Linh mục thừa sai cạnh người già cả đau yếu
Chủ nhật - 20/09/2015 19:53
Linh mục thừa sai cạnh người già cả đau yếu
Cha Michel Arro - người Pháp thuộc Hội Thừa Sai Paris - làm việc mục vụ tại Singapour. Mỗi sáng Thứ Sáu Đầu Tháng, Cha mang Mình Thánh Chúa cho các vị cao niên và bệnh nhân, phần lớn là ngoại kiều nói tiếng Mã-lai hoặc tiếng Anh. Điều đáng nói là nhà các cụ già có chó dữ trông coi! Mỗi lần lên đường đi thăm bệnh nhân, Cha khẩn cầu thánh Phanxicô thành Assisi phù hộ, để không gặp hiểm nguy khi đến gần chú bạn chó dữ! Xin nhường lời Cha kể lại kinh nghiệm mục vụ.
Cụ bà tôi viếng thăm đầu tiên là vị trưởng lão của giáo xứ. Cụ tên Luxia Tần, 90 tuổi. Cụ bà gốc Hoa pha lẫn dòng máu Mã-lai. Đây là những gia đình người Hoa đến lập nghiệp lâu đời tại Singapour. Cụ theo đạo Công Giáo năm 75 tuổi. Cụ ăn mặc theo lối Mã-lai và nói tiếng Mã-lai bình dân. Mặc dầu được báo trước, nhưng người nhà cụ Luxia không bao giờ chịu nhốt con chó giống Đức trước khi tôi đến. Thành ra khi trông thấy tôi, con chó nhẩy bổ lên, sủa inh ỏi. Phải đợi một lúc lâu, người nhà mới túm được con chó và nhốt nó vào chuồng, để tôi bước vào nhà bình an! Thiệt là hú hồn!
Cụ bà Luxia Tần ăn mặc chỉnh tề đợi tôi. Đứng hai bên cụ là hai cháu gái, một đứa lên 6 và một đứa lên 4. Cụ hãnh diện giải thích:
- Thưa Cha, đây không phải là hai đứa chắt mà là hai đứa chít!
Chúng tôi trò chuyện một chút, rồi cùng nhau cầu nguyện. Xong, cụ cẩn thận rút trong áo ra tấm phong bì nhỏ màu đỏ, trong đó có tờ giấy bạc mới tinh. Ngay từ những lần gặp gỡ đầu tiên, tôi đã hết sức từ chối nhận tấm phong bì đỏ này, nhưng vô hiệu. Cụ mĩm cười nói với tôi:
- Thưa Cha, Cha đâu có chạy xe bằng nước lã!
Tôi đành chấp nhận. Tôi ban phép lành cho cụ cùng mọi cháu-chắt-chít trong nhà trước khi từ giã cụ. Con chó Đức sủa inh ỏi, như lời chào từ biệt..
Cách đó hai cây số, tôi đến khu vực dành riêng cho các nhân viên canh tù, để thăm cụ bà Maria, người Quảng-Đông. Cụ có thân mình tròn trĩnh thấp bé. Ngay lúc vừa nghe tiếng chuông cửa báo hiệu tôi đến, cụ bà Maria liền lần mò đến phòng khách, nơi có đặt bàn thờ kính Chúa. Đi bên cạnh cụ là chú chó Tàu, chạy lăng quăng và sủa inh ỏi. Tôi đứng yên đợi cụ, lòng đầy thán phục trước thái độ tôn kính cụ dành cho Chúa. Trong khi chờ đợi cụ sẵn sàng, tôi trò chuyện với người con dâu và đứa cháu gái cụ, một chiêu đãi viên hàng không. Chú chó Tàu không bao giờ rời cụ Maria. Khi tôi trao Mình Thánh Chúa cho cụ, chú sủa inh ỏi, làm như tiếng chuông rung, hoặc tiếng đàn đại cầm trong các buổi phụng vụ!
Hai phút sau, tôi đến nhà ông Tony. Ông từng chạy áp-phe nên thường liên miên đi đây đó. Nhưng rồi, cách đây không lâu, ông bị đứt mạch máu đầu và bị toàn thân bất toại, phải nằm liệt giường, vào năm 57 tuổi. Ông chỉ ú-ớ vài câu nói, nhưng sử dụng được bàn tay phải. Do đó, mỗi lần tôi đến thăm và đem Mình Thánh Chúa, ông trao cho tôi 5 lời nguyện giáo dân, đọc trong Thánh Lễ, do ông soạn và chính tay ông viết ra. Nơi nhà ông Tony cũng có con chó giữ nhà. Nhưng lần này là con chó Tây! Nó không bao giờ rời chủ. Nó thích liếm chân khách. Tôi để yên cho nó làm, miễn nó không quấy rầy trong lúc chúng tôi đọc kinh.
Rời nhà ông Tony tôi đến thăm cụ Emile Dragon, cụ già lai Âu châu, 82 tuổi. Lúc nào cụ cũng như đang ngủ. Mọi người đi làm, chỉ có mỗi một cô giúp việc người Phi-luật-tân. Tôi phải nhờ cô ta gọi cụ dậy. Con chó Tây cũng sủa inh ỏi như muốn đánh thức cụ. Nhưng cụ vẫn nằm yên ngủ kỹ. Tôi đành lên tiếng la lớn:
- Cụ Dragon, tôi mang Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU đến cho cụ đây!
Mãi một lúc thật lâu, cụ mới mở một con mắt ra và hỏi:
- Ai đó?
Tôi trả lời:
- Cha Arro, tôi mang Mình Thánh Chúa đến cho cụ.
Cụ trả lời không rồi nhắm mắt ngủ lại. Con chó Coocky lại sủa vang. Sau cùng, cụ Dragon lại mở một mắt và nói:
- Con không rước lễ được, vì con không giữ chay!
Tôi giải thích cho cụ hiểu và chờ đợi phản ứng của cụ. Rồi như cảm thấy ân hận, cụ nói:
- Được rồi, xin Cha cho con rước lễ.
Khi ra về, lòng tôi cảm thấy hơi khó chịu và mệt mỏi. Một ngày, có dịp gặp người con gái cụ Dragon, tôi nói với bà, có lẽ hãy để cụ yên, đừng nài ép cụ rước lễ làm gì. Nhưng tôi ngạc nhiên biết bao khi nghe bà nói:
- Không phải vậy đâu Cha! Tháng nào Ba con cũng đợi Cha mang Mình Thánh Chúa đến. Nhưng Ba con làm bộ đóng trò ngủ say như thế là để Cha khỏi nài ép Ba con phải xưng tội!
À ra thế! Tôi chưng hửng! Vậy mà đâu có bao giờ tôi nghĩ tới! Chúa ơi, tôi phải cẩn trọng hơn khi giao tiếp với người Á châu!
(”Missions Étrangères de Paris”, n.326, Février/1998, trang 41-43)
Tác giả bài viết: Sr.Jean Berchmans Minh Nguyệt
Nguồn tin: Radio Vatican