www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
05:14 CDT Thứ bảy, 07/09/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 292

Máy chủ tìm kiếm : 5

Khách viếng thăm : 287


Hôm nayHôm nay : 9415

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 89350

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23356734

Trang nhất » Tin Tức » Tin Tức » Tôn Giáo

Sóng gió trong Giáo Hội, nhận định của Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput

Thứ bảy - 14/01/2023 21:14
Tin thế giới

Tin thế giới

Một ngày sau cái chết của Đức Hồng Y George Pell, Magister tiết lộ trên blog Settimo Cielo hay “Tầng trời thứ bảy” rằng chính Đức Hồng Y Pell là người đã viết bản ghi nhớ và cho phép ông xuất bản dưới bút danh “Demos” – là tiếng Hy Lạp có nghĩa là quần chúng.
1. Tang lễ của Đức Hồng Y George Pell tại Vatican

Thi thể Đức Hồng Y người Úc George Pell đã được trưng bày hôm thứ Sáu trên sàn của nhà thờ nhỏ Thánh Stêphanô thành Abyssiniô, bên trong các bức tường của Vatican, chỉ cách dinh thự Santa Marta nơi Đức Phanxicô sống chỉ vài mét.



Vào đầu ngày thứ Sáu, một phóng viên đã nhìn thấy khoảng 20 người quỳ gối cầu nguyện trong nhà thờ khi ngôi thánh đường được mở cửa cho các tín hữu kính viếng trong 10 giờ.

Nhà thờ nhỏ, thường được sử dụng để làm lễ rửa tội và đám cưới, là một trong những nhà thờ lâu đời nhất ở Vatican. Các phần của nó có niên đại từ thế kỷ thứ năm và ngôi thánh đường là một trong số ít các công trình kiến trúc không bị phá hủy để nhường chỗ cho việc xây dựng Đền Thờ Thánh Phêrô như chúng ta thấy ngày nay, bắt đầu từ đầu thế kỷ 16.

Tang lễ của ngài đã diễn ra vào hôm thứ Bảy tại bàn thờ Ngai Tòa của Đền Thờ Thánh Phêrô, nơi đã từng diễn ra thánh lễ tưởng nhớ dành cho Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc của tổng giáo phận Sàigòn hồi tháng 3 năm 2018.

Để phù hợp với truyền thống dành cho các Hồng Y đã qua đời, Thánh lễ đã được cử hành bởi niên trưởng Hồng Y đoàn, là Hồng Y người Ý Giovanni Battista Re. Đức Thánh Cha đã ban phép lành và tuyên dương lần cuối.

Cái chết bất ngờ của Đức Hồng Y vì ngừng tim trong quá trình thay khớp háng thông thường, đã được tiếp theo bằng một cú sốc khác vào ngày hôm sau.

Tháng Ba năm ngoái, nhà báo danh tiếng người Ý Sandro Magister, người nổi tiếng trong việc nhận các tài liệu bị rò rỉ của Vatican, đã công bố một bản ghi nhớ ẩn danh lưu hành trong số các Hồng Y ở Vatican với các nhận xét tiêu cực về triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Một ngày sau cái chết của Đức Hồng Y George Pell, Magister tiết lộ trên blog Settimo Cielo hay “Tầng trời thứ bảy” rằng chính Đức Hồng Y Pell là người đã viết bản ghi nhớ và cho phép ông xuất bản dưới bút danh “Demos” – là tiếng Hy Lạp có nghĩa là quần chúng.

Bản ghi nhớ của bao gồm những gì tác giả nói là những phẩm chất phải có của vị giáo hoàng tiếp theo.

Một quan chức Vatican giấu tên nói với Reuters: “Mọi người ở đây đang bàn bạc về bản ghi nhớ này”.

Viên chức này nói rằng ông không nghi ngờ gì về việc Đức Hồng Y Pell là tác giả nhưng nói rằng việc tiết lộ lẽ ra phải được giữ lại cho đến sau đám tang của ngài “vì sự tôn trọng đối với người chết”.

