www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
05:05 CDT Thứ năm, 28/03/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 94

Máy chủ tìm kiếm : 16

Khách viếng thăm : 78


Hôm nayHôm nay : 3390

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 831084

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 19052279

Trang nhất » Tin Tức » Tin Tức » Tôn Giáo

Nữ tu Simone Campbell và trào lưu chống Tổng thống Trump bằng mọi giá bất kể giáo huấn Giáo Hội

Thứ sáu - 30/10/2020 11:19
Giáo Hội Năm Châu

Giáo Hội Năm Châu

Quả thực ngoài vấn đề chống phá thai ra, người Công Giáo còn ủng hộ những ai, theo họ, tích cực bênh vực tự do tôn giáo, bênh vực quan điểm đứng đắn nhất về định nghĩa hôn nhân và gia đình, bênh vực quyền được chọn hình thức giáo dục thích đáng cho con cái họ.

1. Người Công Giáo bỏ phiếu cho Trump có phải chỉ vì một vấn đề duy nhất là chống phá thai

Nữ tu Simone Campbell là người 2 lần tham dự tích cực đại hội Đảng Dân Chủ chính thức đề cử ứng cử viên tổng thống năm 2016 và năm 2020. Dù tầm cỡ bà không thể so sánh với Đức Hồng Y Dolan của New York, nhưng sự tham dự tích cực liên tiếp hai lần của một nhà hoạt động xã hội đã có những đóng góp đáng kể trong 16 năm qua được Đảng Dân Chủ đánh giá cao.


Theo National Catholic Reporter, Bà vốn đứng đầu nhóm tranh đấu xã hội gọi là Các Nữ Tu Trên Xe Búyt từ năm 2004. Nhưng nhóm này được thành lập từ năm 1971 với mục tiêu tranh đấu: bảo vệ môi trường, giảm nghèo và chống đối chiến tranh Việt Nam.

Ngày 20 tháng 10 vừa qua, bà tuyên bố rời vai trò lãnh đạo nhóm. Tuy nhiên, sẽ chỉ rời chức vụ vào tháng 3 năm 2021, vẫn còn dư thì giờ để vận động cho liên danh Biden-Harris, liên danh mà bà cho rằng tranh cử với nhiều vấn đề tích cực, không như liên danh Trump-Pence chỉ mạnh về một vấn đề duy nhất là chống phá thai.

Bà nói với National Catholic Reporter rằng năm 2016, hội đồng quản trị nhóm dự định để bà rời vai trò lãnh đạo vào năm 2018. Nhưng việc bầu Donald Trump làm tổng thống đã thay đổi kế hoạch ấy. “Tôi không thể rời chức vụ. Điều ấy bất khả”. Bà nói như thế, rất tự hào trở thành công cụ chính trị.

National Catholic Reporter vì thế viết rằng “dù Mạng Lưới tránh không ủng hộ các ứng cử viên đặc thù trong các cuộc bầu cử trước đó, năm nay, họ phát động một chiến dịch chuyên biệt nhắm vào Trump vì đã không nhất quán với các giá trị Công Giáo. Một chủ trương chính trong các sứ điệp của họ là khuyến khích người Công Giáo trở thành các cử tri của nhiều vấn đề chứ không chỉ chuyên chú vào việc phá thai”.

Cách nhìn người Công Giáo ủng hộ Trump như các cử tri chỉ chuyên chú vào một vấn đề duy nhất là chống phá thai cũng đã được ít nhất hai Giám Mục Hoa Kỳ chia sẻ là Đức Cha Mark J. Seitz của El Paso, Texas và Đức Cha McElroy của San Diego, California.

Về Đức Cha Seitz, ta có bài “Bishop Seitz: Single-issue voting has corrupted Christian political witness”. Về Đức Cha McElroy, ta có bài “Bishop McElroy: Abortion is a pre-eminent issue for Catholics. But not the only one”. Cả hai bài đều đăng trên tạp chí America của các Cha Dòng Tên Hoa Kỳ, một tạp chí hết lòng vận động cho liên danh Biden-Harris. Và cả hai Giám Mục đều là Giám Mục của các giáo phận ở biên giới Mỹ - Mễ Tây Cơ, nơi có bức tường ngăn cách mà nhìn từ phía nào cũng là để ngăn chặn di dân “không có giấy tờ”.

