www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
16:10 CDT Thứ năm, 28/03/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 70

Máy chủ tìm kiếm : 10

Khách viếng thăm : 60


Hôm nayHôm nay : 14109

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 841803

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 19062998

Trang nhất » Tin Tức » Suy niệm

Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 05/11 – 11/11/2015: Câu chuyện “Con lừa của Chúa”.

Thứ năm - 12/11/2015 15:57
Suy niệm

Suy niệm

Đức Thánh Cha cũng chia sẻ rằng: “Tôi cảm thấy rất vui và đánh động, vì trong thánh lễ hôm nay đã có những linh mục đến chào tôi và nói: ‘Đức Thánh Cha ơi, hôm nay con đến đây để tìm người của con, vì con đã đi truyền giáo ở Amazzon 40 năm trời nay rồi’.

1. Giáo Hội được mời gọi phục vụ chứ không phải được phục vụ

Giáo Hội được mời gọi để phục vụ và trên hết, Giáo Hội không phải là một tổ chức tài chính. Bởi thế, các Giám mục, linh mục cần vượt thắng cám dỗ của ‘một đời sống hai mặt’ do quá gắn bó với tiền của gây ra. Có nhiều linh mục, Giám mục thay vì phục vụ, họ lại biến mình trở thành những ‘doanh nhân’ và ‘ủ ấm’ đời mình với tiện nghi, vật chất trong sự lập lờ, thiếu trong sáng. Đây là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng thánh lễ sáng ngày 06 tháng 11, tại nhà nguyện thánh Marta.



Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói: “Phụng vụ ngày hôm nay mời gọi chúng ta suy tư về hai hình ảnh của người phục vụ. Trong bài trích thư Roma, ta thấy xuất hiện hình ảnh của thánh Phaolô, một người hăng say rao giảng Tin Mừng. Thánh Phaolô nói: ‘Như anh em biết, chính nhờ ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi làm người phục vụ Đức Giêsu Kitô và để chu toàn nhiệm vụ tế tự là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.’ Thánh Phaolô đã thực hiện ơn gọi này cách hết sức nghiêm túc. Ngài dành trọn cả con người mình cho việc phục vụ. Ngài không bao giờ biết bằng lòng dừng lại nhưng tiếp tục cố gắng phục vụ hơn nữa, hơn nữa và hơn nữa. Để rồi cuối cùng, ngay tại Roma, ngài đã bị một trong số những người thân tín phản bội và bị kết án tù đày, thậm chí là phải chết.

Nhưng từ đâu thánh Phaolô có được sự hăng say, nhiệt huyết và lòng can trường như thế? Điều đó đến từ Đức Giêsu Kitô. Thánh Phaolô đã tuyên bố rằng: ‘Tôi có quyền hãnh diện về việc phục vụ Thiên Chúa. Và vì ai mà tôi hãnh diện? Đó chính là nhờ Đức Giêsu Kitô. Thật thế, tôi đâu dám nhắc đến chuyện nào khác, ngoài những gì Đức Kitô đã dùng tôi mà thực hiện để đưa muôn dân về phục vụ Thiên Chúa, thực hiện bằng lời nói việc làm, bằng sức mạnh của những dấu lạ điềm thiêng, bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần.’

Với thái độ xác tín như vậy, thánh Phaolô đã đi loan báo Tin Mừng khắp nơi. Ngài tự hào về việc phục vụ, tự hào về việc mình được chọn, tự hào vì nhận lãnh được sức mạnh của Thánh Thần, tự hào vì được đi khắp cùng trái đất. Và điều khiến ngài vui sướng hạnh phúc là: ngài chỉ có tham vọng loan báo Tin Mừng ở những nơi người ta chưa được nghe nói đến danh Đức Giêsu. Ngài không muốn xây dựng trên nền móng người khác đã đặt. Điều ấy có nghĩa là thánh Phaolô muốn đến những nơi chưa được loan báo về Chúa, muốn được phục vụ những người phục vụ, muốn trở thành người tiên phong xây dựng nền móng. Bởi thế, ngài luôn luôn lên đường, đi mãi và đi mãi. Ngài không hề dựng lại để tận hưởng hoa trái ở nhưng nơi ngài đã đi qua. Ngài cũng không ở lại đó để nắm quyền lực, để được phục vụ. Nhưng ngài là một thừa tác viên, một tôi tớ ra đi để phục vụ chứ không phải để được phục vụ.”

