì cũng chỉ như một tiếng thở dài. Thánh Kinh không hề nói khác đi cái phũ phàng của thực tế ấy:
 
 “Ngàn năm Chúa kể là gì,
 tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
 khác nào một trống canh thôi!” (Tv 90: 4)
 
 “Đời chúng con tàn tạ, kiếp sống thoảng qua, một tiếng thở dài.
 Tính tuổi thọ, trong ngoài bẩy chục,
 mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
 mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khó,
 cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.” (Tv. 90: 9-10)
 
 Không biết có phải do ảnh hưởng của lời Thánh Vịnh trên đây hay không, mà khi qúy cụ nào ‘cầm cự’ được đến sinh nhật thứ 70 thì con cháu vội vàng tổ chức ăn nhậu và gán luôn hai chữ ‘thượng thọ’ làm chủ đề cho bữa tiệc, nghe cứ như một tiếng reo vui hớn hở sau một chờ đợi ‘đứng tim’?
 
 Dẫu sao chăng nữa, tác giả Thánh Vịnh không quên hướng thượng và mở ra một vùng ánh sáng lạc quan tin tưởng:
 “Xin dậy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.” (90:12), hoặc:
 “Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca.” (90:14)
 
 Sống trong thời gian là trải rộng, trải dài tất cả mọi sinh hoạt từ sinh lý, thể lý, cho đến tình cảm, tâm linh trên một khoảng đời làm người. Nói khác đi, sống trong thời gian là làm mọi sự hợp thời đúng lúc, y như Thiên Chúa đã an bài. Đó là kết luận của sách Giảng Viên (x. Gv. 3: 11), sau khi đã liệt kê ra “các thời, các lúc” của mọi sự ở dưới bầu trời này:
 
 “một thời để chào đời, một thời để lìa thế;
 một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây;
 một thời để giết chết, một thời để chữa lành;
 một thời để phá đổ, một thời để xây dựng;
 một thời để khóc lóc, một thời để vui cười;
 một thời để than van, một thời để múa nhẩy;
 một thời để quăng đá, một thời để lượm đá;
 một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn;
 một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất;
 một thời để giữ lại, một thời để vất đi;
 một thời để xé rách, một thời để vá khâu;
 một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng;
 một thời để yêu thương, một thời để thù ghét;
 một thời để gây chiến, một thời để làm hoà.” (Gv. 3: 1-8)
 Cũng y như tác giả Thánh Vịnh, tác giả Giảng Viên cũng dẫn ta bước qua ngưỡng cửa của niềm tin để đi vào trọn vẹn phó thác trong yêu mến và kính sợ Thiên Chúa: “Tôi nhận ra rằng mọi sự Thiên Chúa làm sẽ tồn tại mãi mãi. Không có gì để thêm, chẳng có gì để bớt. Thiên Chúa đã hành động như thế để phàm nhân biết kính sợ Người.” (Gv 3: 14)
 
 Nhưng có lẽ không thể tìm được một giải thích đẹp đẽ và trang trọng về thời gian nào hơn ngoài những dòng đọc được trong Tông thư ‘Tertio Millennio Adveniente’ (trước thềm đệ tam thiên kỷ) của ĐGH Gioan Phaolô Đệ Nhị. Đoạn 10 của Tông thư này viết rằng: “Trong Kitô giáo, thời gian có một tầm quan trọng căn bản. Chính trong chiều kích của thời gian mà thế giới được tạo thành; cũng chính trong thời gian mà lịch sử cứu độ được mở ra, đạt đến tuyệt đỉnh của nó trong “sự viên mãn của thời gian” nơi biến cố Nhập Thể, và khám phá ra mục tiêu của nó trong sự tái lâm vinh quang của Con Thiên Chúa tại điểm tận cùng của thời gian. Nơi Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời mặc xác phàm, thời gian trở thành một chiều kích của Thiên Chúa, tuy chính Ngài là vĩnh cửu.” Cũng trong đoạn văn đó, ĐGH khai triển thêm để nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Kitô, vừa là Thiên Chúa thật, lại vừa là người thật. Nói khác đi, từ khi Ngôi Lời nhập thể, thời gian mang nặng ý nghĩa Kitô học: “Chúa Kitô là Chúa Tể của thời gian: Ngài là bước khởi đầu và cũng là điểm cuối cùng của thời gian; mỗi năm, mỗi ngày, mỗi khoảnh khắc được ôm ấp trọn vẹn bởi cuộc Nhập Thể và Phục Sinh của Ngài, và do đó, trở thành một phần của ‘sự viên mãn của thời gian.’ Bởi lý do này, Hội Thánh cũng sống và cử hành phụng vụ trong khoảng chiều dài của một năm. Năm dương lịch được thấu nhập bởi năm phụng vụ, mà theo một nghĩa nào đó, tạo nên toàn thể mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc, khởi đầu từ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng và kết thúc với lễ Chúa Kitô Vua, Chúa Tể Vũ Trụ và Chúa của Lịch Sử. Mỗi ngày Chúa Nhật ta đều tưởng niệm ngày Chúa Phục Sinh.”
 
