www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
01:24 EST Thứ bảy, 07/12/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 73

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 72


Hôm nayHôm nay : 251

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 135650

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 24928492

Trang nhất » Tin Tức » Tin Tức

Giáo xứ mất cắp gần một triệu đô. Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục phải lưu vong vì bị độc tài trục xuất

Thứ tư - 20/11/2024 22:15
Tin Giáo Hội

Tin Giáo Hội

Các giám mục Mỹ Latinh bày tỏ sự đoàn kết với Đức Cha Herrera và cho biết các ngài cầu nguyện “rằng tình hình này sẽ sớm được giải quyết và ngài có thể trở về quê hương”.
1. Chế độ độc tài Ortega trục xuất Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Nicaragua

Chế độ độc tài của tổng thống Nicaragua Daniel Ortega đã trục xuất Đức Giám Mục Carlos Enrique Herrera Gutiérrez của Jinotega, chủ tịch hội đồng giám mục của Nicaragua. Vị giám mục này gần đây đã chỉ trích một thị trưởng ủng hộ Ortega đã can thiệp vào một Thánh lễ bằng cách bật nhạc lớn trước nhà thờ chính tòa địa phương.



Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh, gọi tắt là CELAM, theo tiếng Tây Ban Nha, đã bày tỏ sự ngỡ ngàng và gần gũi sau khi Đức Cha Herrera bị trục xuất trong một lá thư được công bố trên trang web của hội đồng và gửi tới Đức Hồng Y Leopoldo Brenes, Tổng giám mục Managua và phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Nicaragua.

Các giám mục Mỹ Latinh bày tỏ sự đoàn kết với Đức Cha Herrera và cho biết các ngài cầu nguyện “rằng tình hình này sẽ sớm được giải quyết và ngài có thể trở về quê hương”.

Các ngài cũng bày tỏ nỗi đau của mình về “những sự kiện gây đau khổ cho Giáo hội lữ hành tại Nicaragua” và khuyến khích các giám mục và tín hữu trong nước tiếp tục là “chứng tá về lòng trung thành với Chúa, chiếu sáng trên toàn lục địa”.

Lưu đày đến Guatemala

Theo tờ báo Mosaico CSI của Nicaragua, Đức Cha Herrera đã bị lưu đày đến Guatemala vào hôm thứ Tư, ngày 13 tháng 11 và hiện đang ở tại nơi cư trú của Dòng Anh em Hèn mọn mà ngài là thành viên.

ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA, vẫn chưa thể xác định được chính xác Đức Cha Herrera đang ở tại tu viện nào của dòng Phanxicô ở Guatemala.

Vị giám mục này đã bị cảnh sát bắt cóc vào ngày 13 tháng 11 sau khi tham gia một cuộc họp ở Managua với các giám mục Nicaragua khác.

Vào đầu Thánh lễ Chúa Nhật ngày 10 tháng 11, Đức Cha Herrera đã chỉ trích thị trưởng thành phố ủng hộ Ortega, Leonidas Centeno, vì đã can thiệp vào Thánh lễ bằng cách bật nhạc lớn bên ngoài nhà thờ chính tòa.

“Trước khi bắt đầu Thánh lễ này, chúng ta cầu xin Chúa tha thứ cho những lỗi lầm của chúng ta và cả những người không tôn trọng việc thờ phượng. Đây là một sự phạm thánh — những gì thị trưởng và tất cả các chính quyền thành phố đang làm — và tôi sẽ nói với họ như vậy vì họ biết thời gian của Thánh lễ,” Đức Cha Herrara nói vào ngày hôm đó.

Thánh lễ được truyền hình trực tiếp trên trang Facebook của giáo phận nhưng đã bị gỡ xuống ngay trước khi chủ tịch Hội đồng Giám mục Nicaragua bị trục xuất khỏi đất nước.

“Trong lịch sử, Đức Cha Herrera là một trong những giám mục tận tụy nhất với công lý và tinh thần đoàn kết của người theo Kitô giáo đối với những người không có tiếng nói, một tấm gương thực sự về sự kiên định và liêm chính”, Félix Maradiaga, cựu ứng cử viên tổng thống và chủ tịch của Quỹ Tự do cho Nicaragua, phát biểu ngày 13 tháng 11 trên X.

Maradiaga, người bị chế độ trục xuất vào tháng 2 năm 2023 sau khi thụ án 611 ngày với tư cách là tù nhân chính trị, cho biết việc trục xuất Đức Cha Herrera và việc chính phủ đóng cửa mạng xã hội của Giáo phận Jinotega để trả đũa là “một cuộc tấn công khác vào quyền tự do tôn giáo và nhân phẩm con người ở Nicaragua và đòi hỏi sự chú ý và lên án của quốc tế”.

