www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
06:41 CDT Thứ năm, 28/03/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 79

Máy chủ tìm kiếm : 17

Khách viếng thăm : 62


Hôm nayHôm nay : 4983

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 832677

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 19053872

Trang nhất » Tin Tức » Tin Tức » Tôn Giáo

Video: Giáo Hội Năm Châu: 20/04 – 27/04/2015: Tình trạng bạo lực dã man với người nước ngoài tại Nam Phi

Thứ hai - 27/04/2015 06:26
Giáo Hội Năm Châu

Giáo Hội Năm Châu

Viện Gallup hợp tác với tổ hợp thăm dò dư luận WIN đã phỏng vấn 64,000 người trên thế giới về quan điểm tôn giáo và việc thực hành niềm tin tôn giáo của họ. Kết luận được đưa ra cho thấy Thái Lan, nơi Phật Giáo chiếm đa số; và Armenia nơi Kitô Giáo chiếm đa số là hai quốc gia sùng đạo nhất.

1. Giám Mục Colombia âu lo vì chiến tranh tái tục tại quốc gia này

Đức Cha Juan Carlos Barreto, là Giám Mục Quibdó, người đóng vai trò trung gian thương thuyết với phiến quân cộng sản FARC, đã lấy làm tiếc trước những diễn biến gần đây sau khi quân du kích phục kích giết chết 10 quân nhân Colombia.

Hôm thứ Tư, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đã ra lệnh cho quân đội tái tục các cuộc không kích. Ông nói trên đài truyền hình:



“Tôi đã ra lệnh cho các lực lượng vũ trang tái tục các cuộc không kích vào các vị trí của phiến quân FARC cho đến khi có thông báo mới”.

Tổng thống Santos đã đình chỉ chiến dịch ném bom vào ngày 11 tháng 3 trong vòng một tháng, sau đó vào hôm thứ Năm 9 tháng Tư đã gia hạn thêm một tháng như một dấu chỉ quan trọng trong tiến trình hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài nửa thế kỷ qua.

Việc đình chỉ không kích là một cử chỉ thiện chí đáp lại lệnh ngừng bắn đơn phương vô thời hạn của lực lượng vũ trang cách mạng Colombia đưa ra từ tháng Mười Hai năm ngoái.

Nhưng cuộc tấn công trước bình minh xảy ra hôm thứ Tư 15 tháng Tư ở vùng núi xa xôi của miền tây Colombia là một trong những cuộc tấn công kinh hoàng nhất kể từ khi chính phủ mở các cuộc đàm phán hòa bình với FARC ở Havana vào tháng 11 năm 2012.

Trong cuộc tấn công này, ngoài 10 binh sĩ Colombia bị thiệt mạng, một du kích đã bị giết chết, và 20 binh sĩ bị thương, trong đó có 3 binh sĩ bị thương rất nặng.

Việc tái tục không kích được nhiều quan sát viên coi là trúng kế nhóm chủ chiến trong lực lượng FARC, là những người không muốn thấy một hiệp ước hòa bình với chính phủ Colombia.

2. Thái Lan và Armenia là hai nước sùng đạo nhất trên thế giới

Viện Gallup hợp tác với tổ hợp thăm dò dư luận WIN đã phỏng vấn 64,000 người trên thế giới về quan điểm tôn giáo và việc thực hành niềm tin tôn giáo của họ. Kết luận được đưa ra cho thấy Thái Lan, nơi Phật Giáo chiếm đa số; và Armenia nơi Kitô Giáo chiếm đa số là hai quốc gia sùng đạo nhất.

93.6% trong tổng số 67.8 triệu dân Thái theo Phật giáo. Trong khi đó, trong 3 triệu người Armenia, 98% là các tín hữu Kitô, đông nhất là các tín hữu thuộc Giáo Hội Armenia Tông Truyền với 92.6%.

Hơn 90% số người được khảo sát tại Thái Lan, Armenia, Bangladesh, Georgia, Morocco, Fiji, và Nam Phi mô tả mình là người có niềm tin tôn giáo và có thực hành đạo thường xuyên hay không thường xuyên nhưng niềm tin tôn giáo có những ảnh hưởng nhất định trong phán đoán và trong việc lựa chọn các quyết định cá nhân trong cuộc sống. Con số này là 70% ở Nga, 56% ở Mỹ, và 30% ở Vương quốc Anh.

Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Cộng hòa Tiệp, và Tây Ban Nha là những nước có tỷ lệ cao nhất những người xưng mình là vô thần.

3. Người Armenia trên đất Thổ Nhĩ Kỳ

100 năm sau cuộc diệt chủng người Armenia của Thổ Nhĩ Kỳ, những nét văn hóa Armenia vẫn đang được khơi dậy tại mảnh đất đã từng là Đế Quốc Ottoman.

Karagazyan là một trong 20 trường Armenia tại thành phố Istanbul. 200 học sinh của trường này theo một chương trình Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia, cộng với môn tôn giáo.

Thỏ và trứng Phục sinh đã xuất hiện trong các lớp học như một dấu chỉ cho thấy nền văn hóa Armenia đã trở lại đất nước này một lần nữa, một thế kỷ sau cuộc thảm sát 1.5 triệu người Armenia.

Cô hiệu trưởng Arsuvak Koc Monnet, người Armenia nói:

“Chúng tôi chào mừng các ngày lễ với nhau. Chúng tôi có những giáo viên dạy văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ và chúng tôi cố gắng để kỷ niệm ngày lễ của họ và ngày lễ của chúng tôi chung với nhau. Chúng tôi cố gắng sống nền văn hóa song đôi này, và tất nhiên chúng tôi mời các gia đình đến cử hành.”

Yasmin Rostomyan đến đón hai đứa con của mình. Gia đình này sống chỉ cách nhà trường một vài con phố ở khu Bomonti, nơi người Hồi giáo và người Armenia sống hòa thuận với nhau.

Các thành viên trong gia đình bà nói tiếng Armenia trong nhà, và cả trên đường phố.

Đó là một dấu chỉ cho thấy người Armenia cảm thấy thoải mái hơn so với những năm trước đây khi người ta có thể bị tấn công chỉ vì nói một ngôn ngữ khác với tiếng địa phương.

Yasmin cho biết: “Khi tôi còn trẻ, chúng tôi giữ kín tất cả mọi thứ. Chúng tôi không thể nói tiếng Armenia trên đường phố. Chúng tôi không bao giờ dám mạo hiểm như thế. Nhưng ở nhà, tất nhiên, chúng tôi nói ngôn ngữ mình, kín đáo thôi. Khi tôi còn học tiểu học, tôi nhớ cha tôi nhấn mạnh rằng chúng tôi nên học tiếng Armenia ở nhà. Điều quan trọng đối với ông là chúng tôi phải nói được tiếng Armenia “.

Gia đình Rostomyan đã đến đây từ khu Amasya ở Biển Đen vào thập niên 1950.

Yasmin thích nhìn hình ảnh của ông cố mình, là người đã bị giết vào năm 1915.

Cô hy vọng các lễ kỷ niệm năm nay sẽ là một cơ hội để nói chuyện một cách tự do về lịch sử bi thảm của Armenia. Người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã cố giữ bí mật về chuyện này nhưng cô cảm thấy bây giờ mọi người nên nhìn thẳng vào những sự thật lịch sử.

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không nhận tội diệt chủng và biến cố này không được đề cập trong sách lịch sử. Bất cứ ai gợi lên chuyện này đều có nguy cơ đi tù, vì dám xúc phạm Thổ Nhĩ Kỳ.

4. Tình trạng của 5 linh mục dòng Salêsiêng Don Bosco tình nguyện ở lại Yemen trở nên nguy hiểm hơn

Giao tranh đã bùng lên dữ dội theo đà gia tăng các cuộc không kích của liên quân Ả rập do Ả rập Saudi lãnh đạo. Agenzia Info Salesiana, là cơ quan thông tin của dòng Salêsiêng Don Bosco, cho biết 5 linh mục, tất cả đều là các cha dòng Salêsiêng Don Bosco, đã tình nguyện ở lại để chăm sóc mục vụ cho khoảng 3,000 người Công Giáo tại bốn thành phố. Do không liên lạc được, người ta không rõ tình trạng hiện nay của các ngài.

