www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
09:18 EDT Thứ hai, 13/05/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 72

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 69


Hôm nayHôm nay : 7406

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 240908

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 20072806

Trang nhất » Tin Tức » Tin Tức » Tôn Giáo

Bi đát: Các Giáo hội Kitô tại Đức sẽ mất khoảng 40.000 nhà thờ và cơ sở. Nhận định của George Weigel

Chủ nhật - 07/05/2023 12:48
Tin thế giới

Tin thế giới

Đức Tổng Giám Mục Gänswein cũng nhấn mạnh rằng Kitô giáo trong Giáo hội hoàn vũ không phải là điều lỗi thời. “Nước Đức không phải là mẫu mực về một đức tin sinh động và đầy năng lực. Rất tiếc là như thế”.
1. Đức Tổng Giám Mục Gänswein tái phê bình Tiến trình Công nghị tại Đức

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, bí thư lâu năm của Đức Cố Giáo hoàng Bênêđíctô XVI, tái phê bình Tiến trình Công nghị tại Đức, như một phương pháp để cải tổ Giáo Hội Công Giáo tại nước này.



Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo “Bunte”, xuất bản ngày 02 tháng Năm vừa qua, tại Munich bên Đức, Đức Tổng Giám Mục Gänswein nói rằng: “Trong cuộc khủng hoảng về lạm dụng tính dục, biện pháp mà Tiến trình Công nghị đã được sử dụng như một phương dược dành cho Giáo hội bị bệnh để chữa lành. Nhưng sự chẩn đoán sai và thiếu sót có thể đưa tới những biện pháp trị liệu đúng hay không?”. Theo Đức Tổng Giám Mục, câu trả lời thích hợp đối với những thách đố hiện nay của Giáo hội không phải là những tranh cãi và thảo luận về các vấn đề cơ cấu hoặc quyền bính”.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein cũng nhấn mạnh rằng Kitô giáo trong Giáo hội hoàn vũ không phải là điều lỗi thời. “Nước Đức không phải là mẫu mực về một đức tin sinh động và đầy năng lực. Rất tiếc là như thế”. Và theo Đức Tổng Giám Mục, “vấn đề tủi nhục do nạn lạm dụng trẻ em là một vết thương sâu đậm trong Giáo hội, đòi phải được chữa lành với tất cả năng lực. Dù là một vụ lạm dụng thì cũng là quá rồi!”

Đức Tổng Giám Mục Gänswein năm nay 66 tuổi, nguyên là bí thư của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger khi ngài là Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, và tiếp tục nhiệm vụ này khi Đức Hồng Y Ratzinger được bầu chọn làm Giáo hoàng Bênêđíctô XVI (2005-2013). Đức Tổng Giám Mục khẳng định rằng Đức Bênêđíctô là một người đi tiên phong trong việc bài trừ nạn lạm dụng, và là vị Giáo hoàng đầu tiên, trong các chuyến tông du, gặp gỡ các nạn nhân bị lạm dụng. Ngoài ra, khi còn tại vị, Đức Cố Giáo hoàng đã buộc ngồi tù hơn 400 linh mục phạm tội ác này. Vì thế, thật là điều ô nhục và sai trái khi có người cáo buộc Đức Bênêđíctô XVI là đã biết mà dung túng những vụ lạm dụng. Những lời vu khống đó giống như một hành động đốt phá”.

2. Các Giáo hội Kitô tại Đức sẽ mất khoảng 40.000 nhà thờ và cơ sở

Trong 40 năm tới đây, tức là khoảng năm 2060, các Giáo hội Tin lành và Công Giáo tại Đức sẽ từ bỏ khoảng 40.000 nhà thờ, nhà xứ và cơ sở của Giáo hội, vì không còn tín hữu sử dụng.

Theo tin của tờ “Hannover Toàn báo” (Hannoversche Allgemeine Zeitung), xuất bản ở Bắc Đức, ngày 02 tháng Năm vừa qua, trong con số vừa nói phần lớn là các nhà xứ và trung tâm sinh hoạt của giáo xứ, nhưng càng ngày càng có nhiều thánh đường bị bỏ trống và có nguy cơ bị phá hủy nếu không tìm được giải pháp nào khác.

Báo Hannover đưa tin trên đây dựa trên các tài liệu của Liên hiệp các Giáo hội Tin lành Đức (EKD) và Hiệp hội các giáo phận Đức (VDD). Các nhà thờ và các nơi thờ phượng này được xem là đền đài của quốc gia và được luật pháp đặc biệt bảo vệ. Tình trạng này liên hệ tới 80% trong tổng số 42.500 nhà thờ thuộc Công Giáo và Tin lành Đức. Theo một ước lượng, đã có khoảng 1.200 nhà thờ bị bỏ hoang kể từ thập niên 1990, trong đó 278 nhà thờ đã bị phá hủy. Con số này có xu hướng gia tăng đáng kể, nếu luật bảo vệ các đền đài làm cho việc dùng các thánh đường đó vào những mục tiêu khác như biến thành những gia cư hoặc cơ sở văn hóa.