Cha Joseph Hamilton, thư ký riêng của Đức Hồng Y Pell, từ chối bình luận về báo cáo của Magister và phát ngôn nhân của Vatican Matteo Bruni cho biết ông không có bình luận gì cả.

Hội Đồng Giám Mục Úc đã thông báo rằng Đức Hồng Y Pell sẽ được chôn cất trong hầm mộ tại Nhà thờ Chính tòa Đức Bà ở Sydney, nơi ngài từng là tổng giám mục.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Chúa nhật Lời Chúa, trao thừa tác vụ đọc sách và giáo lý viên cho một số giáo dân.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Chúa nhật Lời Chúa vào Chúa Nhật thứ ba thường niên vào ngày 22 tháng Giêng và, giống như ngài đã làm năm ngoái, sẽ trao thừa tác vụ đọc sách và giáo lý viên cho một số giáo dân, theo Bộ Truyền giáo.

Chủ đề của lễ kỷ niệm năm 2023 là: “Chúng ta công bố những gì chúng ta đã thấy,” trích dẫn từ Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan

Đức Phanxicô đã bắt đầu Chúa nhật Lời Chúa để thúc đẩy “việc cử hành, học hỏi và phổ biến lời Chúa”, điều này sẽ giúp Giáo hội “trải nghiệm một lần nữa cách Chúa phục sinh mở ra cho chúng ta kho tàng lời Người và giúp chúng ta tuyên bố sự giàu có không thể đo lường của Lời Chúa trước thế giới.

Thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào ngày 22 tháng Giêng cho sự kiện thường niên đã được đưa vào lịch cử hành phụng vụ ngắn của Vatican cho tháng Giêng và đầu tháng Hai; và được Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh công bố vào ngày 12 tháng Giêng.

Cũng theo lịch này, Đức Phanxicô cử hành buổi cầu nguyện buổi tối đại kết tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành vào ngày 25 tháng Giêng để kết thúc Tuần Cầu Nguyện cho Sự Hiệp Nhất Kitô Giáo.

Tuần lễ được tổ chức với chủ đề là: “Làm thiện tốt; tìm kiếm công lý,” trích từ sách Tiên tri Isaia 1:17.

Lịch cũng bao gồm chuyến đi của Đức Phanxicô đến Congo và Nam Sudan từ ngày 31 tháng Giêng đến ngày 5 tháng Hai, có nghĩa là ngài vào ngày 2 tháng Hai, Đức Thánh Cha sẽ không cử hành tại Vatican lễ Dâng Chúa vào đền thánh và Ngày Thế giới Đời sống Thánh hiến.

3. Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc tế các bệnh nhân

Ngày 10 tháng Giêng năm 2023, Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhân Ngày Thế giới các bệnh nhân lần thứ 31, cử hành vào ngày 11 tháng Hai tới đây, đã được công bố, trong đó Đức Thánh Cha mời gọi toàn thể Giáo hội noi gương người Samaritano, quan tâm săn sóc các bệnh nhân và đặc biệt giúp họ vượt thắng tình trạng cô độc.

Ngày Thế giới các bệnh nhân tới đây có chủ đề: “Hãy săn sóc người này. Lòng cảm thương cùng nhau chữa lành”.

Đức Thánh Cha ghi nhận Ngày Thế giới các bệnh nhân năm nay diễn ra trong tiến trình toàn thể Giáo hội đang hướng tới Thượng Hội đồng về sự đồng hành và ngài viết rằng: “Tôi mời gọi anh chị em suy tư về điều này: qua kinh nghiệm về sự mong manh và bệnh tật, chúng ta có thể cùng nhau đồng hành theo thể thức của Thiên Chúa, là gần gũi, cảm thương và dịu dàng”.

