1. Các Giám mục Venezuela tố cáo chính quyền sử dụng bạo lực đàn áp dân chúngCác Giám mục Venezuela đã mạnh mẽ lên tiếng yêu cầu chính quyền nước này ngưng ngay các hành vi bạo lực và đừng nhờ đến "những phương tiện súng đạn là điều trái với pháp luật". Các ngài đã đưa ra lời kêu gọi trên sau cái chết của Kluiverth Roa, một thiếu niên mới 14 tuổi, đã bị giết bởi một viên cảnh sát .
Trong tuyên bố ký ngày 26 tháng 2, bởi Đức Cha Mario Moronta, Giám Mục San Cristobal, thành phố nơi cậu bé bị sát hại, các Giám Mục nước này viết:
"Chúng tôi kêu gọi chính quyền dân sự, quân sự và cảnh sát không được sử dụng những phương tiện súng đạn là điều trái với pháp luật và phẩm giá của con người"
Đức Cha Moronta nhắc nhở các lực lượng an ninh rằng nhiệm vụ của họ là “duy trì an ninh trật tự, tôn trọng pháp luật và quyền con người”, đồng thời nhắc lại rằng “phản đối là một quyền dân sự chính đáng", khi được thực hiện trong vòng pháp luật và ôn hòa.
Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino, Tổng Giám mục của Caracas, cũng yêu cầu chính phủ "ngăn cấm việc sử dụng vũ lực gây chết người trong việc kiểm soát các cuộc biểu tình" và kêu gọi "sự trừng phạt những người có tội". Được biết, trước đó một sinh viên trẻ khác cũng đã bị cảnh sát giết chết tại thủ đô Caracas.
2. Trường thần học Chính Thống Giáo ở Giêrusalem bị đốt pháMờ sáng ngày thứ Năm 26 tháng Hai, một vụ phóng hỏa đã làm hư hỏng nặng trường thần học của Chính Thống Giáo tại Giêrusalem, là nơi không cách xa khu Cổ Thành bao nhiêu. Ngọn lửa đã tàn phá một hội trường và một số nhà lân cận. Những kẻ tấn công cũng đã viết những câu báng bổ Chúa Kitô trên các bức tường bằng tiếng Do Thái.
Hội Đồng Các Cơ Sở Tôn Giáo tại Thánh Địa đã lên án cuộc tấn công này.
Cách thức cuộc tấn công được thực hiện và các khẩu hiệu trên các bức tường cho thấy cuộc tấn công mới nhất tại chủng viện Chính Thống Giáo Hy Lạp là một trong những chuỗi dài những báng bổ và đe dọa thực hiện bởi các nhóm cực đoan người Do Thái định cư trong vùng. Những hành động thù hận chống lại các tu viện Thiên Chúa giáo, nhà thờ và nghĩa trang đã được bắt đầu từ tháng 2 năm 2012.
Hôm thứ Hai, những người Do Thái cực đoan cũng đã đốt cháy một nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Jabaa, phía tây nam của Bethlehem.
Tổng cộng có 329 vụ bạo lực liên quan đến những người Do Thái định cư ở vùng Tây Ngạn đã được báo cáo trong năm 2014, theo văn phòng Liên hợp quốc điều phối các vấn đề nhân đạo tại Giêrusalem.
3. Bất chấp những khó khăn kinh tế các tín hữu Công Giáo Tây Ban Nha vẫn quảng đại giúp qũy truyền giáoMặc dù người dân Tây Ban Nha đang phải đối mặt với những vấn đề về tài chính nghiêm trọng, tiền đóng góp cho các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Tây Ban Nha đã cao hơn năm ngoái đến 19.52%. Nước này đang trải qua thời kỳ khó khăn với một tỷ lệ thất nghiệp lên tới 23%.
Cha Gil Anastasio García, Giám đốc Quốc gia của các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Tây Ban Nha nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc rằng:
"Chúng tôi cảm ơn sự quảng đại của người Tây Ban Nha và tất cả các tình nguyện viên, những người mà công việc linh động và hợp tác truyền giáo của họ đã truyền cảm hứng cho người Tây Ban Nha".
Ngài cho biết sự gia tăng có được không phải là vì có những mạnh thường quân giúp những số tiền lớn nhưng là nhờ "những dâng cúng nho nhỏ của các tín hữu".
Hôm thứ Tư 25 tháng Hai, cuộc họp của Uỷ ban thường vụ Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha đã kết thúc với việc chuẩn bị các dự thảo văn bản hướng dẫn mục vụ cho Giáo Hội tại Tây Ban Nha. Các tài liệu này sẽ được thông qua trong phiên khoáng đại được tổ chức từ ngày 20 đến 24 tháng Tư tới đây.
4. Một linh mục Congo bị giết. Giáo phận bị tống tiềnMột linh mục đã bị giết chết ở Bắc Kivu, một tỉnh ở phía đông nước Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi đã bị chiến tranh tàn phá ác liệt.
Vụ giết chết Cha Jean-Paul Kakule Kyalembera "dường như là một hành động thổ phỉ," Đức Giám Mục Théophile Kaboy Ruboneka Goma nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc.