Nhưng cả Campbell lẫn Seitz và McElroy đều cho rằng họ không chỉ nhìn bức tường mà thôi. Họ nhìn nhiều điều khác. Và họ lên mặt dạy đời đừng chỉ nhìn một điều.

Thậm chí khi đề cập đến hai điểm yếu của liên danh Biden-Harris là ủng hộ phá thai và châm ngòi cho các cuộc tranh luận về các vấn đề vốn được hiến pháp che chở về tự do tôn giáo, Đức Cha Seitz cũng đổ lỗi cho tầm nhìn “một vấn đề” của người Công Giáo. Chúng là những “phát súng ngược” (backfire) đối với tầm nhìn này.

Thực ra, người Công Giáo ủng hộ Trump có phải là các cử tri chỉ chuyên chú vào một vấn đề duy nhất là phá thai hay không? Xin trả lời ngay là không. Chính Đức Cha McElroy, trong bài báo trên, cũng phải thú nhận rằng “Thảm kịch đối với các cử tri Công Giáo, những người vốn là tín hữu và coi trọng đức tin của mình, là, vào lúc này, cơ cấu đảng phái của nền chính trị Hoa Kỳ đã tuyệt đối chia giáo huấn Công Giáo thành hai nhánh. Có một số vấn đề, nói chung, Đảng Cộng Hòa đại diện cho giáo huấn của Giáo Hội tốt hơn nhiều: phá thai là một, trợ tử, nhiều vấn đề về tự do tôn giáo. Và rồi có một số vấn đề trong đó Đảng Dân Chủ [đại diện cho giáo huấn của Giáo Hội]: thay đổi khí hậu, các vấn đề nghèo đói và phân biệt chủng tộc”.

Quả thực ngoài vấn đề chống phá thai ra, người Công Giáo còn ủng hộ những ai, theo họ, tích cực bênh vực tự do tôn giáo, bênh vực quan điểm đứng đắn nhất về định nghĩa hôn nhân và gia đình, bênh vực quyền được chọn hình thức giáo dục thích đáng cho con cái họ. Và trên thực tế, trong đời thực của họ, họ là những người thực sự bênh vực và đấu tranh cho người nghèo, người bị xã hội đẩy qua bên lề, thăng tiến phẩm giá họ... Đức ái của họ bao trùm tất cả mọi người. Những người như Nữ tu Campbell, miệng luôn tự hào về công lý xã hội, thực tế không biết có thực sự giúp đỡ về mọi mặt kể cả nuôi ăn, cung cấp chỗ ở và phương tiện sống cho người nghèo bằng một hội viên của Hội Hiệp Sĩ Columbus hay không. Khi quyền lợi người nghèo bị chà đạp, họ không ngần ngại đứng về phía người nghèo để tranh đấu dù chống lại những người được họ bầu lên.

Về tự do tôn giáo, Đức Tổng Giám Mục Aquila của Denver từng cho rằng “tự do tôn giáo nằm trên lá phiếu của bạn” (VietcatholicNews, 28/Sep/2020) và “nay là lúc để chúng ta đứng lên giành chỗ đứng cho niềm tin Công Giáo trong đời sống công cộng”. Biden tự hào là người Công Giáo ngoan đạo, lần tràng hạt hằng ngày, nhưng có lúc nào ông lên tiếng phản đối những kẻ đốt phá nhà thờ, đập phá ảnh tượng Thánh, tấn công các linh mục chưa. Những tiểu bang Hoa Kỳ nặng tay nhất với việc thực hành đạo của người Công Giáo nhân dịp Covid-19 do Cộng Hòa hay Dân Chủ lãnh đạo?

Đức Tổng Giám Mục Aquila cho rằng những cuộc tấn công gần đây “nhằm nhục mạ và gạt người Công Giáo ra bên ngoài xã hội và tăng ảnh hưởng của những người không chấp nhận thiết kế của Thiên Chúa dành cho bản chất con người”.