Nhắc đến dụ ngôn người Samaritano nhân lành, Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Người bị hành hung, cướp bóc và bị bỏ rơi trên đường, tượng trưng thân phận bị bỏ mặc của quá nhiều anh chị em chúng ta, trong lúc họ cần được giúp đỡ hơn cả... Điều quan trọng ở đây là nhìn nhận tình trạng cô đơn và bị bỏ rơi của những người bệnh tật, người đau khổ. Đây là một sự tàn khốc có thể được vượt thắng trước mọi bất công khác, vì như dụ ngôn kể lại, để loại bỏ tình trạng này, chỉ cần một lúc quan tâm, một tâm trạng cảm thương. Hai người qua đường, vốn được coi là đạo đức, thấy người bị thương nhưng không dừng lại. Trái lại, người thứ ba, người Samaritano, thường bị coi rẻ, lại cảm thương và săn sóc người xa lạ ấy trên đường, đối xử với người ấy như anh em. Khi làm như thế, dù không nghĩ tới, nhưng họ đang tạo nên một thế giới huynh đệ hơn”.

Đức Thánh Cha cũng khai triển tâm trạng cô đơn của người lâm bệnh, dễ cảm thấy cay đắng, bị bỏ rơi, và ngài nhấn mạnh rằng: “Điều quan trọng là, đối với bệnh tật, toàn thể Giáo hội cần phải đối chiếu mình với tấm gương của người Samaritano nhân lành và trở nên như một “bệnh viện dã chiến”: thực vậy, sứ mạng của Giáo hội, đặc biệt trong những hoàn cảnh lịch sử, như chúng ta đang trải qua, được biểu lộ qua sự săn sóc, chữa trị. Tất cả chúng ta đều mong manh yếu đuối và dễ bị tổn thương; tất cả chúng ta đều cần sự quan tâm, cảm thương, biết dừng lại, đến gần, chăm sóc và nâng dậy. Tình trạng của những người đau yếu là một lời mời gọi phá vỡ sự dửng dưng, và ngăn lại bước tiến của những người bước đi như thể mình không có anh chị em”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng Ngày Thế giới các bệnh nhân không phải chỉ mời gọi chúng ta cầu nguyện và gần gũi những người đau khổ; ngày này đồng thời cũng nhắm gây ý thức nơi dân Chúa, các tổ chức y tế và xã hội dân sự hãy có thể thức mới để cùng nhau tiến bước. Trong lãnh vực này, chính quyền, những người có một quyền bính kinh tế, văn hóa và cai trị trên dân chúng, có một trách nhiệm đặc biệt.

“Lời dặn dò của người Samaritano nhân lành với chủ quán trọ: “Ông hãy săn sóc người này” (Lc 10,35) cũng là điều Chúa Giêsu tái gửi đến cho mỗi người chúng ta, và sau cùng, Ngài nhắn nhủ chúng ta: “Bạn hãy đi và cũng hãy làm như vậy”. Như tôi đã nhấn mạnh trong Thông điệp “Fratelli tutti”: Dụ ngôn này tỏ cho chúng ta đây là những sáng kiến có thể tái tạo một cộng đoàn đi từ những người nam nữ đón nhận những mong manh yếu đuối của người khác là của mình, không để tạo nên một xã hội loại trừ, nhưng trở nên gần gũi và nâng dậy, phục hồi cho người bị ngã, vì điều thiện ích là điều chung”. (n.67)

4. Thị trưởng Roma trình bày cho Đức Thánh Cha kế hoạch Năm thánh 2025

Hôm 12 tháng Giêng vừa qua, Thị trưởng thành Roma, ông Roberto Gualtieri, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến và nhân dịp này ông đã trình bày cho ngài kế hoạch của chính quyền Ý và Roma về Năm thánh 2025 tới đây.

Thị trưởng Gualtieri cũng là Ủy viên đặc biệt của chính phủ Ý về Năm thánh sắp tới.

