www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
17:35 CDT Thứ năm, 28/03/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 79

Máy chủ tìm kiếm : 10

Khách viếng thăm : 69


Hôm nayHôm nay : 15470

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 843164

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 19064359

Trang nhất » Tin Tức » Tin Tức » Tôn Giáo

Căng thẳng trong lễ Giáng Sinh Chính Thống Giáo tại Ukraine. George Weigel: Đức Bênêđíctô đích thực

Thứ bảy - 07/01/2023 20:19
Tin thế giới

Tin thế giới

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Ukraine Oleksandr Tkachenko hôm thứ Năm cho biết chính phủ đã lấy lại tu viện và nhà thờ Pechersk Lavra gần 1.000 năm tuổi sau khi hợp đồng cho UOC thuê đã hết hạn vào ngày 31 tháng 12.
1. Chính quyền Ukraine đòi lại nhà thờ chính ở Kyiv trao cho Giáo Hội Chính Thống Ukraine

Chính phủ Ukraine đã lấy nhà thờ chính của tu viện lịch sử, trước đây thuộc Chính Thống Giáo trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC, và cho phép đối thủ của họ sử dụng ngôi thánh đường cho các nghi lễ Giáng Sinh của Chính thống giáo.



Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng kéo dài giữa hai giáo hội, đã trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Ukraine Oleksandr Tkachenko hôm thứ Năm cho biết chính phủ đã lấy lại tu viện và nhà thờ Pechersk Lavra gần 1.000 năm tuổi sau khi hợp đồng cho UOC thuê đã hết hạn vào ngày 31 tháng 12.

Hôm thứ Sáu, Tkachenko nói rằng Giáo Hội Chính thống Ukraine, gọi tắt là OCU đã yêu cầu và được phép cử hành các nghi lễ tại nhà thờ vào hôm thứ Bảy khi lễ Giáng Sinh của Chính thống giáo được tổ chức.

Bối cảnh câu chuyện là như thế này: Chính Thống Giáo đã có mặt tại Ukraine trước cả ở Nga. Từ thế kỷ 17, trong thời các Sa hoàng, người Nga muốn thúc đẩy chủ nghĩa bành trướng của họ nên đã thao túng Chính Thống Giáo Ukraine qua Giáo Hội Chính Thống Giáo trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC-MP. Trong thời kỳ cộng sản, Giáo Hội Chính Thống Ukraine, gọi tắt là OCU, bị bách hại và các tài sản của họ bị tịch thu giao cho UOC-MP.

Các chính sách của cộng sản cũng quy định rằng đất đai thuộc sở hữu toàn dân, đó là nói văn hoa theo kiểu lừa gạt, trên thực tế, đất đai thuộc sở hữu của Đảng Cộng sản.

Sau khi cộng sản sụp đổ, các nhà thờ được trao trả cho các Giáo Hội. Riêng tu viện và nhà thờ Pechersk Lavra, nhà cầm quyền Ukraine không biết trao cho ai vì cả UOC-MP và OCU đều cho rằng là của mình, vì thế tạm thời nhà thờ và tu viện được coi là tài sản của chính phủ và họ cho UOC-MP thuê.

Vào năm 2019, Giáo hội Chính thống Ukraine đã nhận được sự công nhận từ Thượng phụ Đại kết Constantinople. Nhiều Giáo Hội Chính thống giáo khác cũng ủng hộ quyết định này của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô. Tuy nhiên, Chính Thống Giáo Nga quyết liệt chống đối.

UOC-MP, dù vẫn trung thành với Thượng phụ Mạc Tư Khoa từ thế kỷ 17, đã tuyên bố độc lập khỏi Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga. UOC-MP đã quyết định bỏ chữ MP, và gọi là UOC. Họ đã coi thường Mạc Tư Khoa trong nghi lễ phụng vụ bằng cách bỏ không nhắc đến Thượng Phụ Kirill với tư cách là người lãnh đạo tổ chức này trong việc thờ phượng công khai; và làm phép dầu thánh của riêng mình thay vì sử dụng nguồn cung cấp của Mạc Tư Khoa.