Thành thử, trong cuộc bầu cử sắp tới, theo Đức Tổng Giám Mục Aquila, quan tâm hàng đầu của người Công Giáo là: ai sẽ bảo vệ sự sống con người ở mọi giai đoạn [không phải chỉ ở giai đoạn sắp sinh]? Ai sẽ bảo vệ hôn nhân tự nhiên và gia đình? Và cuối cùng, ai sẽ bảo vệ tự do tôn giáo, bảo vệ lương tâm và quyền của con người được sống theo đức tin của họ trong mọi lĩnh vực xã hội?”.

Như thế, người Công Giáo ủng hộ Trump đâu phải chỉ có một vấn đề duy nhất để xem xét. Với họ, như Đức Tổng Giám Mục Aquila viết, “Không thể là một người Công Giáo tốt mà lại ủng hộ việc phá thai hoặc hỗ trợ tự tử, cổ vũ tình dục không tự nhiên, hoặc tìm cách đẩy những người có đức tin ra khỏi nơi công cộng. Những người làm như vậy – dù là Công Giáo hay không - đang giúp làm rỗng nền văn hóa”.

Trong cuộc phong vấn của Sebastian Gomes đăng trên America ngày 19 tháng 10, 2020, Tiến sĩ George Weigel cho hay cử tri Công Giáo không phải chỉ quan tâm đến một vấn đề duy nhất, trái lại họ quan tâm đến nhiều vấn đề: vấn đề phá thai, vấn đề hôn nhân tự nhiên, vấn đề được thi hành trọn vẹn tự do tôn giáo, tự do lương tâm không phải tham gia một số sinh hoạt bị coi là xâm phạm đến các xác tín trong lương tâm của họ.

Ông nhấn mạnh đến tự do tôn giáo khi nhận định rằng “Các cử tri Công Giáo nên cân nhắc không những các ứng cử viên tổng thống cá thể mà cả những gì đảng của họ, cương lĩnh và chính phủ của họ sẽ làm để bảo vệ hoặc xâm hại tự do tôn giáo”.

Theo ông, điều bất hạnh là cương lĩnh Dân Chủ năm 2020 “là một đe dọa thực sự cho tự do tôn giáo. Nó đe dọa tẩy bỏ tự do tôn giáo và rút gọn nó vào việc chọn lựa lối sống bản thân hơn là coi tự tôn giáo như một vấn đề bảo vệ các chuyên gia, thí dụ bác sĩ, y tá, các người cung cấp việc chăm sóc sức khỏe khỏi bị luật pháp đòi phải thực hiện các hành động bị coi là vô luân cách trầm trọng”.

Phò sinh là phò nhiều thứ quyền căn bản khác

Phe ủng hộ Dân Chủ và do đó liên danh Biden-Harris cố tạo hình ảnh méo mó cho người Công Giáo khi gọi họ là các cử tri của một vấn đề duy nhất đó là chống phá thai. Nữ tu Bác sĩ Deirdre “Dede” Byrne từng đã điều chỉnh lối tô vẽ ấy khi cho rằng người Công Giáo phò sinh chứ không chỉ chống phá thai. Họ phò sinh ở mọi giai đoạn của cuộc sống từ lúc tượng thai tới lúc chết tự nhiên. Dĩ nhiên, họ cảm thương và đấu tranh mạnh hơn cả cho lớp người không có bất cứ phương tiện nào trong tay để tự bảo vệ khi chính người mẹ của họ quyết giết họ, đó là các trẻ chưa sinh. Không bảo vệ lớp người này là không hề có ý định tốt lành nào khi bảo vệ những người dù sao cũng có “phương tiện” để tự bảo vệ mình. Có thể để phục vụ chính quyền lợi mình khi tranh cử hay khi muốn đẩy mạnh một ý thức hệ nào đó để có chỗ đứng trong xã hội, để người đời ca ngợi, không biết được!