Trong cuộc hội kiến dài một tiếng, Đức Thánh Cha và ông Thị trưởng đã trao đổi về nhiều vấn đề và đặc biệt đề cập đến Năm thánh. Ông cho ngài biết sau cuộc gặp gỡ này, ông sẽ tới phủ Thủ tướng Ý để cùng với ông Alfredo Mantovano, Thứ trưởng tại đây trình bày về Sắc luật đã được chính phủ thông qua, liên quan đến những công trình thiết yếu cần thực hiện để đón tiếp hàng chục triệu tín hữu hành hương và du khách cũng như tân trang thành phố Roma nhân dịp Năm thánh.

Sắc luật của Chính phủ Ý dự kiến có 87 công trình cần thực hiện với chi phí hơn một tỷ Euro, trong số này có 32 dự án chỉnh trang và nâng cao giá trị, 23 công trình khác liên quan đến đường xá và lưu thông, 8 dự án trong lãnh vực tiếp đón và tham gia, 24 công trình về môi trường và lãnh thổ. Nếu tổng cộng chi phí những can thiệp khác cũng có liên hệ tới Năm thánh thì ngân khoản lên tới bốn tỷ Euro, trong đó có 500 triệu Euro do ngân quỹ Liên hiệp Âu châu trợ giúp nước Ý, gọi tắt là Pnrr.

Trong cuộc gặp gỡ giới báo chí, Thị trưởng Gualtieri cho biết Đức Thánh Cha yêu mến Roma là thành phố đặc biệt trên thế giới, và ông đã trình bày cho ngài về những thách đố mà thành này đang phải đương đầu, về mặt an bình, chính trị xã hội và môi trường.

5. Nhận định của Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput sau các tiết lộ liên quan đến bản ghi nhớ của Đức Hồng Y George Pell

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 13 tháng 1, 2023 của tờ The Pillar, Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput phát biểu quan điểm về một số vấn đề trọng tâm trong đời sống Giáo hội sau các tiết lộ liên quan đến bản ghi nhớ của Đức Hồng Y George Pell và cuốn sách của Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein.

Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput, là tổng giám mục hưu trí của Philadelphia, và là người lãnh đạo lâu năm trong số các giám mục Hoa Kỳ.

Vị tổng giám mục, 78 tuổi, trở thành linh mục thứ hai có tổ tiên là người Mỹ bản địa được tấn phong giám mục giáo phận vào năm 1988. Sau chín năm phục vụ với tư cách là Giám mục Thành phố Rapid, Nam Dakota, ngài trở thành Tổng Giám mục Denver vào năm 1997, và được bổ nhiệm vào tháng 7 năm 2011 làm Tổng Giám Mục Philadelphia.

Đức Tổng Giám Mục Chaput và tổng giáo phận Philadelphia đã tổ chức Đại hội Gia đình Thế giới vào năm 2015. Cùng năm, ngài là đại biểu của Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình, và được bầu vào một nhiệm kỳ trong Hội đồng Thường trực của Thượng Hội đồng Giám mục tại Vatican.

Đức Tổng Giám Mục, tác giả của bốn cuốn sách, đã nói chuyện với The Pillar tuần này về cái chết của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và Đức Hồng Y George Pell, Thượng hội đồng về tính đồng nghị và Công đồng Vatican II.

Thưa Đức Tổng Giám Mục, với cái chết của cả Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và Đức Hồng Y George Pell trong tháng này, có vẻ như hai ngôi sao dẫn đường cho nhiều người trong Giáo Hội đã mất đi. Điều gì sẽ tác động đến Giáo hội về cái chết của các ngài?

Giáo hội sẽ tiếp tục công việc và chứng tá của mình bởi vì Giáo hội không phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào ngoại trừ Chúa Giêsu Kitô. Nhưng sự vắng mặt của các ngài là một tổn thất rất nặng nề bởi vì cả hai con người này đều thể hiện trí thông minh Kitô giáo rõ ràng, trung thành một cách đáng lưu ý. Không ai trong ban lãnh đạo Giáo hội hiện tại có khả năng thay thế các ngài. Điều này, với thời gian, sẽ xảy ra thôi, nhưng băng ghế tài năng lúc này xem ra có vẻ khá mỏng.

Công bằng hay không, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và Đức Hồng Y Pell được miêu tả là những nhân vật phân cực. Có lẽ sự phân cực trong Giáo hội không phải là một thực tế mới, nhưng có vẻ như nhiều “phe” khác nhau trong Giáo hội đã trở nên thù địch với nhau hơn trong những năm gần đây. Tại sao vậy?

Nói sự thật là phân cực. Nó đã giết Chúa Giêsu. Người xấu với ý tưởng xấu không thích người tốt cố gắng làm điều tốt. Và điều đó giải thích cho sự khinh miệt, oán giận và dối trá thẳng thừng nhắm vào cả hai con người này trong nhiều năm, kể cả từ những người tự nhận mình là Kitô hữu; những người trong chính Giáo hội.

Thưa Đức Tổng Giám Mục, việc giải thích và hiểu Công đồng Vatican II dường như là tâm điểm của nhiều bất đồng hiện nay trong Giáo hội. Sáu mươi năm sau khi công đồng kết thúc, tại sao cách đọc có thẩm quyền về Vatican II vẫn còn bị nghi ngờ?

Công đồng Vatican II có phải là một sự phát triển và cải tổ hữu cơ đời sống Giáo hội, hay là một sự đoạn tuyệt với quá khứ và một khởi đầu mới? Đó là câu hỏi trọng tâm và câu trả lời cho nó dẫn đến những con đường rất khác nhau. Đoạn tuyệt với quá khứ dường như coi thường bất cứ khái niệm nào về sự phát triển thực sự của tín lý. Cả Ratzinger và Pell đều coi công đồng là một kinh nghiệm về sự liên tục và cải cách. Các ngài rất đúng. Nhưng sự chia rẽ và xung đột đã trở nên phổ biến sau nhiều hội đồng. Ta cần phải chịu đựng và tìm cách vượt qua.

Với 60 năm nhìn lại, Đức Tổng Giám Mục có đánh giá Vatican II như một điều gì đó tốt cho Giáo hội không?

Có, không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng giá trị của mọi công đồng đều có những giới hạn do thời đại và những vấn đề mà nó phải đối đầu. Đó là lý do tại sao cần có nhiều công đồng. Chẳng hạn, Vatican II không bác bỏ Trent hay Vatican I, nhưng Giáo hội cần điều chỉnh cách tiếp cận của mình với thế giới và nói về những điều kiện mới lên khuôn khổ cho sứ mệnh của mình. Đó là ý định của Đức Gioan XXIII khi triệu tập nó; của Đức Phaolô VI khi kết thúc nó; và của Đức Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI trong việc áp dụng các giáo huấn của nó.

Dù Giáo hội nói về việc giải thích Công đồng Vatican II, ngày nay cũng có một cuộc tranh luận mới nổi lên về một số câu hỏi căn bản của thần học luân lý. Thí dụ, Giáo hoàng Hàn lâm viện về Sự sống, dưới sự lãnh đạo của Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, đang thách thức các nguyên tắc đạo đức được nêu rõ trong Humanae vitae, Veritatis splendor và Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo. Các câu hỏi dường như đã được giải quyết hiện đang bị mở lại. Người trung thành phải làm gì về điều đó?

Tôi cho rằng nó phụ thuộc vào cách ông định nghĩa chữ “trung thành”. Tôi nghĩ rằng một số thay đổi trong vài năm qua tại Giáo hoàng Hàn lâm viện về Sự sống và Học viện Gioan Phaolô II là thiếu thận trọng và mang tính phá hoại. Trên thực tế, toàn bộ mục đích của học viện mà Thánh Gioan Phaolô thành lập đã bị đảo lộn; một sự xúc phạm rõ ràng đối với thẩm quyền và di sản của ngài. Không có sự trung thực nào trong việc giảm bớt hoặc phá vỡ nội dung của các văn kiện mà ông đề cập.

