www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
04:58 CDT Thứ năm, 28/03/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 83

Máy chủ tìm kiếm : 14

Khách viếng thăm : 69


Hôm nayHôm nay : 3255

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 830949

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 19052144

Trang nhất » Tin Tức » Tin Tức » Tôn Giáo

Video: Số ca nhiễm bệnh tại Mỹ tăng phi mã. Đức Thánh Cha nghẹn ngào trước cái chết của các bác sĩ và y tá

Thứ tư - 25/03/2020 07:19
Tin thế giới

Tin thế giới

Tính cho đến chiều Thứ Ba 24 tháng Ba, số người chết vì coronavirus, hay COVID-19 trên toàn thế giới vẫn tiếp tục gia tăng ở mức đáng âu lo với 16,568 người chết, và số người nhiễm bệnh lên đến 382,057 người. Như thế, trong 24 giờ qua, toàn thế giới đã có thêm 1,812 người bị thiệt mạng và 40,361‬ trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận.

Số trường hợp tử vong tại Ý vẫn tiếp tục gia tăng một cách đáng âu lo. Tính đến sáng Thứ Ba 24 tháng Ba, số người chết vì coronavirus tại Ý đã lên đến 6,077 người, và 63,927 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Như thế, trong 24 giờ qua, tại Ý đã có thêm 601 người bị thiệt mạng và 4,789 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Cứ đà này thì trong vài ngày tới số trường hợp nhiễm bệnh tại Ý sẽ cao hơn cả số người nhiễm bệnh tại Hoa Lục, và số người chết sẽ gấp đôi số người thiệt mạng tại Trung Quốc.


Đó là nói theo các con số chính thức do bọn cầm quyền Bắc Kinh thông báo. Con số thật là một bí mật quốc gia của bọn cầm quyền cộng sản, không ai biết được.

Cho đến nay, Bắc Kinh thừa nhận trên toàn cõi Hoa Lục con số thương vong là 3,277 người chết, và 81,171 trường hợp nhiễm bệnh. Trong số các trường hợp nhiễm bệnh này, Bắc Kinh cho biết đã có 73,159 người đã hoàn toàn khỏi bệnh. Trong cuộc họp báo sáng thứ Ba, bộ Y tế Trung Quốc nói chỉ có 5,120 người đang nhiễm bệnh, trong đó có 1,749 trường hợp nghiêm trọng phải nằm bệnh viện, số còn lại được cho về nhà, cách ly tại gia.

Sau Trung Quốc và Italia, Hoa Kỳ đang là nước thứ ba trên thế giới về phương diện nhiễm bệnh với 46,145 trường hợp. Số trường hợp tử vong tại Hoa Kỳ đã lên đến 582 người.

Các nhân viên y tế từ Đông sang Tây của Hoa Kỳ cho biết họ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu khẩu trang y tế, máy thở và nhân viên rất nghiêm trọng vì nhiều bác sĩ và y tá cũng bị nhiễm bệnh.

11 bệnh viện công của thành phố New York sẽ chỉ có thể vượt qua được tuần này trước khi họ bắt đầu đạt đến “một điểm mà không phải mọi người đều thể được cứu”, Thị trưởng Bill de Blasio cho biết hôm thứ Hai.

Bác sĩ phẫu thuật Jerome Adams của Hoa Kỳ nói trong chương trình “Today” của NBC hôm thứ Hai rằng: “Tôi muốn người Mỹ nên hiểu rằng, tình hình đã trở nên tồi tệ.”

“Chúng tôi thực sự, thực sự cần tất cả mọi người ở nhà. Tôi nghĩ rằng có rất nhiều người đang làm những điều đúng đắn, nhưng cũng có rất nhiều người nghĩ rằng coronavirus không thể xảy ra với họ.”

Tại Tây Ban Nha, đến nay đã có 35,136 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 2,313 người chết. Trong 24 giờ của ngày thứ Hai, Tây Ban Nha đã phải chứng kiến cái chết của 539 người, là số tử vong trong một ngày cao nhất cho đến nay.

Tại Đức đã có 123 người chết; và 29,056 trường hợp nhiễm bệnh.

Tiếp theo là Iran với 1,812 người chết, tăng 127 người trong vòng 24 giờ; và 23,049 trường hợp nhiễm bệnh, tức là chỉ trong 24 giờ đã có thêm 1,411 trường hợp nhiễm bệnh mới được ghi nhận.