Nhưng các cơ quan an ninh Ukraine đã tuyên bố rằng UOC vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Mạc Tư Khoa. Họ đã tiến hành nhiều cuộc đột kích vào các nhà thờ, tu viện, tịch thu được tiền Nga, hộ chiếu Nga và những truyền đơn có thông điệp từ Thượng phụ Mạc Tư Khoa.

Các nhà lãnh đạo nổi tiếng của Giáo hội Chính thống Ukraine đã bác bỏ các cáo buộc về mối quan hệ với Mạc Tư Khoa, khẳng định rằng họ đã trung thành ủng hộ Ukraine ngay từ đầu cuộc chiến và một cuộc đàn áp của chính phủ sẽ chỉ tạo ra một cái cớ có lợi cho hệ thống tuyên truyền Nga.

Lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga, Thượng phụ Kirill, trong một thông điệp video đánh dấu lễ Giáng Sinh, đã kêu gọi các tín hữu cầu nguyện “cho những người anh em của chúng ta ở Ukraine, những người đang bị trục xuất khỏi Kyiv-Pechersk Lavra ngày hôm nay. Ông Lavra trong nhiều thế kỷ đã là người bảo vệ chân lý Chính thống giáo.

2. Joseph Ratzinger Đích Thực

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “The True Joseph Ratzinger”, nghĩa là “Joseph Ratzinger Đích Thực”, trong đó không khẳng định rằng nhân vật vĩ đại cuối cùng của Công Giáo thế kỷ 20 không giống với bức tranh biếm họa được tạo ra bởi những kẻ thù thần học và văn hóa của ngài.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Joseph Ratzinger mà tôi biết trong 35 năm — đầu tiên trong tư cách tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, sau đó là Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và sau đó là giáo hoàng hưu trí— là một người thông minh, thánh thiện, không giống với bức tranh biếm họa lần đầu tiên được tạo ra bởi những kẻ thù thần học của ngài và sau đó được đúc thành khuôn bêtông truyền thông.

Ratzinger biếm họa là một quan tòa trừng trị lạc giáo, người chấp pháp giáo hội tàn nhẫn, không ngừng nghỉ, “Con Chó nhà Thiên Chúa Trời”. Người mà tôi biết là một người thanh nhã hoàn hảo với tâm hồn dịu dàng, một người hay e lệ nhưng vẫn có khiếu hài hước mạnh mẽ, và là một người yêu Mozart về căn bản là một người vui vẻ chứ không phải một người cáu kỉnh.

Ratzinger biếm họa không có khả năng hiểu hay đánh giá cao tư tưởng hiện đại. Ratzinger mà tôi biết là người uyên bác nhất trên thế giới, với kiến thức bách khoa về thần học Kitô giáo (Công Giáo, Chính thống giáo và Tin lành), triết học (cổ đại, trung cổ và hiện đại), nghiên cứu Kinh thánh (Do Thái giáo và Kitô giáo), và lý thuyết chính trị (cổ điển và đương thời). Tâm trí của ngài minh mẫn và có trật tự, và khi được hỏi một câu hỏi, ngài sẽ trả lời bằng cả đoạn văn — bằng ngôn ngữ thứ ba hoặc thứ tư của ngài.

