Tin thế giới
Vụ tai nạn xảy ra do lỗi trong hệ thống tín hiệu điện tử của một đoàn tàu chở khách khiến nó chuyển hướng và đâm vào một đoàn tàu khác khiến đoàn tàu này bị trật đường ray. Hai đoàn tàu chở tổng cộng 2.296 người khi va chạm.
1. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân vụ tai nạn xe lửa ở Ấn Độ khiến 275 người thiệt mạngHôm Chúa Nhật Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật cho các nạn nhân của vụ tai nạn xe lửa ở Ấn Độ khiến ít nhất 275 người thiệt mạng.
“Tôi gần gũi với những người bị thương và gia đình của họ. Cầu mong Cha trên trời của chúng ta chào đón linh hồn của những người đã khuất vào vương quốc của Ngài,” ngài nói trong bài huấn dụ trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 4 tháng Sáu.Hàng trăm người bị thương trong vụ tai nạn ở quận Balasore của bang Odisha, là vụ tai nạn hỏa xa tồi tệ nhất ở Ấn Độ trong hơn hai thập kỷ qua, theo Reuters.Vụ tai nạn xảy ra do lỗi trong hệ thống tín hiệu điện tử của một đoàn tàu chở khách khiến nó chuyển hướng và đâm vào một đoàn tàu khác khiến đoàn tàu này bị trật đường ray. Hai đoàn tàu chở tổng cộng 2.296 người khi va chạm.Đức Giáo Hoàng cũng đã gửi một bức điện chia buồn tới Sứ thần Tòa Thánh ở Ấn Độ, là Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, một ngày sau vụ tai nạn.Bức điện do Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa thánh Pietro Parolin gửi thay mặt Đức Thánh Cha cho biết: “Đức Thánh Cha Phanxicô vô cùng đau buồn khi biết về thiệt hại to lớn về nhân mạng do vụ tai nạn tàu hỏa ở bang Odisha, và ngài bảo đảm với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này về sự gần gũi thiêng liêng của ngài.”“Phó thác linh hồn của những người đã khuất cho lòng thương xót yêu thương của Đấng Toàn năng, Đức Thánh Cha gửi lời chia buồn chân thành đến những người đang thương tiếc cho sự mất mát của họ. Đức Thánh Cha cũng cầu nguyện cho nhiều người bị thương và cho những nỗ lực của các nhân viên dịch vụ khẩn cấp, và Ngài cầu khẩn họ những ân sủng thiêng liêng cho lòng can đảm và ơn an ủi.”2. Liệu Vatican có thể trở thành người kiến tạo hòa bình ở Ukraine không?Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “The Vatican as Peacemaker in Ukraine?”, nghĩa là “Liệu Vatican có thể trở thành người kiến tạo hòa bình ở Ukraine không?” Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.Một vài ngày sau khi Đức Hồng Y Matteo Zuppi được bổ nhiệm làm người đứng đầu “sứ mệnh hòa bình” của Vatican để “giúp xoa dịu căng thẳng trong cuộc xung đột ở Ukraine” (như Vatican News đã đưa tin), một bức ảnh gây sửng sốt xuất hiện trên trang nhất của tờ Washington Post. Hình ảnh đồ họa đó minh họa một nhiệm vụ khó khăn như thế nào mà Đức Hồng Y Zuppi và Phủ Quốc vụ khanh Vatican phải đối mặt. Đó là một bức ảnh vệ tinh chụp Bakhmut, một thành phố ở miền đông Ukraine dưới sự tấn công không ngừng của Nga trong nhiều tháng, và bức ảnh ấy mô tả sự tàn phá một đô thị tương đương với sự tàn phá của Berlin vào tháng 4 năm 1945.Thêm vào đó là vụ bắt cóc trẻ em Ukraine của Nga, các vụ hãm hiếp, giết người và các tội ác chiến tranh khác do quân đội Nga gây ra, cũng như các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái bừa bãi của Nga vào các mục tiêu dân sự ở Ukraine, và bất kỳ phân tích nghiêm túc nào về cuộc chiến đều dẫn đến một kết luận: Đây không phải là một “xung đột” đối xứng trong đó có thể hòa giải giữa các bên tranh chấp (như đã xảy ra ở Mozambique, nơi Zuppi và Cộng đồng Thánh Egidio đã làm việc để chấm dứt nội chiến). Đây là một tình huống hoàn toàn bất cân xứng, trong đó một kẻ xâm lược diệt chủng đang bị chống cự lại bởi những người dân tự do quyết tâm bảo vệ quốc gia và chủ quyền của họ.Nói một cách đơn giản cho dễ hiểu là thế này: Nếu Nga thua, họ chỉ thua một cuộc chiến. Nếu Ukraine thua, dân tộc này sẽ diệt vong.Chúng ta không chắc sự bất đối xứng cơ bản này và những tác động của nó đối với một nền hòa bình sau chiến tranh đã được Tòa thánh hiểu một cách đầy đủ hay chưa. Làm việc tại Rôma vào đầu tháng này, tôi đã nghe thấy tiếng vang về những lo ngại của Vatican rằng yêu cầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy về việc rút tất cả các lực lượng Nga khỏi lãnh thổ Ukraine bị tạm chiếm sẽ khiến cho một thỏa thuận thương lượng trở nên khó khăn. Phân tích đó dường như đã bỏ sót điểm chính trị quan trọng, đó là Tổng thống Zelenskiy, với tất cả tài hùng biện của mình, đang làm theo ý muốn của người dân, và không hề khuyến khích họ thực hiện những yêu cầu vô lý. Người ta cũng nghe thấy những tiếng vang tương tự về những lo ngại của Vatican đối với lập trường được cho là cực đoan trong cuộc chiến của Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic - như thể không có mối lo ngại hợp lý nào rằng bất kỳ hình thức chiến thắng nào của Nga ở Ukraine sẽ đặt các quốc gia đó (và cả Moldova) vào vị trí tiếp theo trong danh sách mua sắm của Vladimir Putin, nhằm đảo ngược phán quyết của Chiến tranh Lạnh.Một số giới chức ở Vatican dường như cũng quyết tâm duy trì các mối liên hệ đại kết với Giáo hội Chính thống Nga, bất chấp sự thật hiển nhiên rằng ban lãnh đạo của Giáo hội đó thuộc quyền sở hữu của Điện Cẩm Linh - do đó tạo ra một sự bất đối xứng khác, trong đó các viên chức của Giáo Hội Công Giáo “đối thoại” với các đặc vụ đầy quyền lực của nhà nước Nga và là tài sản của các cơ quan an ninh Nga, những người xuất hiện dưới vỏ bọc của các giáo sĩ. Mối quan tâm này vượt ra ngoài Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga, là một đặc vụ KGB tại trụ sở của Hội đồng Giáo hội Thế giới ở Geneva khi còn trẻ, và “bộ trưởng ngoại giao” mới của ông, Đức Tổng Giám Mục Anthony, người hoàn toàn là sản phẩm của Kirill. Mối quan tâm này tiếp tục bao gồm người tiền nhiệm của Tổng Giám Mục Anthony, là Tổng Giám Mục Hilarion, hiện đã được triển khai tới Budapest, người đã nhân chuyến thăm kéo dài 20 phút của mình với Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến thăm gần đây của Đức Giáo Hoàng tới Hung Gia Lợi để đăng một video trên YouTube quảng bá cho điều hư cấu hết sức báng bổ rằng nước Nga của Putin là một người bảo vệ cho nền văn minh Kitô giáo.Không điều nào trong số những điều này báo hiệu tốt cho một “sứ mệnh hòa bình” của Vatican. Nó thậm chí còn làm dấy lên khả năng rằng chính sách ngoại giao của Vatican, nếu không thừa nhận những bất cân xứng cơ bản về đạo đức và chính trị trong cuộc chiến tàn khốc này, có thể làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn, với một “sứ mệnh hòa bình” bị hiểu sai và thực hiện kém cỏi góp phần vào sự dối trá rằng có những bên tương đương trong xung đột này, những người phải được tập hợp lại với nhau trong một cuộc “hòa giải.” Sự sai lệch thực tế đó, được bảo trợ bởi cái mà một số người sẽ coi là thẩm quyền đạo đức của Tòa thánh, có thể làm suy yếu quyết tâm của phương Tây trong việc hỗ trợ bên bị hại trong cuộc xung đột này—là Ukraine—vì mục đích đạt được một điều chắc chắn sẽ chỉ là một nền hòa bình tạm thời với người Nga, là những người chắc chắn sẽ tiếp tục xâm lược sau đó.Nếu không muốn điều này xảy ra, một số động thái nhất định của Vatican dường như là bắt buộc.Đầu tiên, các cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Giáo hội nên nói rõ rằng họ hiểu tính chất sống còn của cuộc xung đột: Đây không phải là một cuộc cạnh tranh đối xứng giữa các “diễn viên” bình đẳng về mặt đạo đức và chính trị. Thay vào đó, cuộc chiến của Nga với Ukraine là một cuộc xâm lược không chính đáng, bất hợp pháp và mang tính diệt chủng, mà Ukraine phải tham gia vào như một hành động tự vệ cần thiết và chính đáng.Thứ hai, Vatican nên đình chỉ tất cả các liên hệ đại kết chính thức với Chính thống giáo Nga cho đến khi Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa chứng minh rằng đó là một cơ quan giáo hội, chứ không phải là một công cụ của quyền lực nhà nước Nga.Nếu Nga, để đáp lại những lời giải thích rõ ràng như vậy (hoặc vì bất kỳ lý do nào khác), cản trở hoặc từ chối hợp tác với các nỗ lực nhân đạo được hoan nghênh của Vatican nhằm đưa trẻ em Ukraine trở lại Ukraine, thì bản chất xâm lược của Putin sẽ trở nên không thể phủ nhận. Và triển vọng về một “sứ mệnh hòa bình” của Tòa thánh có thể thực sự góp phần vào việc kiến tạo hòa bình cũng trở nên tỏ tường.