Tuy nhiên, nguyên việc phò sinh các em bé chưa sinh thôi cũng bao gồm nhiều vấn đề quan trọng khác. Về khía cạnh này, thiển nghĩ Đức Cha Edward Malesic có cái nhìn thấu đáo, một cái nhìn phản ảnh quan điểm của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài là Giám Mục giáo phận Cleveland, Ohio, Hoa Kỳ. Trong thông điệp gửi giáo phận vào ngày 30 tháng 9, 2020, về cuộc bầu cử sắp tới, ngài nhắc lại quyết nghị chung của các Giám Mục Hoa Kỳ khi quả quyết rằng “đe dọa phá thai vẫn là ưu tiên nổi bật hàng đầu (preeminent) của chúng ta vì nó trực tiếp tấn công chính sự sống và vì con số sinh mạng bị hủy diệt”.

Tại sao là một ưu tiên “nổi bật hàng đầu” thì câu trích dẫn trên đã phần nào giải thích rồi, nhưng theo Đức Cha Malesic, nó còn một lý do khác: “giáo huấn nhất quán của Giáo Hội về sự ác nội tại là phá thai còn tìm cách bảo vệ mọi quyền lợi khác nữa. Chúng ta không phải là một Giáo Hội “chỉ có một vấn đề duy nhất”; có những quyền lợi cực kỳ quan trọng khác mà chúng ta phải bảo vệ, chắc chắn như thế; nhưng các quyền lợi phụ trội đó phát xuất từ và là bắt rễ từ quyền nền tảng đối với sự sống”.

Ngài nhắc lại giáo huấn của Thánh Gioan Phaolô II khi quả quyết rằng “Trên hết, những tiếng kêu chung, rất chính đáng đưa ra nhân danh các nhân quyền, thí dụ, quyền có sức khỏe, có nhà ở, có việc làm, có gia đình, có văn hóa, đều giả tạo và ảo tưởng nếu quyền sống, tức quyền căn bản và nền tảng nhất và là điều kiện của mọi quyền bản thân khác, không được bảo vệ một cách cương quyết” (Christifideles laici, No. 38).

Sau đó, ngài nhắc lại hướng dẫn của các Giám Mục Hoa Kỳ trong văn kiện “Forming Consciences for Faithful Citizenship”: “một cử tri Công Giáo không thể bỏ phiếu cho một ứng cử viên ủng hộ một chính sách cổ vũ một hành vi xấu từ trong nội tại, như phá thai, an tử, trợ tử, buộc công nhân hay người nghèo phải chịu các điều kiện sống dưới mức nhân bản, tái định nghĩa hôn nhân một cách vi phạm ý nghĩa yếu tính của nó, hay các hành vi kỳ thị chủng tộc, nếu ý định của cử tri là ủng hộ chủ trương đó... Đồng thời, một cử tri không nên dùng việc ứng cử viên chống đối một sự ác từ trong nội tại để biện minh cho việc dửng dưng hay không lưu ý tới những vấn đề luân lý quan trọng khác liên quan tới sự sống và phẩm giá con người”.

Căn cứ vào các vấn đề liệt kê trên thì những người ủng hộ Trump hay Đảng Cộng Hòa không hề chỉ được một cái “tick” duy nhất như Mạng Lưới đấu tranh hành lang của Nữ Tu Campbell, Giám Mục Seitz hay Giám Mục McElroy, rêu rao. Họ được nhiều cái “tick” nếu không hơn thì cũng không kém những người ủng hộ Biden. Nhưng cái “tick” bao trùm nhiều cái “tick” khác thuộc về họ chứ không thuộc những người như Campbell!

Do đó, Đức Cha Malesic kết luận rằng “khi bỏ phiếu, chúng ta không nên dửng dưng đối với các chủ trương và chính sách có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tự do tôn giáo, làm xói mòn gia đình truyền thống, hay làm khó cho người nghèo có được giáo dục, nhà ở và chăm sóc sức khỏe thỏa đáng. Chúng ta phải thận trọng việc làm thế nào điều chỉnh hệ thống nhập cư đang bị vi phạm, giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn khắp thế giới, bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên của chúng ta, bảo vệ môi trường và cố gắng đạt được các giải pháp nhân đạo cho cuộc tranh chấp và chủ nghĩa khủng bố hoàn cầu’.