Tuy nhiên, theo báo Hannover, nhà nước cũng sẵn sàng tìm một thỏa hiệp trong vấn đề này.

Hai Giáo Hội Công Giáo và Tin lành Đức ngày càng có số tín hữu giảm sút. Tình trạng này có nghĩa là các buổi lễ giảm bớt vì số tín hữu tham dự giảm đi.

Kể từ năm 2000, tức là trong 23 năm qua, đã có hơn 500 thánh đường Công Giáo được chính thức tuyên bố không còn được dùng vào việc thờ phượng nữa và bị tục hóa. Trong số này, có 105 nhà thờ thuộc giáo phận Essen, bắc Đức.

Tại miền Đông Đức, nơi vốn có ít tín hữu Kitô, nhiều thánh đường mất quy chế là nơi thờ phượng và được biến thành những trung tâm văn hóa.

Từ năm 1990, gần 380 nhà thờ Tin lành bị kéo sập, bị bán hoặc được biến cải và dùng vào những mục tiêu khác.

3. Thầy John Dunlap, tân Thủ lãnh Hội Hiệp Sĩ Malta

Hôm 03 tháng Năm vừa qua, thầy John Dunlap, người Canada đã được bầu làm Thủ lãnh thứ 81 của Dòng Hiệp sĩ Malta.

Dòng Hiệp sĩ Malta là một dòng tu Công Giáo Rôma được tổ chức như một lực lượng quân sự. Họ là các hiệp sĩ Âu Châu lâu đời nhất trên thế giới. Sau khi chinh phục được Giêrusalem vào năm 1099 trong cuộc Thập tự chinh thứ nhất, họ đã trở thành một dòng tu quân sự có điều lệ riêng với nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ Thánh Địa Giêrusalem. Sau khi các vùng lãnh thổ ở Thánh Địa rơi vào tay người Hồi giáo thì dòng này rút quân về hoạt động ở đảo Rhodes (1310-1523), và sau đó là đảo Malta (1530-1798). Năm 1798, Napoléon Bonaparte chiếm được Malta thì dòng này rút về Roma nhưng vẫn được nhìn nhận tư cách một quốc gia có chủ quyền. Dù không thực sự có một vùng lãnh thổ xác định nhưng họ được cấp tư cách quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc, được phát hành tem bưu chính, có hộ chiếu đi quốc tế, có quốc kỳ và quốc huy như một nhà nước.

Dòng hiện có khoảng 13,000 thành viên, 80,000 tình nguyện viên thường trực và 20,000 nhân viên y tế (bao gồm bác sĩ, y tá, trợ tá) hiện diện tại hơn 120 quốc gia.

Nhà Dòng hiện có ngân sách nhiều triệu đô la, 13.500 thành viên, 95.000 tình nguyện viên và 52.000 nhân viên y tế đang điều hành các trại tị nạn, trung tâm điều trị ma túy, các chương trình cứu trợ thảm họa và phòng khám trên khắp thế giới.

Nhà Dòng đã rất tích cực trong việc giúp đỡ những người tị nạn Ukraine và các nạn nhân chiến tranh.

Nhà Dòng không có lãnh thổ thực sự ngoài cung điện và các văn phòng ở Rome và pháo đài ở Malta, nhưng được công nhận là một thực thể có chủ quyền với hộ chiếu và biển số xe riêng.

Nhà Dòng có quan hệ ngoại giao với 110 quốc gia và quy chế quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc, cho phép hoạt động như một bên trung lập trong các nỗ lực cứu trợ ở các vùng chiến sự.

Ngay khi cuộc xâm lược Ukraine nổ ra, Dòng Malta đã cung cấp ngay cho 275,000 người Ukraine dịch vụ chăm sóc y tế, hỗ trợ hậu cần hoặc phân phối lương thực tại các biên giới của đất nước. Ngoài ra, 47 xe tải chở đầy thiết bị y tế, thực phẩm, thuốc men và bộ dụng cụ sinh tồn đã được thuê. Các đoàn xe bổ sung đang được chuẩn bị. 69,000 tình nguyện viên sống ở Đông Âu cam kết hỗ trợ nỗ lực nhân đạo.

Thầy Dunlap năm nay 66 tuổi, vốn là Hiệp sĩ đầu tiên ở Bắc Mỹ có lời khấn trong Hội này và trong thời gian qua là Quyền Thủ lãnh của Hội Hiệp Sĩ Malta. Thầy tốt nghiệp Đại học Ottawa, sau đó đậu Tiến sĩ luật tại Đại học Tây bang Ontario. Thầy là luật sư tại bang New York bên Mỹ cũng như tại bang Ontario của Canada, chuyên về luật hiệp hội và di dân.

