www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
08:44 CDT Thứ hai, 14/10/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 44

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 43


Hôm nayHôm nay : 4078

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 298645

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 24019983

Trang nhất » Tin Tức » Tin Tức » Tôn Giáo

Một tháng sau Tuyên ngôn Fiducia: Sai lầm lộ rõ, tác hại tràn lan, phản kháng lan rộng chưa từng có

Chủ nhật - 21/01/2024 11:53
Tin thế giới

Tin thế giới

Đức Hồng Y Victor Manuel Fernández, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin kể từ tháng 9, đã nói trong lời nói đầu cho tuyên bố rằng tài liệu của ngài là một phản ứng của “tình bác ái huynh đệ” đối với những người không chia sẻ “phản ứng tiêu cực” của bản phản hồi, được ban hành dưới thời người tiền nhiệm, là Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer.
1. Phe đối lập không có dấu hiệu suy giảm một tháng sau khi Tuyên ngôn Fiducia Supplicans được công bố

Ký giả Edward Pentin của National Catholic Register có bài tường trình nhan đề “Marking One Month of ‘Fiducia Supplicans’: Opposition Shows No Signs of Abating”, nghĩa là “Đánh dấu một tháng Tuyên ngôn Fiducia Supplicans: Phe đối lập không có dấu hiệu suy giảm”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.



Một tháng sau khi Vatican ban hành Fiducia Supplicans cho phép ban phước lành cho các cặp đồng giới, phản ứng dữ dội mà tài liệu gây ra không có dấu hiệu giảm bớt.

Trên thực tế, những lời chỉ trích đã rất gay gắt và lan rộng, đến nỗi một số nhà sử học nói rằng chưa bao giờ một tài liệu của Đức Giáo Hoàng lại gây ra sự phản đối và hoang mang như vậy, khiến nhiều nhà quan sát tự hỏi làm thế nào có thể giải quyết được hậu quả đây.

Sử gia Giáo hội Roberto de Mattei nói với Register: “Sự tồn tại của những tương phản rõ rệt giữa các giám mục và Hồng Y trong Giáo hội giờ đây là một thực tế không thể phủ nhận”. Ông tin rằng Đức Thánh Cha Phanxicô “đang gây ra một cuộc khủng hoảng sâu sắc hơn tất cả những cuộc khủng hoảng trước đó, không chỉ vì chiều rộng của sự chống đối, mà còn vì thực tế là nó đến từ những vùng ‘ngoại vi’ mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra như là biểu hiện đích thực của Giáo Hội.”

Được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn và công bố ngay trước lễ Giáng Sinh vào ngày 18 tháng 12, tuyên bố này lần đầu tiên đặc biệt cho phép các phép lành ngoài phụng vụ dành cho các cặp đồng tính và những người khác trong “các mối quan hệ bất thường”. Vatican mô tả việc công bố của mình là một bước “đổi mới”, mở rộng ý nghĩa của các phép lành đồng thời vẫn “kiên quyết” bảo lưu “giáo lý truyền thống của Giáo hội về hôn nhân”.

Diễn biến này xảy ra chỉ hai năm sau khi Vatican, trong một tài liệu ít có thẩm quyền hơn được gọi là responsum ad dubium hay câu trả lời cho một câu hỏi, đã ra phán quyết rõ ràng rằng Giáo hội không có quyền ban phép lành cho sự kết hợp của những người cùng giới tính. Mặc dù Tuyên ngôn Fiducia Supplicans được nhiều người coi là đảo ngược văn bản đó, Vatican đã cố gắng bảo đảm với các tín hữu rằng Fiducia Supplicans không cho phép ban phước lành cho các kết hợp mà chỉ chúc lành những cá nhân có quan hệ đồng giới hoặc bất thường.

Đức Hồng Y Victor Manuel Fernández, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin kể từ tháng 9, đã nói trong lời nói đầu cho tuyên bố rằng tài liệu của ngài là một phản ứng của “tình bác ái huynh đệ” đối với những người không chia sẻ “phản ứng tiêu cực” của bản phản hồi, được ban hành dưới thời người tiền nhiệm, là Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer.

