www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
00:24 EST Thứ bảy, 07/12/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 44

Máy chủ tìm kiếm : 4

Khách viếng thăm : 40


Hôm nayHôm nay : 0

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 135105

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 24927947

Trang nhất » Tin Tức » Tin Tức » Tôn Giáo

Video: Hàng triệu người Phi Luật Tân rước tượng Chúa chịu nạn cầu cho Năm Mới và cho Giáo Hội tại Trung Đông

Thứ sáu - 10/01/2020 05:00
Phi Luật Tân

Phi Luật Tân

Khi được hỏi về thông điệp ngày 1 tháng Giêng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đánh dấu Ngày Hòa bình Thế giới, Đức Hồng Y Turkson nhắc lại rằng Đức Giáo Hoàng mời mọi người xem hòa bình như một cuộc hành trình.

1. Gần 10 triệu người Phi Luật Tân tham dự cuộc rước tượng Chúa chịu nạn

Mỗi năm vào dịp đầu năm mới, hàng mấy triệu người tham gia vào một cuộc rước khổng lồ một bức tượng Chúa Giêsu đang vác thánh giá gọi là tượng Black Nazarene. Tượng Black Nazarene, làm bằng gỗ, với kích thước như người thật, nhìn xa giống như làm bằng đồng đen nhưng thực ra làm bằng gỗ.


Trong cuộc rước năm nay, diễn ra hôm thứ Năm 9 tháng Giêng, cảnh sát ước lượng gần 10 triệu người Phi Luật Tân đã đi chân không tham gia vào cuộc rước để cầu nguyện cho hòa bình ở Trung Đông và cầu nguyện cho Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle trong sứ vụ mới của ngài là tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc. Đây là lần cuối cùng, Đức Hồng Y chủ sự thánh lễ nửa đêm của biến cố này trong tư cách Tổng Giám Mục Manila.

Bức tượng được một nghệ nhân Mễ Tây Cơ chạm trỗ vào thế kỷ thứ 16 và được các giáo sĩ Tây Ban Nha dòng Augustinô đưa đến Phi Luật Tân vào năm 1606. Truyền thuyết cho rằng bức tượng có màu đen sau khi trải qua một trận hỏa hoạn trên chiếc thuyền buồm Tây Ban Nha chở bức tượng này.

Năm 1650, Đức Giáo Hoàng Innôcentê thứ 10, ban phép cho các sư huynh dòng Santo Cristo Jesús Nazareno được dùng bức tượng này trong việc truyền bá lòng sùng kính Chúa Giêsu chịu nạn tại thủ đô Manila của Phi Luật Tân. Trong những thập niên đầu, bức tượng được trưng bày tại nhiều nhà thờ khác nhau. Lý do là vì bức tượng được cho là có quyền năng kỳ diệu. Càng ngày càng có nhiều người nhận được ơn lạ, cho nên bức tượng phải được dời đến các nhà thờ lớn hơn cho phù hợp với số tín hữu đến kính viếng. Cuối cùng, vào năm 1787, sau khi Tiểu Vương Cung Thánh Đường Black Nazarene được xây xong tại quận Quiapo, bức tượng được đưa đến đây từ đó cho đến nay.

Mỗi năm bức tượng được đưa ra khỏi Tiểu Vương Cung Thánh Đường trong các cuộc rước vào ngày 9 tháng Giêng, ngày thứ Sáu Tuần Thánh và ngày 31 tháng 12.

Trong ba cuộc rước trên, cuộc rước vào ngày 9 tháng Giêng là trọng thể hơn cả vì đó là dịp người dân Phi Luật Tân cầu mong một năm mới tốt lành. Năm nay cuộc rước kéo dài 7km này lôi cuốn đến 10 triệu người. Trong cuộc rước ngày 9 tháng Giêng hàng năm, bức tượng được đưa từ Tiểu Vương Cung Thánh Đường đến nhà thờ San Nicolás de Tolentino trong khu Intramuros (Nội Thành), là nơi bức tượng được trưng bày trước khi được chuyển đến Quiapo. Sau đó, bức tượng được long trọng rước trở lại để tái diễn lại việc di dời bức tượng. Cuộc rước này, do đó, gọi là Traslación, nghĩa là “chuyển giao long trọng” từ nhà thờ cũ ở Intramuros về nhà thờ mới.