Đối với một số người Công Giáo, việc tái tranh cãi các giáo huấn luân lý Công Giáo này được coi như một khía cạnh xác định ra triều giáo hoàng Phanxicô. Đức Tổng Giám Mục có nghĩ rằng đây là điều mà các Hồng Y bầu chọn Đức Giáo Hoàng Phanxicô mong đợi khi họ bầu chọn ngài không?

Triều giáo hoàng này đã gây ngạc nhiên cho rất nhiều người.

Đức Tổng Giám Mục nghĩ các Hồng Y cử tri mong đợi loại cải cách nào từ Đức Hồng Y Bergoglio lúc bấy giờ?

Chính các vị Hồng Y cử tri phải lên tiếng. Nhưng tôi nhớ Đức Hồng Y Francis George, một người bạn, đã nói với tôi không lâu trước khi ngài qua đời rằng các Hồng Y tại mật nghị kêu gọi Đức Giáo Hoàng cải cách Giáo triều Rôma, chứ không phải “cải cách” Giáo hội.

Đối với chúng ta, những người Công Giáo nghiêm túc với đức tin của họ tự động tôn trọng và ủng hộ Đức Giáo Hoàng - bất cứ Đức Giáo Hoàng nào. Nhưng họ mong đợi một sự liên tục căn bản trong vai trò lãnh đạo và họ cảm thấy bối rối khi có sự mơ hồ ở cấp lãnh đạo.

Dù không phải là một viên chức của Vatican, Đức Tổng Giám Mục cảm thấy thế nào về những điều diễn ra ở Rome? Đức Tổng Giám Mục có ủng hộ những cải cách của Đức Thánh Cha không?

Tôi không ở vị trí để biết. Tôi thực sự nghĩ rằng những bài phát biểu hàng năm của Đức Thánh Cha trước giáo triều, vốn là vấn đề được ghi nhận công khai, đã quá u tối. Tôi không chắc chúng truyền cảm hứng hay thúc đẩy bất cứ ai.

Nhưng đó có phải cũng đúng như thế dưới thời các Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI không? Nếu không, khác nhau ra sao?

Dù cố ý hay không, Đức Giáo Hoàng Phanxicô dường như có một cách tiếp cận khắc nghiệt hơn trong các bình luận của mình so với hai vị giáo hoàng trước đây. Tùy thuộc vào chủ trương của ông trên quang phổ thần học, ông có thể sợ hãi trong bất cứ triều giáo hoàng nào. Những người cấp tiến thường viết về mức độ sợ hãi trong các triều giáo hoàng của cả Chân phước Piô IX và Thánh Piô X. Thần học tạo ra một sự khác biệt lớn. Rất nhiều thứ đang bị đe dọa.

Đức Tổng Giám Mục nghĩ di sản của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là gì?

Di sản chỉ rõ ràng khi nhìn lại. Tôi nghĩ ngài sẽ được nhớ đến, ít nhất là một phần, vì sự quan tâm của ngài đối với người nhập cư và người nghèo; sự nhấn mạnh của ngài về sự đơn giản, lắng nghe và đồng hành, và vươn tới các khu ngoại biên của Giáo hội và thế giới. Đây đều là những điều tốt đẹp, hiểu một cách đúng đắn. Những ký ức khác có thể có vấn đề hơn.

Thưa Đức Tổng Giám Mục, khái niệm về tính đồng nghị dường như là một chủ đề chính trong triều giáo hoàng của Đức Thánh Cha. Kết quả của nỗ lực ba năm ‘thượng hội đồng về tính đồng nghị’ sẽ là gì?