Trong đoạn video này những người Yemen chạy đến tận vùng sừng Phi Châu đã cho biết như sau.

Aliriani giải thích với lính biên phòng Djibouti:

“Chúng tôi không phải là người tị nạn, nhưng chúng tôi chạy trốn chiến tranh. Vì sân bay Aden được đóng cửa và những nơi khác đều đóng cửa, chúng tôi phải đến đây bằng cách cách này.”

Mohammed Ali thật thà cho biết như sau:

“Không có chiến tranh ở thành phố quê tôi. Chiến tranh là lên ở vùng cao nguyên. Tại Mocha, quê tôi ở không phải là một vấn đề. Nhưng tại Taiz và Sanaa chiến tranh rất ác liệt. Tôi làm việc ở Sanaa và nhảy lên tàu chạy theo mọi người.”

“Cuộc hành trình rất dài. Hai mươi giờ, chắc là hơn hai mươi giờ. Đó là một hành trình dài. Nhiều người không có thức ăn, không có gì. Tất cả những người có chút gì ăn thì còn đỡ. Những người không có gì thì được người khác cho nước cầm hơi.”

“Tôi đã ở thủ đô và cuộc chiến diễn ra khá dữ dội. Trong suốt những ngày máy bay đã ném bom trong thành phố. Cuối cùng điện nước bị cắt đứt hoàn toàn trước khi chúng tôi ra đi”

Hầu hết người Công Giáo tại Yemen là các công nhân từ Ấn Độ hay Phi Luật Tân.

Trong lần liên lạc cuối cùng ngay sau lễ Phục sinh, một cha dòng Salesian đang làm mục vụ tại thành phố Aden nói:

“Về tình hình ở đây, cho đến nay tôi vẫn thấy an toàn. Tất nhiên là có những khoảnh khắc rất đáng sợ, như khi hỏa tiễn bay qua ngay trên taxi tôi đang đi, hay là những bước chân chạy rầm rập và những tiếng la hét thất thanh xung quanh nhà thờ nơi chúng tôi đang cử hành thánh lễ, hay tiếng bom nổ cùng tiếng rít của hỏa tiễn rất gần chỉ trong phạm vi từ 5 đến 10 km là cùng”

5. Tổng thống Ecuador chào mừng chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô

Cùng ngày thứ Năm 16 tháng Tư khi Tòa Thánh công bố lịch trình chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại ba nước Mỹ Châu La Tinh là Ecuador, Bolivia và Paraguay từ mùng 6 đến 12 tháng 7 tới đây, tại thủ đô Quito, Đức Hồng Y Raul Vela, Tổng Giám mục Quito và tổng thống nước này là ông Rafael Correa đã có một cuộc họp báo.

Đức Hồng Y Raul Vela nói: “Chúng ta không thể bỏ qua sự tồn tại của các quốc gia Mỹ La tinh khác nhưng chúng ta có thể nói rằng Chúa đã thể hiện lòng yêu mến của Ngài, khi Ngài đặt trong trái tim của Đức Thánh Cha ý định thăm Ecuador, Bolivia và Paraguay trong chuyến tông du đầu tiên này đến lục địa của chúng ta.”

Tổng thống Rafael Correa nói:

“Chào mừng ngài. Chào mừng Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chúng con sẽ làm việc hết sức để chuyến viếng thăm lần này cũng là một kỷ niệm không phai mờ như đã từng xảy ra với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II 30 năm trước, để chuyến tông du này làm đất nước chúng con tốt hơn lên, làm cho chúng con nhân bản hơn, huynh đệ hơn và hiệp nhất hơn. Ecuador đang cử mừng, chúng con đang chờ đợi Đức Thánh Cha Phanxicô”

Ecuador có 15.7 triệu dân trong đó 74% là người Công Giáo.

Đức Thánh Cha sẽ thăm Ecuador từ mùng 6 đến mùng 8 tháng 7, sau đó là Bolivia và Paraguay từ mùng 8 đến mùng 10 và từ mùng 10 đến 12 tháng 7.

