Bài giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: chuyến tông du Mông Cổ
Thứ tư - 06/09/2023 22:23
Tiếp kiến chung
Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, sáng thứ tư, ngày6 tháng 9, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói về chuyến tông du mới đây của ngài tại Mông Cổ. Sau đây là nội dung bài nói chuyện của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp, có tham chiếu bản tiếng Ý:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!
Tôi từ Mông Cổ trở về hôm thứ Hai. Tôi muốn bày tỏ việc đánh giá cao của tôi đối với những người đồng hành với tôi trong chuyến viếng thăm của tôi bằng lời cầu nguyện, và nhắc lại lòng biết ơn của tôi đối với chính quyền, những người đã long trọng chào đón tôi: đặc biệt là Ngài Tổng thống Khürelsükh, và cả cựu Tổng thống Enkhbayer, người đã trao cho tôi lời mời chính thức đến thăm đất nước. Tôi nghĩ lại với niềm vui về Giáo hội địa phương và người dân Mông Cổ: một dân tộc cao quý và khôn ngoan, đã cho tôi thấy sự ấm áp và tình cảm sâu sắc. Hôm nay tôi muốn đưa anh chị em đến tâm điểm của cuộc hành trình này.
Người ta có thể hỏi: tại sao Đức Giáo Hoàng lại đi xa đến thăm một đàn chiên nhỏ tín hữu? Bởi vì chính ở đó, cách xa ánh đèn sân khấu, chúng ta thường tìm thấy những dấu hiệu về sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng không nhìn vào vẻ bề ngoài mà nhìn vào trái tim, như chúng ta đã nghe trong đoạn văn của tiên tri Samuen (x. 1Sm 16:7). Chúa không tìm kiếm sân khấu chính, nhưng tìm kiếm trái tim đơn sơ của những ai khao khát Người và yêu mến Người mà không phô trương, không muốn vượt lên trên những người khác. Và tôi đã có cuộc gặp gỡ ở Mông Cổ, một Giáo hội khiêm tốn và một Giáo hội vui tươi, ở trong trái tim của Thiên Chúa, và tôi có thể làm chứng cho niềm vui của họ khi thấy mình cũng ở trung tâm của Giáo hội trong ít ngày.
Cộng đồng đó có một lịch sử cảm động. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, nó phát sinh từ lòng nhiệt thành tông đồ – điều mà chúng ta đang suy gẫm lúc này – của một số nhà truyền giáo, say mê bởi Tin Mừng, đã đến đất nước mà họ không hề biết cách đây khoảng ba mươi năm. Họ đã học ngôn ngữ này – một điều không hề dễ dàng – và, mặc dù đến từ các quốc gia khác nhau, đã mang lại sức sống cho một cộng đồng đoàn kết và thực sự Công Giáo. Thật vậy, đây chính là ý nghĩa của chữ “Công Giáo”, có nghĩa là “phổ quát”. Nhưng không phải tính phổ quát đồng nhất hóa, mà là tính phổ quát hội nhập văn hóa, đó là tính phổ quát được hội nhập văn hóa. Đó là tính Công Giáo: một tính phổ quát được nhập thân, “hội nhập văn hóa”, đón nhận những điều tốt đẹp ở nơi nó hiện hữu và phục vụ những người mà nó cùng chung sống. Đây là cách Giáo hội sống: làm chứng cho tình yêu của Chúa Giêsu một cách hiền lành, bằng cuộc sống trước lời nói, hạnh phúc với sự phong phú đích thực của nó: phục vụ Chúa và anh em.