Về kết quả, tôi không có ý kiến. Về diễn trình, tôi nghĩ nó thiếu thận trọng và dễ bị thao túng, và thao túng luôn liên quan đến sự không trung thực. Cho rằng Công đồng Vatican II phần nào ngụ ý nhu cầu đồng nghị như một đặc điểm lâu dài của đời sống Giáo hội đơn giản chỉ là sai lầm. Công đồng chưa bao giờ đề xuất điều đó. Hơn nữa, tôi là một đại biểu của thượng hội đồng năm 2018, và cách mà “tính đồng nghị” được đưa vào chương trình nghị sự là một hành động thao túng và xúc phạm. Nó không liên quan gì đến chủ đề của thượng hội đồng về giới trẻ và đức tin. Tính đồng nghị có nguy cơ trở thành một loại Vatican III Nhẹ ký; một công đồng tròng trành trên quy mô dễ kiểm soát hơn, dễ bảo hơn nhiều. Điều đó sẽ không phục vụ nhu cầu của Giáo hội hoặc của giáo dân.

Tôi đã phục vụ một nhiệm kỳ trong Hội đồng Thường trực của Thượng Hội đồng Giám mục bắt đầu từ năm 2015. Và tôi nhớ một số cuộc thảo luận ngắn về khó khăn trong việc tổ chức một công đồng đại kết khác vì số lượng lớn các giám mục ngày nay. Nhưng tôi rất cảnh giác đối với ý tưởng cho rằng tính đồng nghị, cách nào đó, có thể thay thế một công đồng đại kết trong đời sống của Giáo hội. Không có truyền thống về việc các giám mục ủy thác trách nhiệm bản thân của các ngài đối với Giáo hội hoàn vũ cho một số ít giám mục hơn, vì vậy bất cứ sự phát triển nào như vậy sẽ cần phải được xem xét và thảo luận rất cẩn thận trước khi thực hiện bất cứ nỗ lực nào. Đó không phải là tinh thần hay thực tại hiện tại của những gì đang xảy ra.

Một khía cạnh khác của triều giáo hoàng Phanxicô là sự nổi bật của các tu sĩ Dòng Tên trong các vị trí lãnh đạo Giáo hội. Ta có thể hiểu gì về mối liên hệ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với Dòng Tên?

Vâng, tôi là một tu sĩ Dòng Phanxicô Cải cách, và điều đó đã định hình cuộc đời tôi một cách sâu sắc. Việc đào tạo Dòng Tên mà Đức Phanxicô nhận được đương nhiên sẽ có tác dụng tương tự. Nhưng khi một tu sĩ trở thành giám mục, ngài thuộc về giáo phận, linh mục đoàn và giáo dân của mình. Tôi yêu các anh em Dòng Phanxicô Cải cách của tôi, nhưng tôi là một linh mục của Tổng giáo phận Philadelphia. Đó là lòng trung thành chính của tôi. Đức Phanxicô là giám mục của Rome; vai trò đó và các nghĩa vụ của nó, đối với cả giáo phận địa phương và Giáo hội hoàn vũ, là lòng trung thành chính của ngài - không phải Dòng Tên. Quá phụ thuộc vào cộng đồng tu trì của ông và các thành viên của nó, trừ khi ông là một giám mục đang phục vụ trong các cơ sở truyền giáo, không phải là một ý kiến hay. Và tôi nghĩ rõ ràng là Đức Phanxicô cai trị giống như một bề trên tổng quyền của Dòng Tên, từ trên xuống dưới với rất ít ý kiến hợp tác. Ngài dường như cũng nhấn mạnh nhiều hơn vào sự biện phân cá nhân của mình hơn là sự biện phân của các giáo hoàng trong quá khứ và sự biện phân chung của Giáo hội qua nhiều thế kỷ.

Nhiều giám mục mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nâng lên hàng Hồng Y đoàn không xuất thân từ ‘đường Hồng Y’ thông thường trong Giáo hội. Đức Tổng Giám Mục hiểu điều đó như thế nào? Đức Tổng Giám Mục nghĩ nó có ý nghĩa gì đối với tương lai của Giáo hội?

Tôi nghĩ đó là một điều rất tốt, miễn là những con người này có bản chất tinh thần và trí tuệ để thực hiện nghĩa vụ của mình một cách trung thực và tốt đẹp.

