cha Ignazio Lastrico
Từ Amazon đến khu ổ chuột của một thành phố lớn, ý nghĩa sâu xa của một sứ vụ không thay đổi, đó là “loan báo Tin Mừng, tin vui của Chúa Giêsu”, nhận ra “sự tốt lành mà Chúa đã ban tặng cho chúng ta, như cảm giác ở nhà, ở bất cứ nơi đâu”.
Trên đây là xác tín của cha Ignazio Lastrico, nhà truyền giáo người Ý của Hội Giáo hoàng Truyền giáo Hải ngoại. Cha đã làm việc ở Brazil từ năm 1998, và đi khắp nơi, từ cửa sông Amazon đến Salvador của Bahia, rồi một giáo xứ ở São Paulo. Điểm truyền giáo đầu tiên của cha Ignazio Lastrico là Amazon, trước hết ở Macapá và sau đó xa hơn trong đất liền. Trong ba năm ở vùng ngoại ô, cha là linh mục quản xứ đầu tiên nơi đường xích đạo đi qua, trong một khu phố vẫn đang được xây dựng, với người dân đến từ các khu vực khác. Ở đây, linh mục cũng là một người lãnh đạo cộng đoàn, vì thế cha vừa chăm sóc đời sống mục vụ vừa lo đời sống thường ngày cho mọi người.
Sau đó, cha được bổ nhiệm đến Porto Grande, một vùng lãnh thổ giáo xứ kéo dài 200 km, với 96 cộng đoàn, thiên nhiên tươi đẹp, nhưng người dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp và săn bắn, nhiều khó khăn và nghèo đói. Ở đây cha phải di chuyển rất nhiều, bằng xe, thuyền. Cha di chuyển từ cộng đoàn này sang cộng đoàn khác mỗi tháng một lần, sống giữa người dân. Đa số mọi người chỉ gặp cha hai lần một năm. Nhiều cộng đoàn ở Amazon, các tín hữu chỉ có thể tham dự Thánh lễ 2 lần trong một năm.
Khi đến một cộng đoàn, cha tổ chức khoá học giáo lý, với sự tham gia của khoảng 40 đến 60 lãnh đạo cộng đoàn. Chính những người này sau đó chia sẻ những gì đã học được cho các thành viên của cộng đoàn mình.
Cha chia sẻ một trường hợp xúc động: “Tôi sẽ không bao giờ quên ông Nicolau. Ông phải đi 30 km đường rừng để tham gia những cuộc gặp gỡ này. Là một người đào vàng, sau một cuộc sống trong một thế giới đầy bạo lực và khắc nghiệt đã hoán cải. Một thời gian sau, lúc gần chết, tìm tôi xin xưng tội và nói với tôi: Cả đời con đã tìm vàng và cuối cùng con đã gặp được Chúa Giêsu thật. Đây là lý do tại sao đối với chúng tôi, những người truyền giáo, điều quan trọng là luôn luôn hiện diện”.
Tại giáo xứ Santana, với 70.000 cư dân ở cửa sông Amazon, nơi đã hiện diện từ năm 2015, cha Lastrico đã sống qua thời kỳ khẩn cấp Covid. Nhưng nhà truyền giáo người Ý đảm bảo rằng đối với cha đại dịch, ngay cả khi rất khó khăn, vẫn là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất trong cuộc đời. Trong hoàn cảnh bị cô lập, cha tự hỏi tại sao lại làm linh mục giáo xứ ở đó. Và thế là cha bắt đầu đến bệnh viện, thăm người bệnh và cầu nguyện cho họ và với họ.
Từ năm 2021, cha phục vụ ở São Francisco Xavier, trong một khu ổ chuột ở São Paulo, được các nhà thừa sai gọi là làng truyền giáo. Đó là một khu phố ngoại ô được ra đời cách đây 50 năm bởi các nhà truyền giáo, nó có hơn 50.000 cư dân.
70% người dân Brazil sống ở khu ổ chuột. Có những nhóm cực kỳ nghèo khổ, nhưng trên hết đó là những hoàn cảnh mà mọi người phải rời đi từ sáng sớm để đi làm và trở về muộn vào buổi tối. Thanh niên cũng làm việc ban ngày và học vào buổi tối. Vì vậy, các cuộc họp trong giáo xứ phải được tổ chức muộn, nếu không sẽ khó nói chuyện với mọi người.
Cha giải thích, ở đây truyền giáo có nghĩa là thăm viếng các gia đình. Và sau đó tạo ra nhiều cách gặp gỡ khác nhau: ví dụ dự án trường dạy múa và bóng đá. Mọi sự thực sự đều xuất phát từ tinh thần hành động, không có một kế hoạch nào được thiết lập sẵn, truyền giáo thông qua những cử chỉ cụ thể, như dự án xã hội giúp người già biết đọc biết viết.
Suy tư về sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền giáo năm nay 2024 của Đức Thánh Cha Phanxicô, cha nói trong bối cảnh rộng lớn như thành phố Sao Paulo, nếu không có một định hướng rõ ràng, sẽ nhấn chìm. Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu ra đi mời người khác đến dự tiệc, trong một thế giới có nhiều “bữa tiệc” khác nhưng là những bữa tiệc ích kỷ. Tin Mừng mời gọi mọi người đến dự tiệc Thiên Chúa, nơi có sự hiện diện của niềm vui, sự chia sẻ, tình huynh đệ, hiệp thông với Chúa và tha nhân.
Cha Lastrico nói: “Trong những ngày này, ở các cộng đoàn giáo xứ, chúng tôi suy tư về sứ điệp của Đức Thánh Cha, trong đó ngài mời gọi mọi người năng tham dự Thánh lễ và nhấn mạnh tầm quan trọng của Thánh Thể. Bàn tiệc cộng đoàn được sinh ra từ Thánh Thể, và vì thế sau khi cử hành, chúng tôi luôn cố gắng tổ chức một bữa tiệc nhỏ cùng nhau, tìm sự hiệp nhất giữa việc cử hành và cộng đoàn. Nhưng các hoạt động không dừng lại ở đó. Chúng tôi mở cửa nhà thờ rất sớm, lúc 6 giờ sáng, để những người đi làm có được giây phút cầu nguyện, thinh lặng trước khi đối diện với những thử thách hàng ngày. Điều quan trọng là mời mọi người đến dự bữa tiệc này. Và đối với chúng tôi, những nhà truyền giáo, cũng phải gần gũi với những nhà truyền giáo khác, một số ở Nhật Bản, một số ở Bangladesh, một số ở Nga, bởi vì tinh thần truyền giáo trong tháng 10 này không chỉ tại nơi mình đang hiện diện nhưng là sứ vụ phổ quát”.