Trong cuộc rước kiệu ngày 9 tháng Giêng, hàng chục ngàn người đi chân đất mặc áo màu vàng và màu hạt dẻ cố chen lấn để chạm được vào tượng Chúa chịu nạn. Nhiều trường hợp khỏi bệnh kỳ lạ và tức khắc đã được ghi nhận.

Những ai không thể chạm vào bức tượng thì ném những chiếc khăn tay của họ vào các tình nguyện viên đứng trên xe hoa được các thanh niên kéo bằng dây thừng. Các tình nguyện viên sẽ lau những khăn này trên những phần của thập tự giá và bức tượng với niềm tin chủ nhân của những chiếc khăn ấy sẽ được chữa khỏi những bệnh tật, được sức khỏe tốt, và một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đám rước hàng năm này, luôn luôn là một sự kiện náo nhiệt và gây nhiều cảm xúc, đã diễn ra dưới sự bảo vệ an ninh rất chặt chẽ. Khoảng 5,000 cảnh sát và quân đội được giao nhiệm vụ bảo vệ cuộc rước kiệu, cùng với những con chó đánh hơi bom và máy bay do thám vần vũ trên bầu trời.

Năm nay cuộc rước tượng Black Nazarene đen đã được khởi động tại thủ đô Manila với thánh lễ nửa đêm mùng 8 rạng ngày mùng 9 do Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Giám Mục Manila, chủ tế và thuyết giảng.

Trong bài giảng của ngài, Đức Hồng Y cho biết ngài kinh hoàng trước các diễn biến đang diễn ra tại Trung Đông. Ngài không khỏi ngậm ngùi khi nhắc lại một tiên đoán đầy bi quan của Đức Hồng Y Louis Sako, là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê Iraq. Nếu chiến tranh diễn ra, năm nay sẽ là năm cuối cùng của người Công Giáo Iraq.

Đức Hồng Y Tagle cũng nhân dịp này kêu gọi người Công Giáo Phi Luật Tân cầu nguyện cho đất nước của chính họ sau khi quốc gia này vừa trải qua trận bão Phanfone gây thiệt hại nghiêm trọng về nhân mạng và tài sản.

Năm ngoái, trong dịp này, ngài đã lên tiếng kêu gọi anh chị em giáo dân hãy phân biệt giữa lòng sùng đạo và sự cuồng tín.

Đức Hồng Y Tagle cho biết chỉ những ai có lòng sùng kính thực sự mới có thể hiểu được ý nghĩa của ngày lễ này. Ngài nói rằng không giống như những kẻ cuồng tín, những người sùng mộ yêu mến Chúa “vô điều kiện”.

“Kẻ cuồng tín không yêu. Kẻ cuồng tín chỉ bám vào những ai là quan trọng đối với họ”, vị Hồng Y nói. “Nhưng một người sùng mộ thì mộ đạo vì tình yêu, và đó là những gì Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy”.

Theo Đức Hồng Y, người sùng đạo sẽ luôn trung thành vì tình yêu. Những người sùng mộ hiệp nhất với Đấng họ yêu mến, bất kể là trong đau khổ, gian truân, hạnh phúc, hay bệnh tật.

Ngài nhắc nhở người Công Giáo rằng là người tôn sùng tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene không chỉ là một việc chỉ diễn trong một ngày hay chỉ trong buổi lễ này.

“Lòng mộ mến là một hành động hàng ngày ... Mọi loại hình thái yêu mến, trung thành và hiệp nhất phải diễn ra hàng ngày”, Đức Hồng Y Tagle nói.