Ratzinger biếm họa là một kẻ phản động chính trị, hoang mang bởi các cuộc biểu tình của sinh viên năm 1968 ở Đức và khao khát khôi phục lại quá khứ quân chủ; những kẻ thù độc ác hơn của ngài ám chỉ sự đồng cảm đối với Đức Quốc xã (do đó có tên bẩn thỉu Panzerkardinal hay Hồng Y thiết giáp). Ratzinger mà tôi biết là một người Đức, trong chuyến thăm cấp nhà nước Vương quốc Anh năm 2010, đã cảm ơn người dân Vương quốc Anh vì đã giành chiến thắng trong Trận chiến nước Anh - một người Dân chủ Kitô giáo vùng Bavaria (điều này nói theo ngôn từ chính trị của Hoa Kỳ sẽ khiến ngài hơi lệch về phía tả của cánh giữa) với sự khinh bỉ chủ nghĩa Mác về mặt lý thuyết vì nó chẳng có ý nghĩa gì về mặt triết học, và cả về mặt thực tiễn vì nó có bao giờ hiệu quả đâu và vốn dĩ chỉ dẫn đến toàn trị và sát nhân.

Ratzinger biếm họa như kẻ thù của Công đồng Vatican II. Ratzinger mà tôi biết, ở độ tuổi ngoài 30, là một trong ba nhà thần học có ảnh hưởng và hữu hiệu nhất tại Vatican II - người, trong tư cách tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã làm việc cùng với Đức Gioan Phaolô II để đem lại một lối giải thích có thẩm quyền cho Công đồng, một lối giải thích được ngài thâm hậu hóa hơn nữa trong triều giáo hoàng của chính ngài.

Ratzinger biếm họa là một ẩn sĩ phụng vụ quyết tâm quay ngược đồng hồ cuộc cải cách phụng vụ. Ratzinger mà tôi biết đã chịu ảnh hưởng sâu xa, cả về linh đạo lẫn thần học, bởi phong trào phụng vụ thế kỷ 20. Ratzinger đã trở thành một vị giáo hoàng hào phóng hơn nhiều trong việc chấp nhận đa nguyên phụng vụ hợp pháp so với vị giáo hoàng kế nhiệm ngài, bởi vì Đức Bênêđictô XVI tin rằng, từ một đa nguyên quan trọng như vậy, các mục tiêu cao cả của phong trào phụng vụ từng đào tạo ra ngài cuối cùng sẽ được thực hiện trong một Giáo hội mà sự cung kính tôn thờ tăng thêm sức mạnh cho sứ mệnh và sự phục vụ của mình.

Ratzinger biếm họa là câu chuyện của ngày hôm qua, một trí thức hoài cổ mà sách vở sẽ sớm phủ bụi và vỡ vụn, không để lại dấu ấn gì đối với Giáo hội hay văn hóa thế giới. Ratzinger mà tôi biết là một trong số ít các tác giả đương thời có thể chắc chắn rằng sách của ngài sẽ được đọc trong nhiều thế kỷ kể từ bây giờ. Tôi cũng dám đánh cuộc rằng một số bài giảng của vị giáo hoàng giảng thuyết vĩ đại nhất kể từ thời Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả cuối cùng sẽ được đưa vào kinh nguyện chính thức hàng ngày của Giáo hội, là Giờ kinh Phụng vụ.

Ratzinger biếm họa khao khát quyền lực. Ratzinger mà tôi biết đã ba lần cố gắng từ chức trong Giáo triều, không có ước muốn làm giáo hoàng, đã nói với các Giáo phẩm đồng nghiệp vào năm 2005 rằng ngài “không phải là governo hay nhà cai trị và chỉ chấp nhận cuộc bầu cử giáo hoàng vào năm 2005 vì vâng phục những gì ngài coi là thánh ý Thiên Chúa, biểu lộ qua lá phiếu áp đảo của các Hồng Y anh em của ngài.

Ratzinger biếm họa thờ ơ với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của giáo sĩ. Ratzinger mà tôi biết cũng như bất cứ ai, trong tư cách Hồng Y trưởng của Bộ Giáo lý Đức tin và sau đó là giáo hoàng, đã làm để tẩy sạch Giáo hội khỏi những gì mà ngài mô tả một cách tàn bạo và chính xác là “rác rưởi ô uế”.