Các Giám Mục Ba Lan thể hiện sự gần gũi với anh chị em giáo dân qua các chương trình trực tuyến

Đức Cha Romuald Kamiński, Giám Mục giáo phận Warszawa-Praga, chủ tịch Ủy Ban Truyền Thông Hội Đồng Giám Mục cho biết trong tình hình hiện nay, khi nhiều nơi các thánh lễ đã bị đình chỉ, khi Giáo Hội và thế giới đang đối diện với một thử thách thật khó khăn, nhiều người trong chúng ta mất tinh thần, các Giám Mục đã quyết định phát trên Youtube và các đài truyền hình địa phương một chương trình tĩnh tâm trên toàn quốc có chủ đề “đức tin, hy vọng và tình yêu”. Chương trình này được bắt đầu từ ngày 24 tháng Ba và sẽ kéo dài trong sáu ngày với các bài thuyết giảng vào lúc 8 giờ, 16g và 20g.

Các bài thuyết giảng chỉ kéo dài trong hai phút, sau đó là cùng nhau lần chuỗi Mân Côi. Các chương trình này có thể được xem đăng trên Twitter, Facebook, kênh YouTube của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan và trên trang web www.episkopat.pl, cũng như trên kênh YouTube của đài truyền hình SalveNet.

“Chúng tôi mời anh chị em đón xem từ ngày 24 đến 29 tháng Ba,” ngài nói.

Lần chuỗi Mân Côi tại thành phố Palermo cầu nguyện cho đất nước trước dịch bệnh kinh hoàng

Tại tổng giáo phận Palermo, Đức Tổng Giám Mục Corrado Lorefice đã có sáng kiến chủ sự mỗi ngày một buổi đọc kinh Mân Côi cầu nguyện cho đất nước và thành phố trước tình hình dịch bệnh kinh hoàng.

Ngài đến nhà thờ, cầu nguyện một mình trước di hài của Thánh Rosalia, trước khi cùng lần chuỗi với anh chị em giáo dân tham gia trực tuyến. Trong đoạn video quý vị và anh chị em đang xem thấy đây, Đức Tổng Giám Mục cầu nguyện như sau: “Lạy Thánh Rosalia, con phó dâng đất nước và thành phố của chúng con, cũng như tất cả các thành phố trên thế giới cho sự cầu bầu của ngài. Xin cho chúng con sớm được giải thoát khỏi bệnh dịch quái ác này đang gây ra các đau thương trên các cơ thể và làm suy yếu tâm trí chúng con”.

Sau đó, ngài đốt lên một ngọn nến lần chuỗi Mân Côi cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Các Giám Mục Bồ Đào Nha mời gọi các quốc gia trên thế giới thánh hiến tại Fatima

Vào ngày thứ Tư 25 tháng Ba, Lễ Truyền Tin, các quốc gia từ khắp nơi trên thế giới có thể được thánh hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Vô nhiễm Đức Maria trong một cử hành phụng vụ tại Fatima, được xây dựng tại nơi vào năm 1916 và 1917 Đức Trinh Nữ Mary đã hiện ra với ba đứa trẻ Bồ Đào Nha.

Để đối phó với đại dịch coronavirus toàn cầu, Hội Đồng Giám Mục Bồ Đào Nha tuyên bố vào tuần trước rằng các ngài sẽ tái thánh hiến Bồ Đào Nha cho Chúa Kitô và Đức Maria vào tối ngày 25 tháng Ba. Ngay sau khi thông báo này được đưa ra, Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha đã yêu cầu các Giám Mục Bồ Đào Nha cũng thánh hiến Tây Ban Nha cùng buổi cử hành phụng vụ này.

Tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Bồ Đào Nha nói với ACI Digital, đối tác tin tức tiếng Bồ Đào Nha của CNA, rằng bất kỳ quốc gia nào khác cũng có thể tham gia sáng kiến này, chỉ đơn giản là đưa ra một yêu cầu từ Hội Đồng Giám Mục.

Trong phụng vụ cử hành ngày 25 tháng 3, Đức Hồng Y Manuel Clemente, là Thượng Phụ Lisbon, cùng với Đức Hồng Y António Marto, giám mục giáo phận tại Fatima, sẽ chủ sự lần chuỗi Mân côi, trước khi thánh hiến bán đảo Iberia, cùng với bất kỳ quốc gia nào khác tham gia vào sáng kiến này, lên Thánh Tâm của Chúa Giêsu và Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ.

Cho đến sáng thứ Ba 24 tháng Ba, đại dịch coronavirus đã lây nhiễm gần 400,000 người và giết chết hơn 16,000 người trên toàn thế giới. Tại Bồ Đào Nha, hơn 2,000 người đã bị nhiễm bệnh và hơn 20 người đã thiệt mạng. Ở nước láng giềng Tây Ban Nha, hơn 30,000 người đã bị nhiễm bệnh và 2,200 người đã thiệt mạng.