Cuộc đàn áp ở cấp độ hang toại đạo

Phát biểu với ấn bản tiếng Tây Ban Nha của EWTN News, Maradiaga cho biết “Giáo hội ở Nicaragua đang phải chịu một cuộc đàn áp thực tế đã biến Giáo Hội Công Giáo Nicaragua thành một Giáo hội hang toại đạo; một số ít linh mục vẫn có thể thực hiện chức thánh của mình với một số quyền tự do là những người đã chấp nhận các điều kiện do chế độ độc tài áp đặt, đòi hỏi phải im lặng hoàn toàn về bất kỳ vấn đề nào trong tình hình quốc gia.”

Arturo McFields, cựu đại sứ Nicaragua tại Tổ chức các quốc gia Mỹ Châu, gọi tắt là OAS, cho biết trong bài đăng ngày 14 tháng 11 trên X rằng “lỗi lầm” của chủ tịch hội đồng giám mục là dám to gan “yêu cầu tôn trọng nghi lễ tôn giáo đang diễn ra và ngăn chặn hành vi phạm thánh. Tự do tôn giáo là quyền con người. Việc buộc hàng chục tín hữu lưu vong là tội ác chống lại loài người”.

“Một giáo phận Nicaragua khác không có giám mục. Cho đến nay, đã có bốn giáo phận không có Giám Mục. Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho Giáo hội Nicaragua trước tình hình đàn áp mà họ đang trải qua”, linh mục Nicaragua Erick Díaz, người đang sống lưu vong ở Chicago, than thở trên Facebook.

Đức Cha Herrera là giám mục Nicaragua thứ ba bị chế độ độc tài Ortega trục xuất trong năm nay. Vào tháng Giêng, Đức Cha Rolando Álvarez Lagos của Matagalpa và giám quản tông tòa của Estelí, và Đức Cha Isidoro Mora của Giáo phận Siuna đã bị lưu đày đến Vatican cùng với các linh mục khác. Trước khi bị trục xuất, Đức Cha Álvarez đã thụ án 11 tháng trong tổng số 26 năm tù vì tội phản quốc.

Năm 2019, Đức Cha Silvio Báez, Giám Mục Phụ Tá của Managua và là người chỉ trích chế độ độc tài Ortega, đã buộc phải lưu vong vì những lời đe dọa giết người có căn cứ xác thực mà ngài nhận được.

Theo Mosaico CSI, cho đến nay, 44 linh mục đã bị chế độ độc tài trục xuất khỏi Nicaragua và không hề có dấu hiệu dừng lại trước cuộc đàn áp dữ dội của bọn cầm quyền đối với Giáo Hội Công Giáo.

Một trong những hành động mới nhất của chế độ Daniel Ortega và vợ, Phó Tổng thống Rosario Murillo, là ngăn cấm các linh mục vào bệnh viện và cử hành bí tích xức dầu cho người bệnh.

Với việc trục xuất Đức Cha Herrera, chỉ có năm trong số chín giám mục còn ở lại đất nước: Đức Hồng Y Leopoldo Brenes, tổng giám mục Managua; Đức Cha Jorge Solórzano của Granada; Đức Cha Francisco José Tigerino của Bluefields; Đức Cha Sócrates René Sándigo của León; và Đức Cha Marcial Humberto Guzmán của Juigalpa.


Source:Catholic News Agency

2. Người giữ sổ sách nhà thờ Florida bị kết án tù liên bang sau khi lấy cắp 875.000 đô la từ giáo xứ

Một nhân viên kế toán tại một giáo xứ Công Giáo ở Florida đã bị kết án hơn hai năm tù liên bang sau khi lấy cắp gần 900.000 đô la từ nhà thờ nơi cô quản lý hồ sơ tài chính.

Theo Văn phòng Luật sư Hoa Kỳ tại Quận Trung Florida, Heather Darrey sẽ phải ngồi tù 27 tháng vì tội lừa đảo qua mạng liên quan đến vụ trộm 875.323 đô la từ Giáo xứ Christ the King - Chúa Kitô Vua - ở phía nam Tampa.

Văn phòng công tố không nêu tên giáo xứ, nhưng tờ Tampa Bay Times xác định nhà thờ đó là Nhà thờ Christ the King.