Theo thông lệ, Tổng Giám mục Philadelphia được bổ nhiệm làm Hồng Y. Đức Tổng Giám Mục đã không được. Đức Tổng Giám Mục có thất vọng vì Đức Tổng Giám Mục không phải là một Hồng Y không?

Không, và tôi ngủ ngon hơn rất nhiều nhờ điều đó.

Hiện nay có một câu chuyện kể về hội đồng giám mục Hoa Kỳ rằng một số giám mục, kể cả chủ tịch hội đồng, cách nào đó, chống Đức Phanxicô, hoặc chống lại sự lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Con nhận ra rằng điều này có nguy cơ biến nhân cách của Đức Thánh Cha thành một loại 'phép thử' Công Giáo, thay vì tập trung vào tính liên tục và trung thành với tín lý Công Giáo. Tại sao trình thuật này vẫn tồn tại?

Kính trọng Đức Thánh Cha là đòi hỏi của đức ái Kitô giáo và lòng trung thành con thảo. Nhưng nó không bao giờ đòi hỏi sự qụy lụy hay nịnh hót. Và tôi không thể tưởng tượng Đức Thánh Cha, với tư cách là một mục tử giàu kinh nghiệm, lại muốn như vậy. Các giám mục Hoa Kỳ luôn trung thành — và nói một cách thành thật, rất quảng đại — đối với Rome, và điều đó vẫn luôn như vậy. Biến những mối quan tâm nghiêm túc về tín lý thành một cuộc tranh luận về nhân cách chỉ là một cách thuận tiện để trốn tránh những vấn đề thực chất cần được giải quyết. Nó cũng cho thấy một sự thiếu hiểu biết hoàn toàn về lịch sử Giáo hội. Các vị giáo hoàng đến rồi đi, ngay cả những vị vĩ đại, giống như các giám mục và các Kitô hữu hàng ngày. Điều quan trọng, bất kể giá nào, là sự trung thành với giáo huấn Công Giáo - và không cần đưa ra lời tạ lỗi nào khi theo đuổi điều đó.

Thưa Đức Tổng Giám Mục, một số ý kiến của Đức Tổng Giám Mục sẽ bị coi là chỉ trích Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đức Tổng Giám Mục có nghĩ rằng Đức Tổng Giám Mục không trung thành với ngài bằng cách phát sóng những bình luận này một cách công khai không?

Tôi yêu mến Đức Thánh Cha. Tôi rất ấn tượng với ngài khi chúng tôi gặp nhau với tư cách là các giám mục trẻ tại Hội nghị Đặc biệt về Châu Mỹ năm 1997 ở Rome. Giáo hội cần ngài thành công trong thừa tác vụ của ngài. Tôi chỉ đưa ra một nhận xét tôn trọng. Tôi có rất nhiều người bạn có những cuộc hôn nhân tốt đẹp đã kéo dài trong một thời gian khá lâu. Có một bài học trong đó. Ông sẽ không có được một cuộc hôn nhân lành mạnh - và chắc chắn không phải là một cuộc hôn nhân lâu dài - trừ khi ông sẵn sàng nói ra sự thật và lắng nghe nó một cách thành thật để đổi lại. Điều tương tự cũng đúng đối với Giáo hội. Bất cứ ai ở bất cứ hình thức lãnh đạo nào không muốn nghe sự thật gây khó chịu đều cần phải thay đổi thái độ của mình đối với thực tại.
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Tin Vui Việt

Trang thông tin điện tử để tìm hiểu về Đạo Công Giáo.Mong rằng qua trang Tin Vui Việt này sẽ giúp Quý Vị hiểu hơn về đời sống đạo.Nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn tác động để mỗi người nhận ra Thiên Chúa là Chân, Thiện, Mỹ.bbttinvui

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Chúng ta nên làm gì để nhiều người biết Thiên Chúa hơn ?

Cầu nguyện.

Đi lễ.

Sống bác ái.

Loan báo Tin Mừng.

Chu toàn nhiệm vụ hằng ngày.