Source:First Things THE VATICAN AS PEACEMAKER IN UKRAINE?3. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 4 Tháng SáuChúa Nhật 4 Tháng Sáu, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi.Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan. Khi ấy, Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.”
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:Anh chị em thân mến, chào anh chị em,Hôm nay, Lễ Chúa Ba Ngôi, Tin Mừng được trích từ cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với ông Nicôđêmô (x. Ga 3,16-18). Nicôđêmô là thành viên của Hội Đồng Công Tọa, và ông say mê mầu nhiệm Thiên Chúa: ông nhận ra nơi Chúa Giêsu một vị Thầy thiêng liêng và đến nói chuyện bí mật với Người trong đêm. Chúa Giêsu lắng nghe ông, hiểu ông là một người đang tìm kiếm, và rồi trước tiên Người làm ông ta ngạc nhiên, trả lời rằng để vào Nước Thiên Chúa, người ta phải tái sinh; sau đó, Người tiết lộ tâm điểm của mầu nhiệm cho ông, nói rằng Thiên Chúa yêu nhân loại đến nỗi đã sai Con của Người đến thế gian. Vì thế, Chúa Giêsu, là Chúa Con, nói về Chúa Cha và tình yêu bao la của Người.Cha và Con. Đó là một hình ảnh quen thuộc mà nếu chúng ta nghĩ về điều đó, nó sẽ ảnh hưởng sâu sắc những hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa. Thật vậy, chính từ “Thiên Chúa” gợi cho chúng ta một thực tại lớn lao, hùng vĩ và xa vời, trong khi nói về Chúa Cha và Chúa Con lại đưa chúng ta trở về nhà. Vâng, chúng ta có thể nghĩ về Thiên Chúa theo cách này, qua hình ảnh một gia đình quây quần bên bàn ăn, nơi cuộc sống được chia sẻ. Bên cạnh đó, cái bàn, cũng là một bàn thờ, là một biểu tượng mà một số tượng ảnh mô tả về Chúa Ba Ngôi. Đó là hình ảnh nói với chúng ta về một Thiên Chúa hiệp thông. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: đó là sự hiệp thông.Nhưng điều đó không chỉ là một hình ảnh; đó là một thực tế! Điều đó là thực tại bởi vì Chúa Thánh Thần, Thần Khí mà Chúa Cha tuôn đổ vào lòng chúng ta qua Chúa Giêsu (x. Gl 4,6), làm cho chúng ta nếm được, làm cho chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa luôn gần gũi, từ bi và dịu dàng. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta những gì Chúa Giêsu làm cho ông Nicôđêmô: Người giới thiệu cho chúng ta mầu nhiệm tái sinh, khai sinh đức tin, đời sống Kitô hữu, Người mặc khải cho chúng ta trái tim của Chúa Cha, và Người cho chúng ta được chia sẻ chính sự sống của Chúa Cha.Chúng ta có thể nói rằng lời mời gọi mà Người dành cho chúng ta là hãy ngồi cùng bàn với Thiên Chúa để chia sẻ tình yêu của Người. Đây sẽ là hình ảnh. Đây là điều xảy ra trong mọi Thánh Lễ, tại bàn thờ của bàn tiệc Thánh Thể, nơi Chúa Giêsu hiến mình cho Chúa Cha và hiến mình cho chúng ta. Vâng, thưa anh chị em, chính là như vậy, Thiên Chúa của chúng ta là sự hiệp thông của tình yêu: và Chúa Giêsu đã mạc khải Ngài cho chúng ta như vậy. Và anh chị em có biết làm thế nào chúng ta có thể nhớ điều này không? Thưa: Với cử chỉ đơn giản nhất mà chúng ta đã học khi còn nhỏ: đó là làm dấu thánh giá, đúng thế đó là làm dấu thánh giá. Với cử chỉ đơn giản nhất, với dấu thánh giá này, bằng cách vẽ dấu thánh giá trên cơ thể mình, chúng ta nhắc nhở mình rằng Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta biết bao, đến nỗi hiến mạng sống vì chúng ta; và chúng ta lặp đi lặp lại với chính mình rằng tình yêu của Người bao bọc chúng ta hoàn toàn, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, như một vòng tay không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Đồng thời, chúng ta dấn thân làm chứng cho Thiên Chúa là tình yêu, tạo nên sự hiệp thông nhân danh Người. Có lẽ bây giờ, mỗi người chúng ta, và tất cả cùng nhau, chúng ta hãy làm dấu thánh giá trên chính mình…Vì thế, hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta có làm chứng cho Thiên Chúa là tình yêu không? Hay Thiên Chúa là tình yêu đã trở thành một khái niệm, một điều gì đó mà chúng ta đã nghe nói, nhưng không còn khuấy động cuộc sống nữa? Nếu Thiên Chúa là tình yêu, cộng đồng của chúng ta có làm chứng cho điều này không? Họ có biết yêu không? Cộng đồng của chúng ta có biết yêu thương không? Và gia đình chúng ta… chúng ta có biết yêu thương trong gia đình không? Chúng ta có luôn mở rộng cửa không, chúng ta có biết cách chào đón mọi người – và tôi nhấn mạnh, tất cả mọi người – chúng ta có chào đón họ như anh chị em không? Chúng ta có cống hiến cho mọi người lương thực tha thứ của Thiên Chúa và niềm vui Tin Mừng không? Liệu một người có hít thở không khí như ở nhà, hay chúng ta lại giống như một văn phòng hơn hoặc một nơi dành riêng mà chỉ những người được bầu mới có thể bước vào? Thiên Chúa là tình yêu, Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và Người đã hiến mạng sống mình cho chúng ta, cho thập giá này.Và xin Mẹ Maria giúp chúng ta sống Giáo hội như ngôi nhà mà người ta yêu mến một cách thân thuộc, để tôn vinh Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:Anh chị em thân mến!Tôi bảo đảm lời cầu nguyện của mình cho nhiều nạn nhân của vụ tai nạn hỏa xa xảy ra hai ngày trước ở Ấn Độ. Tôi gần gũi với những người bị thương và gia đình của họ. Xin Cha trên trời đón linh hồn những người đã khuất vào vương quốc của Người.Tôi chào anh chị em người Rôma và khách hành hương từ Ý và nhiều quốc gia, đặc biệt là các tín hữu từ Villa Alemana, Chí Lợi, và các ứng viên chịu phép Thêm sức từ Cork, Ái Nhĩ Lan. Tôi chào các nhóm từ Poggiomarino, Roccapriora, Macerata, Recanati, Aragona và Mestrino; cũng như các bạn trẻ lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức và Rước Lễ Lần Đầu, từ Santa Giustina ở Colle.Tôi xin gửi lời chào đặc biệt đến các đại diện của đoàn hiến binh Carabinieri, những người mà tôi cảm ơn vì sự gần gũi hàng ngày của họ với người dân; xin Thánh Nữ Vergo Fedelis, Đấng bảo trợ của anh chị em, bảo vệ anh chị em và gia đình của anh chị em. Chúng ta hay xin phó thác cho Mẹ là Mẹ ân cần, những dân tộc đang bị đau khổ bởi tai họa chiến tranh, đặc biệt là Ukraine thân yêu và đang bị bao vây.Tôi xin chào tất cả anh em, cũng như các bạn trẻ thuộc Nhóm Immacolata tốt lành, và tôi chúc tất cả anh chị em một Chúa Nhật hồng phúc. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana ANGELUS - Saint Peter's Square Sunday, 4 June 2023