Văn phòng luật sư Hoa Kỳ cho biết Darrey làm quản lý hồ sơ và tài chính tại giáo xứ.

Văn phòng công tố cho biết cô “đã lợi dụng vị trí được tín nhiệm của mình bằng cách tham gia vào một kế hoạch tạo ra các tấm chi phiếu ngân hàng giả mạo và gian lận được rút từ tài khoản ngân hàng kinh doanh của nhà thờ và chuyển chúng vào tài khoản của riêng cô”.

Các tấm chi phiếu cũng được viết để thanh toán cho công ty thế chấp của cô và các chủ nợ khác.

Các công tố viên cho biết Darrey soạn thảo những tấm chi phiếu hợp pháp cho các nhà cung cấp trong giáo xứ và ký tên, sau đó cô ta sẽ hủy những tấm chi phiếu đó và tự mình viết những tấm phiếu giả.

Darrey cũng “nhập dữ liệu sai lệch và gian lận” vào hệ thống nhu liệu kế toán của giáo xứ.

Công tố viên cho biết số tiền này “chủ yếu được dùng để trả tiền thế chấp, vay mua xe hơi và thuyền, cũng như thanh toán hóa đơn thẻ tín dụng cho quần áo, nhà hàng, kỳ nghỉ và vé hòa nhạc”.

Người giữ sổ sách được cho là đã cố gắng giảm thiểu số tiền cô ta đã đánh cắp từ giáo xứ khi các viên chức xem xét sự khác biệt về tài trợ ở đó. Cô ta cũng được cho là đã yêu cầu nhà thờ không báo cáo vấn đề này với cơ quan thực thi pháp luật.

Darrey trước đó đã nhận tội vào ngày 6 tháng 6. Tòa án cũng đã ra “lệnh đóng băng ngân hàng” để người giữ sổ sách trả lại số tiền thu được từ tội ác của mình.

Tờ Tampa Bay Times đưa tin vụ trộm đã “gây khó khăn về tài chính” cho Nhà thờ Christ the King, với số tiền bị đánh cắp “làm hỏng một dự án xây dựng trị giá 7 triệu đô la và làm tổn hại đến lòng tin của giáo đoàn”.


Source:Catholic News Agency

3. Đức Hồng Y Parolin: Các vấn đề toàn cầu cần phải đối thoại

Trả lời câu hỏi của các nhà báo bên lề sự kiện tôn vinh nhà truyền giáo dòng Tên Matteo Ricci, Ngoại trưởng Vatican cho rằng Ricci đã chứng minh rằng không có mâu thuẫn giữa việc là một người theo Kitô giáo và là một người Trung Quốc đích thực.

“Chắc chắn, các vấn đề toàn cầu lớn hiện nay chỉ có thể được giải quyết nếu chúng ta đoàn kết, nếu chúng ta áp dụng một đường lối chung; nếu không, chúng ta có nguy cơ làm trầm trọng thêm các vấn đề này thay vì giải quyết chúng.”

Đức Hồng Y Pietro Parolin đã đưa ra bình luận này vào sáng Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Một, khi ngài đề cập đến những căng thẳng đang làm mất ổn định Âu Châu, với sự bất ổn chính trị và chia rẽ nội bộ, và ngài tái khẳng định nguyên tắc đoàn kết thể hiện trong “tình huynh đệ nhân loại” mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bảo vệ kể từ khi bắt đầu triều đại giáo hoàng của ngài.

Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã có mặt tại Đại học Giáo hoàng Grêgôriô ở Rôma để có bài phát biểu tại một sự kiện có tên “Di sản của tình hữu nghị, đối thoại và hòa bình”, dành riêng cho nhân vật vĩ đại Matteo Ricci, tu sĩ Dòng Tên đã mang Phúc âm đến tận trung tâm Trung Quốc.

Trong cuộc trò chuyện với các nhà báo bên lề hội nghị, Đức Hồng Y Parolin tập trung vào di sản của Cha Ricci và cách nền tảng văn hóa của nhà truyền giáo này đã tạo điều kiện thuận lợi - và tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi - cho cuộc đối thoại mà Tòa thánh đã theo đuổi với Bắc Kinh, đáng chú ý nhất là thông qua Thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm giám mục, được gia hạn thêm bốn năm vào tháng 10.

Bài học của Matteo Ricci về đối thoại với Trung Quốc

Đức Hồng Y cho biết: “Matteo Ricci luôn là người dẫn đường trong quá trình đối thoại của chúng tôi với Trung Quốc, không chỉ vì phẩm chất đạo đức của ngài mà còn vì vai trò là cầu nối giữa nền văn hóa phương Tây và Trung Quốc, và vì nỗ lực to lớn của ngài trong việc hội nhập văn hóa đức tin.