Đức Thánh Cha cũng chia sẻ rằng: “Tôi cảm thấy rất vui và đánh động, vì trong thánh lễ hôm nay đã có những linh mục đến chào tôi và nói: ‘Đức Thánh Cha ơi, hôm nay con đến đây để tìm người của con, vì con đã đi truyền giáo ở Amazzon 40 năm trời nay rồi’. Niềm vui và xúc động cũng trào dâng trong tôi khi nghe một nữ tu nói: ‘Con đã làm việc suốt 30 năm trong một bệnh viện ở Châu Phi’; hay một nữ tu khác đã trải qua 40 năm làm việc trong một bệnh viện dành cho người khuyết tật, và vị nữ tu ấy luôn tươi nở nụ cười trên môi. Đây là lời mời gọi phục vụ và đây cũng là niềm vui trong Giáo Hội: hãy bước ra ngoài và lên đường phục vụ tha nhân, hãy đến với người khác và trao hiến thân mình cho họ. Điều mà thánh Phaolô đã làm là phục vụ và phục vụ.

Bài Tin Mừng theo thánh Luca nói về người quản gia bất lương. Qua đó, Đức Giêsu cho chúng ta thấy một hình ảnh khác: thay vì phục vụ lại bắt người khác phải phục vụ mình. Với những mánh khóe và mưu mẹo, người quản gia bất lương cố gắng làm mọi cách để giữ được vị trí chức vụ của mình, hay ít là khi bị cách chức cũng có một đời sống được bảo đảm. Và trong Giáo Hội cũng có những người như thế. Thay vì phục vụ, suy nghĩ đến tha nhân và đi tiên phong xây dựng nền móng; họ lại khiến Giáo Hội phải phục vụ họ. Họ trở thành những người bám víu và gắn bó vào tiền của. Chúng ta đã thấy bao nhiêu linh mục hay Giám mục như thế. Và thật buồn khi nhắc đến điều này đúng không anh chị em?

Đặc tính căn cốt của Tin Mừng và lời kêu gọi của Đức Giêsu Kitô là phục vụ: hãy phục vụ chứ đừng dừng lại; hãy biết quên mình đi để phục vụ tha nhân. Trái lại, phía bên kia là một tình trạng tiện nghi, yên ổn: tôi cố gắng để đạt tới một sự ổn định, rồi sống thoải mái trong tình trạng đó mà đôi khi thiếu đi sự liêm chính, trong sáng. Điều này giống như tình trạng của một số người Pha-ri-sêu mà Chúa Giêsu đã nói tới: Họ đeo những thẻ kinh thật dài và đi lại trên đường phố cốt để người khác trông thấy. Như vậy, có hai hình ảnh: hai hình ảnh Kitô hữu, hai hình ảnh linh mục, hai hình ảnh người nữ tu. Ta sẽ chọn hình ảnh nào: phục vụ hay được phục vụ?

Nơi thánh Phaolô, chúng ta thấy hình bóng của Giáo Hội, một Giáo Hội không bao giờ dừng lại nhưng luôn đi tiên phong để đặt nền móng. Nhưng nếu trong Giáo Hội có những người chỉ biết chọn một đời sống yên ổn, tiện nghi; Giáo Hội đang tự đóng mình lại, đang trở thành một tổ chức kiếm tiền kinh doanh. Khi ấy, Giáo Hội sẽ không còn là thừa tác viên của Đức Kitô để phục vụ người khác nữa nhưng lại khiến người khác phải phục vụ mình.”

Bởi thế, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cùng hiệp ý cầu nguyện: “Chúng ta nài xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng như đã ban cho thánh Phaolô. Đó là ơn biết tự hào về công việc phục vụ Thiên Chúa, biết lao mình về phía trước, biết nói không với những bến đỗ tiện nghi, thoải mái. Đồng thời, cũng xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi cám dỗ của một đời sống hai mặt: tôi có thể nhìn nhận mình là một thừa tác viên của Chúa, một người phục vụ, nhưng thực ra người khác đang phải phục vụ tôi.”