6. Hội Đồng Giám Mục Nam Phi đau buồn vì làn sóng bạo lực chống người nước ngoài

Trong bản tin đánh đi hôm 17 tháng Tư, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, trích dẫn thông cáo của Hội Đồng Giám Mục Nam Phi do Đức Cha William Slattery, Tổng Giám Mục Pretoria ấn ký, cho biết các Giám Mục nước này đau buồn về tình trạng bạo lực chống người nước ngoài ở Durban mà Đức Hồng Y Wilfrid Napier, Tổng Giám Mục Durban đã lên án và xu hướng lan tràn bạo lực tương tự ở các thành phố khác như Johannesburg.

Bạo lực đã diễn ra sau khi báo chí địa phương tường thuật rằng vua người Zulu, là Goodwill Zwelithini, nói người nước ngoài phải rời khỏi Nam Phi. Hiến pháp Nam Phi chỉ công nhận vai trò có tính cách nghi lễ và biểu tượng của vua người Zulu.

Vua người Zulu sau đó đã tuyên bố rằng những lời của ông đã bị hiểu nhầm.

Các Giám Mục Nam Phi nhận định rằng:

“Trong khi chúng tôi thừa nhận những lời lẽ của Hoàng thượng, vua của dân tộc Zulu, không có ý định gây ra cảnh bạo lực này, chúng tôi tin rằng ông nên dứt khoát lên án bạo lực này và công khai cổ võ các giá trị của lòng hiếu khách truyền thống trong nền văn hóa Zulu”

Nguồn gốc của bạo lực là tình trạng thù địch giữa những người nghèo với nhau: trong số 50 triệu cư dân Nam Phi, có khoảng 5 triệu người nhập cư từ các nước đang gặp khó khăn: như Somalia, Ethiopia, Zimbabwe và Malawi, và thậm chí cả từ Trung Quốc và Pakistan. Do tỷ lệ thất nghiệp cao, đã có những căng thẳng giữa người bản địa và người nhập cư, nhiều người trong số họ dính líu vào các tội phạm.

Các Giám Mục viết: “Chúng tôi hiểu được sự tức giận mà mọi người có thể cảm thấy đối với người nước ngoài vì những lý do chính đáng khác nhau. Nhưng chúng ta là một đất nước hòa bình; chúng ta là một đất nước đa văn hóa. Chúng ta đã chiến thắng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc sử dụng rất ít bạo lực và mọi chuyện đã được giải quyết một cách hòa bình “.

Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Nam Phi mời gọi người nước ngoài đừng dính líu vào các loại tội phạm và cảnh báo tất cả mọi người sử dụng có trách nhiệm các phương tiện truyền thông xã hội để tránh truyền đi những thông điệp hận thù.

Các Giám mục kết luận bằng cách yêu cầu chính phủ phải can thiệp để xác định những ai đã kích động xung đột và giải quyết tận căn những vấn đề đã tạo nên một “bối cảnh bạo lực khủng khiếp như thế này”.

7. Một năm sau ngày bị khủng bố Hồi Giáo Boko Haram bắt, 219 nữ sinh vẫn biệt vô âm tín

Nữ ký giả Valérie Trierweiler, người đã từng là đệ nhất phu nhân nước Pháp đã dẫn đầu một cuộc tuần hành tại Paris yêu cầu các nhà lãnh đạo trên thế giới phải có hành động cụ thể để giải thoát 219 nữ sinh Kitô Giáo bị quân khủng bố Boko Haram bắt trong một năm qua.

Gần nửa đêm ngày 14 tháng Tư năm ngoái, bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram đã bắt cóc hơn 300 nữ sinh tại một trường nội trú ở thị trấn Chibok. Cho đến hôm thứ Sáu 8 tháng 5 năm 2014, 53 nữ sinh đã trốn thoát trong khi 276 nữ sinh khác vẫn còn bị giam giữ.

Cho đến nay con số nữ sinh vẫn còn bị bắt cóc là 219 em.

Tòa Thánh đã đưa ra một thông cáo cực lực lên án hành vi này.

“Vụ bắt cóc một số lượng lớn các cô gái trẻ bởi những kẻ khủng bố trong tổ chức Boko Haram đã làm tăng thêm các hình thức bạo lực ghê tởm khác mà từ lâu đã đặc trưng cho các hoạt động của nhóm này tại Nigeria.