"Khi cha Kyalembera đóng các cửa nhà thờ, ngài phát hiện ra những tay súng đang trốn bên trong. Chúng lập tức nổ súng bắn ngài không chút do dự, trước khi đánh vào bụng và đầu ngài."
Đức Giám Mục Kyalembera than thở rằng bạo lực đang tràn lan trong khu vực:
“Trong giáo phận của chúng tôi có quá nhiều những băng nhóm khủng bố dân chúng, và có quá nhiều vũ khí được lưu thông. Hàng giáo sĩ là một trong những nạn nhân của bạo lực và tống tiền. Nhiều vị bị bắt cóc và bị dọa giết nếu chúng tôi không trả một khoản tiền chuộc lên tới 4,000 Mỹ Kim. Tình hình đang rất nguy hiểm.”
5. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về cuộc bỏ phiếu của Ủy Ban Truyền Thông Liên Bang Hoa Kỳ Trong thông cáo báo chí đưa ra hôm 26 tháng Hai, Ủy Ban Truyền Thông Liên Bang Hoa Kỳ, gọi tắt là FCC, cho biết ủy ban đã bỏ phiếu với một tỷ lệ nghiêng ngửa là 3-2 để tiếp tục ủng hộ chính sách theo đó mạng lưới toàn cầu phải là “mở” và là bệ phóng cho quyền tự do phát biểu, cho những sáng kiến và sự phát triển kinh tế quốc gia. Ủy Ban chống lại những động thái phân biệt đối xử với những người sản xuất chương trình hay thay đổi nội dung phát biểu của họ xuất phát từ những lợi nhuận kinh tế.
Đức Cha John C. Wester của giáo phận Salt Lake, chủ tịch Ủy Ban Truyền Thông của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã ra một thông cáo báo chí chào mừng quyết định này của FCC. Ngài viết:
"Internet là một phương tiện quan trọng cho những phát biểu về tôn giáo. Đài phát thanh, truyền hình phát sóng và truyền hình cáp, một phần lớn, đã đóng cửa trước những thông điệp tôn giáo phi thương mại. Từ khi Internet xuất hiện cho đến giữa những năm 2000, các nhà cung cấp dịch vụ Internet không được phép phân biệt đối xử hoặc can thiệp vào những gì đã được trình bày qua những kết nối Internet. Hôm nay, FCC khôi phục bảo vệ này cho những người phát biểu, là một sự bảo vệ đặc biệt quan trọng với những người phát biểu về tôn giáo phi thương mại.
Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ từ lâu đã hỗ trợ tính mở của Internet, nơi mà cả các công ty điện thoại lẫn các công ty cung cấp dịch vụ Internet không thể làm xáo trộn việc truy cập của người tiêu dùng vào bất kỳ trang web hợp pháp nào”.
6. Liên Hợp Quốc âu lo Miến Điện đang sai lầm Trong bối cảnh của những cuộc đàn áp những nhân vật bất đồng chính kiến và các nhóm dân tộc thiểu số, một cố vấn nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho rằng nhà nước được quân đội hậu thuẫn tại Miến Điện đang “đi lạc hướng”.
Quốc gia Đông Nam Á này đã cam kết sẽ đưa ra những cải cách dân chủ và tổ chức bầu cử vào cuối năm nay. Tuy nhiên ông Zeid Ra'ad al-Hussein cố vấn Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền đã cảnh báo hôm thứ Tư 25 tháng Hai rằng “các diễn biến gần đây liên quan đến quyền con người của các dân tộc thiểu số, tự do ngôn luận và quyền biểu tình ôn hòa khiến người ta đặt ra nhiều câu hỏi về đường hướng cải cách đó”.
Trích dẫn việc bỏ tù những người biểu tình hòa bình, các nhà báo và các nhân vật đối lập, cũng như cuộc đàn áp người Rohingya, một nhóm thiểu số Hồi giáo tại Miến Điện. Ông Zeid bày tỏ lo ngại rằng một nhà nước độc tài đang từ từ trở lại.''
7. Hàng chục ngàn người thương tiếc lãnh tụ đối lập Nga Boris Nemtsov Hàng chục ngàn người đã tràn ra đường phố Mạc Tư Khoa để thương tiếc cựu phó thủ tướng và là nhà lãnh đạo phe đối lập Boris Nemtsov, 55 tuổi, người đã bị bắn chết vào chiều ngày thứ Sáu 27 tháng Hai. Họ đã tập trung tại một cây cầu gần điện Cẩm Linh, nơi Nemtsov đã bị bắn và giết chết.
Boris Nemtsov là một trong những đối thủ mạnh mẽ nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Vụ ám sát xảy ra trong khi ông sắp tiết lộ những bằng chứng mà theo ông sẽ chứng minh sự tham gia trực tiếp của Nga trong cuộc xung đột ở nước láng giềng Ukraine.
Trước đó, ông đã mạnh mẽ chỉ trích cuộc chiến tranh đang diễn ra giữa quân chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn.