2. Kitô hữu là người biết bao dung chứ không loại trừ

Kitô hữu là người biết gắn kết với tha nhân, không hề khép cửa lại với bất cứ ai, cho dù có bị chống đối. Kẻ hay loại trừ, vì nghĩ rằng mình hơn người, luôn gây ra những xung đột, chia rẽ và chẳng hề suy nghĩ đến thực tế rằng có một ngày anh sẽ phải trả lẽ trước tòa phán xét của Thiên Chúa. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng hôm nay, 05-11, tại nhà nguyện thánh Marta.

Đức Thánh Cha chia sẻ:

“Anh chị em thân mến,

Trong thư gởi giáo đoàn Roma, thánh Phaolô kêu gọi chúng ta đừng xét đoán và khinh dể người anh em; vì sẽ dẫn đến việc loại trừ người anh em đó ra khỏi cộng đoàn, và khiến chúng ta dễ có khuynh hướng tự biến mình thành những người ưu tuyển. Nhưng như thế, chúng ta sẽ không còn là những Kitô hữu đúng nghĩa nữa. Đức Kitô, với cuộc hiến tế của Ngài trên đồi Canvê, đã hiệp nhất và nối kết tất cả mọi người trong hồng ân cứu độ. Trong bài Tin Mừng, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Nói khác đi, tất cả những người bị loại trừ, bị gạt ra bên lề xã hội đều đến với Đức Giêsu. Còn những người Pha-ri-sêu và các kinh sư lại xầm xì bàn tán với nhau.

Các kinh sư và người Pha-ri-sêu đều có chung một động thái, đó là loại trừ. Có thể họ nghĩ bụng: ‘Chúng ta là những người hoàn hảo, vì tuân giữ mọi điều trong lề luật. Còn đây là những kẻ tội lỗi và những tên thu thuế’. Nhưng thái độ của Đức Giêsu lại là nối kết và hiệp nhất. Như thế, trong cuộc sống có hai con đường: một là loại trừ người khác khỏi cộng đồng, và một là con đường của nối kết trong hiệp nhất yêu thương. Con đường thứ nhất có vẻ nhỏ bé nhưng lại là nguyên nhất của tất cả mọi thứ chiến tranh và hận thù. Bởi vì quả thật, mọi thảm họa và chiến tranh đều khởi đi từ thái độ phân biệt, loại trừ. Con người bị loại trừ khỏi cộng đồng quốc tế nhưng cũng có thể bị loại trừ khỏi gia đình và ngay giữa một nhóm bạn bè với nhau. Quả là một con đường đầy chiến tranh và xung đột! Con đường thứ hai giúp chúng ta gặp gỡ Giêsu và dạy chúng ta biết rằng Đức Giêsu hoàn toàn khác biệt. Ngài không hề loại trừ nhưng luôn bao dung và gắn kết.”

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng ý thức rằng: “Việc nối kết mọi người không phải là chuyện dễ dàng, vì gặp phải chống đối, nhất là thái độ của những kẻ nghĩ mình được chọn, nghĩ mình là ưu tuyển. Bởi thế, Đức Giêsu mới kể hai dụ ngôn: dụ ngôn con chiên lạc và đồng tiền bị đánh mất. Cả người chăn chiên và người phụ nữ đều cố gắng làm mọi cách với ước mong tìm lại được thứ mà họ đã đánh mất. Và khi tìm thấy rồi, họ hoan hỷ vui mừng. Ngay lập tức, họ chia sẻ niềm vui ấy với bạn bè và hàng xóm vì họ vô cùng hạnh phúc: ‘Tôi đã tìm thấy, tôi đã đem về con chiên bị mất’. Đây chính là sự ‘bao dung’ của Thiên Chúa, hoàn toàn trái ngược với việc loại trừ của những ai ưa xét đoán và gạt bỏ người khác. Sự loại trừ tạo nên một vòng tròn nhỏ xíu chỉ gồm bạn bè hay những người hợp tính tình sở thích. Nhưng sự bao dung, gắn kết của Thiên Chúa lại rộng lớn, bao la. Ngài bao bọc tất cả mọi người, chẳng trừ một ai, trong hồng ân cứu độ. Tuy nhiên, chúng ta, với sự yếu đuối, tội lỗi, ghét ghen, đố kỵ, luôn có khuynh hướng loại trừ người khác. Và như đã nói ở trên, mọi hành vi loại trừ đều kết thúc bằng chiến tranh, thù hận.”