Việc từ chối tôn trọng sự sống và phẩm giá của người dân, ngay cả của những người vô tội nhất, dễ bị tổn thương và vô phương tự vệ, đòi hỏi phải bị lên án mạnh mẽ. Hành động dã man này phải gợi lên lòng từ bi chân thành nhất dành cho các nạn nhân, cho nỗi kinh hoàng và những đau khổ về thể chất và tinh thần, cũng như những tủi nhục không thể tin được mà họ phải gánh chịu.

Chúng tôi hiệp thông với những ai đang kêu gọi trả tự do cho họ, và đưa họ trở về cuộc sống bình thường. Chúng tôi hy vọng và cầu nguyện rằng Nigeria, thông qua những nỗ lực của tất cả những người thiện chí, có thể tìm thấy con đường để chấm dứt tình trạng xung đột và khủng bố hận thù, là nguồn gốc của bao đau khổ khôn xiết.”

8. Đức Giáo Hoàng bất ngờ gọi điện thoại cho một ký giả Á Căn Đình

Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa đã gây sửng sốt với một cú điện thoại bất ngờ, lần này là với một nhà báo ở Á Căn Đình quê hương của ngài.

Alfredo Leuco, ký giả viết cho tờ Clarin ở Buenos Aires, đã viết một bức thư ngỏ đến Đức Thánh Cha, xin ngài đừng cho nữ tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner một cơ hội khác để lợi dụng hình ảnh ngài vào những lợi thế chính trị.

Với cuộc bầu cử tổng thống tại Á Căn Đình đang gần kề, Leuco viết cho Đức Thánh Cha một bức thư trong đó có đoạn viết: “Rất nhiều người, có lẽ là đa số người Á Căn Đình đồng bào của con, nghĩ rằng Đức Thánh Cha đang sắp phạm một sai lầm.”

Trước sự ngạc nhiên của Leuco, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trả lời bằng một cú điện thoại cá nhân. Mặc dù Leuco không tiết lộ chi tiết của cuộc đàm thoại, nhà báo này nói rằng ông hứa sẽ cố gắng cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng. Ông nói cú điện thoại này là “thành tựu vĩ đại nhất trong cuộc đời nhà báo của tôi.”

Leuco gởi thư đến Đức Thánh Cha sau khi có những báo cáo tại Á Căn Đình theo đó Tổng thống Kirchner sẽ gặp Đức Giáo Hoàng vào ngày 7 tháng Sáu tới đây. Các quan chức Vatican cho biết không có cuộc họp nào như thế trên lịch trình của Đức Thánh Cha.

9. Nga trả lại ngôi nhà thờ và tu viện Smolny cho Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga

Chính phủ Nga đã quyết định trả lại tu viện Smolny và Vương Cung Thánh Đường Smolny để dùng vào các mục đích thờ phượng và tu trì.

Vương Cung Thánh Đường Smolny nằm ở vị trí trung tâm và được bao bọc bởi tu viện Smolny ở thành phố St. Petersburg. Tu viện và nhà thờ đã được xây dựng cho con gái của Đại đế Peter khi cô gia nhập đời sống thánh hiến tại đây. Nhà thờ đã được hoàn thành vào năm 1764.

Năm 1922, chính phủ cộng sản đã bị tịch thu nhà thờ và biến thành một nhà kho. Trong những thập kỷ sau đó, ngôi nhà thờ này đã được sử dụng như một thính đường hòa nhạc. Việc thờ phượng được tái tục vào năm 2010 nhưng đến nay quyền sở hữu nhà thờ và tu viện mới được trao lại cho Chính Thống Giáo Nga.

Nguồn tin: vietcatholic

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Tin Vui Việt

Trang thông tin điện tử để tìm hiểu về Đạo Công Giáo.Mong rằng qua trang Tin Vui Việt này sẽ giúp Quý Vị hiểu hơn về đời sống đạo.Nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn tác động để mỗi người nhận ra Thiên Chúa là Chân, Thiện, Mỹ.bbttinvui

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Trong Mùa Chay bạn làm gì để tỏ lòng sám hối ?

Ăn chay. Hãm mình.

Bác ái, chia sẻ.

Hoán cải đời sống, đi xưng tội.

Năng tham dự thánh lễ.

Cầu nguyện nhiều hơn.