Nhưng gần như ngay lập tức sau khi nó được công bố, một số người ủng hộ nó đã phóng đại những giáo huấn của nó trong khi những người phản đối kiên quyết bác bỏ. Một số giám mục, chẳng hạn như các giám mục ở Madrid, Dublin, và chủ tịch hội đồng giám mục Áo, buộc các linh mục phải ban phép lành như vậy cho bất kỳ ai yêu cầu; những người khác, đặc biệt là ở Phi Châu, kiên quyết từ chối làm như vậy.

Hầu hết các hội đồng giám mục đều giữ im lặng, đưa ra những câu trả lời trái chiều hoặc nhấn mạnh những gì trung thành với huấn quyền trong tài liệu.

Làm tăng thêm sự nhầm lẫn bên ngoài Giáo hội là các tiêu đề truyền thông chính thống hoan nghênh Fiducia Supplicans vì đã cho phép các phước lành đồng giới trong khi bỏ qua những hạn chế của nó. Tài liệu này cũng thu hút sự phản đối từ những người không theo đạo Công Giáo, chẳng hạn như Franklin Graham theo đạo Tin lành và Đức Tổng Giám Mục Hilarion của Giáo hội Chính thống Nga.

Những người ủng hộ và phản đối

Những người hoan nghênh hoặc chấp nhận tuyên bố này thuộc nhiều nhóm: một số hội đồng giám mục, chẳng hạn như Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, chấp nhận những bảo đảm rằng nó phù hợp với giáo lý và chỉ liên quan đến “các phép lành mục vụ phi phụng vụ”; những người khác như linh mục Dòng Tên James Martin, người vui mừng trước sự phát triển này, coi đây là một “bước tiến” trong việc phục vụ những người LGBTQ (vị linh mục này đã công khai chúc phúc cho một cặp đồng giới 'đã kết hôn' ngay một ngày sau khi Tuyên ngôn được công bố); và các giám mục Bỉ và những người khác coi quyết định này là một phần của tiến trình hướng tới việc công nhận bí tích “hôn nhân” đồng giới.

Nữ tu Loretto Jeannine Gramick, người đồng sáng lập Mục vụ Những Cách thức Mới, một nhóm vận động của Giáo hội bị Tòa thánh cấm vào năm 1999 vì lập trường về vấn đề đồng tính luyến ái nhưng đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến riêng vào tháng 10, cho biết niềm hy vọng của “rất nhiều người đồng tính nữ Công Giáo và các cặp đồng tính nam giờ đây đã “thành hiện thực”. Trang web của nhóm đã đưa ra một bản tóm tắt ăn mừng vào ngày 6 Tháng Giêng về nhiều phản ứng, trích dẫn những người đồng tính “đã kết hôn” và những người khác dưới tiêu đề: “Những người ủng hộ LGBT tiếp tục vui mừng trước việc Vatican chấp thuận các phước lành cho người đồng giới”.

Một số người đã ngần ngại bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn của mình, đáng chú ý nhất là Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Vatican Pietro Parolin, người cho biết tài liệu này đã “chạm đến một điểm rất nhạy cảm” và sẽ cần “điều tra thêm”.

Trong khi đó, các nhà phê bình đã không đồng tình với tài liệu này vì nhiều lý do.

Người tiền nhiệm của Đức Hồng Y Fernández tại Bộ Giáo lý Đức tin, là Đức Hồng Y Gerhard Müller, gọi đó là “sự phạm thượng và báng bổ”, “tự mâu thuẫn” và “cần phải làm rõ”. Đức Hồng Y Robert Sarah, nguyên Bộ trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, cho biết tuyên bố này là “một tà thuyết làm suy yếu nghiêm trọng Giáo hội, Thân thể Chúa Kitô, vì nó trái ngược với đức tin và Truyền thống Công Giáo”.