Ngài nhấn mạnh: “nhưng, xin nói rõ ràng, mặc dù có nhiều chính nghĩa được Giáo Hội của chúng ta tranh đấu cho và lớn tiếng nói tới, quyền sống phải được chúng ta dành cho một xem xét tột bậc để người ta có cơ hội bảo đảm được mọi lợi ích khác mà sự sống vốn có thể cung cấp”.

Xét cho cùng, giữa hai điều xấu, ta nên chọn điều ít xấu hơn. Và người Công Giáo không hề là các cử tri chỉ bỏ phiếu vì một vấn đề có tầm quan trọng y như mọi vấn đề khác.

2. Cuộc bầu cử 2020: Một thời khắc Công Giáo mới. Tâm thư của hệ thống truyền hình Công Giáo Hoa Kỳ EWTN.

Hệ thống Truyền hình Công Giáo Hoa Kỳ EWTN, tức là Lời Vĩnh Cửu, vừa đưa ra một bức tâm thư gởi các tín hữu Công Giáo là cử tri trong cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ vào ngày 3 tháng 11 tới đây.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Ngày 3 tháng 11 tới đây, giống như mọi thứ khác trong năm 2020, sẽ rất khác so với những ngày bầu cử trước đây, khi mùa vận động tranh cử được kết thúc với việc các công dân thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của họ tại thùng phiếu.

Năm nay, việc sử dụng rộng rãi các lá phiếu gửi qua đường bưu điện trong thời kỳ đại dịch có thể trì hoãn việc kiểm phiếu cuối cùng trong nhiều ngày, thậm chí có thể là vài tuần. Sau đó, có những lo ngại rằng một khi các kết quả được công bố, những con số này có thể bị thách thức vì những cáo buộc gian lận bầu cử hoặc đàn áp cử tri. Và dù ai thắng cuộc bầu cử này đi chăng nữa, cũng sẽ có nỗi sợ hãi về tình trạng bất ổn xã hội leo thang sau đó.

Sự hỗn loạn xã hội và cuộc chiến ý thức hệ đang khuấy động đất nước chúng ta trong tám tháng qua đã làm dấy lên những lo ngại về tương lai của chúng ta.

Sự chia rẽ đau đớn đã làm tổn thương gia đình và tình bạn của chúng ta và làm hỏng diễn trình chính trị ở quốc gia này. Cách sống của chúng ta, từ chế độ pháp quyền đến hệ thống chính quyền của chúng ta, đang bị đe dọa. Niềm tin xã hội đã bị phá vỡ khi tình trạng đóng cửa vì đại dịch coronavirus đã làm lỏng lẻo hơn nữa mối liên kết của cộng đồng và khiến hàng triệu người Mỹ rơi vào cảnh khốn cùng về kinh tế.

Làm sao người Công Giáo có thể đưa ra chứng tá trong giờ phút này?

Tương lai của đất nước chúng ta có thể được quyết định bởi cách người Công Giáo làm chứng trước và khi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này. Và chứng tá đó được tìm thấy trong cách chúng ta bền đỗ đón nhận mệnh lệnh yêu thương của Chúa Giêsu Kitô.

Hành động quan trọng nhất mà chúng ta cần phải thực hiện trong cuộc bầu cử này, và sau khi nó được quyết định, là “hãy yêu mến lẫn nhau”. Chu kỳ bầu cử đã chia rẽ và thách thức những người Công Giáo tốt lành, ngay cả trong các mái gia đình của họ.

Không có tương lai cho quốc gia của chúng ta nếu tình yêu trở nên nguội lạnh - đặc biệt là tình yêu đối với những thai nhi chưa chào đời, đối với người di cư, đối với sự thánh thiêng của cuộc sống người da đen và đối với tất cả những người sống trong nghèo đói và bị loại trừ - nhưng chúng ta có quá nhiều bằng chứng trên khắp đất nước về tình yêu trên thực tế, đang ngày càng lạnh và sự tức giận của mọi người đang ngày càng nóng lên. Tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra tiếp theo, nhưng đặc biệt là những người Công Giáo, những người được Chúa Giêsu Kitô ban huấn lệnh rõ ràng là phải yêu thương người khác - từ kẻ thù của chúng ta (Mt 5:44) cho đến những người lân cận (Lc 10: 25-37) và anh chị em đồng đạo của mình. (Ga 15: 9-17).