2. Trong 9 năm qua, Chính Thống Giáo Nga xây thêm 110 thánh đường mới tại Mạc Tư Khoa.

Trong 9 năm qua, riêng tại thủ đô Mạc Tư Khoa đã có 110 thánh đường mới của Chính Thống Nga được xây cất, bao gồm 92 nhà thờ lớn và 18 nhà thờ nhỏ.

Hồi cuối năm 2010, Ðức Thượng Phụ Kirill, Giáo Chủ Chính Thống Nga đã phát động “Chương trình 200” nhắm xây cất 200 thánh đường mới tại thủ đô Liên bang Nga để các tín hữu Chính Thống Mạc Tư Khoa có thể tìm thấy những nơi cầu nguyện gần gia cư của họ. Các thánh đường mới được đặt dưới sự bảo trợ của “các vị tử đạo mới”, là những vị thánh hiện đại đã chịu đau khổ vì đức tin dưới thời cộng sản Liên Sô.

Chương trình dự kiến xây các thánh đường mới, để tại thủ đô Nga, cứ 20 ngàn người thì có một nhà thờ. Trong năm 2019, có 7 thánh đường bắt đầu hoạt động, và 12 thánh đường khác sắp hoạt trong trong thời gian tới đây.

Ngoài ra có 29 thánh đường đang được kiến thiết và 19 thánh đường đang chuẩn bị khởi công. Thêm vào đó, có 47 dự án thánh đường đang ở giai đoạn thiết kế đồ án, sau cùng là công trình chuẩn bị thiết kế cho 22 nhà thờ khác.

Ông Vladimir Ressine, Ðại biểu quốc hội Nga, đã thông báo như trên hồi cuối tháng 12 năm 2019.

3. Chiến dịch lễ Ba Vua tại Ðức

Như mọi năm, chiến dịch lễ Ba Vua tại Ðức nhằm gây quỹ tài trợ cho các dự án tại Á Châu, Phi Châu, Mỹ La tinh, Ðông Âu và Châu Ðại Dương đã được khai mạc hôm 28 tháng 12 và kéo dài cho đến ngày lễ Chúa Hiển Linh, 06 tháng Giêng năm 2020, với sự tham dự của 300 ngàn thiếu nhi Công Giáo thuộc các giáo xứ trên toàn quốc.

Tham gia trong chiến dịch này, các em thiếu nhi đi tới các gia đình, hát các bài thánh ca, chúc lành và lạc quyên để tài trợ các dự án cứu trợ, đặc biệt tại những nước đang bị cuộc khủng hoảng người tị nạn. Các thiếu nhi tham gia trong chiến dịch này tiếng Đức gọi là “Sternsinger” hay “Các Ca Viên Ngôi Sao”.

Trong chiến dịch lễ Ba Vua năm ngoái, “Các Ca Viên Ngôi Sao” đã quyên góp được một ngân khoản kỷ lục lên đến 50 triệu và 200 ngàn Euro.

Nếu tính kể từ khi được thành lập vào năm 1959 đến nay, chiến dịch này đã góp được 1 tỷ 140 triệu Euro để tài trợ hơn 74 ngàn dự án tại Á, Phi, Mỹ La tinh, Ðông Âu và Châu Ðại Dương.

Chiến dịch lễ Ba Vua, với các tham dự viên được gọi là “Các Ca Viên Ngôi Sao” không chỉ được tiến hành tại Đức, nhưng còn được tiến hành tại 6 nước Âu Châu khác là Áo, Thụy Sĩ, Rumani, Hung Gia Lợi, Italia và Slovak.

Trong những ngày qua, một phái đoàn gồm các ca viên này từ 7 nước đã đến viếng thăm Roma và Vatican, với cao điểm là tham dự thánh lễ đầu năm 2020 do Ðức Thánh Cha Phanxicô cử hành tại Ðền thờ Thánh Phêrô.

Các em cũng đã viếng thăm đoàn Vệ Binh Thụy Sĩ, và cũng được Ðức Hồng Y Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, tiếp đón.