“Ngài đã chứng minh—bằng cách sử dụng một cụm từ mà chúng ta sử dụng ngày nay nhưng về bản chất, đã có từ thời của ngài—rằng không có mâu thuẫn giữa việc là người Trung Quốc đích thực và là công dân tốt với việc là người theo Kitô giáo. Phúc âm làm giàu cho nền văn hóa Trung Quốc từ bên trong.”

“Do đó,” Đức Hồng Y Parolin nhấn mạnh, “lời dạy tuyệt vời này của Matteo Ricci vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho chúng ta ngày nay.”

“Kiên nhẫn và can đảm” là hai “thái độ cơ bản” mà Đức Hồng Y xác định là kim chỉ nam để tiếp tục hợp tác với Trung Quốc.

Những dấu hiệu nhỏ của sự tiến bộ không nên bị đánh giá thấp

Trong giờ nghỉ giải lao tại hội nghị, ngài bình luận: “Cũng đã có một số tiến triển”.

Ví dụ, ngài nhắc lại rằng thỏa thuận tạm thời với Trung Quốc đã được gia hạn thêm bốn năm và các Giám mục Trung Quốc đã có mặt tại Thượng hội đồng và ở lại trong toàn bộ thời gian đó.

“Đó là một trải nghiệm tuyệt vời về cuộc gặp gỡ và chia sẻ”, ngài suy ngẫm, lưu ý rằng “có những dấu hiệu nhỏ mà chúng ta không được đánh giá thấp về tầm quan trọng của chúng, hướng tới sự hiểu biết và hợp tác lớn hơn, có tính đến những đặc điểm cụ thể của thực tế tại Trung Quốc”.

Đối thoại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc

Khi một nhà báo gợi ý rằng chính quyền Hoa Kỳ hiện tại, dưới thời Tổng thống Donald Trump, dường như miễn cưỡng trong việc thiết lập đối thoại với Trung Quốc, không giống như Ý và đặc biệt là Tòa thánh, Đức Hồng Y Parolin đã làm rõ: “Chúng tôi cố gắng tuân theo một số nguyên tắc nhất định và đi theo con đường của mình; thật khó để nói người khác nên làm gì...”

Tuy nhiên, Đức Hồng Y nhắc lại, “Đối với chúng tôi, nguyên tắc đối thoại vẫn là nền tảng. Đêm qua, chúng tôi đã nói về công việc của Đức Hồng Y Silvestrini vì hòa bình và đối thoại, nhấn mạnh rằng cách duy nhất để ngăn ngừa và giải quyết xung đột là thông qua giao tiếp trực tiếp. Đối với chúng tôi, đây không chỉ là vấn đề chiến thuật mà là vấn đề thực chất.”

Xây dựng những cây cầu cho hòa bình

Như đã làm gần đây, Đức Hồng Y nhắc lại ý định “xây dựng những cây cầu” để tìm ra giải pháp cho các cuộc xung đột đang diễn ra.

“Ở đây cũng vậy,” ngài tuyên bố, “chúng ta cần phải rất khiêm tốn và rất kiên nhẫn. Chúng ta phải hiểu rằng không có giải pháp kỳ diệu nào cả; cần rất nhiều thiện chí và sự sẵn sàng để tiếp cận với người khác. Nếu đây là những thái độ cơ bản, chúng ta thực sự có thể xây dựng những cây cầu chứ không phải những bức tường.”

Đức Hồng Y Parolin cho biết chắc chắn có hy vọng về sự hợp tác trong vấn đề này với chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump nhưng cũng “với bất kỳ chính phủ nào khác”.

“Chúng tôi hy vọng,” Đức Hồng Y lưu ý, “rằng với tất cả các chính phủ, có thể có sự hiệp lực và hợp tác, chính xác là vì chúng tôi tin rằng các vấn đề ngày nay là toàn cầu và đòi hỏi các phản ứng toàn cầu. Và những phản ứng này,” ngài nhấn mạnh, “chỉ có thể đến từ việc tập hợp các nguồn lực lại với nhau.”