Chìa khóa của Joseph Ratzinger đích thực, và của sự vĩ đại của ngài, là tình yêu sâu đậm của ngài dành cho Chúa Giêsu - một tình yêu được tinh luyện bởi một trí thông minh thần học và chú giải phi thường, được thể hiện trong bộ ba tác phẩm của ngài, Chúa Giêsu thành Nadarét, mà ngài coi là đá tảng của dự án học thuật suốt đời của mình. Trong những cuốn sách đó, hơn sáu thập kỷ học hỏi đã được chắt lọc thành một câu chuyện mà ngài hy vọng sẽ giúp những người khác đến và yêu mến Chúa Giêsu như ngài đã yêu mến, vì như ngài nhấn mạnh trong rất nhiều biến thể về chủ đề lớn này, “tình bạn với Chúa Giêsu Kitô” là sự khởi đầu, điều kiện thiết yếu, của đời sống Kitô hữu. Và nuôi dưỡng tình bạn đó là toàn bộ mục đích của Giáo hội.

Nhân vật vĩ đại cuối cùng của Công Giáo thế kỷ 20 đã về với Chúa, Đấng sẽ không ngừng ban thưởng cho người đầy tớ tốt lành của Người.

3. Một số hình ảnh và âm thanh đáng lưu ý từ tang lễ của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI

Jonathan Liedl của tờ National Catholic Register có bài tường thuật về thánh lễ an táng của Đức Bênêđíctô nhan đề “Sights and Sounds From Pope Benedict XVI’s Funeral”, nghĩa là “Một số hình ảnh và âm thanh từ tang lễ của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, người mà toàn bộ dự án thần học chỉ tập trung vào con người của Chúa Kitô, đã từng mô tả Chúa Giêsu là Đấng “trong đó tình yêu của Thiên Chúa ngự xuống trên con người”.

Thời tiết tại tang lễ của vị Giáo hoàng uyên bác hôm 5 tháng Giêng đã cung cấp một minh họa thơ mộng cho sự thật đó - một làn sương mù nhẹ bao phủ Đền thờ Thánh Phêrô khi Giáo hội hoàn vũ trao phó Đức Bênêđictô cho tình yêu và lòng thương xót của Chúa.

“Đám mây thánh, shekinah, là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của chính Thiên Chúa. Đám mây lơ lửng trên Lều Hội Ngộ cho thấy Thiên Chúa đang hiện diện,” cố Giáo hoàng viết như thế trong Tập Một của bộ ba tác phẩm Chúa Giêsu thành Nadarét của ngài.

Sương mù, tan trong suốt Thánh lễ khi mặt trời buổi sáng ở Rôma ló dạng, cũng gợi nhớ đến việc sử dụng hương truyền thống trong phụng vụ của Giáo hội - và cùng với đó, sự tận tâm không mệt mỏi của Đức Bênêđictô trong việc khôi phục di sản phụng vụ vĩ đại đã bị che khuất trong thời kỳ hỗn loạn, sau Công đồng Vatican II.

Các yếu tố khác về nhân cách và di sản của Giáo hoàng Bênêđíctô được thể hiện trong nghi thức tang lễ - và trong đám đông 50,000 người hành hương đến cầu nguyện cho ngài.

Kinh nguyện Thánh Thể III, trái ngược với Kinh nguyện Rôma dài hơn và cổ xưa hơn, đã được sử dụng trong các nghi thức phụng vụ của giáo hoàng từ thế kỷ thứ bảy, được sử dụng trong phụng vụ, rõ ràng là phù hợp với sở thích của Đức Bênêđictô.

Ngôn ngữ mẹ đẻ của Đức Giáo Hoàng xuất thân từ xứ Bavaria cũng được thể hiện trong ngôn ngữ của Thánh Lễ, nhưng chỉ trong Kinh Cầu Tín Hữu, trong khi các bài đọc lần lượt được đọc bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh, và Tin Mừng được đọc bằng tiếng Latinh.