4. Giám Mục Nigeria than thở: Nhà cầm quyền nước này cực đoan không kém Boko Haram

Vụ phiến quân Hồi giáo ở Nigeria chặt đầu 10 Kitô hữu đã khiến một giám mục nước này phẫn nộ và cáo buộc chính phủ nước này cũng là những người Hồi Giáo cực đoan không kém Boko Haram, và đang sử dụng các phương pháp đa dạng để đạt được cùng một mục tiêu là sự thống trị của Hồi giáo tại Nigeria.

Đứng trước cuộc tấn công vào ngày Giáng sinh của bọn khủng bố Hồi Giáo IS ở Tây Phi, gọi tắt là ISWAP, và cuộc tấn công của Boko Haram vào đêm Giáng sinh, Đức Cha Matthew Hassan Kukah của giáo phận Sokoto đã nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ là ngài ghê tởm chính quyền hiện nay.

Theo Đức Cha Kukah: “Sự khác biệt duy nhất giữa chính phủ và Boko Haram là Boko Haram đang cầm một quả bom trong tay”.

Ngài nói thêm: “Họ đang sử dụng các đòn bẩy quyền lực để bảo đảm quyền thống trị của Hồi giáo, củng cố thêm cho ý tưởng muốn đạt được điều đó bằng bạo lực. Với tình hình này ở Nigeria, thật khó có thể thấy tinh thần muốn đánh bại Boko Haram của họ”.

Ngài nhấn mạnh rằng “Họ đã tạo điều kiện cho Boko Haram có thể hoạt động theo ý muốn của chúng.”

Hôm 26/12/2019, ISWAP đã đưa ra một video trong đó chúng chặt đầu 10 Kitô hữu và bắn chết một người Hồi giáo, và nói rằng chúng đang trả thù cho cái chết của Abu Bakr al-Baghadi, lãnh đạo của bọn khủng bố Hồi Giáo IS và các thành viên IS cao cấp khác bị giết trong một cuộc đột kích của Hoa Kỳ vào tháng 10 .

Vụ này diễn ra sau một cuộc tấn công ngay trong đêm Giáng sinh của Boko Haram, làm bảy người bị thiệt mạng.

Liên Hợp Quốc ước tính rằng hơn 2.2 triệu người đã phải di dời vì các hành động của Boko Haram. Từ năm 2013 đến 2015, hơn 11,000 người đã bị nhóm này giết chết.

Đức Cha Kukah cho biết chính phủ Nigeria đã bổ nhiệm những người Hồi giáo cực đoan vào các vị trí quan trọng trong chính phủ, và đưa ra các thỏa thuận ngầm với các nhóm Hồi Giáo quá khích trong nước.

“Nếu những người có quyền lực không làm hết sức để hòa nhập các Kitô hữu vào các tiến trình chính trị ở quốc gia này thì họ sẽ cung cấp dưỡng khí cho Hồi giáo. Nếu họ muốn xây dựng một quốc gia trong đó chỉ có người theo đạo Hồi mới được nắm quyền lực thì lúc đó họ tung hô ý tưởng cho rằng đạo Hồi nên có vị trí thống trị trong xã hội.”

Đức Cha Kukah cũng lên tiếng phê phán các quốc gia phương Tây, những người mà theo ngài rất vui khi được quyền khai thác tài nguyên của Phi châu nhưng lại miễn cưỡng không bảo vệ người dân.

Ngài nói: “Các quốc gia phương Tây không làm hết sức mình. Họ đã chỉ ra rằng tài nguyên của Phi Châu quan trọng hơn người dân thường. Rõ ràng, các quốc gia phương Tây có thể làm giảm ảnh hưởng của Boko Haram tới 80 hoặc 90 phần trăm - nhưng họ đã cố tình không làm như thế.”

Đức Cha Kukah nói rằng điều duy nhất ngăn Nigeria không bị nhậnn chìm trong cuộc nội chiến là những nguyên lý hòa bình của Kitô giáo.