Thầy Dunlap gia nhập Hội Hiệp Sĩ Malta năm 1996, khấn trọng năm 2008 và năm sau đó được bầu làm thành viên Hội đồng tối cao của Hội. Từ tháng Sáu năm ngoái (2022), thầy làm quyền Thủ lãnh của Hội sau khi thầy Marco Luzzago qua đời.

Hôm 03 tháng Năm vừa qua, Hội đồng quốc vụ đã nhóm tại trụ sở của Hội ở Roma, với sự tham dự của 99 thành viên đến từ 18 quốc gia và thầy Dunlap đã đắc cử. Thầy đã tự tay viết thư báo tin này cho Đức Thánh Cha Phanxicô và lúc 6 giờ 30 chiều cùng ngày, tại nhà thờ Đức Mẹ Maria trên đồi Aventino, thầy đã tuyên thệ nhậm chức trong tay Đức Hồng Y Silvano Maria Tomasi, Dòng Scalabrini, Đặc ủy của Đức Giáo Hoàng, và bắt đầu nhận nhiệm vụ mới, với hạn kỳ 10 năm, theo khoản số 13 trong Hiến pháp của Hội.

Về phương diện ngoại giao quốc tế, thầy Dunlap có những đặc quyền, sự miễn trừ và vinh dự giống như các vị Quốc trưởng.

4. Nhận định của Tiến sĩ George Weigel về việc phong Chân phước cho Linh mục Henri de Lubac, Dòng Tên

Trên tờ Denver Catholic, ngày 3 tháng 5 năm 2023, Tiến sĩ George Weigel có bài nhận định như sau:

Vào ngày 31 tháng 3, các giám mục Pháp thông báo rằng họ sẽ thỉnh cầu Tòa Thánh cho phép mở án phong chân phước cho Cha Henri de Lubac, SJ. Dù kết quả của án này là gì, thì việc tỏ lòng kính trọng như vậy đối với một trong những nhân vật vĩ đại của thần học Công Giáo thế kỷ 20 là một cách thích hợp để tiếp tục kỷ niệm 60 năm khai mạc Công đồng. Vì nếu không có công việc tiên phong của de Lubac trong việc phục hồi các Giáo phụ và sự phong phú của việc chú giải Kinh thánh thời trung cổ cho tư tưởng Công Giáo đương thời, thì các văn bản chủ chốt của các văn kiện Vatican II – các hiến chế tín lý của nó về mặc khải Thiên Chúa và về Giáo hội - sẽ không phong phú về mặt kinh thánh và giáo phụ như vậy về nội dung và phong cách.

Henri de Lubac là ai? Ngài là một cựu chiến binh của quân đội Pháp trong Thế chiến thứ nhất, trong đó ngài bị thương nặng. Như vừa lưu ý, ngài là một nhân vật hàng đầu trong phong trào hồi sinh thần học Công Giáo bằng cách “trở về cội nguồn”. Ngài là một nhà lãnh đạo trong cuộc kháng chiến của người Công Giáo Pháp chống lại chủ nghĩa phát xít sau khi nước Pháp sụp đổ vào năm 1940 và là một nhà nghiên cứu sắc bén chủ nghĩa vô thần hiện đại. Bị lưu đày bên lề thần học trong những năm cuối cùng của Đức Piô XII, ngài được Đức Gioan XXIII phục hồi, người đã bổ nhiệm ngài vào một trong những ủy ban hoạch định Vatican II. Trong Công đồng, ngài đã đóng một vai trò then chốt, dù bị đánh giá thấp, bằng cách lập luận một cách nhẹ nhàng rằng Công đồng Vatican II không được triệu tập để tái phát minh Công Giáo, nhưng để đổi mới nó cho sứ mệnh bằng cách đào sâu sự hiểu biết của Giáo hội về Tin Mừng để Giáo hội có thể cống hiến Chúa Giêsu Kitô cho thế giới một cách hữu hiệu hơn.

Vì chính Cha de Lubac là người đã châm ngòi cho Cuộc chiến sau Công đồng: cuộc đấu tranh khốc liệt — không phải giữa “những người cấp tiến” rập khuôn và “những người theo chủ nghĩa truyền thống” mà là giữa các nhà thần học cải cách tại Công đồng - về ý nghĩa của toàn bộ kinh nghiệm công đồng. Vị tu sĩ Dòng Tên người Pháp đứng cùng với đồng nghiệp người Đức trẻ tuổi của mình, Joseph Ratzinger, và những người khác khi nhấn mạnh rằng Vatican II là một công đồng cải cách liên tục với truyền thống, chứ không phải là một công đồng đoạn tuyệt với truyền thống - điều mà một số người ngày nay gọi là một công đồng đang thực hiện một “sự thay đổi mô hình”. Và vì điều này, Cha de Lubac đã phải trả một giá rất đắt.