Tình yêu là thứ không thể thương lượng trong cuộc bầu cử này, và chỉ có tình yêu mới có khả năng đánh bại những bất ổn và thậm chí những bạo lực đang leo thang trong lòng con người: Tình yêu dành cho mỗi người được tạo nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, tình yêu đối với kẻ thù chính trị của chúng ta và tình yêu đối với đất nước của chúng ta sẽ ngăn ngừa các rối loạn lớn hơn và giúp thiết lập công lý và hòa bình thực sự trong xã hội. Nhưng tình yêu thương phải bắt đầu từ gia đình, và nó phải bắt đầu bằng việc chúng ta hoàn toàn tuân theo những gì Chúa Giêsu đã truyền.

Khi cuộc bầu cử này kết thúc, người Công Giáo sẽ phản ánh về kết quả. Nhưng dù cử tri lựa chọn thế nào, một số thực tế sẽ vẫn còn:

Chúng ta là một xã hội bị chia rẽ, phân cực và phân tán, và không có cuộc bầu cử nào có thể dễ dàng sửa chữa những rách nát trong nền văn hóa Mỹ.

Chừng nào nạn phá thai vẫn còn ở tâm điểm của sự chia rẽ, chúng ta sẽ là một đất nước tan nát và đau khổ về tinh thần.

Đối với những người Công Giáo, chúng ta được kêu gọi đừng coi cuộc bầu cử là một việc đã xong. Bất kể kết quả như thế nào, đây sẽ là thời điểm để học hỏi các nhân đức quan trọng và sống những nhân đức ấy trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta và trong cách chúng ta tiến về phía trước vào tháng Giêng với chính phủ mà chúng ta đã bầu chọn.

Chúng ta cần tích cực tham gia vào việc liên tục tìm kiếm các cải cách chính trị và xã hội, vì chúng ta đã từng ở trong những thời đại trước đây được đánh dấu bằng các mô hình tương tự liên quan đến bất công xã hội và bất ổn chính trị. Các tổ chức công quyền của chúng ta phản ánh các giá trị và thói quen của người dân Mỹ. Để đổi mới chúng, chúng ta cần tìm kiếm sự hoán cải của chính mình và củng cố các nhân đức của chính mình.

Sứ mệnh bảo vệ nhân phẩm và tự do của con người không kết thúc với bất kỳ cuộc bầu cử nào. Tương tự như vậy, việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo phải được tiếp tục, bất kể người nào chiếm giữ được Tòa Bạch Ốc và đảng chính trị nào nắm giữ đa số tại Thượng viện và Hạ viện.

Cuối cùng, với tư cách là người Công Giáo, chúng ta biết rằng chính trị không bao giờ là tối thượng. Nó không phải là nguyên nhân cho niềm hy vọng của chúng ta, và nó cũng không phải là mục đích cuối cùng của cuộc đời chúng ta. Chúa Giêsu mới là Chúa của chúng ta, mới là niềm hy vọng đích thực của chúng ta. Năm bầu cử này, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải làm chứng cho sự thật cứu độ này.


Source:National Catholic Register
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Liên hệ

Tinvuiviet.net kính chào Quý vị và các bạn. Chúng tôi luôn mong nhận được bài vở cộng tác của mọi người. Xin cám ơn.   Liên hệ: Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: bbttinvui@gmail.com. Chân thành cảm ơn Quý vị và các bạn đã ghé thăm site. Kính chúc Quý vị và các...

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Chúng ta nên làm gì để nhiều người biết Thiên Chúa hơn ?

Cầu nguyện.

Đi lễ.

Sống bác ái.

Loan báo Tin Mừng.

Chu toàn nhiệm vụ hằng ngày.