Di sản của Đức Hồng Y Silvestrini

Những phát biểu của Đức Hồng Y Parolin liên quan đến buổi thuyết trình được tổ chức vào tối hôm trước tại Đại học 'Roma Tre' của Rôma về cuốn sách “Đức Hồng Y Silvestrini: Đối thoại và Hòa bình theo Tinh thần Helsinki”, do Nhà xuất bản Vatican, gọi tắt là LEV xuất bản.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã nhấn mạnh đến công trình của Hồng Y Silvestrini - một trong những nhân vật quan trọng nhất trong ngành ngoại giao Vatican, người đã qua đời vào năm 2019 ở tuổi 95 - và kết nối công trình này với tình hình thế giới hiện tại, mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường mô tả là “Chiến tranh thế giới thứ III từng phần”.

“Hôm nay, chúng ta phải hy vọng chống lại sự tuyệt vọng, như Đức Hồng Y Silvestrini đã làm,” Đức Hồng Y Parolin tuyên bố. “Đại diện của Tòa thánh tại OSCE đã chia sẻ với tôi những khó khăn khi hoạt động trong tổ chức này vì nó hoàn toàn bị tê liệt. Không chỉ không thể thảo luận về hòa bình tại OSCE, mà thậm chí không thể giao tiếp với nhau nữa.”

Hành động để khôi phục lòng tin

Đối thoại là, và sẽ luôn là, đề xuất của Tòa thánh, con đường duy nhất tiến về phía trước “khi có ít nhất một sự tin tưởng tối thiểu giữa các bên,” Đức Hồng Y khẳng định. “Tôi đã tận mắt chứng kiến điều này liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine: không có sự tin tưởng lẫn nhau. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi làm điều gì đó.”

Đức Hồng Y Parolin nhắc lại rằng Đức Hồng Y Silvestrini, mặc dù phải đối mặt với những viễn cảnh chiến tranh tương tự, vẫn luôn duy trì “lòng tin lớn lao vào con người”, và nói thêm rằng ngài có thể “nhận ra điều tốt đẹp mà con mắt hời hợt không thể nhìn thấy”.

“Đây là bài học cần thiết cho ngày nay.”

COP29: Khuyến khích các quốc gia đóng góp nhiều hơn

Đức Hồng Y Parolin cũng nhấn mạnh đến cuộc đối thoại liên quan đến tiến trình của COP29, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu hiện đang diễn ra tại Baku, mà gần đây ngài đã tham dự với tư cách là đại diện của Đức Giáo Hoàng và Tòa thánh.

“Có một nhận thức chung về tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, nhưng lại rất miễn cưỡng trong việc hành động cụ thể để thực hiện các giải pháp”, ngài nhận xét bên lề sự kiện tại Roma Tre.

“Chủ đề chính của hội nghị này,” Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh lưu ý, “sẽ là quản lý một quỹ tối thiểu, để giải quyết các thiệt hại và mất mát do biến đổi khí hậu gây ra. Quỹ này đã được thành lập tại hội nghị trước ở Dubai, nhưng nguồn tài trợ vẫn còn khan hiếm. Các quốc gia phải có động lực đóng góp nhiều hơn nữa.”

Ngay cả ngày hôm nay tại Nhà thờ Grêgôriô, Đức Hồng Y Parolin đã giải thích rằng Tòa thánh luôn tham gia vào các phiên họp cao cấp của các hội nghị COP “bởi vì, như các bạn biết, Đức Giáo Hoàng rất quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu—ngài đã viết hai văn kiện về các chủ đề này...

“Chúng tôi,” ngài tiếp tục, “không mang nhiều khía cạnh kỹ thuật mà trên hết là góc nhìn đạo đức về vấn đề này, vì biến đổi khí hậu là vấn đề đạo đức và luân lý, không chỉ là vấn đề kỹ thuật. Ngoài ra, chúng tôi đưa ra các đề xuất về giáo dục, vì để giải quyết biến đổi khí hậu, giáo dục là cần thiết, và về việc thay đổi lối sống, điều này rất khó vì không ai trong chúng ta thích hy sinh.”


Source:Vatican News
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Liên hệ

Tinvuiviet.net kính chào Quý vị và các bạn. Chúng tôi luôn mong nhận được bài vở cộng tác của mọi người. Xin cám ơn.   Liên hệ: Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: dominicnguyenop@gmail.com. Chân thành cảm ơn Quý vị và các bạn đã ghé thăm site. Kính chúc Quý vị...

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Chúng ta nên làm gì để nhiều người biết Thiên Chúa hơn ?

Cầu nguyện.

Đi lễ.

Sống bác ái.

Loan báo Tin Mừng.

Chu toàn nhiệm vụ hằng ngày.