Ngài nói: “Kitô hữu có tất cả lý do để cảm thấy không an toàn và cũng có một cảm giác chung là bị gạt ra ngoài lề mọi tiến trình chính trị. Nếu các nguyên tắc của tôn giáo của chúng ta không phải là theo đuổi hòa bình và thiện ích chung, thì đã xảy ra một cuộc nội chiến rồi.”

“Chính là vinh quang của tôn giáo của chúng ta mà điều này đã không xảy ra. Nhưng càng ngày càng khó để rao giảng hòa bình trong bối cảnh như thế này. Bất kỳ giải pháp nào ở Nigeria đều phụ thuộc vào cách Kitô hữu quyết định phản ứng như thế nào trước các giải pháp ấy. Chúng ta không muốn sử dụng bạo lực nhưng chúng ta sẽ làm gì đây [khi tiếp tục bị tấn công và chèn ép như thế]?”

5. Đức Thánh Cha nhận đơn từ chức của Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt

Trong quyết định đầu tiên của năm 2020, liên quan đến các Giám Mục trên thế giới, ngày 2 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã nhận đơn từ chức của Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt

Toàn văn tuyên bố của Phòng Báo Chí Tòa Thánh ngày 2 tháng Giêng cho biết như sau:

“Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức Sứ thần Tòa thánh tại Sri Lanka, do Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt, Tổng Giám mục hiệu tòa Rusticiana, trình lên ngài.”

Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt, người Việt Nam duy nhất cho đến nay làm Sứ Thần Tòa Thánh, sinh ngày 15 tháng Tư 1949 tại Lái Thiêu, Huyện Thuận An, Tỉnh Bình Dương

Từ năm 1954, ngài theo học tại trường tiểu học Công Giáo Thánh Phaolô, Lái Thiêu.

Sau đó, ngài tiếp tục học tại Tiểu chủng viện Thánh Giuse Sàigòn từ 1960.

Năm 1967, ngài sang Rôma, theo học tại trường Giáo Hoàng Truyền giáo Urbanô.

Ngài được Đức Hồng Y Agnelo Rossi, Tổng trưởng Thánh bộ Truyền giáo truyền chức linh mục vào ngày 24 tháng Ba 1974 và được cử làm Phó Giám đốc Trường Truyền giáo Rôma.

Hai năm sau đó, vào năm 1976, ngài được cử đi truyền giáo tại Cộng hòa Zaire, nay gọi là Cộng hòa Dân chủ Congo, Phi châu.

Từ năm 1979, Cha Phêrô Nguyễn Văn Tốt gia nhập trường Ngoại giao Tòa Thánh đậu cử nhân giáo luật và tiến sĩ thần học. Ra trường năm 1985, ngài được cử đi phục vụ tại nhiều Sứ Quán Tòa Thánh như tại Panama, Brazil, Congo Zaire, Ruanda, và Pháp.

Ngày 25 tháng 11, 2002, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám mục và làm Sứ thần Tòa Thánh tại Benin và Togo.

Ngày 06 tháng Giêng, 2003, ngài được tấn phong Tổng Giám Mục hiệu tòa Rusticiana. Khẩu hiệu Giám Mục của ngài là “Hãy đi rao giảng cho muôn dân”.

Cuộc đời trong ngành ngoại giao của ngài đã trải qua các nhiệm sở sau:

Sứ thần Tòa Thánh tại Benin (25/11/2002 – 24/08/2005)

Sứ thần Tòa Thánh tại Togo (25/11/2002 – 24/08/2005)

Sứ thần Tòa Thánh tại Chad (24/08/2005 – 13/05/2008)

Sứ thần Tòa Thánh tại Cộng Hòa Trung Phi (24/08/2005 – 13/05/2008)

Sứ thần Tòa Thánh tại Costa Rica (13/05/2008 – 22/03/2014)

Sứ thần Tòa Thánh tại Sri Lanka 22/03/2014 –02/01/ 2020)

Quyết định thứ hai của Đức Thánh Cha cũng là một quyết định nhận đơn từ chức. Ngài đã nhận đơn từ chức của Đức Cha Richard Brendan Higgins, Giám Mục Phụ Tá của giáo phận quân đội Hoa Kỳ.