Đức Thánh Cha nghẹn ngào trước tấm gương anh hùng của các bác sĩ và y tá

Lúc 7 sáng thứ Ba 24 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho các nhân viên y tế. Như chúng tôi đã đưa tin, tại một bệnh viện trong vùng Cremona, cách Rôma 513km về phía Tây Bắc, một số nhân viên y tế đã qua đời vì nhiễm bệnh sau khi làm việc kiệt sức nhiều giờ trong một ngày. Thi thể họ phải để tạm trong nhà nguyện của bệnh viện. “Đứng trước số bệnh nhân quá đông, chúng tôi không muốn thấy họ chết, nên chúng tôi cố làm việc, thường khi đến 18, 20 giờ trong một ngày. Xin cầu nguyện cho chúng tôi,” một người y tá nói.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nghẹn ngào nói trong một cố gắng để đừng bật khóc:

Tôi đã nhận được tin rằng trong những ngày này, một số bác sĩ và linh mục đã chết, không ít y tá cũng đã thiệt mạng. Họ đã bị nhiễm bệnh vì gắng sức cứu các bệnh nhân. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, cho gia đình của họ. Tôi cảm tạ Chúa vì tấm gương anh hùng mà họ dành cho chúng ta trong việc chăm sóc các bệnh nhân.

Bài giảng của Đức Thánh Cha đã tập trung vào chủ đề sự thờ ơ như được trình bày trong các bài Phúc Âm của ngày Thứ Ba trong Tuần thứ tư Mùa Chay.

PHÚC ÂM: Ga 5, 1-3a. 5-16

“Tức khắc người ấy được lành bệnh”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Hôm đó là ngày lễ của người Do Thái, Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Tại Giêrusalem, gần cửa “Chiên”, có một cái hồ, tiếng Do Thái gọi là Bếtsaiđa, chung quanh có năm hành lang. Trong các hành lang này, có rất nhiều người đau yếu, mù loà, què quặt, bất toại nằm la liệt. Trong số đó, có một người nằm đau liệt đã ba mươi tám năm. Khi Chúa Giêsu thấy người ấy nằm đó và biết anh đã đau từ lâu, liền hỏi: “Anh muốn được lành bệnh không?” Người đó thưa: “Thưa Ngài, tôi không được ai đem xuống hồ, mỗi khi nước động. Khi tôi lết tới, thì có người xuống trước tôi rồi”. Chúa Giêsu nói: “Anh hãy đứng dậy vác chõng mà về”. Tức khắc người ấy được lành bệnh. Anh ta vác chõng và đi. Nhưng hôm đó lại là ngày Sabbat, nên người Do Thái bảo người vừa được khỏi bệnh rằng: “Hôm nay là ngày Sabbat, anh không được phép vác chõng”. Anh ta trả lời: “Chính người chữa tôi lành bệnh bảo tôi: “Vác chõng mà đi”. Họ hỏi: “Ai là người đã bảo anh “Vác chõng mà đi?” Nhưng kẻ đã được chữa lành không biết Người là ai, vì Chúa Giêsu đã lánh vào đám đông tụ tập nơi đó.

Sau đó, Chúa Giêsu gặp anh ta trong đền thờ, Người nói: “Này, anh đã được lành bệnh, đừng phạm tội nữa, kẻo phải khốn khổ hơn trước”. Anh ta đi nói cho người Do Thái biết chính Chúa Giêsu là người đã chữa anh ta lành bệnh.

Vì thế người Do Thái gây sự với Chúa Giêsu, vì Người đã làm như thế trong ngày Sabbat.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Các bài đọc trong ngày nói về nước là một dấu chỉ và một phương tiện cứu rỗi. Nước mang lại sự sống, và chữa lành cả “vùng biển”, làm cho nó trở thành vùng nước mới.

Chính là bên cạnh một hồ nước mà Chúa Giêsu gặp một người đàn ông bị liệt. Anh ta đã chờ đợi để được chữa lành bên cạnh dòng nước đó trong suốt 38 năm.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đào sâu vào sự bất nhất của một người đàn ông đã chờ đợi rất lâu mà không chịu làm gì để tự giúp mình.

Câu chuyện này làm cho chúng ta suy nghĩ. Chờ đợi như thế là quá lâu phải không nào? Bởi vì ai đó muốn được chữa lành sẽ làm mọi cách để có ai đó giúp anh ta chứ.