Hầu như tất cả các hội đồng giám mục ở Phi Châu và một số quốc gia khác ở phía nam bán cầu - nơi mà Đức Phanxicô gọi chung là “các vùng ngoại vi” – đã bác bỏ nó không chỉ vì việc chúc phúc cho các cặp đồng tính là trái ngược với văn hóa và luật pháp của các ngài, như Đức Hồng Y Fernández đã nói, nhưng bởi vì các ngài nhìn nhận điều đó có vẻ như đang tán thành một điều gì đó trái ngược với luật tự nhiên và Kinh thánh. Viết thay mặt cho Hội đồng Giám mục Phi Châu và Madagascar, gọi tắt là SECAM, Đức Hồng Y Fridolin Ambongo của tổng giáo phận Kinshasa cho biết ngôn ngữ được sử dụng trong tài liệu “quá tinh tế để những người bình thường có thể hiểu được” và các giám mục ở Phi Châu không thể thực hiện những phép lành như vậy “mà không vướng vào những tai tiếng.”

Các nhà phê bình cũng đến từ Trung Đông Âu và Á Châu với ít nhất một giám mục Hung Gia Lợi gọi đó là “sự xuyên tạc Tin Mừng”.

Các Huynh đoàn gồm hàng trăm linh mục ở Anh, Mỹ và Úc đã bác bỏ tài liệu này vì về cơ bản là không thể thực hiện được, và vì các ngài lo ngại rằng nó truyền tải một thông điệp trái ngược với giáo huấn của Giáo hội. Trong khi đó, một số người phản đối vì nó chưa đi đủ xa, với ít nhất một vị lãnh đạo Giáo hội ở Đức gọi tuyên bố này là “có tính cách thù ghét và phân biệt đối xử” vì không chấp thuận các hành vi đồng giới.

Không nản lòng trước sự phản đối, truyền thông Ý đưa tin rằng vào ngày 14 Tháng Giêng, Vatican đang đào tạo các giáo sĩ của mình cách ban phước lành cho các cặp đồng giới, có thể là tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Nỗ lực làm rõ

Trong nỗ lực làm sáng tỏ Fiducia Supplicans sau phản ứng dữ dội toàn cầu này, Đức Hồng Y Fernández đã đưa ra một thông cáo báo chí nhấn mạnh rằng tuyên bố này phải được đọc một cách bình tĩnh, rằng nó không mang tính dị giáo hay báng bổ, rằng việc ban phép lành chỉ mất “khoảng 10 hoặc 15 giây,” và ngài đã đưa ra một số ví dụ về cách nó có thể được thực hiện theo “hình thức phi nghi thức hóa”.

Vào ngày 12 Tháng Giêng trong bài bình luận cho Register, ngài nói rằng lời giải thích của ngài “chắc chắn đã giúp ích vì tính đơn giản và những ví dụ mà nó đưa ra,” và rằng điều này “đã được nhiều giám mục lưu ý”.

Tuy nhiên, Hồng Y Müller và những người khác không hề lay chuyển. Ngài nói với Register vào ngày 12 Tháng Giêng rằng những lời chúc phúc mà Fiducia Supplicans cho phép “là một phát minh” “không có cơ sở trong thực tế”, “không gì khác hơn là một lời chúc phúc chung mà bất cứ ai cũng có thể nhận được khi gặp một mục tử trong bất kỳ hoàn cảnh nào.”

Register đã đặt một loạt câu hỏi cho Đức Hồng Y Fernández vào ngày 2 Tháng Giêng để tìm cách làm rõ về cách diễn đạt của tài liệu và các khía cạnh khác. Chúng bao gồm việc xác định ý nghĩa của từ “cặp - couple” và nó khác với “sự kết hợp - union” như thế nào, những trở ngại nào tồn tại đối với các nhóm ban phép lành cho những người khác tham gia vào các hoạt động tình dục vô đạo đức, liệu việc lạm dụng tài liệu rõ ràng của Cha Martin và những người khác có bị lên án hay không, và tại sao việc tham vấn về tài liệu này không được phổ biến rộng rãi hơn và làm thế nào Tuyên ngôn này có thể được giải quyết bằng tính đồng nghị.