6. Đức Hồng Y Turkson nhận định: Trên bờ vực chiến tranh, chúng ta phải hướng nhìn đến hòa bình

Việc giết một chỉ huy quân đội Iran chủ chốt đánh dấu sự leo thang rất lớn trong căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Đức Hồng Y Peter Turkson, tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện đã nhận định như trên và nhận xét thêm rằng: “đó là một khởi đầu đáng buồn của năm mới, tuy nhiên, chúng ta nên hướng đến hòa bình, là điều bắt nguồn từ đức cậy.”

Căng thẳng giữa Washington và Tehran đã leo thang đáng kể sau khi một chỉ huy quân sự hàng đầu của Iran, Tướng Qasem Soleimani, bị giết vào sáng sớm hôm thứ Sáu 3 tháng Giêng trong một cuộc không kích của Mỹ tại Iraq. Tướng Soleimani là người đứng đầu Lực lượng Quds, được giao nhiệm vụ hoạt động vượt ra khỏi biên giới Iran.

Nói về sự leo thang căng thẳng lớn giữa Mỹ và Iran, Đức Hồng Y Peter Turkson, tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện, nhận xét rằng “Thật là điều đáng buồn và đau lòng khi chuyện đó xảy ra chỉ vài ngày khi chúng ta bắt đầu năm mới với đầy nhiệt tình, đầy hy vọng cho hòa bình và thanh thản, nhưng rồi chúng ta phải đón nhận tin tức về bạo lực và chiến tranh ở những nơi khác trên thế giới.”

Đức Hồng Y tổng trưởng nói với ký giả Amadeo Lomonaco của Vatican News rằng đối với các Kitô hữu “chúng ta biết rằng Cứu Chúa và là nhà lãnh đạo của chúng ta đã chào đời trong những tình huống như vậy.”

Ngài nói tiếp rằng “trong khi chúng ta nói về hòa bình, vẫn có những thế lực trên thế giới sẽ nói về bạo lực với chúng ta, và chỉ khi nào chúng ta nắm chặt tay Chúa chúng ta, vị Hoàng tử hòa bình, chúng ta mới có thể vượt qua được tất cả những trở ngại này.”

Khi được hỏi về thông điệp ngày 1 tháng Giêng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đánh dấu Ngày Hòa bình Thế giới, Đức Hồng Y Turkson nhắc lại rằng Đức Giáo Hoàng mời mọi người xem hòa bình như một cuộc hành trình. Hòa bình đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn. Hòa bình cũng đòi hỏi rất nhiều thử thách và rất nhiều đấu tranh. Nhưng ngài nói thêm rằng những đấu tranh này bắt nguồn từ hy vọng lớn lao, là nhân đức “bắt nguồn từ thực tế là thực tại hòa bình đang được Chúa Giêsu, Hoàng tử hòa bình đưa vào thế giới.”

Cuộc tấn công vào sáng sớm thứ Sáu, cũng đã giết chết chỉ huy dân quân hàng đầu của Iraq, là ông Abu Mahdi al-Muhandis, một cố vấn của Soleimani. Cuộc tấn công diễn ra theo lệnh của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Bộ trưởng Ngoại giao, Mike Pompeo nói rằng cuộc tấn công nhằm triệt hạ từ trong trứng nước một “cuộc tấn công sắp xảy ra” sẽ khiến người Mỹ ở Trung Đông gặp nguy hiểm. Cuộc tấn công hôm thứ Sáu đã dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ các căng thẳng lâu dài giữa Hoa Kỳ và Iran. Vài ngày trước đó, hôm thứ Ba, các dân quân thân Iran đã tấn công Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Iraq. Washington cũng đổ lỗi cho Tehran về các cuộc tấn công trước đó vào các tàu vận tải của Mỹ trong vùng Vịnh.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Baghdad khuyên tất cả công dân Mỹ rời khỏi Iraq ngay lập tức. Các đồng minh của Hoa Kỳ ở Châu Âu, bao gồm Anh, Pháp và Đức, đã bày tỏ lo ngại về sự leo thang căng thẳng. Hôm thứ Sáu, ngoại trưởng Anh Dominic Raab kêu gọi tất cả các bên xuống thang. “Chúng tôi không thấy hứng thú trước một cuộc xung đột khác,” ông nói.