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, nếu tôi xét đoán và loại trừ người khác, đến một ngày tôi sẽ phải trả lẽ về chính mình trước mặt Thiên Chúa: “Đức Giêsu đã sống và hành động như Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài đến để cứu chúng ta. Đức Giêsu không ngừng tìm kiếm để bao bọc chúng ta và nối kết chúng ta thành một cộng đồng, thành một gia đình. Bởi thế, chúng ta hãy chu toàn bổn phận của mình và đừng bao giờ xét đoán người khác. Thiên Chúa thấu biết tất cả. Thiên Chúa biết người kia đang làm gì. Thế nên, chúng ta đừng xét đoán anh ta, đừng loại trừ anh ta ra khỏi tâm hồn, ra khỏi lời cầu nguyện và nụ cười dễ mến của chúng ta. Nếu có cơ hội, ta hãy nói với anh những lời cởi mở, gần gũi. Chúng ta đừng xét đoán vì chúng ta không có quyền làm điều đó. 

Thánh Phaolô đã nói: ‘Mỗi người chúng ta sẽ phải trả lời về chính mình trước mặt Thiên Chúa.’ Chúng ta xin ơn để được trở nên những người biết bao dung và gắn kết, không bao giờ khép cửa chối từ bất cứ ai nhưng luôn rộng mở với trái tim nhân ái. Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng này”.

3. Câu chuyện “Con Lừa Của Chúa”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lòng khiêm tốn và quảng đại của hai bà góa là chủ đề trong các bài đọc của Chúa Nhật 32 Quanh Năm. Phúc Âm kể rằng:

Trong lúc giảng dạy, Đức Giêsu nói rằng: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.”

Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma. Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Thánh Gioan Maria Vianney, lúc còn là một chủng sinh, học hành rất chậm chạp, tưởng chừng như ngài không còn đủ khả năng để tiến tới chức linh mục. Ngày kia, thừa lệnh giám mục giáo phận, một vị giáo sư thần học đã đến khảo sát Vianney. Vianney đã không trả lời được câu hỏi nào... Không giữ được bình tĩnh, vị giáo sư đã đập bàn quát lớn: “Vianney, anh dốt như lừa! Với một con lừa như anh, Giáo Hội sẽ làm được gì?”.

Vianney khiêm tốn, bình tĩnh trả lời: “Thưa thầy, ngày xưa, Samson chỉ dùng một cái xương hàm của một con lừa để đánh bại được 3 ngàn quân Philitinh. Vậy, với cả một con lừa này, Thiên Chúa không làm gì được sao?”.

Thiên Chúa tự do chọn lựa mỗi người vào chương trình của Người. Người chọn chúng ta không vì tài năng, đức độ của chúng ta. Người quyền năng đến độ có thể biến sự dốt nát, tầm thường của chúng ta thành những giá trị siêu phàm.

Ðiều quan trọng chính là sự đáp trả quảng đại của chúng ta đối với chương trình của Người. Thiên Chúa luôn làm được phép lạ, nếu con người biết cộng tác với Người, ngay cả bằng chính sự dốt nát, vô dụng của mình.

4. Xin tha nợ

Trong buổi tiếp kiến chung hơn 20 ngàn tín hữu hành hành hương sáng ngày 4-11-2015, Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người thực hành sự tha thứ theo tinh thần kinh Lạy Cha. Đức Thánh Cha đã nói về chủ đề là “Xin tha nợ”. Đây là bài thứ 31 trong loạt bài giáo lý về gia đình. Ngài nói:

“Thượng HĐGM mới kết thúc đã suy tư sâu rộng về ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong đời sống Giáo Hội và xã hội ngày nay. Đó là một biến cố ơn thánh. Vào cuối khóa họp, các nghị phụ đã trao cho tôi văn bản những kết luận của các vị. Tôi đã muốn cho văn bản này được công bố, để tất cả được tham phần vào công việc mà họ cùng can dự trong 2 năm. Đây không phải là lúc cứu xét các kết luận ấy, những kết luận mà chính tôi cần phải suy tư. Nhưng trong khi chờ đợi, cuộc sống không dừng lại, đặc biệt cuộc sống của các gia đình vẫn tiếp tục! Các gia đình quí mến, anh chị em luôn tiến bước. Và anh chị em tiếp tục viết lên trong những trang cuộc sống cụ thể vẻ đẹp của Tin Mừng về gia đình. Trong một thế giới nhiều khi trở nên khô cằn sức sống và tình yêu, mỗi ngày anh chị em nói về hồng ân cao cả là hôn nhân và gia đình.