Cho đến nay, Đức Hồng Y vẫn chưa trả lời những câu hỏi này mặc dù đã được yêu cầu nhiều lần.

Khủng hoảng chưa từng có

Giáo sư de Mattei cho biết, một đặc điểm rõ ràng xuyên suốt tài liệu là “chủ nghĩa hiện đại” “trong khi tiếp tục khẳng định sự trung thành với huấn quyền của Giáo hội, lại ma mãnh lật đổ giáo huấn thường hằng của Hội Thánh bằng những trò nhào lộn trí tuệ vô đạo đức”.

Ông chỉ ra rằng Phi Châu đang trải qua sự phát triển lớn nhất về số lượng người Công Giáo đã được rửa tội và trích lời Đức Hồng Y Robert Sarah, ông nói rằng các giám mục của Phi Châu là “những người báo trước sự thật thiêng liêng trước quyền lực và sự giàu có của một số giám mục phương Tây”. “tin rằng mình sẽ tiến hóa, hiện đại và khôn ngoan trước trí tuệ của thế giới.” De Mattei cũng cho biết mức độ nghiêm trọng của cuộc nổi dậy càng tăng cao vì nó tuân theo mong muốn của Đức Phanxicô là “dân chủ hóa” Giáo hội thông qua tính đồng nghị, trao cho các giám mục “quyền lực cao hơn quyền lực của Rôma”.

Khi được Register hỏi liệu phản ứng đối với Fiducia Supplicans có phải là chưa từng có trong lịch sử Giáo hội hay không, Đức Hồng Y Walter Brandmüller, chủ tịch danh dự của Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử, đã không đưa ra câu trả lời dứt khoát và nhắc lại rằng trong cuộc khủng hoảng Arianô hồi thế kỷ thứ tư, “gần như toàn bộ các giám mục Byzantine đều là những kẻ dị giáo.”

Nhưng De Mattei dứt khoát hơn. Ông thừa nhận rằng “những cuộc ly giáo, chia rẽ và xung đột” trước đây, cả “về bản chất giáo lý và mục vụ”, đã tồn tại “ngay cả trong thời gian gần đây”. Ví dụ, ông cho biết các giám mục đã chia thành hai nhóm trong Cách mạng Pháp, có cuộc ly giáo Petite-Eglise vào năm 1801 dưới triều đại của Đức Piô VII, và vào năm 1871, Giáo Hội ly giáo của “Những người Công Giáo Cũ” đã được thành lập. Ông cũng ghi nhận sự chia rẽ trong Công đồng Vatican II và về Humanae Vitae vào năm 1968 khi các Hồng Y và giám mục lãnh đạo một cuộc nổi dậy công khai chống lại thông điệp của Đức Giáo Hoàng ủng hộ giáo huấn của Giáo hội về ngừa thai. Ông giải thích, trong cả hai trường hợp đó, các quan điểm đều “trái ngược” và sự bất đồng chính kiến được dẫn dắt bởi “phe cấp tiến của hội đồng giám mục”.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này “sâu hơn” so với tất cả những cuộc khủng hoảng trước đó, theo De Mattei.

Giáo sư John Rao, một nhà sử học Giáo hội và giám đốc Diễn đàn Rôma, được thành lập bởi Dietrich von Hildebrand vào năm 1968, cũng trích dẫn tương tự các ví dụ khác về các cuộc nổi dậy chống lại các đạo luật của Đức Giáo Hoàng, khi một giáo hoàng đang thực hiện nhiệm vụ của mình mà không nhận thức được bản chất của vấn đề, hay “bị dày vò như Đức Giáo Hoàng Vigilius” về cuộc tranh cãi ba phe vào thế kỷ thứ sáu, dẫn đến “cuộc ly giáo ba phe”. Nhưng ông cho biết không có ví dụ nào trong số đó “giống như thảm họa lần này” và nói thêm rằng chúng “hoàn toàn khác nhau”.