Phản ứng trước cuộc không kích, lãnh đạo tối cao của Iran là đạo trưởng Hồi Giáo Ayatollah Ali Khamenei nói rằng “đòn trả thù nghiêm trọng đang chờ đợi bọn tội phạm” đứng đằng sau vụ tấn công này.

7. Ảnh hưởng của vụ không kích giết chết tướng Soleimani đối với các cộng đoàn Kitô Trung Đông

Có nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng các cộng đồng Kitô giáo ở Trung Đông có thể bị bách hại hơn nữa sau cuộc không kích của Mỹ giết chết tướng Soleimani cuả Iran.

Như chúng tôi đã tường trình, tướng Qasem Soleimani là vị chỉ huy Lực lượng Quds của Vệ binh Cách mạng Iran, đã bị giết chết trong cuộc không kích ngày 3 tháng Giêng tại Sân bay Quốc tế Baghdad, do Tổng thống Donald Trump ra lệnh. Cùng bị giết với ông ta là tướng Abu Mahdi al-Muhandis, lãnh đạo Lực lượng dân quân tình nguyện cuả Iraq.

Cuộc không kích này diễn ra sau khi đại sứ quán Mỹ ở Baghdad bị tấn công đốt phá và các quan chức Mỹ tuyên bố rằng ông Soleimani đang âm mưu mở thêm nhửng cuộc tấn công mới vào cơ sở Mỹ.

Trong bối cảnh xung đột leo thang và bất ổn ở khu vực, các nhóm Kitô giáo đã lên tiếng kêu cứu xin quốc tế cần phải tập trung vào các cộng đồng tôn giáo thiểu số đã bị bỏ ra ngoài lề xã hội ở đây.

“Tướng Soleimani và Lực lượng Quds của ông đã từng tàn phá các cộng đồng Kitô hữu và những người khác ở Iraq, Iran, Li Băng và Syria trong nhiều thập kỷ. Chúng tôi mong mỏi sự ra đi của ông sẽ kết thúc một kỷ nguyên khủng bố và bất ổn,” theo lời ông Peter Burns, giám đốc phòng liên lạc với các chính phủ cuả tổ chức Bảo vệ Kitô hữu (IDC).

“Nhưng,” ông Burns nói thêm “có những lo ngại rằng khu vực này sẽ trở nên bất ổn định, và điều này có thể làm tăng khả năng tấn công vào các nhóm thiểu số tôn giáo.”

“Tổ chức IDC đang theo dõi tình hình chặt chẽ để đảm bảo rằng các cuộc tấn công như vậy không xảy ra,” ông nói.

Tổ chức của ông đã kêu gọi chính phủ Iraq và Syria hợp tác để bảo đảm sự an toàn của những người biểu tình từng bị tấn công bởi những bọn côn đồ được Iran hỗ trợ, và ông Burns lưu ý rằng Kitô hữu ở các quốc gia này đã biểu tình bên cạnh người Hồi giáo để cải cách chính trị và kinh tế.

“Quyền tụ họp và đòi hỏi cải cách của họ không thể bị Iran dùng bạo lực để đe dọa và trả đũa” ông Burns nói.

Mặc dù chưa rõ những hệ lụy do cuộc không tập ngày 3 tháng 1 vừa qua sẽ ra sao, nhưng nhiều người cho rằng nguy cơ bị khủng bố và bị tấn công có thể gia tăng đối với các Kitô hữu.