Khi ngài được Đức Gioan Phaolô II tấn phong Hồng Y vào năm 1983 — người đầu tiên trong một loạt các nhà thần học có ảnh hưởng của Vatican II được vị giáo hoàng Ba Lan tôn vinh — các anh em Dòng Tên của ngài ở Pháp, nhiều người trong số họ coi ngài như một kẻ phản bội thần học, đã cư xử một cách ghê tởm. Ban đầu tức giận với việc đề cử, sau đó tỏ ra thờ ơ, họ coi đây như “không phải chuyện của chúng tôi” và từ chối giúp vị Hồng Y được chỉ định 87 tuổi chuẩn bị cho mật nghị mà tại đó ngài sẽ nhận chiếc mũ đỏ. Những người bạn trẻ của De Lubac trong giới xuất bản tiếng Pháp của tạp chí Communio (tạp chí mà ngài đã giúp tạo ra) đã can thiệp vào, mua cho ngài bộ lễ phục mới phù hợp với một Hồng Y và thuyết phục giám tỉnh của de Lubac cung cấp cho ngài một vé khứ hồi về Rome và một người bạn đồng hành trong chuyến hành trình. Khi trở về từ mật nghị, Hồng Y de Lubac đã được các tu sĩ Dòng Tên ở Paris tiếp đón, tại đó chỉ có nước ngọt.

Trong suốt thử thách này, cũng như trong những năm ngài bị thẩm quyền Giáo hội ở Vatican nghi ngờ, Henri de Lubac cư xử như một quân tử. Tuy nhiên, ngài còn hơn thế nữa. Ngài là một giáo phẩm chân chính, như đã được chứng minh trong cuốn hồi ký của ngài, At the Service of the Church: Henri de Lubac Reflects on the Circumstances That Occasioned His Writings [Phục vụ Giáo Hội: Henri de Lubac Suy nghĩ về Những Hoàn cảnh làm dịp cho Các Trước tác của Ngài] (Nhà xuất bản Ignatius). Cho dù bị bao vây bởi sự hiểu lầm, vu khống hay ác ý, ngài vẫn là một hình mẫu của lý trí và lòng nhân ái. Các học giả sẽ tiếp tục tranh luận về giáo huấn của de Lubac về mối quan hệ giữa tự nhiên và ân sủng, tự nhiên và siêu nhiên. Nhưng không thể nghi ngờ gì về sự tận tâm của nhà thần học người Pháp đối với chính nghĩa của Chúa Kitô hoặc lòng trung thành của ngài với Giáo hội.

Ngài đã nghiêm túc thực hiện mệnh lệnh của Thánh Ignatius rằng những người con của Dòng Tên nên “làm cho thế giới rực sáng”. Ngài hiểu rằng các công cụ để thúc đẩy truyền giáo phải được cải tiến theo thời gian, vì những chân lý mà Chúa Kitô đã truyền lại cho Giáo hội không thể bị giới hạn trong một bộ công thức duy nhất. Tuy nhiên, những chân lý đó vẫn tồn tại lâu dài và nhiệm vụ của nhà thần học là khai thác tư duy của mình đối với chúng, chứ không phải tưởng tượng mình là chủ nhân của chúng.

Henri de Lubac biết rằng các chế độ toàn trị vĩ đại vào thời của ngài - chủ nghĩa Quốc xã và chủ nghĩa cộng sản - là những tôn giáo sai lầm, cực kỳ trần tục phải chiến đấu bằng điều được ngài gọi là “vũ khí tinh thần”. Chính những “vũ khí” đó cũng có thể phục vụ để đổi mới Giáo hội cho việc truyền giáo. Ngài là một viễn kiến vĩ đại, được mang ra sống rất tốt. Bất chấp việc cuối cùng ngài có được phong chân phước hay không, thì việc tôn vinh ngài vì đã nói rõ điều đó là điều đúng đắn.
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Tin Vui Việt

Trang thông tin điện tử để tìm hiểu về Đạo Công Giáo.Mong rằng qua trang Tin Vui Việt này sẽ giúp Quý Vị hiểu hơn về đời sống đạo.Nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn tác động để mỗi người nhận ra Thiên Chúa là Chân, Thiện, Mỹ.bbttinvui

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Chúng ta nên làm gì để nhiều người biết Thiên Chúa hơn ?

Cầu nguyện.

Đi lễ.

Sống bác ái.

Loan báo Tin Mừng.

Chu toàn nhiệm vụ hằng ngày.