Nhà vận động ủng hộ sự sống kỳ cựu, Tiến sĩ Thomas Ward, chủ tịch Học viện Sự sống Con người và Gia đình Gioan Phaolô II, nhận thấy một số điểm tương đồng giữa vụ việc này và sự bất đồng quan điểm với Humanae Vitae nhưng ông nói rằng, không giống như thông điệp đó, với Fiducia Supplicans “ bạn thấy Rôma đang phá hoại lời giảng dạy của chính mình” bởi vì, ông tin rằng, đó là một tài liệu của chủ nghĩa hiện đại chứa đựng cả “dị giáo và sự thật”.

Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Nhìn về tương lai, các nhà quan sát tin rằng hậu quả từ Fiducia Supplicans sẽ gây ra những hậu quả cả về cách điều hành Giáo hội cũng như mật nghị bầu cử tiếp theo.

Một điểm đáng chú ý là tài liệu phù hợp với tính đồng nghị như thế nào, vì vấn đề ban phước lành như vậy đã không được thống nhất tại phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng về tính đồng nghị vào tháng 10 năm ngoái. Khi được Register hỏi liệu vấn đề này có trở thành điểm thảo luận chính tại phiên họp kết thúc thượng hội đồng vào mùa thu hay không, và liệu có nhận được khiếu nại rằng nó được áp đặt ngoài quy trình của thượng hội đồng hay không, phát ngôn viên ban thư ký thượng hội đồng Thierry Bonaventura đã chỉ ra một bài báo ngày 11 tháng 12 do ban thư ký thượng hội đồng ban hành. Tài liệu đó đưa ra hướng dẫn chung về “suy tư sâu sắc hơn” nhưng không có gì cụ thể về các phước lành đồng giới.

Các nguồn tin cho biết khả năng các Hồng Y đưa ra một dubia mới, tức là các câu hỏi chính thức tìm cách làm sáng tỏ, về vấn đề này là khó xảy ra vì các Hồng Y như Hồng Y Raymond Burke và Hồng Y Sarah đã đưa ra suy nghĩ của mình về vấn đề này và yêu cầu của các ngài làm rõ thêm về vấn đề những lời chúc phúc đồng giới, đã được gửi đến Đức Phanxicô như một phần của bộ hồ sơ được gửi lại vào mùa hè năm ngoái, vẫn chưa được trả lời.

Cha Robert Gahl của Opus Dei, một triết gia luân lý học giảng dạy tại Trường Kinh doanh Busch thuộc Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, bày tỏ hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều giám mục noi gương Đức Hồng Y Ambongo; và yêu cầu “làm rõ rằng Fiducia Supplicans và Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục trung thành với giáo huấn của Giáo hội.” “ và tránh “bất kỳ tai tiếng nào” xuất phát từ việc “hiểu sai” nội dung của nó. Ngài nói: “Các linh mục cần được các giám mục hỗ trợ trong nỗ lực duy trì sự rõ ràng của giáo lý và mời gọi hoán cải bằng cách cống hiến vẻ đẹp của tình yêu thuần khiết trong hôn nhân chung thủy”.

Tuy nhiên, sự hoang mang và chia rẽ dường như vẫn tiếp tục. Đức Hồng Y Müller nói với Register rằng “sự hỗn loạn và mối nguy hiểm tự gây ra cho sự hiệp nhất của Giáo hội nên được coi là một bài học để trong tương lai kiềm chế những trò hề như vậy của những người mới đến, là những người muốn làm mọi thứ khác với những người tiền nhiệm của họ, và áp đặt những ý kiến chủ quan và chưa được suy nghĩ thấu đáo của họ lên toàn thể Giáo hội một cách độc tài”.

Ngài nói, việc chỉ trích một “tuyên bố mơ hồ” là cần thiết nếu một người muốn thể hiện mình “tuân theo chân lý của Chúa”.

Trong khi đó, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn không nản lòng.

Nói chuyện với các giáo sĩ Rôma vào ngày 13 Tháng Giêng, ngài nói rằng đôi khi một quyết định không được chấp nhận, “đó là vì anh chị em không hiểu”.