"Chúng ta phải nói không với chiến tranh," ông nói với một đám đông tại thời điểm đó. "Chính sách điên rồ này phải được kết thúc. Chúng ta phải đồng thanh nói Nga và Ukraine không có Putin."
Nemtsov cũng đang điều tra những vụ tham nhũng, bao gồm việc tổ chức Thế vận hội mùa đông 2014 tại thành phố Sochi bên bờ Biển Đen.
"Đây là những trò chơi đắt tiền nhất trong lịch sử của nhân loại", ông nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Hà Lan. "Putin đã bỏ ra hơn 50 tỷ Mỹ Kim chủ yếu từ tiền của Nhà nước. Và theo dự toán của tôi, khoảng hơn 30 tỷ đồng đã biến mất vì tham nhũng."
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh điều tra vụ giết ông Nemtsov. Nhưng hầu hết các vụ giết người trước đó, trong đó có vụ giết nhà báo Anna Politkovskaya vào năm 2006, chưa bao giờ được đưa ra ánh sáng.
Các quan chức Nga cho rằng Nemtsov có thể đã bị giết bởi các chiến binh Hồi giáo sau khi ông chỉ trích các vụ thảm sát gần đây tại trụ sở của báo Charlie Hebdo ở Paris.
Tuy nhiên, Kenneth Roth, giám đốc điều hành của Human Rights Watch, cho biết việc giết hại này là nhằm tận diệt hàng ngũ đối lập đang rất yếu ớt tại Nga.
"Thực tế đáng buồn của vụ giết người này là nếu họ có thể giết được Boris Nemtsov, thì không ai còn được coi là an toàn ở Nga, như thế sẽ không có nhà bất đồng chính kiến nào, không có gương mặt đối lập nào có thể đi trên đường phố mà tồn tại nổi."
Các nhà phê bình hiện nay nói Putin, cựu trùm KGB của Nga, đã rất thành công trong việc giết hại, bắt giam, đe dọa làm im tiếng các đối thủ chính trị, và buộc những người khác phải sống lưu vong.
8. Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk kêu gọi cầu nguyện cho đất nước trong Mùa Chay“Mùa Chay là mùa của ăn năn thống hối cá nhân cũng như cộng đoàn”. Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk nói như trên trong lá thư mục vụ Mùa Chay của mình cho anh chị em tín hữu Giáo Hội Công Giáo Ukraine theo nghi lễ Hy Lạp.
Bên cạnh việc thảo luận về những lời cầu nguyện, ăn chay, và bố thí, người đứng đầu của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương lớn nhất đã trích dẫn một bản văn của tiên tri Isaia (58: 6-7) khi ngài kêu gọi người Ukraine "hiệp nhất", và "chống lại những kẻ xâm lược".
Đức Tổng Giám Mục cũng lên án những bất công xã hội, đặc biệt là những quyết định được đưa ra bởi các thẩm phán tham nhũng.
Người dân Ukraine đang lo ngại Putin sau khi thanh toán đối lập trong nước sẽ công khai xâm lược Ukraine.
9. Tòa án Úc đứng về phía tổng giáo phận Brisbane trong một vụ kiện rất ngớ ngẩnCơ quan CentaCare Catholic Family and Community Services của tổng giáo phận Brisbane đã đuổi việc bà Susan Bunning, một điều phối viên chăm sóc sức khoẻ, sau khi phát hiện ra bà này có một đời sống cá nhân quá bê bối. Bà Susan Bunning là ủng hộ viên cho một tổ chức chủ trương “polyamory - đa phu, đa thê”, nói đơn giản cho dễ hiểu là “đổi vợ, đổi chồng”. Chính bà ta cũng là một người “đa phu”.
Bà này lập tức đâm đơn kiện tổng giáo phận Brisbane phân biệt đối xử bà ta vì định hướng tính dục (sexual orientation) của bà. Bà cho rằng trường hợp “đa phu” của bà cũng giống như trường hợp của những người đồng tính và nếu luật pháp bảo vệ những người đồng tính thì cũng phải bảo vệ bà ta.
Tuy nhiên, trước tòa, chánh án Salvatore Vasta nói rằng "polyamory", hoặc có nhiều bạn tình, là một hành vi chứ không phải là một định hướng được bảo vệ theo luật chống phân biệt đối xử của Úc.
Chánh án Salvatore Vasta nói:
"Nguyên đơn tuyên bố rằng bà đã bị sa thải vì bà là người đa phu và rằng việc sa thải vì lý do đó là trái với pháp luật. Nguyên đơn cho rằng hành vi này là một định hướng tính dục và do đó được bao gồm trong định nghĩa về Luật Chống Phân Biệt Giới Tính năm 1984. Tuy nhiên, nếu tranh biện này là đúng, thì hệ quả là các hoạt động bất hợp pháp như ấu dâm hay có hành vi dâm dục với xác chết cũng phải được Luật Chống Phân Biệt Giới Tính năm 1984 bảo vệ. Như thế thật là điều ngớ ngẩn."