Hôm nay tôi muốn nhấn mạnh khía cạnh này: gia đình là một thao trường lớn để tập luyện sự trao ban và tha thứ cho nhau, chẳng vậy không có tình yêu nào có thể trường tồn. Trong kinh nguyện mà chính Ngài đã dạy chúng ta, kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta thưa với Chúa Cha: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Vào cuối kinh, Chúa bình luận: “Thực vậy, nếu các con tha thứ những lỗi lầm của người khác, thì Cha các con trên trời cũng tha thứ cho các con; nhưng nếu các con không tha thứ cho tha nhân, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ những lỗi lầm của các con” (Mt 6,12.14-15). Ta không thể sống mà không tha thứ, hoặc ít là không thể sống tốt đẹp, nhất là trong gia đình. Mỗi ngày chúng ta làm những điều lầm lỗi đối với nhau. Chúng ta phải để ý đến những sai lầm ấy, do sự yếu đuối và ích kỷ của chúng ta. Nhưng điều mà chúng ta được yêu cầu là chữa lành ngay những vết thương chúng ta gây ra cho nhau, nối lại tức khắc những mối dây đã bị đứt đoạn. Nếu chúng ta chờ đợi quá lâu, thì tất cả trở nên khó khăn hơn. Và có một bí quyết đơn giản để chữa lành những vết thương và giải tỏa những lời cáo buộc, đó là đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không xin lỗi, không làm hòa giữa vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em, giữa mẹ chồng và nàng dâu! Nếu chúng ta học cách xin lỗi và tha thứ ngay cho nhau, thì chúng ta chữa lành những vết thương và hôn nhân được củng cố, gia đình trở thành căn nhà vững chắc hơn, chống lại được những chấn động do những thói xấu lớn nhỏ của chúng ta gây ra.

Nếu chúng ta học cách sống như thế trong gia đình, thì chúng ta cũng làm như vậy ở bên ngoài, bất kỳ nơi nào chúng ta sống. Nghi ngờ về điều này là điều dễ dàng. Nhiều người, kể cả các tín hữu Kitô nghĩ rằng đó là một điều thái quá. Họ nói: nói thì dễ, thì đẹp, nhưng không thể thực hành được. Nhưng cám ơn Chúa, không phải như vậy. Thực thế, chính khi lãnh nhận ơn tha thứ từ Chúa, mà chúng ta có khả năng tha thứ cho người khác. Vì thế, Chúa Giêsu đã yêu cầu lập lại những lời này mỗi khi chúng ta đọc kinh Lạy Cha, nghĩa là mỗi ngày. Và điều không thể thiếu được, đó là một một xã hội nhiều khi tàn ác, có những nơi, như gia đình, trong đó chúng ta phải học tha thứ cho nhau.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng:

“Thượng HĐGM cũng khơi dậy niềm hy vọng của chúng ta về điều này: khả năng tha thứ và tha thứ cho nhau là điều thuộc về ơn gọi và sứ mạng của gia đình. Việc thực hành tha thứ không phải chỉ cứu vãn gia đình khỏi chia rẽ, nhưng còn làm cho nó có khả năng giúp xã hội bớt gian ác xấu xa hơn. Đúng vậy, mỗi cử chỉ tha thứ chữa căn nhà khỏi những rạn nứt và củng cố các tường nhà. Hỡi các gia đình quí mến, Giáo Hội luôn ở cạnh để giúp đỡ anh chị em xây dựng căn nhà của anh chị em trên đá tảng như Chúa Giêsu đã nói. Chúng ta đừng quên những lời liền trước dụ ngôn về căn nhà: “Không phải hễ ai nói Lạy Chúa, Lạy Chúa, mà được vào nước Trời, nhưng là người thi hành ý Cha Thầy”. Và Ngài nói thêm: “Nhiều người sẽ nói trong ngày ấy: Lạy Chúa, Lạy Chúa, chúng con đã thẳng nói tiên tri và trừ quỉ nhân danh Chúa đó sao? Nhưng Ta sẽ tuyên bố với họ: “Ta chẳng hề biết các ngươi là ai” (Xc Mt 7,21-23). Chắc chắn đó là một lời nghiêm khắc, có mục đích đánh động và kêu gọi chúng ta hoán cải.