8. Quan ngại của các tổ chức bênh vực Kitô hữu

“Dù cho bất cứ điều gì xảy ra tiếp theo ở Iraq, điều quan trọng là chúng ta không quên hoàn cảnh của các Kitô hữu ở đây, họ đã bị ảnh hưởng nặng nề - và thường là nạn nhân trực tiếp - trong các tình huống biến động và bạo lực,” theo ông Andrew Walther. Phó Chủ tịch Truyền thông của hội Hiệp sĩ Columbus.

Ông Walther cho biết, sự an toàn và sự sống còn của các cộng đồng này, vừa bị tàn phá bởi chiến dịch diệt chủng của ISIS, vẫn phải là ưu tiên hàng đầu.

Hội Hiệp sĩ Columbus đã chi ra hơn 25 triệu đô la trong 5 năm qua để hỗ trợ các Kitô hữu ở Trung Đông, đặc biệt là ở Iraq và Syria.

Cha Luis Montes, một linh mục người Á Căn Đình của Dòng Ngôi Lời Nhập Thể và là một nhà truyền giáo ở Iraq, nói rằng tuy cuộc không kích là khá nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa thấy có dấu hiệu trực tiếp nào chống lại Kitô hữu.

Cha Montes nói rằng ngài lo ngại những bất ổn ở Iraq sẽ khiến cuộc sống của các Kitô hữu trở nên khó khăn hơn.

“Chiến tranh ảnh hưởng đến các Kitô hữu nhiều hơn đến những người khác bởi vì người Kitô hữu chúng ta là thiểu số, chúng ta không được bảo vệ. Hầu hết các Kitô hữu đã rời khỏi khu vực, điều này càng làm xói mòn những nỗ lực giúp ổn định đất nước.”

Ông Edward Clancy là giám đốc ngoại giao của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cũng lo ngại rằng sự bất ổn mới sẽ gây nguy hại cho dân số Kitô giáo. Ông nói rằng phản ứng ban đầu của ông sau khi nghe về cuộc không kích là “Oh No,” nhưng đồng thời ông cũng không bỏ mất hy vọng.

“Hoạt động khủng bố sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các Kitô hữu. Nhưng không nhất thiết là vì số người bị giết, mà là số người có còn ở lại hay không. Vì tình trạng thiếu an toàn cho nên người ta sẽ tìm cách bỏ đi”, ông nói.

“Vì vậy, ngay bây giờ, là vô cùng quan trọng cho bất cứ ai có thể cung cấp nó, cung cấp cho cộng đồng Kitô giáo một cảm giác vững tâm về an ninh,” ông Clancy nói.

Ông Clancy đặc biệt lưu tâm đến khu vực bình nguyên Ninivê, nơi có một số cộng đồng Kitô giáo lâu đời nhất thế giới, nhưng thiếu cơ sở hạ tầng và mạng lưới truyền thông, và các Kitô hữu từng bị bị bỏ rơi thẳng thừng trong những tình huống rất khó khăn.

“Ngày nay cộng đồng đó rất dễ bị tổn thương.”

“Chúng ta thực sự cần cảnh giác cầu nguyện cho những người này, và chúng ta cũng cần gây áp lực lên những giới hữu trách để đảm bảo rằng những cộng đồng Kitô giáo này không bị lãng quên.”

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Liên hệ

Tinvuiviet.net kính chào Quý vị và các bạn. Chúng tôi luôn mong nhận được bài vở cộng tác của mọi người. Xin cám ơn.   Liên hệ: Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: dominicnguyenop@gmail.com. Chân thành cảm ơn Quý vị và các bạn đã ghé thăm site. Kính chúc Quý vị...

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Trong Mùa Chay bạn làm gì để tỏ lòng sám hối ?

Ăn chay. Hãm mình.

Bác ái, chia sẻ.

Hoán cải đời sống, đi xưng tội.

Năng tham dự thánh lễ.

Cầu nguyện nhiều hơn.