Đây là cách mà Giáo hội non trẻ đó đã được sinh ra: trong tinh thần bác ái, là chứng tá đức tin tốt nhất. Vào cuối chuyến viếng thăm, tôi đã vui mừng làm phép lành và khai trương “Nhà Lòng Thương Xót”, công trình từ thiện đầu tiên được thành lập ở Mông Cổ như một biểu thức nói lên tất cả các thành phần của Giáo hội địa phương. Một ngôi nhà vốn là danh thiếp của những Kitô hữu đó, nhưng lại yêu cầu một trong các cộng đồng của chúng ta trở thành ngôi nhà của lòng thương xót: nghĩa là một nơi rộng mở, một nơi chào đón, nơi mà những đau khổ của mỗi người có thể bước vào mà không xấu hổ khi tiếp xúc với lòng thương xót của Chúa, vốn nâng cao và chữa lành. Đây là chứng tá của Giáo hội Mông Cổ, với các nhà truyền giáo từ nhiều quốc gia khác nhau, những người cảm thấy hòa hợp với người dân, vui vẻ phục vụ họ và khám phá vẻ đẹp vốn có ở đó. Bởi vì những nhà truyền giáo này không đi cải đạo; đây không phải là ngũ tuần. Họ đến sống ở đó giống như người Mông Cổ, nói ngôn ngữ của họ, ngôn ngữ của dân tộc đó, mang những giá trị của dân tộc đó và rao giảng Tin Mừng theo phong cách Mông Cổ, bằng những lời nói của Mông Cổ. Họ ra đi và được “hội nhập văn hóa”: họ tiếp nhận nền văn hóa Mông Cổ để loan báo Tin Mừng trong nền văn hóa đó.
Tôi đã có thể khám phá ra một chút vẻ đẹp này, cũng nhờ gặp gỡ một số người, nghe những câu chuyện của họ, đánh giá cao việc nghiên cứu tôn giáo của họ. Theo nghĩa này, tôi biết ơn cuộc gặp gỡ liên tôn và đại kết vào Chúa Nhật tuần trước. Mông Cổ có một truyền thống Phật giáo vĩ đại, với nhiều người sống theo tôn giáo của họ trong im lặng một cách chân thành và triệt để, thông qua lòng vị tha và đấu tranh chống lại những đam mê của mình. Chúng ta hãy nghĩ xem biết bao hạt giống tốt lành làm cho khu vườn thế giới nảy nở, trong khi chúng ta thường chỉ nghe thấy tiếng cây đổ! Và mọi người, cả chúng ta nữa, cũng thích vụ tai tiếng này: “Nhưng hãy nhìn xem, một cái cây đổ đã gây ra tiếng động thật dã man làm sao!” – “Nhưng bạn không thấy khu rừng đang phát triển mỗi ngày sao?”, bởi vì sự phát triển luôn âm thầm. Điều có tính quyết định là phải biết cách nhìn và nhận ra điều tốt. Tuy nhiên, thông thường, chúng ta chỉ đánh giá cao người khác ở mức độ họ phù hợp với ý tưởng của chúng ta, thay vào đó chúng ta phải thấy điều tốt đó. Và vì lý do này, điều quan trọng, như người dân Mông Cổ nghĩ, là hướng cái nhìn của chúng ta lên trên, hướng tới ánh sáng của sự thiện. Chỉ bằng cách này, bắt đầu từ việc thừa nhận điều tốt đẹp, thì tương lai chung mới được xây dựng; chỉ bằng cách coi trọng người khác, chúng ta mới có thể giúp họ tiến bộ.
Tôi đang ở ngay trung tâm châu Á và điều này đã giúp tôi rất nhiều. Thật tốt khi bước vào cuộc đối thoại với lục địa rộng lớn này, thu thập những thông điệp của nó, biết sự khôn ngoan của nó, cách nhìn sự vật của nó, nắm lấy thời gian và không gian. Thật tốt cho tôi khi được gặp người dân Mông Cổ, những người trân trọng cội nguồn và truyền thống của mình, tôn trọng người già và sống hòa hợp với môi trường: họ là một dân tộc chiêm ngưỡng bầu trời và cảm nhận hơi thở của tạo hóa. Nghĩ về những khoảng không gian vô tận và im lặng của người Mông Cổ, chúng ta hãy để mình được khuấy động bởi nhu cầu mở rộng tầm nhìn của mình: mở rộng tầm nhìn, nhìn cao và thấp, nhìn và đừng trở thành tù nhân của những điều tầm thường. Chúng ta hãy mở rộng ranh giới của cái nhìn của mình, để chúng ta có thể nhìn thấy những điều tốt đẹp nơi người khác và có khả năng mở rộng các chân trời của mình, và chúng ta cũng hãy mở rộng trái tim mình; chúng ta cần làm cho trái tim mình lớn lên và mở rộng để hiểu biết, gần gũi với mọi người và mọi nền văn minh. Cảm ơn anh chị em.
Tác giả bài viết: Vũ Văn An