Nhưng mối liên hệ với người Đức cũng khá hiển hiện trong các cách thế khác biệt. Lá cờ Rautenflagge màu xanh và trắng của Bavaria hiện diện khắp nơi trong đám đông, khi những người hành hương từ quê hương của vị giáo hoàng người Đức đầu tiên trong 1,000 năm xuất hiện đông đảo để cầu nguyện và cử hành cuộc đời của nhân vật sinh ra với tên Joseph Ratzinger.

Một nửa phần những hàng ghế đầu ở Quảng trường Thánh Phêrô chật ních người Đức mặc trang phục truyền thống của xứ Bavaria và cầm cờ hiệu có trang trí các biểu tượng của văn hóa và lòng mộ đạo Đức, nhiều người trong số họ là thành viên của các hội huynh đệ Công Giáo địa phương, bao gồm cả hội mà gia đình Ratzinger từng tham gia. Khi Thánh lễ kết thúc, các biểu ngữ có nội dung “Danke Papst Benedikt” (Cảm ơn Đức Giáo Hoàng Bênêđictô) đã được giương cao, và một ban nhạc kèn đồng của Đức bắt đầu chơi một bài hát tưởng nhớ truyền thống khi các giáo dân chào mừng vị Giáo hoàng đã khuất.

Sự hiện diện của người Đức tại Quảng trường Thánh Phêrô cũng đặc biệt trẻ, khi các gia đình có trẻ nhỏ và nhiều thanh niên hiện diện trong số những người cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Bênêđictô.

Nhưng thiếu một yếu tố của Công Giáo Đức: nhiều giám mục của đất nước. Mặc dù những người như Giám mục Rudolf Volderhozer của Regensburg và Giám mục Stefan Oster của Passau đều có mặt, nhưng những nhân vật như chủ tịch hội đồng giám mục Đức, Giám mục Georg Bätzing của Limburg, lại vắng mặt một cách đáng chú ý.

Sự hiện diện của rất nhiều người Công Giáo Đức trẻ tuổi cùng với sự vắng mặt của các nhà lãnh đạo phẩm trật có thể là một dấu hiệu cho thấy mặc dù giới lãnh đạo Giáo hội ở Đức hiện đang đi theo một con đường khác với con đường mà Đức Giáo Hoàng Bênêđictô vạch ra, nhưng tương lai của Công Giáo Đức có nhiều khả năng sẽ ở trong khuôn khổ của ngài.

Người ta tưởng tượng rằng điều này có thể đặc biệt xảy ra nếu Giáo hoàng Bênêđíctô được phong thánh hoặc được công nhận, như nhiều người tin rằng ngài sẽ là tiến sĩ của Giáo hội. Nhiều người trong đám đông hôm nay dường như nghĩ rằng điều đó sẽ xảy ra, khi hô vang “Santo Subito!” (Phong Thánh ngay lập tức!) phát ra một cách tự nhiên từ những người tụ tập, trong khi những người khác giương cao các biểu ngữ truyền đạt cùng một thông điệp. Người ta cũng có thể nghe thấy tiếng hô “Benedetto” sau khi Phụng vụ Thánh Thể kết thúc.

Nói chung, tuy tang lễ của Đức Bênêđictô XVI có thể không huy hoàng tráng lệ như các tang lễ của các vị giáo hoàng trong quá khứ, nhưng nó gói gọn sâu sắc tinh thần của vị Giáo hoàng kính yêu: khiêm tốn, thân mật và tập trung vào tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu Kitô.
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Tin Vui Việt

Trang thông tin điện tử để tìm hiểu về Đạo Công Giáo.Mong rằng qua trang Tin Vui Việt này sẽ giúp Quý Vị hiểu hơn về đời sống đạo.Nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn tác động để mỗi người nhận ra Thiên Chúa là Chân, Thiện, Mỹ.bbttinvui

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Chúng ta nên làm gì để nhiều người biết Thiên Chúa hơn ?

Cầu nguyện.

Đi lễ.

Sống bác ái.

Loan báo Tin Mừng.

Chu toàn nhiệm vụ hằng ngày.