Ngài nói thêm: “Điều nguy hiểm là khi tôi không thích điều gì đó và đặt nó vào lòng, tôi trở nên phản kháng và đưa ra những kết luận tồi tệ”. “Điều này đã xảy ra với quyết định cuối cùng về việc ban phước cho mọi người.”

2. Thượng Phụ Pizzaballa: Các Kitô hữu ở Gaza ‘không có nhà, nước và điện’

Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng Phụ Latinh của Giêrusalem, đến thăm Rôma và thảo luận về tình hình Trung Đông với Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Latinh của Giêrusalem, đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Hai để thảo luận về tình hình ở Trung Đông.

Nói chuyện với các nhà báo sau đó, ngài nói rằng hai vị đã thảo luận về “tình hình nhân đạo của cộng đồng Kitô giáo ở Gaza và Thánh địa nói chung”, cũng như tình trạng đối thoại trong khu vực và triển vọng hòa bình.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên, Đức Thượng Phụ Pizzaballa nói rằng các Kitô hữu ở Gaza “đang sống trong hoàn cảnh giống như mọi người khác”.

Ngài nói: “Họ không phải là một dân tộc tách biệt, và mặc dù thực tế là một “thiểu số nhỏ, một số rất nhỏ” đè nặng lên họ, nhưng hoàn cảnh của họ là “một mô hình thu nhỏ của những khó khăn mà toàn thể dân chúng đang trải qua”.

Đức Hồng Y Thượng Phụ nhận xét: “Thật không dễ dàng, ngay cả đối với các Kitô hữu, khi rơi vào tình trạng chia rẽ lớn, trong đó mọi người đều phải đứng về phía nào đó”.

Ngài nói thêm rằng ngài thường xuyên liên lạc với giáo xứ Công Giáo ở Gaza, nằm ở phía bắc Dải Gaza, nơi hiện nay ít giao tranh hơn.

“Các hoạt động quân sự đã di chuyển xa hơn về phía nam, nhưng đây vẫn là một khu vực không có gì: không có nhà ở, không có nước, không có điện, không có gì cả. Đó là một tình trạng cực kỳ nghèo đói và không có tổ chức nào hiện diện.”

Thượng phụ Pizzaballa đã đến Ý từ Jordan, nơi ngài đã ở trong tuần qua.

Ngài giải thích: “Tình hình ở Jordan rất phức tạp, nhưng tôi phải nói rằng đây là quốc gia duy nhất ổn định từ quan điểm chính trị cũng như nhân đạo”. “Khi chúng tôi cần viện trợ nhân đạo cho Gaza, địa chỉ của chúng tôi là Nhà Hoàng gia Jordan.”

Đức Thượng phụ báo cáo rằng ngài đã nói chuyện với Vua Abdallah, chính phủ Jordan và nhiều tổ chức khác nhau “để xem liệu chúng ta có thể duy trì các kênh liên lạc tồn tại với Gaza cũng như với ít thẩm quyền còn sót lại ở đó hay không”.

Do đó, Jordan hiện là “điểm tham chiếu ổn định nhất” đối với Giáo hội, nhưng “có sự hợp tác, sự hợp tác ở mức tối thiểu, với các tổ chức nhân đạo cũng như với Ai Cập”.

Đức Thượng Phụ Pizzaballa nói rằng việc tìm kiếm một sự chấm dứt chiến tranh ở Gaza không phải là một điều dễ dàng.

“Chúng ta phải suy nghĩ theo từng giai đoạn. Sẽ không có giải pháp ngay lập tức. Điều quan trọng bây giờ là tìm ra kênh liên lạc giữa hai bên. Giữa Israel và Hamas.”

Ngài nói thêm rằng Giáo Hội Công Giáo sẽ tiếp tục nỗ lực hướng tới mục tiêu này.