 “Thời gian viên mãn,” được lặp đi lặp lại nhiều lần trong các thư của Phaolô, nói lên địa vị trung tâm của Chúa Kitô trong lịch sử, bởi vì thời gian đạt tới mức thành toàn của nó khi Con Thiên Chúa bước vào trong lịch sử loài người để đồng hành với con người:
 
 “Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà.” (Gal 4:4)
 “Người cho ta đươc biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Kitô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô.” (Eph 1: 9-10)
 “Vào đúng thời đúng buổi, Thiên Chúa đã biểu lộ lời Người” (Tit 1: 3) là Chúa Kitô, Đấng đã đến để khai mở một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của thi ân và cứu độ: “Vậy đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.” (2 Cor 6:2).
 
 Như vậy, theo Kinh Thánh, hành động cứu độ của Thiên Chúa đã được hoàn tất tự đời đời nơi Chúa Giêsu Kitô, nhưng lại được mạc khải cho ta trong thời gian. Đó chính là lịch sử cứu độ, được khai mào theo ý định nhiệm mầu yêu thương của Thiên Chúa, trong lịch sử con người, tức là trong thời gian. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của thời gian đối với người tín hữu. Với họ, thời gian là một khai mở theo chiều dài: Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa và câu chuyện về sự hợp tác, hay thiếu hợp tác, của con người với kế hoạch ấy. Điều này đúng cho toàn thể loài người, và cũng đúng cho từng cá nhân mỗi người.
 
 Khác với cái nhìn cuộc đời theo kiểu chu kỳ vòng tròn nơi một vài tôn giáo đông phương, theo đó, kiếp này nối tiếp kiếp trước, kiếp sau tiếp nối kiếp này, đầu thai hoá thân, trải qua những đường vòng ấy, đi dần đến mức hoàn thiện, nhân sinh quan Kitô giáo đặt nặng và coi trọng lịch sử, bởi vì mỗi người sống chỉ một lần, cũng như sẽ chỉ chết một lần, đúng như lời thư Phaolô gửi đến tín hữu Do Thái: “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét (Dt 9: 27). Bởi vậy, mỗi khoảnh khắc thời gian phải là một chu toàn ý muốn và kế hoạch của Thiên Chúa. Một cách lý tưởng, mỗi giây, mỗi phút của cuộc đời phải được vĩnh cửu hóa, nghĩa là phải cuốn vào quỹ đạo cứu độ của Chúa, trở thành giá trị muôn đời. Nói khác đi, là đặt trọn cuộc đời trong bàn tay của Thiên Chúa. Trong ý nghĩa này, thiết tưởng nên dừng lại để cùng suy niệm theo lời chú giải của ĐHY Joseph Ratzinger, nay là Đức Đương Kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI, về câu 5 trong Thánh Vịnh 16: “Lậy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ.” Bài suy niệm này được đăng trong Ordinariatskorrespondenz, số 1, ngày mùng 4 tháng Giêng năm 1979.
 