Các gia đình Kitô thân mến, tôi đoan chắc với anh chị em rằng anh chị em ó khả năng ngày càng quyết liệt tiến bước trên con đường Các MỐi Phúc thật, bằng cách học hỏi và dạy tha thứ cho nhau, trong toàn thể đại gia đình Giáo Hội sẽ tăng trưởng khả năng làm chứng về sức mạnh đổi mới trong sự tha thứ cảu Thiên Chúa. Chẳng vậy, chúng ta sẽ làm những bài giảng rất hay rất đẹp và có khi xua đuổi cả ma quỉ, nhưng rốt cuộc Chúa không nhận ra chúng ta là môn đệ của Ngài!

Quả thực các gia đình Kitô phải làm nhiều cho xã hội ngày nay và cho cả Giáo Hội nữa. Vì thế tôi mong muốn rằng trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, các gia đình tái khám phá kho tàng sự tha thứ cho nhau. Chúng ta hãy cầu xin cho các gia đình ngày càng có khả năng sống và xây dững những con đường hòa giải cụ thể, trong đó không ai cảm thấy bị bỏ mặc cho gánh nặng những nợ nần của mình. Với ý hướng đó, chúng ta cùng nhau thưa: “Lạy Cha chúng con, xin tha nợ chúng con như cũng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.

5. Đồng tiền của hai bà goá

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 8 tháng 11 với gần 40 ngàn tín hữu, Đức Thánh Cha phê bình thái độ của các nhà thông luật và đề cao lòng khiêm tốn quảng đại của bà góa.

Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha quảng diễn bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ 32 thường niên, qua đó Chúa Giêsu khiển trách thái độ của những nhà thông luật kiêu ngạo, tham lam và giả hình, nhưng Chúa đề cao thái độ của bà góa nghèo khó và khiêm hạ. 

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em với mặt trời đẹp như thế này!

Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay gồm 2 phần: phần đầu mô tả những thái độ các môn đệ Chúa Kitô cần tránh, và phần hai đề nghị một lý tưởng gương mẫu của Kitô hữu.

Chúng ta hãy bắt đầu với phần thứ I: những điều mà chúng ta không nên làm. Trong phần đầu Chúa Giêsu phê bình những luật sĩ, những chuyên gia về đạo giáo 3 khuyết điểm được biểu lộ trong lối sống của họ, đó là: kiêu ngạo, tham lam và giả hình. Chúa nói: họ thích được chào ở nơi công cộng, được chỗ nhất trong các hội đường và chỗ đầu trong các bàn tiệc” (Mt 12,38-39(. Nhưng dưới cái vẻ sang trọng ấy có dấu ẩn sự giả dối và bất công. Trong khi họ khoa trương nơi công cộng như thế, họ dùng quyền bính để “nuốt chửng gia cư của các bà góa” (Xc v.40) là những người cùng với các kẻ mồ côi và ngoại kiều, bị coi là những người yếu thế và ít được bảo vệ nhất. Sau cùng, các luật sĩ “cầu nguyện dài lời để cho người ta thấy” (v.30). Ngày nay cũng có những nguy cơ có những thái độ như thế. Ví dụ khi người ta tách rời kinh nguyện khỏi công lý, vì ta không thể phụng tự Thiên Chúa và đồng thời gây hại cho người nghèo. Hoặc khi ta nói yêu mến Thiên Chúa, và lại đặt hư danh, lợi lộc ở trên Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nói tiếp:

Và trong chiều hướng ấy có phần hai của bài Tin Mừng hôm nay. Cảnh tượng diễn ra trong Đền thờ Jerusalem, đúng ra là tại nơi dân chúng bỏ tiền dâng cúng. Có nhiều người giàu bỏ bao nhiêu đồng tiền, và có một phụ nữ nghèo, góa phụ, chỉ bỏ hai đồng xu nhỏ. Chúa Giêsu quan sát kỹ lưỡng người đàn bà ấy và ngài lưu ý các môn đệ về sự tương phản trong cảnh tượng. Những người giàu có khoa trương cho đi những điều dư thừa, trong khi bà góa, kín đáo và khiêm tốn, cho “tất cả những gì bà có để sống” (v. 44); vì thế, Chúa Giêsu nói - bà đã cho nhiều hơn tất cả những người khác. Do sự nghèo khó cùng cực của bà, lẽ ra bà có thể chỉ cúng một đồng cho đền thờ và một đồng kia giữ lại cho mình. Nhưng bà không muốn dâng cúng Thiên Chúa nửa chừng; bà dâng tất cả. Trong sự nghèo khó của bà bà hiểu rằng, có Chúa là có tất cả; bà cảm thấy được Chúa hoàn toàn yêu thương và đáp lại bà yêu Chúa trọn vẹn. Gương của bà già ấy thật là đẹp dường nào!