Source:Catholic News Agency[Thủy]

3. Nhật Ký Trừ Tà số 274: Nô lệ địa ngục

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #274: Slaves of Hell”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 274: Nô lệ địa ngục”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Cách đây không lâu, tôi nhận được hàng loạt tin nhắn từ lũ quỷ giữa một vụ án căng thẳng. Để đáp lại, tôi đã nhắn lại một bức ảnh thánh và lời cầu nguyện tới Đức Trinh Nữ và Tổng Lãnh Thiên Thần Micae. Tôi cũng nhắn lại mệnh lệnh: “Với mỗi tin nhắn, tôi ra lệnh cho quỷ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Đức Mẹ trong khi ca ngợi Thiên Chúa bằng bài hát thiên thần: “Sanctus, Sanctus, Sanctus” “Thánh, Thánh, Thánh”. Tôi ra lệnh cho quỷ dựa trên thẩm quyền của Giáo hội đối với quỷ do Chúa Kitô ban cho và được Giám mục ủy quyền cho Nhà trừ quỷ.

Con quỷ nhắn lại: “Không ai có thể bảo tôi phải hành động như thế nào hoặc phải làm gì. Tôi quyết định mọi thứ; điều đó đã rõ ràng trong nhiều năm.” Phản ứng của ma quỷ là tiếng vang của lời từ chối ban đầu của Satan và tay sai của hắn trong việc vâng phục Thiên Chúa: “Non serviam”, “Ta sẽ không phục vụ”. Điều này càng được lặp lại trong việc ngày nay bác bỏ ý muốn của Chúa và khẳng định ý chí của chính mình thường được tìm thấy, chẳng hạn như trong Wicca, Phù thủy và đạo thờ Satan.

“Sự tự do” mà ma quỷ khẳng định rằng chúng đã tìm thấy khi từ chối ý muốn của Chúa đối với ý muốn của chúng là một ảo ảnh. Trong trường hợp trừ tà nổi tiếng thế kỷ 16 của Nicola Aubry, Giám mục của Leon đã đích thân chỉ đạo việc trừ tà. Con quỷ chính trong vụ án là Beelzebul (hay Beelzebub). Có lúc, Đức Cha ra lệnh cho những con quỷ cấp thấp hơn tiến tới và nói. Beelzebul đáp lại rằng những con quỷ cấp thấp này sẽ KHÔNG nói được. Anh ta nói, “Tôi đã nói với bạn rằng họ sẽ không nói chuyện trước mặt tôi. Họ là người hầu của tôi, nô lệ của tôi; Tôi là chủ nhân của họ. Bạn đã bao giờ thấy một nô lệ nói chuyện trước mặt chủ nhân của mình chưa?”

Đây là kinh nghiệm của chúng tôi: địa ngục là một đế chế tà ác với những con quỷ mạnh hơn thống trị nó một cách tàn bạo đối với những con quỷ cấp thấp và đôi khi thậm chí còn đánh đập chúng. Ác quỷ thậm chí còn ghét con người hơn cả đồng loại của chúng. Và những gì ma quỷ làm với những linh hồn bị đày đọa trong địa ngục không nên lặp lại.

Nhiều người ngày nay bác bỏ quan niệm của Kitô hữu về việc phục vụ và vâng lời Thiên Chúa để được “tự do” làm theo ý mình. Trên thực tế, họ chỉ đang khuất phục mình trước kẻ chủ nhân độc ác và tàn nhẫn nhất, là Satan, kẻ đầu tiên từ chối thánh ý Chúa.

Ngược lại, khi vâng lời Thiên Chúa, chúng ta thực sự được tự do. “Vì tự do, Chúa Kitô đã giải phóng chúng ta; vậy hãy đứng vững và đừng chịu ách nô lệ nữa” (Gal 5:1)


Source:Catholic Exorcism
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Liên hệ

Tinvuiviet.net kính chào Quý vị và các bạn. Chúng tôi luôn mong nhận được bài vở cộng tác của mọi người. Xin cám ơn.   Liên hệ: Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: dominicnguyenop@gmail.com. Chân thành cảm ơn Quý vị và các bạn đã ghé thăm site. Kính chúc Quý vị...

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Trong Mùa Chay bạn làm gì để tỏ lòng sám hối ?

Ăn chay. Hãm mình.

Bác ái, chia sẻ.

Hoán cải đời sống, đi xưng tội.

Năng tham dự thánh lễ.

Cầu nguyện nhiều hơn.