 “Bối cảnh Thánh Vịnh này là hình ảnh cổ xưa về cái chén chứa đựng số mạng mỗi người, và Thiên Chúa nắm giữ các số mạng này. Thế nhưng, trong hình ảnh ấy, đối đầu nhau lại là hai quan niệm khác biệt về ý nghĩa và sự thách đố của thời gian. Đó là những quan niệm mà ngay cả hôm nay cũng vẫn còn định hướng cho sức phấn đấu của ta trước tương lai. Vũ trụ quan ngoại đạo đã quá quen thuộc với hình ảnh số mạng, nhưng lại dựa trên những tiền đề hoàn toàn khác: thế giới chẳng qua chỉ là một canh bạc đỏ đen dưới sức chi phối của cái nguyên lý may rủi mù quáng. Thời gian, cũng mù lòa như thế, đã nôn ọe ra số mạng, cách này hay cách khác. Trong khi đó, Thánh Kinh đã làm biến đổi tận căn hình ảnh này. Quả thế, đúng là có chén chứa đựng các số mạng: kẻ thắng người thua. Thế nhưng chén số mạng này lại do chính Chúa nắm giữ, tức là “được đặt vào bàn tay của Ngài,” bàn tay của Khôn Ngoan tuyệt đối và Tình Yêu vĩnh cửu. Đây chính là cái tiền đề thiết yếu, mà chỉ duy mình nó cũng đủ khả năng đem đến cho con người những triền sóng hy vọng. Chén đã nằm trong tay Ngài, thành ra chỉ có thể đánh mất phần số của mình khi cố ý chối từ số mạng đang nằm trong tay Ngài. Bản dịch La ngữ còn đào sâu hơn nữa ý nghĩa của đoạn Thánh Vịnh ta đang suy niệm: ‘Trong tay Ngài, lậy Chúa, thời gian của con được an nghỉ.’ Xét về mặt ngữ học thuần túy, ta có thể dịch là: ‘Trong tay Ngài, lậy Chúa, vầng thái dương của con được nghỉ an.’ Thế là nổi lên hình ảnh mái đầu và vầng thái dương của ta được trao phó trong bàn tay từ ái của Chúa. Để rồi thời gian của con người không chỉ là thời gian được tính toán theo vòng xoay của mặt trời, mặt trăng, và mặt đất. Hơn thế nhiều! Với con người, một trung tâm mới của thế giới đã xuất hiện, một đơn vị đo lường, tính toán mới: đó là nhịp tim, cấu thành thước đo hiện hữu con người, ngay cả thước đo mới cho mọi hữu thể tự thân, như một trung tâm mới của thế giới. Lời Thánh Vịnh kêu gọi ta hãy kéo cuộc hiện hữu mình ra từ khoảng thời gian này, hãy nhìn nhận thời gian này như là thời gian đích thực của mình, và dùng ý thức đó mà uốn nắn thế giới này. Thời gian của trái tim được biến đổi thành thời gian bừng ánh mặt trời, bởi lẽ trái tim ta không rung động giữa cõi trống vắng mênh mông. Trái lại, trong khi chuyển đưa làn điệu rung động thấu đến khối óc và trí năng, trái tim ta bắt được đúng điệu nhịp rộn ràng khi tự đặt mình trong tay của Đấng cầm giữ toàn thể thời gian hiện hữu của ta trong bàn tay Ngài, bàn tay của Khôn Ngoan tuyệt đối, của Tình Yêu vĩnh cửu và cũng là niềm Hy Vọng duy nhất của ta. Chính vì thế, ta hãy đặt Năm Mới này, thời gian mới này, và cả tương lai của ta nữa, vào đôi tay của Chúa. Lậy Chúa, xin đón nhận chúng con, và ban cho chúng con muôn vàn ân phúc!”
 
 Te Deum laudamus!
  

Tác giả bài viết: Nguyễn Kim Ngân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Liên hệ

Tinvuiviet.net kính chào Quý vị và các bạn. Chúng tôi luôn mong nhận được bài vở cộng tác của mọi người. Xin cám ơn.   Liên hệ: Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: bbttinvui@gmail.com. Chân thành cảm ơn Quý vị và các bạn đã ghé thăm site. Kính chúc Quý vị và các...

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Chúng ta nên làm gì để nhiều người biết Thiên Chúa hơn ?

Cầu nguyện.

Đi lễ.

Sống bác ái.

Loan báo Tin Mừng.

Chu toàn nhiệm vụ hằng ngày.