Phản ứng của anh ta cũng khiến chúng ta ngạc nhiên. Khi Chúa hỏi anh ta có muốn được chữa lành không, anh ta không hề nói: Vâng xin chữa cho tôi. Nhưng anh ta phàn nàn: “tôi không được ai đem xuống hồ, mỗi khi nước động. Khi tôi lết tới, thì có người xuống trước tôi rồi”. Chúng ta cũng không thấy anh ta nhảy lên vì sung sướng, hay nói cho cả thế giới hay biết, như những người khác đã làm sau khi họ được chữa lành. Anh ta thậm chí cũng chẳng cám ơn Chúa Giêsu khi gặp lại Chúa trong Đền thờ. Thay vào đó, anh ta đi thông báo cho chính quyền. Có điều gì không đúng với người đàn ông này chăng?

Trái tim anh bị bệnh. Tâm hồn anh có vấn đề. Anh ta suy nhược vì bi quan, vì nỗi buồn, vì sự lãnh đạm không thiết tha sự gì. Đây là một con người đau yếu. Khi Chúa hỏi anh, anh chẳng tha thiết trả lời “Có, tôi muốn được chữa lành”. Trái lại, phản ứng của anh ta trước thiện chí của Chúa là lời càm ràm “những người khác luôn đến trước tôi” trong suốt 38 năm anh không tích cực làm gì để được chữa lành.

Đức Thánh Cha mô tả đây là một tội lỗi thường thấy trong cuộc đời, khi người ta không làm gì tích cực cho chính cuộc sống mình nhưng không ngừng phàn nàn về những người khác. Nó kìm hãm người đàn ông này trong suốt 38 năm ròng rã không đưa ra bất kỳ quyết định nào cho cuộc sống của chính mình. “Tôi là nạn nhân của cuộc đời này”. Đó là câu nhiều người thường nói.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng những hạng người này hít thở bằng cách phàn nàn. Chúng ta không nhìn thấy nơi người đàn ông này “niềm vui và ý chí” của người đàn ông mù từ khi mới sinh ra và đã được chữa lành, như được tường thuật trong bài Tin Mừng hôm thứ Hai Tuần thư Mùa Chay. “Nhiều người trong chúng ta sống trong tình trạng thờ ơ này,” Đức Thánh Cha cảnh báo.

Họ không có khả năng làm nhiều việc như người khác nhưng họ phàn nàn về mọi thứ. Sự thờ ơ lãnh đạm là chất độc. Nó là một màn sương mù bao quanh linh hồn, không cho phép linh hồn ta sống. Nó cũng là một loại thuốc gây nghiện ngập bởi vì nếu anh chị em nếm nó thường xuyên, anh chị em sẽ thích nó. Cuối cùng anh chị em nghiện nỗi buồn, nghiện sự tẻ nhạt. Đây là một tội lỗi khá thường xuyên trong số chúng ta. Nỗi buồn, sự thờ ơ. Tôi không nói là u sầu, nhưng nó rất giống nhau. Đó là một cuộc sống xám xịt, mờ mịt vì thái độ thối chí, buồn bã, u sầu này.

Đức Thánh Cha kết luận bài giảng bằng cách khuyến khích chúng ta đọc lại chương 5 của Phúc Âm theo Thánh Gioan.

Hãy nghĩ về nước, nước là biểu tượng cho sức mạnh của chúng ta, cho cuộc đời chúng ta – hãy nghĩ về nước mà Chúa Giêsu dùng để tái sinh chúng ta trong Bí tích Rửa tội. Chúng ta cũng hãy nghĩ về bản thân mình và cảnh giác để đừng ai trong chúng ta rơi vào mối nguy hiểm của tình trạng thờ ơ này, vào thứ tội lỗi trung tính này - không phải đen cũng chẳng phải là trắng. Đây là một tội lỗi mà ma quỷ có thể sử dụng để nhấn chìm đời sống tinh thần và đời sống cá nhân của chúng ta. Xin Chúa giúp chúng ta hiểu tội lỗi này khủng khiếp và xấu xa đến mức nào.


Source:Vatican News
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Tin Vui Việt

Trang thông tin điện tử để tìm hiểu về Đạo Công Giáo.Mong rằng qua trang Tin Vui Việt này sẽ giúp Quý Vị hiểu hơn về đời sống đạo.Nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn tác động để mỗi người nhận ra Thiên Chúa là Chân, Thiện, Mỹ.bbttinvui

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Trong Mùa Chay bạn làm gì để tỏ lòng sám hối ?

Ăn chay. Hãm mình.

Bác ái, chia sẻ.

Hoán cải đời sống, đi xưng tội.

Năng tham dự thánh lễ.

Cầu nguyện nhiều hơn.