Ngày hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta rằng thước đo không phải là lượng, nhưng là sự trọn vẹn. Có một sự khác biệt giữa lượng và sự trọn vẹn tất cả. Bạn có thể có bao nhiêu tiền bạc, nhưng lại trống rỗng: không có sự sung mãn trong tâm hồn bạn. Trong tuần này, anh chị em hãy suy nghĩ về sự khác biệt giữa số lượng và sự trọn vẹn. Đây không phải là vấn đề ví tiền, nhưng là con tim. Có sự khác biệt giữa ví tiền và con tim.. Có những thứ bệnh đau tim, hạ thấp con tim xuống hàng ví tiền.. Và điều này không tốt! Yêu mến Thiên Chúa “hết lòng” có nghĩa là tín thác nơi Chúa, nơi sự quan phòng của Chúa,và phụng sự Chúa nơi anh chị em nghèo khổ nhát mà không chờ đợi được báo đáp.

Tôi xin phép kể cho anh chị em một giai thoại, xảy ra trong giáo phận trước đây của tôi. Ở bàn ăn có một bà mẹ và 3 đứa con nhỏ; người cha đi làm, họ đang ăn món thịt sườn Milano.. Trong lúc đó có người gõ cửa và những đứa bé, 5, 6,7 tuổi, đứa lớn nhất nói với mẹ: “Mẹ ơi, có người ăn mày xin ăn”, và bà mẹ vốn là một tín hữu Công Giáo tốt, hỏi các con: “Chúng ta làm sao đây”. “Mẹ ơi, cho họ ăn đi!”. Bà mẹ đáp: “Tốt lắm”. Rồi bà cầm xiên và dao, cắt một nửa miếng thịt của mỗi đứa con. “A, mẹ ơi, đừng làm như vậy. Mẹ lấy thịt ở trong tủ lạnh ấy”. Nhưng bà mẹ đáp: “Không, chúng ta làm 3 cái bánh mì kẹp thế này!”

Những đứa con đã học điều này là làm việc bác ái thực sự không phải là cho đi của dư thừa, nhưng là cho những điều cần thiết. Tôi chắc chắn rằng chiều hôm ấy ba đứa con hơi đói.. Nhưng phải làm như thế.

Đứng trước những nhu cầu của người khác, chúng ta được kêu gọi hãy hy sinh một cái gì đó, như những đứa trẻ, hy sinh một nửa miếng thịt sườn, hy sinh cái gì không thể thiếu được, chứ không phải chỉ cho đi đồ dư thừa; chúng ta được kêu gọi dành thời giờ cần thiết, không những thời giờ thừa thãi; chúng ta được kêu gọi cho ngay tài năng của chúng ta, không chút do dự, không phải sau khi đã sử dụng vào những mục tiêu cá nhân hoặc của nhóm chúng ta.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng:

“Chúng ta hãy cầu xin Chúa nhận chúng ta vào trường của bà góa, người mà Chúa Giêsu, giữa sự kinh ngạc của các môn đệ, đã đưa lên tòa và giới thiệu như thầy dạy Phúc Âm sống động. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, người phụ nữ nghèo đã dâng hiến tất cả cuộc sống cho Thiên Chúa vì chúng ta, chúng ta hãy xin ơn được một trái tim thanh bần, nhưng giầu lòng quảng đại vui tươi và nhưng không.

Nguồn tin: vietcatholic

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Liên hệ

Tinvuiviet.net kính chào Quý vị và các bạn. Chúng tôi luôn mong nhận được bài vở cộng tác của mọi người. Xin cám ơn.   Liên hệ: Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: bbttinvui@gmail.com. Chân thành cảm ơn Quý vị và các bạn đã ghé thăm site. Kính chúc Quý vị và các...

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Trong Mùa Chay bạn làm gì để tỏ lòng sám hối ?

Ăn chay. Hãm mình.

Bác ái, chia sẻ.

Hoán cải đời sống, đi xưng tội.

Năng tham dự thánh lễ.

Cầu nguyện nhiều hơn.